Nghệ sĩ kèn saxophone Quyền Thiện Đắc: Luôn chơi hết mình

Chủ Nhật, 03/01/2010, 14:55
Quyền Thiện Đắc sinh năm 1979 tại Hà Nội. Anh là con trai duy nhất của nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh. Nối nghiệp cha, năm 12 tuổi, Đắc theo học kèn Clarinette tại Nhạc viện Hà Nội. Đến năm 1994, Đắc bắt đầu học saxophone.

Từ năm 1997, anh thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn nhạc Jazz tại Hà Nội. Để đi dài hơi với niềm đam mê nhạc Jazz, sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp Nhạc viện Hà Nội, anh đã thi đỗ học bổng (3 năm) tại Trường Đại học Berklee College of Boston - Mỹ.

Trở về nước với số điểm tốt nghiệp cao nhất của ngành nhạc jazz cùng phần thưởng của Trường Berklee là học bổng danh dự của khoa Kèn, nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc tung ra hai CD "Sự tỏa sáng trong tâm hồn" và "Việt Nam bóng dáng quê hương". Anh cũng đã tiếp tục tham gia hàng chục buổi biểu diễn trong và ngoài nước, đặc biệt là ở CLB Jazz Việt của hai cha con anh tại Nhà hát Thăng Long.

Ngày 12/1 tới đây, Quyền Thiện Đắc sẽ biểu diễn liveshow cá nhân mang tên "A Love Supreme" tại Nhà hát Lớn để tưởng niệm huyền thoại nhạc Jazz John Coltrane.

- Thưa anh, đây là liveshow cá nhân thứ 2 sau 5 năm kể từ chương trình đầu tiên của anh tại Việt Nam. Liệu nó sẽ có những điểm khác biệt gì để đánh dấu sự trưởng thành của anh trong lòng những người yêu âm nhạc?

- Như đã nói ở trên, chương trình này có tiêu đề là "A Love Supreme" - một chương trình để tưởng nhớ huyền thoại nhạc Jazz John Coltrane. Ông là một nghệ sĩ kèn Saxophone nổi tiếng trên thế giới vào những thập kỷ 50 - 60 thế kỷ trước.

Những tác phẩm của ông đều được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao, vì vào thời kỳ đó màu sắc âm nhạc của ông đã mang hơi thở của Jazz đương đại. Những bản nhạc mà ông sáng tác và tự chơi đều rất khó về lĩnh vực chuyên môn, như hòa thanh, tiết tấu và phong cách cũng khác.

Tiêu đề của chương trình cũng là tên tác phẩm mà tứ tấu của tôi trình diễn. Đây là một trong những tác phẩm kinh điển nhất của ông, nó sẽ có thời lượng gần 50 phút. Sau đó, tôi sẽ kết hợp với một số khách mời biểu diễn thêm 3 tác phẩm nữa của ông là "Some Other Blues", "Naima", "Mr.PC".

- Theo chủ quan, anh kỳ vọng điều gì ở bản thân mình trong chương trình lần này?

- "A Love Supreme" là một tác phẩm vĩ đại, tôi hy vọng sau khi chúng tôi chơi bản nhạc này, sẽ có điều kiện để công chúng thưởng thức thêm một thể loại khác của Jazz.

- Một thể loại khác?

- Có thể nói thể loại tới đây tôi sẽ chơi không phải là Jazz kinh điển mà là một thể loại Jazz đương đại.

- Anh từng mong muốn sẽ Việt hóa Jazz bằng cách chơi những bản Jazz mang âm hưởng dân gian, liệu trong chương trình này anh có thử nghiệm điều đó?

- Chương trình này là một chương trình tưởng nhớ tới John Coltrane, vì thế chúng tôi chỉ chơi bài của ông và đưa những tác phẩm của ông tới công chúng Việt Nam.

- Tuy là đêm solo của anh nhưng chắc sẽ có sự góp mặt của người cha - người thầy đầu tiên của anh - Nghệ sĩ Quyền Văn Minh?

- Tất nhiên là có, ông sẽ biểu diễn với tôi một bản nhạc có tên là "Naima".

- Có người cho rằng, âm nhạc của anh, với chặng đường đi còn quá ngắn ngủi, đã bắt đầu ngân vang xa hơn cha của mình, anh nghĩ sao về điều đó?

- Tôi cảm ơn vì những lời nhận xét đó, suy cho cùng, đó cũng là nhờ cha mà tôi mới có được như ngày hôm nay. Nghĩa là có cơ hội được đi học chính quy và bài bản hơn ông. Vả lại, các cụ hay nói rằng "Con hơn cha là nhà có phúc" mà (cười!).

- Có lẽ điều may mắn hơn của anh là ngay khi vừa có một vốn căn bản được học từ trường, nhạc viện, anh lại tiếp tục được đào tạo nhiều năm ở nước ngoài, ở một môi trường chuyên biệt, nó là một cánh cửa rộng mở ở nhiều phía. Trong những năm đi học trường Jazz Berklee (Boston, Mỹ), điều anh thu nhận được về nhạc Jazz là gì?

- Tôi có được rất nhiều kinh nghiệm trong những năm tháng học ở Berklee, nhất là kinh nghiệm biểu diễn, mà đây là điều rất quan trọng đối với người nghệ sĩ. Ví dụ như có nhiều thời gian làm việc với cây kèn và những lớp hòa tấu, được biểu diễn với thầy giáo, sinh viên giỏi trên khắp thế giới. Còn ở trong nước khi đang theo học tại Nhạc viện Hà Nội, tôi không có nhiều cơ hội để được cọ xát. Vì thời điểm đó, nhạc Jazz chưa phát triển mạnh tại Việt Nam.

- Nói đến đây, tôi bỗng nhớ lại một vài thông tin đã biết về anh, nghe nói, hồi xưa, cha anh phải thúc giục anh nhiều lắm thì anh mới có được niềm đam mê âm nhạc như bây giờ. Có kỷ niệm nào về những điều đó mà anh vẫn còn nhớ?

- Tôi nhớ khi còn nhỏ, ông lúc nào cũng giục và bắt tôi phải tập luyện cơ bản. Có một lần tôi chứng kiến ông tập một bản nhạc cổ điển viết cho violon, ông chuyển soạn sang cho kèn saxophone. Sau đó, tôi đã nằm mơ thấy là tôi chơi được bản nhạc đó… Kỷ niệm này là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp âm nhạc của tôi.

- Anh có nhớ cái cảm giác đầu tiên ngày anh mới cầm chiếc kèn saxo, mà với anh bây giờ nó gắn bó như là định mệnh?

- Khi cầm cây kèn saxo lần đầu, tôi không nghĩ là nó sẽ gắn bó với tôi cho tới hết cuộc đời này. Cảm giác của tôi với cây kèn saxo phải mất tới 4 năm, sau khi đã luyện tập với nó tôi mới thật sự yêu quý nó.

- Nghe nói, để đổi lại sự yêu quý của anh thì bố anh đã phải hy sinh sự yêu quý những chiếc kèn của ông, bằng chứng là để nuôi anh ăn học, ông đã phải bán đi dăm bảy chiếc kèn saxophone rất giá trị. Có bao giờ cha con anh ngồi ôn lại với nhau những kỷ niệm đó? Và liệu anh có ý định sẽ mua “đền” ông những chiếc kèn mới?

- Tôi không biết đến bao giờ sẽ mua “đền” lại được cho ông 7 cây kèn mà ông đã bán lấy tiền cho tôi ăn học tại nước ngoài. Thỉnh thoảng, vào những lúc rảnh rỗi, cha con tôi cũng ôn lại những kỷ niệm này. Về phần tôi, có lẽ tôi chỉ còn biết chơi nhạc thật hay, thật giỏi để bù đắp lại những gì ông đã hy sinh cho tôi.

- Tuy là "con hơn cha", song phải khẳng định rằng, tên tuổi của nghệ sĩ Quyền Văn Minh trong dòng Jazz Việt là một dấu ấn khá rõ ràng. Có bao giờ anh nghĩ rằng, để đứng độc lập mà không cần "nương bóng" cha mình sẽ cần một sự bứt phá khá… khó khăn?

- Có những chương trình mà sự kết hợp giữa tôi và ông không thể tách rời, nhưng cũng có những chương trình tôi đứng tên độc lập và bản thân nó đã tự khẳng định tới công chúng tên tuổi của tôi. Âm nhạc của tôi sẽ trả lời cho câu hỏi này.

- Cha anh thường khuyên bảo anh điều gì (chẳng hạn như với đêm nhạc anh sẽ biểu diễn sắp tới)?

- Ông chỉ nói với tôi một điều là: "Con hãy chơi hết mình!".

- Anh học hỏi được ở cha mình điều gì trong âm nhạc và cuộc sống?

- Một điều lớn nhất mà cho tới bây giờ vẫn còn đang học hỏi ở ông, đó là sự nhẫn nại.

- Thưởng thức nhạc Jazz chưa được công chúng người Việt chú ý nhiều, theo anh, thì những người tâm huyết với nhạc Jazz (như anh) có cách nào để khắc phục hạn chế đó?

- Tôi nghĩ rằng, một mình tôi không làm nên diện mạo của Jazz Việt mà sẽ cần nhiều người khác, cả các nhạc sĩ và những người thưởng thức. Chúng tôi vẫn luôn và sẽ cố gắng tổ chức nhiều buổi biểu diễn với những hình thức lớn, rộng rãi hơn. Tôi tin là một ngày gần nhất, Jazz sẽ là món ăn thú vị đối với người Việt chúng ta.

- Khởi đầu năm 2010 với một đêm solo khá chững chạc, anh đang hy vọng một năm mới sẽ đến với nhiều dự định tiếp nối thành công?

- Vâng! Đây sẽ là chương trình cuối trong 2 năm gần đây của tôi. Vì sau "A Love Supreme", tôi sẽ tiếp tục lên đường du học Cao học tại Thụy Điển. Hy vọng sau khi học xong và trở về, tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam.

- Xin cảm ơn và chúc anh thành công!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.