Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn: Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…

Thứ Tư, 21/12/2011, 16:13
Trần Mạnh Tuấn quan niệm mỗi giây phút phải sống như thể đó là giây phút cuối cùng, như thể ngày mai mình không còn nhìn thấy mặt trời rực rỡ, gương mặt những người thân yêu, và những thanh âm cuộc đời. Như câu hát mà người nhạc sĩ họ Trịnh đã viết: “Cuộc đời đó có bao lâu, mà hững hờ…”

Số phận một con người dường như bao giờ cũng có những quãng lặng, những khúc quanh, những thử thách cam go mà họ phải vượt qua. Và chỉ khi vượt qua thì những lựa chọn của họ mới mang đến dư vị của thành công và chiến thắng. Trần Mạnh Tuấn - người nghệ sĩ đầy mê dụ với cây kèn saxophone đã làm nên một tuyên ngôn cuộc sống về tinh thần vượt qua những cam go quyết liệt mà không ít người đã đầu hàng xem như sự an bài của số phận, hay là định mệnh dành cho mình.

Phiêu du với cây kèn, trong thế giới rộng lớn được chắp cánh từ 7 nốt nhạc thần kỳ, Trần Mạnh Tuấn đã đắm đuối với từng phút, từng giây trong cuộc đời mình, để luôn luôn vượt lên trên nỗi  tuyệt vọng, thậm chí là cái chết…

Ở Việt Nam, hiếm có nghệ sĩ chơi nhạc cụ nào lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và được đông đảo công chúng yêu mến như Trần Mạnh Tuấn. Suốt đời mình, anh chỉ gắn bó với cây kèn saxophone, như người tình, như tri kỷ. Những chuyến lưu diễn trên khắp thế giới đã tạo điều kiện cho anh có được một bộ sưu tập kèn lớn gồm 40 cây được sản xuất ở nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều nước khác nhau. Đây là khối tài sản mà Trần Mạnh Tuấn thường rất tự hào “khoe” với bè bạn và khán giả.

Ngay cả lúc nằm trên giường bệnh, bước vào ca mổ ghép thận đầy may rủi, âm thanh của những cây kèn đã vang lên trong anh, như một tiếng gọi, một mệnh lệnh quyết liệt, rằng anh phải sống, để tiếp tục mang tới cho khán giả những giây phút thăng hoa trong âm nhạc.

Trần Mạnh Tuấn chia sẻ, anh rất ngạc nhiên khi được là khách mời đầu tiên xuất hiện trong chương trình truyền hình “Việt Nam không ngừng bước tới” trên kênh FBNC. Đây là một talk show dành cho những người nổi tiếng và có ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là những người không bao giờ từ bỏ niềm tin, biết vượt qua khủng hoảng và thất bại để giữ thăng bằng cho chính mình, tìm thấy con đường của mình, trở nên thành đạt và có những cống hiến quan trọng cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hành trình đi tới thành công của Trần Mạnh Tuấn được xem là niềm an ủi lớn cho những ai gặp thất bại, đau khổ, mất mát trên đường đời.

Nếu có thể ví cuộc đời Trần Mạnh Tuấn như một cuốn tiểu thuyết thì đây sẽ là nhiều chương đẫm nỗi buồn, khi thì của đổ vỡ, chia ly, khi thì của đớn đau, tuyệt vọng. Làm con của một gia đình có truyền thống về cải lương, nên nghệ thuật dường như đã ở trong máu của cậu bé Hà thành Trần Mạnh Tuấn. Và cũng dường như luôn có sẵn một ưu phiền nào đó trong số kiếp của người nghệ sĩ. Cha mẹ chia đôi ngả đường ngày Trần Mạnh Tuấn chào đời. Suốt tuổi thơ, anh không có đồ chơi. Trò chơi duy nhất đối với Trần Mạnh Tuấn là thổi kèn. Cuộc sống của anh đã in dấu lang bạt từ tấm bé, lúc nào cũng với cây kèn trên tay.

Lúc 9 tuổi, Trần Mạnh Tuấn đã đứng độc tấu trên sân khấu một mình. Anh đã mang lấy đời nghệ sĩ của mình như một tất yếu, không phải một lựa chọn chủ đích. Tai ương đầu tiên đổ lên đôi vai Trần Mạnh Tuấn là năm anh 13 tuổi. Vì nhiễm vi rút, một con mắt của anh đã hỏng vĩnh viễn. Trần Mạnh Tuấn tưởng như không thể đứng dậy sau mất mát đầu đời ấy. Cuộc sống như không còn sắc màu với anh nữa. Nhưng cây kèn đã để anh tựa vào.

Trong thế giới của âm nhạc, người ta có thể nhắm mắt, có thể ở trong bóng tối mà vẫn thưởng ngoạn được cả thiên đường đẹp đẽ, huyền ảo. Cây kèn đã dạy Trần Mạnh Tuấn bài học ấy. Và anh đã quên đi những buồn phiền, vui vẻ  làm một người nghệ sĩ tự do, kiếm sống bằng chính tài năng và niềm đam mê của mình. Anh chơi kèn trong các quán bar, câu lạc bộ, đám cưới, và là người Việt Nam đầu tiên giành được học bổng của Trường Đại học Âm nhạc Berklee - Hoa Kỳ.

Bước ra thế giới rộng lớn để học hỏi và trưởng thành, Trần Mạnh Tuấn trở lại quê nhà, vẫn cây saxophone trên tay, thêm một lựa chọn song hành là nhạc jazz - một khái niệm còn quá mới mẻ đối với công chúng âm nhạc Việt. Chọn mảnh đất xa lạ Sài Gòn làm nơi xây dựng sự nghiệp, Trần Mạnh Tuấn đã kiên trì con đường nghệ thuật với niềm tin sắt đá rằng một ngày nào đó khán giả sẽ ghi nhận những lao động sáng tạo của mình.

Nhưng tai ương cuộc đời vẫn tiếp tục thử thách hành trình không ngừng bước tới của Trần Mạnh Tuấn. Ngôi nhà của anh có lúc đã bị hỏa hoạn thiêu rụi, phải bắt đầu lại từ con số không. Kinh khủng hơn, khi đang lưu diễn ở nước ngoài, anh biết tin mình hỏng hai quả thận. Cánh cửa cuộc đời một lần nữa như đóng sập xuống trước mắt Trần Mạnh Tuấn. Nhiều ngày tháng anh chỉ biết nằm nhìn lên trần nhà. Quá nhiều hoài bão trong cuộc đời còn dang dở, cùng với những nghĩa vụ và trách nhiệm chưa tròn vai, lẽ nào anh phải từ bỏ? Trần Mạnh Tuấn nhớ lại, những ngày nằm viện, anh vẫn luôn mang theo cây kèn, như một vị thần hộ mệnh. Trước mỗi ca mổ, anh thường chơi một vài hợp âm. Anh tin rằng, âm thanh thân thuộc của cây kèn sẽ kéo anh trở lại cuộc sống.

Ngay sau ca ghép thận tiêu tốn cả gia tài dành dụm của anh, Trần Mạnh Tuấn trở lại ngay với khán giả. Trong Câu lạc bộ “Jazz Sax n’ Art” của anh luôn là điểm hẹn của những người yêu nhạc jazz ở TP Hồ Chí Minh. Đã nhiều lần đối mặt với cái chết nên với Trần Mạnh Tuấn mỗi giây phút sống đều giống như một sự “trả nợ” của riêng anh với cuộc đời.

Không rời bỏ mục tiêu đưa nhạc jazz đến gần với khán giả Việt, Trần Mạnh Tuấn đã đào tạo các sinh viên nhạc jazz, thực hiện dự án đưa các làn điệu dân ca và âm nhạc truyền thống Việt Nam vào nhạc jazz và giới thiệu nhạc jazz Việt Nam ra thế giới. Anh là một trong những nghệ sĩ tiên phong giúp nhạc jazz dần trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc của khán giả, đặc biệt là khán giả TP HCM.

Nhưng có lẽ duyên nợ sâu sắc nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Trần Mạnh Tuấn là âm nhạc Trịnh Công Sơn. Người yêu nhạc Trịnh không thể thiếu trong bộ sưu tập của mình những đĩa nhạc trình tấu saxophone của Trần Mạnh Tuấn. Không có lời, nhưng tiếng kèn saxophone qua tài năng và sự điêu luyện kỹ thuật của anh đã  “thổi” vào nhạc Trịnh một đời sống khác, mộc mạc, chân thành mà không kém phần liêu trai, ma mị.

Đối với Trần Mạnh Tuấn, ngoài jazz, thì nhạc Trịnh là một phần đời sống không thể thiếu của anh. Anh kể: “Tôi đến với cây kèn saxophone chính là nhờ Trịnh Công Sơn. Năm 8 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ca khúc Hạ trắng của Trịnh qua tiếng kèn của nghệ sĩ Trần Vĩnh. Tôi yêu ngay lập tức giai điệu của bài hát, cho dù lúc đó chưa biết tên bài hát là gì. Từ đó, cuộc đời tôi dường như đã cuốn theo Hạ trắng.

Cũng từ cơ duyên âm nhạc mà Trần Mạnh Tuấn gặp được Trịnh Công Sơn. Sự ân tình của người nhạc sĩ đã dạy cho anh những bài học quý về tình bạn. “Tôi mới hiểu ra rằng tình bạn rất cần đến sự xả thân, sự hy sinh. Sau này, trong những hoạn nạn của cuộc đời, tôi vượt qua được chính là nhờ sự ân tình của những người bạn”. Sinh thời, Trịnh Công Sơn đã từng vẽ 4 bức họa chân dung Trần Mạnh Tuấn.

Trần Mạnh Tuấn nói, nhiều người khen anh là một nhà kinh doanh giỏi, vì anh có thể tự bán rất tốt các sản phẩm của mình, còn câu lạc bộ thì lúc nào cũng đông khách, nhưng thực chất trong anh không hề có khái niệm về kinh doanh. Anh lập trang web cá nhân từ rất sớm, rồi đưa các sản phẩm âm nhạc của mình lên đó giới thiệu. Bằng cách này, rất nhiều khán giả trong và ngoài nước đã mua đĩa nhạc của anh. “Nếu không có tình trạng đĩa lậu tràn lan hiện nay, thì tôi cũng có thể giàu bằng bán các sản phẩm âm nhạc của mình”.

Còn Câu lạc bộ “Jazz Sax n’ Art” của anh thì buổi đầu chỉ được mở ra như một nơi để gặp gỡ bạn bè và những người yêu thích nhạc jazz. Và quan trọng hơn, đây sẽ là không gian để Trần Mạnh Tuấn mỗi ngày được “phiêu” cùng cây kèn saxophone. Anh rất thích cái cảm giác nhắm mắt trên sân khấu, để khám phá thanh âm tuyệt vời của đời sống từ cây kèn, rồi mở mắt, hạnh phúc nhìn khán giả lắc lư theo giai điệu âm nhạc.

Trần Mạnh Tuấn thực sự muốn biến câu lạc bộ nghệ thuật của anh trở thành nơi sinh hoạt có lợi ích cộng đồng, lợi ích của âm nhạc. Giờ đây, các đoàn nghệ thuật nước ngoài biểu diễn nhạc jazz tới Việt Nam bao giờ cũng tìm đến câu lạc bộ của anh. Những giao lưu, học hỏi của nghệ sĩ nhạc jazz trong nước và quốc tế cũng được diễn ra thường xuyên ở đây.

Trần Mạnh Tuấn chia sẻ: “Đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập, đó là cơ hội để tôi mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới. Hầu hết các Tổng lãnh sự các nước tại Việt Nam đều đến câu lạc bộ của tôi, họ gọi tôi là sứ giả âm nhạc của Việt Nam, tôi rất hạnh phúc về điều này. Âm nhạc đã cho tôi cơ hội được bắt tay Tổng thống Mỹ Bill Clinton, tham dự giải âm nhạc Grammy, đưa nhạc Trịnh Công Sơn đến mọi người. Cũng là âm nhạc đã cho tôi cơ hội đặt chân đến 40 nước trên thế giới, có nhà đẹp để ở, xe đẹp để đi, lại có một gia đình hạnh phúc với người vợ thủy chung và những đứa con xinh xắn. Cho dù rất nhiều tai họa đã giáng xuống đầu tôi, thử thách lòng yêu cuộc đời của tôi, thì tôi vẫn luôn thấy mình là người may mắn vì những phần thưởng ấy”.

Những lúc thảnh thơi, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thường đi chùa. Anh có duyên lành được làm bạn với nhiều nhà sư. Đã có những chương trình âm nhạc được anh biểu diễn ở chùa, ghi âm ở chùa, đưa tiếng chuông chùa thâm nghiêm vào nhạc jazz. Anh mong muốn sẽ tạo ra một thứ nhạc jazz đậm bản sắc truyền thống Việt Nam nhưng vẫn rất đương đại. Lấy không gian Phật giáo làm nên một tinh thần mới cho nhạc jazz là một sự ngạc nhiên thú vị mà Trần Mạnh Tuấn dành cho khán giả.

Trần Mạnh Tuấn thừa nhận, anh chỉ thấy mình quyến rũ và quên đi mọi rắc rối trên đời khi sống trong âm nhạc. Tiếng kèn của anh chính là tiếng lòng của một người thiết tha với cuộc đời. Anh không cho phép mình lãng phí thời gian, vì thời gian là quý giá. Và đời người là hữu hạn. Trần Mạnh Tuấn quan niệm mỗi giây phút phải sống như thể đó là giây phút cuối cùng, như thể ngày mai mình không còn nhìn thấy mặt trời rực rỡ, gương mặt những người thân yêu, và những thanh âm cuộc đời. Như câu hát mà người nhạc sĩ họ Trịnh đã viết: “Cuộc đời đó có bao lâu, mà hững hờ…”

B.N.T.
.
.
.