Nghệ sĩ Thế Bình: Nặng lòng với những vai diễn công an

Thứ Năm, 26/05/2005, 07:49

Cả trên sân khấu kịch và trong các bộ phim điện ảnh, Nghệ sĩ Thế Bình đều có duyên với những vai diễn công an và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Để có những thành công ấy, anh đã cùng ăn, cùng ở, cùng sống với các chiến sỹ công an. Đối với anh thực tế cuộc sống là trường học bổ ích nhất cho anh những kinh nghiệm để vào các vai diễn.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra trong nhà riêng của anh ở phố Ngô Sĩ Liên, khi anh vừa trở về sau chuyến lưu diễn cùng đoàn tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Con phố khá đẹp bởi còn lưu giữ nhiều dáng dấp của Hà Nội cổ. Chúng tôi ngồi trong căn phòng giáp với ban công, nơi có cây bàng ghé chùm lá xanh non vào sát chỗ ngồi, nơi mà anh thường đứng đó thả dòng suy nghĩ theo dòng người qua lại để xua đi những phiền muộn trong lòng.

Ngoài công việc diễn xuất, nghệ sĩ Thế Bình hiện đang là người phụ trách chuyên môn tại Đoàn kịch Công an. Nhắc tới anh, khán giả yêu sân khấu không thể quên hình ảnh giám thị Thức trong vở “Đường về” (đạo diễn Lê Hùng). Đó là con người cứng rắn và cương quyết trong công việc nhưng vô cùng đôn hậu trong cuộc sống. Lối sống tình cảm ông đã thuyết phục được nhiều người lầm lỗi về với cuộc sống lương thiện. Vai diễn ấy, không chỉ được khán giả trong lực lượng, mà khán giả cả nước đánh giá cao.

Sống ở trại giam để vào vai giám thị

Ít ai biết rằng để có được vai diễn ấy, anh đã có một thời gian dài thực tế tại trại giam Gia Trung (Gia Lai). Nhân vật giám thị Thức đã được xây dựng dựa trên một nguyên mẫu có thực. Những câu chuyện cảm động được nghe giúp anh hoàn thành xuất sắc vai diễn này. Chân dung ấy có sự lay động như một biểu tượng của sự hy sinh. Lớn lao hơn, nó đã trở thành một bức thông điệp rằng tình người là phương pháp hữu hiệu nhất đưa những người lầm lỗi tìm lại bản thiện trong mình.

Một diễn viên kịch sống ở trại giam để lấy kinh nghiệm cho vai diễn của mình, đó cũng là một điều hiếm có. Nhưng với nghệ sĩ Thế Bình, nó bình thường như thói quen nghiêm túc trong lao động nghệ thuật của anh. Anh đã đúc kết được cho mình một kinh nghiệm rằng: không một bài học nào bổ ích cho diễn xuất bằng thực tế cuộc sống. Thói quen quan sát tỉ mỉ đời sống của anh có ngay từ những ngày hoạt động nghệ thuật ở quân đội. Dù không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng tháng ngày cùng nếm mật nằm gai với các chiến sĩ đã nuôi dưỡng nguồn cảm xúc trong anh.

Cuối năm 1978, anh được cùng đội đội xung kích của Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị diễn tại chiến trường Campuchia. Với anh, chiến trường ấy “lạ lắm”. Ngày ấy, đội xung kích của anh diễn ở Dầu Hạ (Tây Ninh). Mỗi buổi sáng, hình ảnh quen thuộc đập vào mắt anh là những người chiến sĩ đi chôn đồng đội của mình đã hy sinh trong trận đánh đêm qua. Có hôm, trận đánh ác liệt đến nỗi người hy sinh xếp thành từng hàng. Một người lính, hôm trước còn trò chuyện và hút chung với anh điếu thuốc, sáng hôm sau đã nằm lại chiến trường trong nỗi xót thương của đồng đội. Điều khiến anh ngạc nhiên và ám ảnh không phải là cái chết mà chính là cách người lính đón nhận cái chết ấy. Họ coi cái chết thanh thản và nhẹ nhàng lắm. Họ vẫn kể chuyện đồng đội cho anh mà không một phút nghĩ rằng họ có thể là người tiếp theo hy sinh trong trận đánh sắp tới. Đó là kỷ niệm những đêm diễn dưới làn đạn pháo của kẻ thù bắn đỏ trời. Tâm hồn nhạy cảm của anh vẫn còn nguyên cảm giác xót xa khi vừa diễn vừa bắt gặp hình ảnh những người lính bị thương rất nặng được đồng đội đưa từ chiến trường vào. Máu vẫn chảy ở vết thương nhưng người lính ấy vẫn cất lời tha thiết: “Cho tôi xem văn công một lúc đã”...

Anh đã mang tất cả những ám ảnh ấy vào vai diễn. Có lẽ, chính những cảm xúc vừa xót xa đau đớn, vừa tự hào kiêu hãnh ấy đã khiến anh làm trọn vẹn những vai diễn của mình. Đó là vai Đại đội trưởng Hùng anh dũng, kiên trung trong vở “Đại đội trưởng của tôi”, tiểu đội trưởng trinh sát trong vở “Tổ quốc” của tác giả Đào Hồng Cẩm...

Gắn bó với Đoàn kịch Công an, anh có một vốn liếng kha khá về các vai diễn công an. Trong các vở diễn như “Đảo lạnh”, “Nốt nhạc cuối cùng” anh đều vào vai chiến sĩ công an tận tụy trong công việc. Với vai Trung úy Hùng trong vở “Đám cưới trong đêm mưa” anh đã được trao Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu nhỏ toàn quốc năm 1996.

Người dám đề nghị đạo diễn thay đổi cách diễn về một vai công an

Lâu nay, những diễn viên kịch nói luôn nhận được những lời mời đóng phim và Thế Bình đã trở thành sự lựa chọn của khá nhiều đạo diễn để vào vai công an. Không đơn giản chỉ vì anh là một diễn viên trong ngành mà họ nhìn thấy ở anh cách diễn chững chạc khi vào vai chính diện.

Hẳn khán giả chưa quên 10 tập Cổ cồn trắng nằm trong xêri phim truyền hình Cảnh sát hình sự của nhà văn công an Nguyễn Như Phong, đạo diễn Trần Hoài Sơn. Trong phim, anh vào vai một chiến sĩ công an tên là Tuấn,Trưởng phòng CSHS. Tuấn từng có nhiều công lao trong đấu tranh chống tội phạm nhưng một phút không làm chủ được mình đã bị sa ngã trước những cám dỗ.

Một kỷ niệm anh vẫn không quên về vai diễn ấy. Lúc giao vai, đạo diễn yêu cầu anh có những cử chỉ ngay từ đầu phim để bộc lộ sự biến chất của Tuấn. Nhưng sau khi nghiên cứu kịch bản, anh đã mạnh dạn đề xuất với đạo diễn là Tuấn không giữ được mình khi giao lưu với xã hội đen chỉ là một trường hợp cá biệt. Trước đó, những chiến công mà Tuấn cùng đồng đội lăn lộn mới đạt được là sự thật cần phải ghi nhận. Cả danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Tuấn được phong tặng vẫn xứng đáng với những gì Tuấn đã đạt ở quá khứ. Chính suy nghĩ chín chắn ấy đã khiến vai Tuấn của anh thuyết phục và hợp lý hơn.

Tuấn như lời cảnh báo, nhắc nhở những chiến sĩ hãy luôn vững vàng trước sự mua chuộc trong cuộc đấu tranh cam go. Ranh giới giữa cái thiện và cái ác có lúc thật mong manh. Chỉ cần một phút lơ là, người ta có thể tự tay phá đổ những gì tốt đẹp đã xây dựng. Chính anh trong cuộc đời có lúc vì miếng cơm manh áo đã rời xa nghệ thuật để đi... buôn xe máy. Nhưng một lần đi ở Hải Phòng, anh quên cả việc nhận hàng đúng hẹn vì mê xem kịch. Chuyến ấy, anh bị lỗ nặng vì không theo dõi được sự lên xuống của giá cả thị trường. Và sau lần ấy anh mới hiểu rằng, con người mình sinh ra là để dành cho nghệ thuật.

Từ khi là một cậu thiếu niên lớp 10 Trường Phan Đình Phùng đến với nghệ thuật như một sự tình cờ tới một nghệ sĩ có tới vài chục vai diễn đáng nhớ, anh đã có hơn 30 năm làm nghệ thuật. Đã nếm đủ những buồn vui, hạnh phúc, cay đắng mà nghề diễn mang lại, anh vẫn giữ trong mình một niềm đam mê mãnh liệt hiếm có. Cũng với con người ấy, gia đình vẫn là chốn bình yên nhất của tâm hồn, là điểm tựa cho anh đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

“Lâu nay ít thấy anh xuất hiện trên truyền hình?”. Anh bảo: “Tôi sợ tự mình làm mờ hình bóng của mình. Tôi nghiệm ra rằng càng xuất hiện nhiều ở những vai nhạt nhòa thì càng ít có điều kiện xuất hiện ở những vai diễn lớn. Tôi cứ tiếc cho lớp diễn viên trẻ, cuộc sống khó khăn nên nhiều lúc họ không có sự lựa chọn ấy”.

Cầm tinh con ngựa, hơn 50 năm tuổi đời, sau mỗi vai diễn, anh thấy nhẹ lòng hơn là mãn nguyện. Anh bảo niềm vui của anh vẫn là những vai diễn và những chiều thả mình vào khung cửa xanh nơi có bóng cây bàng xòa bóng để nghe tiếng chuông chùa Phúc Giác gần đó

Thảo Duyên
.
.
.