Nghệ sĩ Bảo Cường: Một tiếng thơ da diết hồn dân tộc

Thứ Ba, 30/11/2004, 10:55

"Ở đâu có thơ là ở đó có Bảo Cường", Bảo Cường khẳng định sự mê thơ, mê hát của mình. Anh mê nhiều thứ, bắt đầu là ngâm thơ, rồi đến thổi sáo, hát ru, ca Huế… và đến hôm nay, sau hàng chục năm biểu diễn, anh đã biến những đam mê ấy thành sở trường của mình.

Đi thi ngâm thơ, anh đoạt Huy chương đồng (1985), đi thi hát ru, anh được Viện Nghiên cứu âm nhạc tặng Bằng khen "Giọng hát hay" (1989), hát chầu văn, vè trong Liên hoan ca múa nhạc dân tộc năm 1995, anh lại được trao Huy chương đồng… Những năm về sau, trong tất cả các cuộc thi liên quan đến lĩnh vực này, anh lại có mặt nhưng với vai trò giám khảo.

Rời khỏi bàn giám khảo, người ta lại thấy anh xuất hiện ở câu lạc bộ (CLB) ca Huế, CLB Văn nghệ Thành hội Phật giáo, CLB Thơ trẻ của Trung tâm Văn hóa quận 1, CLB Thơ thuộc Trung tâm Văn hóa quận 3… Rồi anh lên đài phát thanh ngâm nga trong chương trình “Tiếng thơ” quen thuộc, xuất hiện trên Đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, vừa ngâm, vừa thổi sáo… 

Cùng thời với anh lúc ấy có NSƯT Hồng Vân, Thúy Vinh, Đoàn Yên Linh, Mai Hiên… Ít lâu sau, bên cạnh anh  lại  xuất hiện những gương mặt mới, trẻ, có giọng ngâm truyền cảm, hỏi ra cũng là do Bảo Cường phát hiện dẫn dắt, giới thiệu. Anh giải thích điều này bằng  giọng Huế lúc trầm lúc bổng như ru: "Không phải mình tham, vì mình thích và tự tin làm được, khán giả chấp nhận mới làm".

Tài lạ mà hiếm người có được bởi Bảo Cường vừa ngâm thơ, vừa thổi sáo đệm cho mình và đôi lúc đệm cho người khác ngâm. Thổi sáo thì nhiều người biết nhưng đệm cho giọng thơ thì không phải ai cũng làm được, kể cả người học ở nhạc viện ra. Phải là người yêu thơ, hiểu thơ mới có thể đệm được. Tiếng sáo của Bảo Cường đã làm nên một phần hồn cho thơ. Anh có thể đệm cho bất cứ ai ngâm thơ bởi anh có cái nhạy cảm sẵn có trong người nên có thể "đuổi" kịp người ngâm, nhất là mỗi khi xúc cảm dâng trào.

Bảo Cường có một tài mà thông thường chỉ có người phụ nữ mới thích và diễn đạt hay, đó là hát ru. Một người đàn ông lại có lối ru mượt mà, sâu lắng gieo vào lòng người nghe những cảm xúc dạt dào tình thương của cha mẹ và con cái - âu cũng là điều lạ. Anh cũng là một trong những nghệ sĩ hát được và đúng chất chầu văn, ca Huế ở Tp. Hồ Chí Minh dù anh xa Huế đã lâu. Thêm vào đó, anh có thể vừa hát vừa đánh trống.

Từ cậu bé chăn trâu trở thành nghệ sĩ

Ở chiến khu Dương Hòa (Thừa Thiên - Huế) những năm 50 của thế kỷ trước, có một đôi vợ chồng tài tử, chồng thổi sáo rất hay, vợ hát ru nổi tiếng trong làng. Dù gia đình nghèo khó nhưng họ luôn lấy tiếng sáo, câu hò làm niềm vui trong cuộc sống. Cậu bé Bảo Cường đã ra đời từ mái ấm đó.

Hàng ngày tiếng sáo của cha, câu hát của mẹ ngấm dần vào máu thịt. 12 tuổi, Bảo Cường tham gia đội thiếu nhi biểu diễn hát, kịch múa ở vùng chiến. 18 tuổi đã tập tành ngâm thơ theo mẹ, bắt chước cha thổi sáo, được dượng đưa vào đoàn tập làm quen với ca Huế… Anh bảo mình phải sống chết với nghề này vì yêu quá, trải qua bao thăng trầm anh vẫn đeo đuổi và lấy niềm say mê đó cân bằng cuộc sống để tâm hồn vui vẻ, thăng hoa…

Suốt những năm tháng theo đoàn, Bảo Cường may mắn có quá trình nghe nhiều, chắt lọc và ghi tất cả vào bộ nhớ. Song ước muốn theo nghiệp hát bị đứt đoạn khi gia cảnh mỗi ngày một suy sụp. Nhà nghèo, không được đi học, anh về nhà chăn trâu cày ruộng. Một ngày nọ anh bỏ trâu, bỏ nhà ra đi nung nấu ý định kiếm tiền về nuôi cha mẹ. Cứ như thế, anh cù bơ cù bất giữa Sài Gòn, làm đủ thứ nghề để sống: bốc vác, phụ hồ, làm thuê… Dù vất vả nhưng dòng máu văn nghệ vẫn chảy trong người, xong việc, mệt mấy nhưng ở đâu có hát hò là anh có mặt…

Một cơ may đã đến với anh. Từ người làm thuê, anh đã học lỏm được nghề thợ bạc, và dần dần trở thành chủ tiệm vàng. Năm 1985, kinh tế ổn định, cuộc sống gia đình sung túc, anh lại bắt đầu đặt chân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

"Nhờ thơ mà tôi thành đạt"

Trong số những nghệ sĩ tên tuổi trong lĩnh vực ngâm thơ, biểu diễn về ca múa nhạc dân tộc ở Tp. Hồ Chí Minh, Bảo Cường có một phong thái riêng không giống ai. Cứ cất giọng là anh không thể che giấu xuất xứ của mình - đó là chút âm hưởng của ca Huế, chút âm điệu dân ca miền Trung, hò mái nhì, vè… Từ “vốn liếng” có sẵn ấy, anh đã sáng tạo, tìm tòi cho mình một lối ngâm, một cách hát khó lẫn với ai.--PageBreak--

Mải mê với thơ, từ yêu thơ, ngâm thơ mà Bảo Cường làm được thơ. Anh đã có hàng trăm bài thơ chỉ "rặt" nói về tình yêu, tình yêu đôi lứa, bạn bè, gia đình quê hương, xứ sở và nhiều nhất vẫn là về Huế. Anh đã có 40 quyển thơ in chung và 5 quyển thơ riêng với hàng trăm bài, nhiều bài được phổ nhạc như: Khôn nguôi, Dòng sông tuổi thơ, Tình yêu vỗ cánh, Giữa Sài Gòn nghe giọng hát sông Hương… Anh đúc kết những trải nghiệm của mình về thơ: "Con người có trải qua thăng trầm cuộc sống, nỗi khổ, sướng vui của cuộc đời mới diễn đạt được hồn thơ. Thơ tôi buồn, tiếng sáo buồn, giọng ngâm cũng buồn vì đã một thời nếm trải nỗi khổ cùng cực. Từ thơ mà tôi đã vượt qua tất cả để thành đạt như ngày hôm nay, nhưng đôi lúc tôi không khỏi dằn vặt vì xa quê lâu quá, nung nấu chí làm giàu báo hiếu để khi thành đạt thì cha mẹ đã không còn".

Với anh, thơ như mạch nước ngầm, ai khơi đúng nguồn thì nước mới chảy ra. Người ngâm thơ cũng vậy, phải truyền cảm, có hồn mới khiến người khác thích nghe. Anh đi từ Bắc, chí Nam, ra nước ngoài... ở đâu có tổ chức chương trình thơ, nhạc là anh đến. Anh ngâm nga ở chùa, ở nhà thờ, có mặt trong những ngày lễ lớn của dân tộc, nhà hàng, đám cưới, đem thơ đến với người nghèo, tàn tật… 13 năm, năm nào anh cũng có mặt ở Trại phong Thanh Bình (quận 2) từ thời họ còn khó khăn phải đi lượm bọc nilon, bắt ốc… Anh bàn với ban quản trại, tổ chức chương trình ca nhạc kêu gọi những tấm lòng hảo tâm chia sẻ thiệt thòi với họ.

Suốt những năm tháng đem thơ mình, thơ người đi ngâm nga khắp nơi, anh đã có một  kỷ niệm khó quên ở vùng đất Kiên Giang. Trong cuộc hội thảo khoa học về rừng U Minh Thượng, một vị khách mời đã viết bản tham luận của mình bằng thể loại thơ và Bảo Cường được mời diễn ngâm bài thơ ấy. Thật bất ngờ, hàng trăm cánh tay đã hoan nghênh và bài thơ đó trở thành bài tham luận ấn tượng nhất trong và sau cuộc hội thảo.

Mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo một quận đã mời anh cộng tác bằng cách ngâm minh họa trong các tiết giảng văn học của một số trường trung học, dạy học sinh cách  đọc như thế nào, ngâm ra sao, chuyển sang làn điệu như thế nào… Từ lần minh họa ấy, Bảo Cường lại có thêm ý tưởng mới và anh đang ráo riết vận động các trường đưa ngâm thơ, hát ru vào học đường…

Có vốn thơ phong phú với hàng trăm bài thơ về Bác Hồ, về các cung bậc tình yêu, về xứ Huế của những nhà thơ nổi tiếng mà anh yêu thích như Quang Dũng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Thu Bồn, Xuân Quỳnh, Đoàn Vị Thượng và cả thơ anh, bất kỳ chủ đề nào anh cũng biết nên ngâm bài gì thích hợp, dễ đi vào lòng người nhất. Tâm tư của anh hiện giờ chính là phong trào ngâm thơ đang phát triển, ở quận nào cũng có CLB thơ nhưng tuyệt nhiên chưa có sân khấu nào dành riêng cho thơ. Cũng chưa có nơi nào tổ chức dạy ngâm thơ, đọc thơ trong khi có khá nhiều người, nhất là giới trẻ thích học. Anh lo không có lớp kế thừa nghệ thuật ngâm thơ chuyên nghiệp…

Thành đạt từ hai bàn tay trắng trong nhiều lĩnh vực từ kinh doanh, làm nghệ thuật và cả hạnh phúc gia đình, ở tuổi 60, Bảo Cường vẫn đang dồn hết tâm huyết của mình cho thơ, cho hát ru, ca Huế… Dù chưa có danh hiệu nào dành cho anh, nhưng với những cống hiến của anh cho nền nghệ thuật dân tộc nước nhà, anh đích thực và xứng đáng là người nghệ sĩ của nhân dân

Hạnh Chi
.
.
.