Nghệ nhân mù hát văn và lớp học đặc biệt

Thứ Tư, 21/10/2009, 10:10
Lẽ ra ở cái tuổi của ông phải quây quần bên con cháu, an hưởng tuổi già. Đằng này cuộc đời của ông phải gắn bó với lớp học "đặc biệt" đó vì ông mong muốn gìn giữ bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát chầu văn. Đó chính là nghệ nhân hát chầu văn Đặng Quốc Khánh.

Thành thầy từ một giấc mơ

Chúng tôi đến lớp học của ông vào một buổi chiều thu. Ngôi nhà ống chia lô rộng chừng 9m2 nằm sâu trong ngõ của một khu phố sầm uất thuộc quận Kiến An, Hải Phòng. Tiếng đàn giọng hát được ngân lên trong nhà.

Bước vào trong, tôi hơi ngạc nhiên, không bàn ghế, bảng phấn mà thay vào đó là những cây đàn nguyệt cùng những chiếc trống, băng đĩa đài cùng những học viên đang ngồi quây quần chăm chú lắng nghe "người thầy" mù dạy từng làn điệu hát văn. Ngôi nhà số 7, khu 2, phường Bắc Sơn, quận Kiến An đã trở thành lớp học từ bao giờ và có bao nhiêu khóa học đã kết thúc ông cũng không nhớ nữa. Đó là lớp học "đặc biệt" và người thầy cũng "đặc biệt".

Nghệ nhân hát chầu văn Đặng Quốc Khánh sinh năm 1949. Ông sinh ra và lớn lên tại huyện Kim Bảng, Hà Nam, nơi cái nôi của nghệ thuật hát chèo. Đó là một người đàn ông dáng người đậm, mái tóc hoa râm. Ông bị mù bẩm sinh. Từ nhỏ ông đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc nên ông đã tham gia hoạt động văn nghệ của Hội Người mù tại địa phương.

Một giờ trên lớp của thầy Khánh.

Năm 1970, ông chuyển ra Hải Phòng sinh sống và tham gia vào các đoàn nghệ thuật nghiệp dư. Tại đây, trong những năm toàn quốc kháng chiến chống Mỹ, ông hăng hái tham gia vào đội văn nghệ xung kích biểu diễn cho nhân dân và chiến sĩ vào Nam kháng chiến tại hồ Hạnh Phúc, quận Kiến An.

Năm 1975, ông gặp và quen bà Đặng Thị Khải trong một buổi giao lưu văn nghệ giữa đội văn nghệ Hải Phòng và đội văn nghệ Hợp tác xã thủy tinh Nam Khải trong trại thương binh huyện Vĩnh Bảo. Đó là người phụ nữ có khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng. Hồi đó bà là một cây ngâm thơ nổi tiếng trong đoàn.

Bà bị liệt sau một trận ốm lúc 4 tháng tuổi. Hai người đến với nhau và được hai đứa con. Đứa lớn đã lập gia đình còn đứa út đang học Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông đến với chầu văn như một cái duyên hẹn trước. Mà nói như lời bà Khải đó là vấn đề tâm linh, nói ra không ai tin. Rồi bà nói tiếp, đó cũng chỉ là một giấc mơ đã đưa ông ấy đến với nó thôi. Bà từ từ kể về những tháng ngày cơ cực của gia đình mình khi quyết tâm cho ông đuổi theo nó.

"Khi chúng tôi kết hôn, hai vợ chồng thuộc diện chính sách, tàn tật, được chính quyền cấp cho ở khu tập thể Hợp tác xã thủy tinh Hải Phòng, nay là khu 2, phường Bắc Sơn, Kiến An. Tiền trợ cấp hai vợ chồng hằng tháng được 240.000 đồng, chúng tôi phải tham gia đan sọt tại hợp tác xã để kiếm thêm thu nhập nuôi hai cháu ăn học. Lúc đó ông vừa lao động tại nhà và kiêm luôn chức đội trưởng đội văn nghệ tại hợp tác xã. Sau khi hợp tác xã giải tỏa, nghề đan sọt cũng mất, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Hai cháu phải gửi sang bà ngoại nuôi. Hai vợ chồng phải đánh vật với cuộc sống hằng ngày. Ông ấy làm tăm tại Hội Người mù của quận, cả ngày làm ở đó tối về lại bán nước ở đầu ngõ. Do sức khỏe yếu nên ông phải nghỉ ở nhà".

Ông Khánh tiếp lời vợ: "Rồi trong một đêm mưa to, gió lớn tôi mơ một giấc mơ lạ. Đi qua một cánh đồng có con đường dẫn tới ngôi đền đang nghi ngút khói hương. Xung quanh ngôi đền tỏa ra một mùi hương thơm kỳ lạ. Trong đó có những người con gái trẻ mặc quần áo sặc sỡ của các ông hoàng, bà chúa đang nhảy múa theo tiếng nhạc. Họ quay ra và kéo tôi vào bảo đánh đàn nhưng tôi từ chối… rồi tôi bừng tỉnh. Ba hôm sau có một người đàn ông tới nhà muốn theo học hát văn, lúc đó tôi biết gì dạy đâu".

Rồi có một cái gì đó thôi thúc ông phải học bằng được nó. Biết chồng ham mê nên bà Khải tạo mọi điều kiện giúp ông học. Cứ chiều chiều, bà lê hai chiếc nạng đi khắp ngõ bán vé số. Rồi lại ra cửa hàng băng đĩa mua cho ông một số đĩa hát văn. Biết ông thầy nào giỏi bà dẫn ông tới theo học. Rồi những đêm thâu bà phải đọc từng nốt nhạc, làn điệu cung đàn, bà vừa đọc vừa đặt tay chồng lên từng phím đàn để ông nhớ... Trời không phụ công người, ông đã nắm được tất cả các làn điệu của chầu văn, các cung, gam.

Đặc biệt, ông có giọng hát rất hay. Những buổi sinh hoạt văn nghệ của khu, phường, quận và các dịp lễ Tết ở các đền đài, đều có tiếng đàn và giọng hát của ông tham gia. Năm 2004, được sự động viên của vợ và cán bộ văn hóa quận, ông đã tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng "Tiếng hát từ trái tim" lần thứ 2 (4 năm một lần) do thành phố Hải Phòng tổ chức, ông đã đoạt giải nhất với tiết mục "Gieo xuân vào khúc hát xuân" do ông tự sáng tác.

Và lớp học đặc biệt

Với mong muốn gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này, ông quyết tâm mở lớp học dạy đánh đàn nguyệt và hát văn cho những ai yêu thích loại hình nghệ thuật này. Những giờ lên lớp của ông không giáo án, bảng phấn mà chỉ có cái "tâm" của một nghệ nhân truyền đạt qua những tiếng đàn và giọng hát. Những người đến học đa số họ đã biết sơ qua loại hình nghệ thuật này nên chỉ củng cố lại kiến thức và luyện cho họ những làn điệu, cách luyến láy.

Theo lời bà Khải thì ông đã dạy được 10 năm và đã có hàng trăm người tốt nghiệp, họ hoạt động trong các đoàn văn nghệ nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.

Từ khi lớp học mở, ông chưa hề nghĩ mình sẽ lấy tiền của các học viên mà ông chỉ mong muốn truyền bá loại hình nghệ thuật này. Những buổi sinh hoạt văn nghệ hay giao lưu tại phường, quận đều có học viên của ông tham gia. Và mỗi tối chủ nhật hàng tuần, tất cả các học viên tốt nghiệp và theo học đến trao đổi với nhau, tìm ra những ngón đàn hay, sáng tạo những làn điệu mới.

Hiện tại, ông Khánh dạy theo ca, cứ 5 người một ca, ngày 4 ca, mỗi ca 3 giờ đồng hồ. Tôi hỏi ông có mong muốn gì? Ông chỉ cười và nói: "Tôi muốn loại hình nghệ thuật này được bảo tồn và phát huy, mọi người có cái nhìn khác về nó". Tôi hiểu nỗi lòng của ông khi loại hình nghệ thuật này đã bị các đồng cô, bóng cậu trong các đền đài biến tướng nó đi, phục vụ mục đích mê tín dị đoan.

Chia tay nghệ nhân Đặng Quốc Khánh và lớp học của ông, chúng tôi ra về trên những con phố đã lên đèn. Giong xe ra ngoài ngõ, tôi thấy một tốp người già có, trẻ có đeo trên người cây đàn nguyệt tiến về phía nhà ông. Lại một tiết học mới bắt đầu…

Nguyễn Trung Kiên
.
.
.