Nghệ nhân Y Thim và khát vọng bảo tồn phát huy văn hóa Tây Nguyên

Thứ Ba, 26/10/2010, 14:57
Văn hóa cổ đặc sắc ở Tây Nguyên nếu không được bảo tồn "sống" thì sẽ không còn đi vào đời sống tinh thần của thế hệ trẻ hôm nay mà sẽ thay vào đó những thứ văn hóa ngoại lai. Nghệ nhân Y Thim Buôn Yă mở đầu câu chuyện về việc bảo tồn, gìn giữ giá trị đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên với tôi trong nỗi lo lắng như vậy.

Hồi còn nhỏ ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, mỗi lúc nghe tiếng đàn goong hay tiếng chiêng vang vọng cất lên là cậu bé Y Thim trốn nhà đi theo. Lớn lên anh tham gia làm công tác Đoàn thanh niên ở xã và cũng mải mê đi tìm, sưu tầm, lưu giữ những hiện vật mang đậm bản sắc của văn hóa Tây Nguyên như các loại đàn, sáo, cồng chiêng, vật dụng sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Tây Nguyên.

Sau khi đi học ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk và học Đại học Văn hóa, Y Thim càng thêm hiểu và say mê hơn những việc làm có ý nghĩa đích thực trong công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên trên quê hương mình.

 Đến nay, Y Thim đã sưu tầm được hàng trăm cổ vật như cồng chiêng, các loại đàn, dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần… của đồng bào Tây Nguyên đem về trưng bày ở nhà sàn trong buôn như một bảo tàng riêng cho lớp trẻ ở đây thưởng thức, học tập và chiêm ngưỡng.

Có người bảo, Y Thim là người đầu tiên xây dựng được "Bảo tàng văn hóa tư nhân" ở Tây Nguyên. Thực ra, cách nhận xét ấy cũng rất đúng, bởi những hiện vật anh trưng bày ở đây rất đa dạng và phong phú. Anh còn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua một căn nhà sàn cổ về trưng bày và lưu giữ hiện vật.

Y Thim giới thiệu hiện vật sưu tầm.

Hiện trong ngôi nhà sàn cổ làm bảo tàng lưu giữ cổ vật của Y Thim đang trưng bày 30 ché túk, ché tang, hàng chục bộ chiêng cổ của các dân tộc Jơ Rai, Êđê, M'nông và hàng trăm vật dụng sinh hoạt, đồ trang sức như vòng đeo tay... Trong đó có những ché quý trị giá bằng con voi, hoặc đàn trâu hàng chục con; có những vật dụng sinh hoạt trước đây của gia đình tộc trưởng, tù trưởng; đồ nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của già làng Bản Đôn; có cả những chếc ghế Kpan được làm bằng những cây gỗ quý to dài hàng chục mét.

Bên cạnh việc sưu tầm cổ vật, Y Thim còn chế tác, truyền dạy cho lớp trẻ sử dụng được nhiều nhạc khí, nhạc cụ dân tộc. Hằng ngày vào buổi tối hoặc cuối tuần, lớp trẻ đến đây còn được cha con Y Thim truyền dạy cho cách đánh chiêng, chơi đàn và biết cảm nhận những bài dân ca Tây Nguyên đặc sắc.

Cha con Y Thim còn dạy cho lớp trẻ cách chỉnh chiêng và chế tác các loại nhạc cụ dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Y Thim cho rằng, không chỉ sưu tầm, lưu giữ những cổ vật ở bảo tàng mà còn phải làm cho nó "sống", nghĩa là truyền dạy cho lớp trẻ cách chơi, cách thưởng thức, chế tác và đi biểu diễn những loại nhạc cụ dân tộc đó ở mọi nơi mới thấm được trong đời sống tinh thần của bà con và thế hệ trẻ hôm nay. Cồng chiêng cũng như các loại nhạc cụ văn hóa Tây Nguyên nếu không được "sống" trong thế giới tinh thần của bà con thì sẽ trở thành những cổ vật ở bảo tàng và không còn giá trị đúng nghĩa của nó.

Y Thim cùng cha vợ là Y Wil đau đáu mỗi khi nhìn thấy những chiếc chiêng bị bỏ rơi hay mua bán đồng nát. Hai cha con anh tìm mọi cách để mua về chỉnh sửa lại rồi dạy lớp trẻ cách đánh. Bây giờ gia đình Y Thim sở hữu nhiều chiêng, ché nhất Tây Nguyên. 

Cứ đều đặn mỗi ngày, sau những giờ làm việc ở Phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Trung tâm Văn hóa Đắk Lắk, Y Thim lại về chỉnh chiêng, dạy lớp trẻ cách đánh và tập trung xây dựng đội cồng chiêng trẻ trong buôn. Hiện đội chiêng trẻ có thể tổ chức những lễ hội truyền thống như lễ đâm trâu, lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca dân vũ và đi biểu diễn ở các lễ hội khắp nơi

Ngọc Như
.
.
.