Nghệ nhân Lâm Phen: Tâm huyết giữ hồn cho nhạc cụ dân tộc Khmer

Thứ Ba, 26/05/2009, 11:24
Ba năm trên đất bạn Campuchia vừa chiến đấu vừa học nghề, nghệ nhân Lâm Phen đã biết chế tạo nhiều loại nhạc cụ như: dàn nhạc ngũ âm, đờn cò, đờn gáo, đờn Tà Khê, trống tay… Để nâng cao tay nghề, Lâm Phen còn tìm mua sách để học nhạc, học cách chọn lựa âm thanh cho các loại nhạc cụ. Và gần 20 năm nay, nhiều loại nhạc cụ dân tộc Khmer do Lâm Phen tạo ra đã trở nên nổi tiếng khắp vùng.

Nghệ nhân Lâm Phen năm nay 52 tuổi. Nhà ông ở ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh). Ông kể rằng, từ hồi nhỏ, ông đã vất vả theo cha khắp nơi bằng nghề thợ mộc để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình.

Năm 22 tuổi, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. "Những lúc đơn vị không hành quân, tui thường sang nhà người nghệ nhân gần đơn vị đóng quân để học nghề làm nhạc cụ. Hồi đầu chỉ là học hỏi nhưng dần dà sau đó mê dữ lắm. Tui quyết tâm học cho bằng được cách chế tạo ra những loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc mình". 

Ba năm trên đất bạn Campuchia vừa chiến đấu vừa học nghề, Lâm Phen  đã biết chế tạo nhiều loại nhạc cụ như: dàn nhạc ngũ âm, đờn cò, đờn gáo, đờn Tà Khê, trống tay… Để nâng cao tay nghề, Lâm Phen còn tìm mua sách để học nhạc, học cách chọn lựa âm thanh cho các loại nhạc cụ. Và gần 20 năm nay, nhiều loại nhạc cụ dân tộc Khmer do Lâm Phen tạo ra đã trở nên nổi tiếng khắp vùng.

Lâm Phen bộc bạch, việc chế tạo các loại nhạc cụ phải tuân thủ theo nhiều nguyên tắc, trong đó, người chế tạo ra các loại nhạc cụ phải thật am hiểu về cấu tạo, phương pháp lựa chọn âm thanh, lựa loại gỗ nào thích hợp, kỹ thuật chạm khắc trên nhạc cụ… sao cho thật hài hòa và độc đáo. Mỗi sản phẩm ra đời, theo Lâm Phen là khẳng định một thành quả trí tuệ, mang ý nghĩa to lớn của người nghệ nhân đã dày công tạo nên sản phẩm của mình, bằng cả khối óc và trái tim của người làm nghệ thuật. Nhưng điều ông tâm đắc và phấn đấu không mệt mỏi, đó là việc làm của mình đã góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Khmer Nam bộ.

Mới đây, Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) và Sở VH-TT&DL tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ cho Lâm Phen mở lớp dạy chế tạo các loại đàn cho các em nhỏ người dân tộc Khmer tại chùa Lò Gạch cạnh nhà ông.

Hôm chúng tôi ghé thăm lớp học khá đặc biệt này, Sư cả chùa Lò Gạch Thạch Trinh sung sướng bộc bạch rằng: "Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ và nhờ tấm lòng của Lâm Phen mới có lớp học này. Đây không chỉ giúp cho các em người dân tộc Khmer tại địa phương có cái nghề để kiếm sống mà còn là điều kiện tốt để các em nhỏ giữ gìn và phát triển văn hoá đặc trưng của dân tộc Khmer".

Lâm Phen cho biết, hiện lớp học của ông có 8 học viên là thanh thiếu niên địa phương người dân tộc Khmer có sở thích học đàn và chế tạo các loại nhạc cụ cổ truyền. Mỗi khóa học kéo dài 5 tháng.

Học viên Thạch Sôvan Môni cho biết, từ hồi nhỏ em đã thích học đàn. Khi được vào lớp học này, thấy thầy Lâm Phen dạy nhiệt tình nên rất thích... Còn ông Thạch Sông, nhiều năm làm trợ giảng cho ông Lâm Phen thì kể: "Hồi nhỏ, ông ngoại tui cũng biết đờn rồi dạy tôi đờn. Lớn lên, tui tham gia vào đội nhạc của địa phương, được bà con trong xóm mời tới nhà. Bây giờ được cùng với Lâm Phen mang lại kiến thức cho các em nhỏ, tui cũng rất vui. Chắc chắn các em sẽ học tốt".

Lâm Phen kể rằng, ngoài việc dạy đàn, dạy làm các loại nhạc cụ cho thanh thiếu niên địa phương, ông còn nhận làm theo đơn đặt hàng của nhiều tổ chức, đơn vị… "Thời đại của internet vậy mà có nhiều người vẫn còn tìm về những loại nhạc cụ dân tộc như vậy là quý lắm rồi". Lâm Phen tạm chia tay với chúng tôi bằng một tác phẩm do các học viên của ông biểu diễn

Thái Bình
.
.
.