Ngày thơ Việt Nam lần thứ X: Thơ ca thời quốc tế hoá

Chủ Nhật, 05/02/2012, 15:45
Ngày thơ Việt Nam lần thứ X chào đón sự trình diễn của nhiều nhà thơ trẻ trên thế giới như nhà thơ Cyril Wong đến từ Singapore (với bài thơ “Nỗi buồn Santori” và ca khúc “Mùa hạ”), nhà thơ Thụ Tài (Shucai) - một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc của Trung Quốc với bài thơ “Nước lũ”, hay nữ thi sỹ giành được giải thưởng cây bút vàng của Nga trong nhiều năm Ana Retejum với bài thơ “Thửa vườn của tôi”…

Sáng 5/2, hàng vạn người yêu thơ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, du khách và bạn vè quốc tế đã tập trung tại Văn Miếu Quốc Tử Giám để tham gia Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X.

Công tác tổ chức đơn giản nhưng đẹp và ấn tượng

Trong không khí se lạnh và “mưa xuân phơi phới bay” những người yêu thơ đã hội tụ về đây để xem trình diễn thơ, gặp gỡ giao lưu với các nhà thơ trên khắp mọi miền tổ quốc và cả những nhà thơ quốc tế. Mặc dù 9h mới đến giờ khai mạc nhưng gần 8h sáng đã có đông đảo người dân tập trung tại đây. Để tạo điều kiện cho khách tham quan, người yêu thơ, năm nay BTC Ngày thơ Việt Nam tiếp tục không bán vé, du khách được vào cửa tự do.

Khung cảnh đèn hoa vui tươi, rực rỡ, trang trí đẹp mắt là những gì người yêu thơ nhận thấy ở Văn Miếu. Ngoài việc chào mừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ X thì năm nay thi ca Việt Nam còn kỷ niệm 80 năm Thơ mới nên BTC đã chọn ra 38 gương mặt tiêu biểu của Thơ Mới để tôn vinh. Bên cạnh tấm áp-phích lớn in thông tin chung đặt giữa lối ra vào, 19 áp phích nhỏ được bố trí quanh sân Thiên Quang để giới thiệu ảnh, tiểu sử và bài thơ nổi bật của 19 cặp thi sĩ như: Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Vân Đài…

Bên cạnh áp-phích lớn giới thiệu chung là 19 pa-nô nhỏ đăng ảnh, tiểu sử và bài thơ nổi bật của 38 nhà thơ của phong trào Thơ Mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh…

>> Chùm anh: Ngày thơ Việt Nam lần thứ X

Có mặt từ rất sớm để tham gia trưng bày ở không gian thơ của CLB Sáng tác VHNT Việt Nam, nhà thơ Diệu Nguyên Thủy hào hứng cho biết: “Hội thơ năm nay đầy sắc xuân, tất cả các bài thơ của các thi huynh thi hữu được lựa chọn, in ra trên các pa-nô rất đẹp để làm cho ngày thơ thêm độc đáo”.

Còn bác Tùng Lâm (70 tuổi), nguyên giảng viên ĐH Lâm Nghiệp đang tỉ mẩn ghi chép những dòng chữ chú thích trên các pa-nô chia sẻ: “Ngày thơ năm nay bác thu thập được thêm nhiều điều mới mẻ về các tác giả mà bác hâm mộ. Chẳng hạn như thơ của Vân Đài bác đã đọc trong Tuyển tập thơ nữ Việt Nam nhưng bây giờ mới biết bà từng cùng chồng gia nhập quân đội, nên thơ vừa mang tính kháng chiến. Còn nhà thơ Nguyễn Lan lâu nay bác cứ tưởng là nhà thơ nữ nhưng hóa ra là nhà thơ nam…”.

Đây là lần thứ 10 tham dự Ngày thơ Việt Nam, nhà thơ Chu Mạnh Hiến, nguyên TBT Báo Sức trẻ (tiền thân của báo Tiền Phong) nhận xét: “Đến với hội thơ hôm nay tôi rất phấn khởi, bởi công tác tổ chức chu đáo, gọn gàng, đơn giản nhưng sâu sắc”.

David Wolf, một du khách đến từ New York chia sẻ: “Ở đất nước chúng tôi không có ngày thơ của cả quốc gia, việc trình diễn thơ cũng chỉ diễn ra ở không gian nhỏ, không rộng lớn, tươi vui rực rỡ như ở đây. Tôi rất thích thơ và ấn tượng với Ngày Thơ Việt Nam, đây là cơ hội tốt để chúng tôi mở mang thêm kiến thức và những trài nghiệm mới mẻ”.

Đúng 9h, Lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam chính thức bắt đầu. Phát biểu tại lễ khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “10 năm qua Ngày Thơ Việt Nam đã được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, thu hút hàng vạn, hàng vạn con người tham gia. Qua mỗi lần tổ chức, Ngày Thơ Việt Nam lại được cải tiến, bổ sung với nhiều hoạt động ngày càng phong phú hơn, nay đã trở thành 1 lễ hội, 1 mỹ tục mới trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt. Ở lần tổ chức thứ 10 này Ngày Thơ Việt Nam được làm giàu thêm bởi sự kiện tổ chức thành công Liên hoan Thơ Châu Á – Thái Bình Dương tại Quảng Ninh, với sự tham gia của gần 70 nhà thơ đến từ 25 quốc gia trên thế giới”.

Sau khi nhà thơ Hữu Thỉnh tuyên bố khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ X, những nghệ sỹ đến từ dân tộc Mường đã biểu diễn tiết mục cồng chiêng với giai điệu rộn ràng: "Đẻ đất - đẻ nước". Sân thơ truyền thống này mở đầu với 2 bài thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Nguyên tiêu” và “Cảnh rừng Việt Bắc”, do nghệ sỹ Hà Vi biểu diễn;  trong khi các đại biểu quốc tế được mời vào sân thơ trăm miền ở nhà Thái học để trình diễn thơ.

Trình diễn thơ song ngữ mới lạ, nối kết các tâm hồn thơ

Dưới sự dẫn dắt chương trình khéo léo của 2 nhà thơ kiêm dịch giả trẻ là Nguyễn Phan Quế Mai và Hữu Việt, sân thơ trăm miền chào đón sự trình diễn của nhiều nhà thơ trẻ trên thế giới như nhà thơ Cyril Wong đến từ Singapore (với bài thơ “Nỗi buồn Santori” và ca khúc “Mùa hạ”), nhà thơ Thụ Tài (Shucai) – một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc của Trung Quốc với bài thơ “Nước lũ”, hay nữ thi sỹ giành được giải thưởng cây bút vàng của Nga trong nhiều năm Ana Retejum với bài thơ “Thửa vườn của tôi”…

Nhà thơ Cyril Wong đến từ Singapore với bài thơ “Nỗi buồn Santori”.

Sân thơ trăm miền cũng chào đón các nhà thơ trẻ của Việt Nam như: nhà thơ trẻ Đỗ Doãn Phương, người vừa giành được giải thưởng lớn của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tập thơ “Hoan ca”, nhà thơ Vy Thùy Linh người luôn làm nóng không khí thơ qua những bài thơ và phần trình diễn đặc biệt của mình, các nhà thơ trẻ Thụy Anh, Vũ Tú Anh, Bình Nguyên, Phạm Lê….

Điểm đặc biệt của Ngày thơ Việt Nam năm nay là có sự tham gia của các nhà thơ quốc tế, và họ cũng rất ấn tượng trước Ngày thơ của Việt Nam. Nhà thơ Thụ Tài, Uỷ viên Hội đồng Biên tập thơ Tạp chí Văn học thế giới của Trung Quốc, Viện KHXH Trung quốc cho biết: “Ở đất nước chúng tôi cũng có 1 ngày hội thơ được tổ chức 2 năm một lần, lần đầu vào năm 2007. Đặc biệt lần tổ chức năm ngoái đã gây được tiếng vang rất lớn, với sự tham gia của 51 nhà thơ từ 51 quốc gia khác nhau. Tôi thấy Ngày Thơ Việt Nam 2012 được tổ chức rất thành công, chúng tôi cảm thấy rất thân thiện, ấm áp, Chủ tịch Hội Nhà văn là một nhà thơ lớn. Tôi hy vọng những lần tổ chức sau sẽ thành công hơn, bởi thi ca sẽ đem đến cho mọi người cảm xúc hạnh phúc”.

Còn nhà thơ Lào Nheng Phlakone tâm sự: “Đất nước tôi không có Ngày Thơ như ở Việt Nam mà năm 2009 Hội nhà văn Lào có tổ chức 1 đêm thơ hữu nghị Lào – Việt Nam. Ngày Thơ là một sáng kiến đầy ý nghĩa đối với cả dân tộc Việt Nam và tình hữu nghị quốc tế, là sợi dây kết nối những người dân Châu Á – Thái Bình Dương xích lại gần nhau…”

Các thiếu nữ Hà thành trình diễn nghi lễ thả thơ.

Kết thúc các phần trình diễn thơ, BTC tiến hành nghi lễ thả thơ. 50 câu thơ đặc sắc của 50 nhà thơ Việt Nam đương đại đã được chọn để thả lên trời cùng với bóng bay, thu hút sự chú ý của đông đảo người yêu thơ và du khách…

Quỳnh Vinh
.
.
.