Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 2013: Thắm tình đoàn kết 54 dân tộc anh em

Thứ Bảy, 20/04/2013, 10:08
Tối qua, 19/4, chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam và Năm gia đình Việt Nam 2013 đã diễn ra tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc (VHDLCDT) Việt Nam (Đồng Mô, Ba Vì, Hà Nội).

Chương trình nghệ thuật là điểm nhấn của Ngày hội văn hóa các dân tộc với sự tham gia của hàng trăm diễn viên của Đoàn ca múa nhạc Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Nam, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) v.v... Các tiết mục nghệ thuật thể hiện đậm nét giá trị văn hóa các dân tộc, kết hợp hài hòa giữa âm thanh, ánh sáng đã đem lại những giây phút ấn tượng, khó quên.

Chương trình “Đất nước – Cội nguồn” đã mở đầu buổi lễ với tiết mục khai màn mang tên “Nhớ về đất Tổ quê ta”, khơi lại truyền thống 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Hình ảnh trống đồng, chim hạc, bánh chưng, bánh giày, những hùng binh Âu Lạc được tái hiện trong tiếng nhạc trầm hùng, tạo thành không gian đậm sắc màu truyền thống, mang hào khí dựng nước, giữ nước đầy tự hào từ thời Văn Lang. Các tiết mục “Hoa văn đất nước” tái hiện những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, thông qua những bài hát, điệu múa, phong tục tập quán nguyên bản, tạo nên các sắc màu đa dạng và phong phú.

Bức tranh hoành tráng về khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam được tái hiện qua hàng loạt tiết mục mang dấu ấn độc đáo riêng của từng dân tộc. Như đi trên một chuyến du lịch dọc các miền đất nước, các ca khúc: “Non sông gấm vóc”, “Hãy xòe cùng em” v.v... đưa khán giả chiêm ngưỡng các di sản  lịch sử cách mạng, những cánh ban trắng nở khắp núi rừngTây Bắc, những đêm lễ hội, vòng xòe, tiếng khèn… Những mái nhà sàn ẩn hiện trên cao nguyên đá, dưới ruộng bậc thang…

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật. Ảnh: Thanh Hằng.

Tạm chia tay những hình ảnh văn hóa dân tộc của các dân tộc cộng cư vùng núi phía Bắc, người xem lại đến với các dân tộc ở ven biển miền Trung qua điệu múa quạt, múa nón tháp, múa khăn v.v... hòa theo tiếng trống Ghi-năng, trống Paranưng, tiếng kèn Saranai tưng bừng trong lễ hội Kate của người Chăm; qua không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với những vũ điệu, cùng ánh lửa bập bùng quanh cây nêu dưới mái nhà sàn của dân tộc Chơro.

Xuôi về miền Nam Bộ, màn ca cổ “Về miền Tây”, “Dạ cổ Hoài Lang” v.v... giúp khán giả hiểu thêm những nét giao thoa văn hóa của các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Chăm, Khmer trong đời sống sinh hoạt sông nước, những con sông dài, ghe thuyền chở đầy hoa trái, lúa gạo mua bán ngược xuôi, những tà áo bà ba thấp thoáng, từng cụm lục bình trôi trên sông… đêm đêm ngồi bên nhau quây quần nghe giai điệu tuyệt đẹp, tinh tế, bay bổng của những câu vọng cổ ân tình với tiếng đàn kìm, nhịp gõ song lang…

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Năm gia đình Việt Nam 2013 là dịp để nâng cao nhận thức cho tuổi trẻ 54 dân tộc Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần tăng cường quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Trước đó, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giao lưu phong phú và đặc sắc, hội thảo “Tuổi trẻ các dân tộc với việc thừa kế và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam” đã diễn ra tại Làng VHDLCDT Việt Nam.

Đặc biệt, lần đầu tiên du khách được sống trong không gian của phiên chợ vùng cao quy mô giữa lòng Hà Nội, với các sản vật: thổ cẩm các loại, các món ẩm thực như thắng cố, mèn mén, bánh gạo... đặc trưng của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Thái, Mường, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu ở các tỉnh phía Bắc. Không chỉ chứng kiến nghi lễ đặc biệt như lễ Cấp Sắc của người dân tộc Dao, tục vợ dắt ngựa cho chồng của người Mông, du khách còn có thể trực tiếp tham gia vào điệu múa sạp của người Thái, cách nấu rượu ngô của người Mông. Các hoạt động văn hóa, giao lưu nghệ thuật sẽ diễn ra tại Làng VHDLCDT Việt Nam đến hết ngày 21/4.

Bích Diệp – Thanh Hằng
.
.
.