Ngày thơ Việt Nam 2014: Nơi quần tụ của những tấm lòng yêu nước, yêu thơ

Thứ Bảy, 15/02/2014, 14:06
Dẫu Hà Nội đang chìm trong đợt rét đậm, nhưng Ngày thơ Việt Nam vẫn đủ tạo nên “sức nóng” để kéo mọi người về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi 12 năm qua, rằm tháng Giêng vẫn là dịp hội tụ của những nhà thơ và người yêu thơ. Từ Văn Miếu Môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang đến sân Thái Học, những bước chân tấp nập, rộn ràng với nụ cười tỏa sáng trên môi. Ngày thơ Việt Nam quả đã trở thành ngày hội của thi ca, của những tâm hồn yêu thơ quần tụ.

Khai mạc Ngày thơ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhấn mạnh: “Ngày thơ Việt Nam là nơi truyền thống được hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc. Trong đó là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đa dạng và thống nhất tạo nên phép nhiệm màu phát triển thơ ca dân tộc”.

Ngày thơ Việt Nam năm nay thể hiện rõ tinh thần đó khi mang chủ đề “Mùa xuân đất nước - từ Điện Biên tới Trường Sa”, nhằm ca ngợi truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý chí đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Sau bài “Nguyên Tiêu” của Hồ Chủ tịch khai mạc Ngày thơ, các thi phẩm vốn được công chúng yêu mến đã ngân lên: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Giải phóng Điện Biên”, “Trời Điện Biên mây trắng”, “Nhớ một chiều Tây Bắc”, “Đêm rượu Điện Biên”… Đặc biệt, nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người “nhạc trưởng” vĩ đại trong chiến dịch Điện Biên bằng tất cả sự kính yêu, sâu lắng, bài “Bất tử” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã gây ấn tượng mạnh tại Sân thơ truyền thống: “Người không nghĩ mình sẽ hóa Thánh nhân/ Khi nằm xuống, cả non sông thương khóc/ Cả non sông thành Rồng chầu Hổ phục/Tôn vinh Người, vị Thánh của lòng Dân”.

Nhà thơ Bình Nguyên Trang thể hiện một tác phẩm tại sân thơ trẻ.

Chương trình thơ về biển đảo cũng tạo nên làn sóng cảm xúc dâng trào, với “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc tiếp tục xuất hiện tại Ngày thơ Việt Nam: “Mộ gió đây những phút giây biển lặng/ Gió là tay ôm ấp bến bờ xa/ Chạm vào gió như chạm vào da thịt/ Chạm vào/ nhói buốt/ Hoàng Sa…/ Mộ gió đấy/ giăng từng hàng, từng lớp/ Vẫn hùng binh giữa biển - đảo xa khơi…”. “Thêm một lần Tổ quốc sinh ra” của Nguyễn Việt Chiến cũng day dứt trong trái tim người nghe: “Dầu là máu thắp trên thềm lục địa/ Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa/ …Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra…”.

Với những bài thơ thấm đẫm tình yêu đất nước, Ngày thơ Việt Nam như một bản giao hưởng của các thế hệ thi sĩ Việt Nam bày tỏ tấm lòng đối với Tổ quốc, với dân tộc, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chia sẻ. 

Sân thơ trẻ năm nay thu hút được khán giả đông hơn và còn kéo họ ở lại tới phút cuối cùng, bởi nội dung phong phú, sức sáng tạo của các nhà thơ trẻ, cùng sự tham gia của sinh viên các trường: Đại học Đại Nam, Học viện Cảnh sát, Đại học Văn hóa… 9 tác giả trẻ không chỉ mang đến đây những câu thơ như mùa xuân tinh khôi của họ, mà còn mang đến những dấu ấn vùng miền Tổ quốc, qua các tiết mục dân ca mà họ thể hiện, từ điệu xẩm của đất Hà thành, câu quan họ ngào của vùng kinh Bắc đến câu hò thân thương xứ Huế. Nhà văn Văn Chinh bày tỏ sự hài lòng: Sân thơ trẻ năm nay không chỉ gồm các tác phẩm dành riêng cho việc thể nghiệm của tuổi trẻ, mà đã có nhiều bài thơ quan tâm đến những vấn đề lớn lao của đất nước.

Người yêu thơ tại gian trưng bày những tập thơ mới xuất bản. Ảnh: Thiện Hoàng.

Đề tài biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa đã bước vào thơ với bao cảm xúc ngọt ngào, thể hiện qua tình cảm của mẹ, Tổ quốc với những đứa con và tình cảm của các nhà thơ, người lính biển đảo đối với mẹ, Tổ quốc. Điều này cho thấy lớp trẻ hôm nay không thờ ơ với vận mệnh dân tộc. Nhưng có lẽ, điều đọng lại và là thành công của Sân thơ trẻ chính là đã tạo được một sân chơi đúng nghĩa cho các tác giả trẻ. Để ở đó, họ được thể hiện mình đúng như bản thân họ, dù chỉ là sự thể nghiệm, mà không phải chịu bất cứ áp lực nào.

Tại Sân thơ trẻ, khu trưng bày của Đại học Đại Nam thu hút rất đông bạn trẻ chụp ảnh, bởi mô hình 3 địa danh lịch sử: cột mốc đảo Trường Sa, lán Mường Phăng và chùa Một Cột. Cô giáo Cao Thị Hòa cho biết: Nhắc đến Điện Biên, các bạn sinh viên Đại học Đại Nam muốn nói đến địa danh gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người có vai trò quan trọng trong chiến thắng Điện Biên là lán Mường Phăng. Hơn nữa, lán được kết bằng tranh tre, nứa lá lại mang đậm hồn Việt. Ở đây còn có bức ảnh chụp đêm thắp nến của hơn 1.000 giáo viên, sinh viên xếp hình thành chữ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” ngày ông mất.

Một dấu ấn của Ngày thơ Việt Nam năm nay là triển lãm “Nửa thế kỷ các nhà thơ chống Mỹ (1964-2014)” được công chúng rất quan tâm. Trên các tấm pano khổ lớn, in trang trọng ảnh kèm thi phẩm tiêu biểu của các nhà thơ: Hữu Thỉnh, Thu Bồn, Vũ Quần Phương, Giang Nam, Nam Hà, Ngô Văn Phú, Lâm Thị Mỹ Dạ, Anh Ngọc, Lê Anh Xuân, Thanh Hải, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyên Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm v.v… Một khu vực chính cổng vào Sân thơ được dành riêng để giới thiệu những kỷ vật của các nhà văn - chiến sĩ: tăng, bạt, quần áo, vũ khí, đồ dùng và cả các chiến lợi phẩm v.v…

Ngắm nhìn dòng người tấp nập ở Văn Miếu hào hứng với các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam, Darlining John, một du khách người Anh, không giấu được sự thú vị: “Ngày thơ Việt Nam thực sự là một sự kiện văn hóa đáng để thưởng thức. Tôi không hình dung người Việt Nam lại yêu thơ đến thế. Mà những tâm hồn yêu thơ luôn là sự tinh tế và tử tế!”.

Với các tác phẩm được đọc trong Ngày thơ đều ấm nồng tình yêu đất nước, tinh thần bất khuất trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và niềm tự hào về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Ngày thơ Việt Nam như một món ăn tinh thần đáp ứng tâm thế trông đợi của công chúng, trong bối cảnh tinh thần dân tộc và vấn đề chủ quyền đất nước đang được đặc biệt coi trọng. Bởi thế, dù BTC Ngày thơ đã tuyên bố bế mạc, mà rất đông người xem vẫn dùng dằng, chưa muốn ra về…

TP HCM: Các nhà thơ nhiều thế hệ cùng tung hứng tạo sân thơ sôi động từ phút khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2014

Ngày 14/2, đêm thơ Nguyên Tiêu chính thức khai mạc hội thơ TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 tại thành phố.

Diễn ra tại trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, 81 Trần Quốc Thảo, Ngày thơ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh tạo không gian rực rỡ bởi các lều thơ của 20 câu lạc bộ thơ tại thành phố. Trên sân khấu chính, lễ khai mạc được tổ chức long trọng. Sau hồi trống khai hội của lãnh đạo thành phố, chương trình sân khấu hóa, kể chuyện lịch sử thành phố bằng thơ được tổ chức, thu hút sự chú ý của đông đảo khách tham dự.

Nhà thơ Quang Chuyền, người vừa vinh dự nhận tặng thưởng văn học năm 2013 của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khai màn hội thơ với tác phẩm “Có một Sài Gòn”. Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký khiến người tham dự thán phục với tiểu phẩm ông đồ viết thư pháp bằng chân, có phụ họa của 4 trẻ em trong áo dài truyền thống. Nhà thơ mặc áo lính Lam Giang tạo nhiều thú vị khi biểu diễn thơ “Mùa xuân về nửa Cần Giờ” kèm múa minh họa. Trương Nam Hương trong vai sĩ quan Hải quân cùng gần chục nam, nữ trẻ hóa thân thành lính Trường Sa trong “Lính trẻ Trường Sa”...

Theo kế hoạch, sau lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2014, các hoạt động của 20 lều thơ và nhiều sân chơi sôi động khác trong khuôn khổ chương trình sẽ tiếp tục được diễn ra đến hết ngày 15/2.

Hoa Nguyễn

Thanh Hằng
.
.
.