Ngày thơ Việt Nam 2011: Ngày của “Mùa xuân đất nước”

Thứ Bảy, 12/02/2011, 14:05
Ngày thơ Việt Nam năm nay có chủ đề "Mùa xuân đất nước", để kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 2011) và 70 năm Ngày Bác về Việt Nam (1941 - 2011) lãnh đạo cách mạng.

Vì thế, năm nay, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam sẽ lên Cao Bằng xin nước từ suối nguồn Pác Pó và đất trong vườn Bác ở Kim Liên (Nghệ An) để làm vật linh cho Ngày thơ lần thứ IX. Ngày thơ năm nay sẽ diễn ra ở 4 điểm: Hà Nội, TP HCM, Cao Bằng và Nghệ An. Thông tin này được nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết tại cuộc họp báo ngày 11/2.

Ngày thơ Việt Nam ở Nghệ An sẽ gồm nhiều hoạt động phong phú, với các hình thức nghệ thuật tổng hợp. Lễ dâng hương tưởng niệm đại thi hào dân tộc Nguyễn Du tại khu tưởng niệm Nguyễn Du ở Tiên Điền vào chiều 11 tháng Giêng năm Tân Mão và tối cùng ngày sẽ công chiếu bộ phim "Vượt qua bến Thượng Hải". Sáng hôm sau là lễ dâng hương ở Khu di tích Kim Liên trước khi khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Đêm thơ Nguyên Tiêu sẽ diễn ra vào tối cùng ngày, dự kiến có trên 1.200 người tham dự.

Tại Hà Nội, như thường lệ, Ngày thơ Việt Nam sẽ khai mạc đúng ngày rằm tháng Giêng với 4 sân thơ: Sân thơ thiếu nhi ở Hồ Văn, Sân thơ chính và Sân thơ hiện đại 2011 ở Văn Miếu, cùng gần 30 CLB thơ quần chúng.

Đặc biệt, Ngày thơ năm nay có triển lãm thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh và triển lãm vườn tượng các nhà văn đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Ngày thơ Việt Nam mong muốn tạo ra một lễ hội mới, một mỹ tục mới trong thời đại Hồ Chí Minh và thực tế là ngày hội tôn vinh văn chương và lao động của nhà văn.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, người đã nhiều năm gắn với việc tổ chức Sân thơ trẻ, cho biết: Sân thơ trẻ năm nay được gọi là Sân thơ hiện đại, nhằm mở rộng đối tượng tham gia. Rực rỡ sắc màu cảm xúc sẽ là điều mà các nhà tổ chức Sân thơ hiện đại 2011 mang đến cho công chúng yêu thơ.

Sau nhiều tháng chuẩn bị, Sân thơ hiện đại 2011 với chủ đề "Blog Xuân 2011" đã sẵn sàng với nhiều đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung. Đó là một không gian thơ trẻ trung, hiện đại, rộng mở, có sự biểu diễn, tương tác và giao lưu của những nhà thơ trẻ đã định hình được chỗ đứng trong lòng công chúng và các tác giả mới xuất hiện, nhưng hứa hẹn sẽ đem lại những cảm xúc thơ tươi mới trong lòng độc giả.

Ngày thơ Việt Nam 2010 kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã thu hút đông đảo người yêu thơ. Ảnh: Thanh Hằng.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cũng cho biết: Các gương mặt tham gia Sân thơ hiện đại 2011 được lựa chọn từ hơn 60 gương mặt thơ trẻ do các hội viên Hội Nhà văn đề cử ở khắp cả nước. Các nhà thơ đã tham gia đọc thơ nhiều lần tại Sân thơ trẻ các năm qua, nhưng chưa có thành tựu nổi bật trong năm 2010 sẽ không tham gia đọc thơ tại Sân thơ hiện đại 2011.

Sân thơ hiện đại 2011 có ba phần chính: Sân khấu thơ quy tụ những nhà thơ hiện đại, là các hội viên nhà văn trẻ: Vi Thùy Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư, Phạm Vân Anh, Hữu Việt v.v… và một số tác giả mới xuất hiện. Các tác giả sẽ đọc thơ và trình diễn thơ tại sân khấu để công chúng yêu thơ gặp gỡ, lắng nghe những bài thơ có phong cách hiện đại. Sân khấu thơ hiện đại năm nay còn có sự tham gia của các nghệ sĩ kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ, ban nhạc nữ Đô Rê Mi… hy vọng đem lại cho người tham dự những món quà mùa xuân ý nghĩa.

10 tấm poster tôn vinh các tác giả thơ hiện đại đã có thành tựu trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2010, được sắp đặt trong hành trình thơ. Cùng với những hình ảnh của các tác giả là những tâm sự của họ về nghề viết, những bài thơ mới nhất và những câu thơ mà họ tâm đắc nhất. Sự sắp đặt hành trình thơ sẽ cho độc giả cái nhìn khái quát về chuyển động của nền thơ hiện đại Việt Nam trong năm 2010.

Điểm nhấn thứ 3 của Sân thơ hiện đại là 10 thi quán với sự hiện diện của các nhà thơ có thành tích và tác phẩm trong năm 2010. Tại khu vực thi quán cũng sẽ diễn ra các hoạt động giao lưu của các nhà thơ trẻ với nhiều thế hệ thơ và độc giả, mở ra một không gian tương tác giữa các nhà thơ hiện đại và công chúng yêu thơ.

Ngoài ra, còn có một thi quán thơ dịch trưng bày các tác phẩm thơ dịch trong năm qua, đặc biệt là có sự hiện diện của dịch giả Thụy Anh và tác phẩm “Olga Berggoltz của tôi”. Lần đầu tiên trong lịch sử sân thơ, sẽ có một thi quán dành riêng cho các tác phẩm của các tác giả thơ hiện đại đến từ miền Nam và Tây Nguyên do nhà thơ Tuệ Nguyên (Ninh Thuận), Trịnh Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang) đại diện.

Trước ý kiến của các nhà báo về việc lựa chọn 50 câu thơ hay nhất trong một số Ngày thơ Việt Nam trước đây chưa thật hay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Việc chọn 50 câu thơ không phải là điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam. Điều quan trọng là Ngày thơ Việt Nam chính là cách hành xử với văn hóa, với thi ca, giúp mọi người đến với Ngày thơ cảm nhận được sự nhẹ nhõm trong tâm hồn. Đó mới là sự bí ẩn và quyền lực của thi ca.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết thêm: 53.000 USD do một tổ chức nước ngoài ủng hộ Hội Nhà văn Việt Nam sẽ được sử dụng tổ chức Liên hoan thơ châu Á tại Việt Nam thời gian tới đây.

Ngày thơ Việt Nam 2011 tại TP HCM sẽ diễn ra vào ngày 17/2

Diễn ra vào ngày 17/2 với chủ đề "Từ thành phố này Người đã ra đi", Ngày thơ Việt Nam năm 2011 tại TP HCM sẽ được tổ chức ngay tại bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 1 Nguyễn Tất Thành, quận 4.

Việc tổ chức Ngày thơ như một sự kiện hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2011) và 70 năm Ngày Bác Hồ trở về nước (năm 1941, Pác Bó, Cao Bằng) cùng với địa điểm tổ chức mới được coi là tín hiệu vui cho người yêu thơ về một sự "ưu ái" hơn với nàng thơ của thành phố lớn nhất đất nước, vốn có thế mạnh về phát triển kinh tế này.

Được biết, với những nhà thơ, giới yêu thơ, Ngày thơ hằng năm là sân chơi, một dịp để những tri kỷ, những tâm hồn thơ tương hội. Lần thứ chín, Ngày thơ được duy trì chứng tỏ một sự quan tâm phần nào của cấp quản lý, song vẫn còn đó nỗi niềm trăn trở: Làm sao để thơ có một chỗ đứng trong "vòng vây" của rất nhiều loại hình văn hóa giải trí thị trường và làm sao để những người yêu thơ đừng quay lưng với thơ?

Một nhà thơ thế hệ 5X đã bộc bạch rằng, Ngày thơ ở TP HCM đang mất dần sự quan tâm của nhà thơ và khách thơ bởi số người đến tham gia sự kiện này còn khá ít. Ngoài lý do chung, sở dĩ Ngày thơ không thu hút là do thiếu chỗ tổ chức cố định. Năm thì ở Công viên Bách Tùng Diệp, năm sau lại "dời" qua nhà hát thành phố, năm khác lại dời qua Cung Văn hóa Lao động… Trong khi đó, ở Hà Nội, đến hẹn lại lên, Ngày thơ luôn diễn ra ở địa điểm cố định Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một không gian trân trọng với thi ca.

Hy vọng, việc tổ chức thí điểm Ngày thơ Việt Nam ở bến Nhà Rồng sẽ thành công nhiều hơn các năm trước để Hội Nhà văn thành phố đề xuất lãnh đạo thành phố đồng ý cho làm địa điểm cố định tổ chức Ngày thơ trong các năm tới. 

(N.Nguyễn - Hoài An)

Thanh Hằng
.
.
.