Ngẫu nhiên chọn một ông Biền

Thứ Hai, 10/07/2006, 13:35
Thực ra tôi không gặp ông nhiều, nhưng cảm giác về một người bạn vong niên ở một xứ khác là có thật. Chính ông, người đã gửi cho tôi và những bạn viết cùng lứa những lá thư nhận xét về tác phẩm đầu tay, động viên chúng tôi bước tiếp trên hành trình đầu tiên lắm đắm say nhưng cũng đầy hoang mang với văn chương.

Người đàn ông có một nửa Sài Gòn làm bầu bạn ấy dường như lại là một người cô độc, giãi bày lòng mình cùng những trang sách nhiều hơn. Và ông cũng cô độc một đời văn với mảng đề tài dành cho tuổi mới lớn, cái mảng đề tài dị biệt mà bao nhiêu thế hệ học sinh lớn lên, bỏ quên mọi chuyện vui buồn vẫn luôn nhớ ông Biền với những nhân vật xưng hô rất lạ đời: "ông" và "em".

Nói ông Biền có một sự nghiệp văn chương đồ sộ thật sự là quá lời. Nhưng ông lại có những câu được nhiều thế hệ học trò chép vào sổ lưu bút, chẳng hạn như: "Người ta chỉ khóc một lần trong đời, những lần trước là tập khóc, còn những lần sau là khóc theo thói quen"... Không biết có phải câu nói đó đúng với những ai đi vào sự rạn vỡ của tình yêu đầu hay không, nhưng đến những thế hệ mà tuổi đời cũng chỉ chòm chèm tuổi của tác phẩm, câu nói ấy vẫn được nâng niu và yêu mến.

Gần bốn chục năm cầm bút, ông in 6 tập truyện ngắn, hai tập truyện dài và một tập kịch. Trừ cái tập kịch ông mới in hồi năm 2005 dành cho tuổi... hết lớn tên "Đêm của cỏ", số còn lại đều là những cái tên man mác, những câu chuyện tình yêu nhẹ bay nhưng cũng lắm đắng cay dành cho thời mới lớn: "Tình nhỏ làm sao quên", "Mây bay trong đầu", "Tôi thương mà em đâu có hay", "Tôi hay mà em đâu có thương", "Ví dụ ta yêu nhau", "Mùa hè nghiệt ngã"...

Bao trùm lên những sáng tác của ông Biền là nói về sự lầm lẫn trong tình yêu và rộng hơn là mối quan hệ giữa người với người. Và tác phẩm của ông luôn được bắt nguồn từ những câu chuyện có thật. Ông không nệ thực nhưng ông muốn dựa trên một cái tứ từ đời thực để triển khai thành một tác phẩm. Đó là cái duyên dáng mà một đời sống bộn bề bên ngoài dành cho nhà văn, người biết dung nạp, chuyển hóa và triển khai những câu chuyện ngày thường thành những trang viết lấp lánh. Một không gian đẹp và buồn, những nghĩ suy không dứt và những câu thoại hóm hỉnh.

Văn của Đoàn Thạch Biền luôn có chút gì đó như bông lơn, như dẫn dụ người đọc của tuổi dở dở ương ương đi vào một thế giới mà ở đó người ta có say mê, có thất vọng và có buồn đau, nhưng sẽ không bi lụy, không chán nản và tuyệt vọng. Nhiều người cùng có chung nhận xét, "Tình nhỏ làm sao quên" của ông Biền là hấp dẫn nhất. Đó cũng là một câu chuyện có thật tại Đà Lạt mà trong chuyến đi viết kịch cho sinh viên ông đã chứng kiến.

Câu chuyện bắt đầu bằng những đêm lạnh Đà Lạt, nhà văn đi xuống phố và bắt gặp cô bé tâm thần tìm một vật màu xanh rơi dưới cỏ. Chính cô cũng không biết nó là cái gì, chỉ biết là đánh rơi và dường như đêm nào cô cũng bắt người nhà đưa đi tìm và chưa bao giờ cô thấy nó. Nhà văn thuê “căn nhà ma” của gia đình cô gái tâm thần đó, và người ta cho ông biết, cô bị căn bệnh ấy từ khi người cha của mình tự sát trong căn phòng ngập tràn màu xanh.

Cha cô là người thợ săn cừ khôi nhất xứ đó, nhưng ông hâm mộ nhà văn Mỹ Hemingway đến mức cuồng tín, ông muốn chết cũng giống thần tượng. Khi bế tắc trong quan hệ với người vợ trẻ đẹp đã có tình nhân dưới thành phố, người đàn ông đã tự kết liễu đời mình bằng nòng súng đã nhả đạn vào những con thú hoang. Nhà văn nghĩ rằng mình có thể cứu cô bé ra khỏi vũng lầy hoang tưởng đó. Và cô gái luôn hỏi: "Ông có tìm giúp em thật không?". Nhà văn đưa cho cô cái bật lửa màu xanh và cô gái đã đánh rơi nó trên hồ.

Ngày hôm sau, người ta thông báo cho nhà văn rằng cô bé đã chết đuối dưới hồ vì cứ đi tìm màu xanh đã đánh mất. Tình yêu đã đến từ lúc nào nhà văn cũng không hay biết, chỉ biết đến khi cô bé ra đi, ông mới thấy mình đánh mất một phần thiêng liêng của cuộc sống...

Như một bài thơ của Pierre Emmanuel, "Seuls Comprennent les Fous", cô bé trong "Tình nhỏ làm sao quên" đã luôn đi tìm lời giải cho câu hỏi "Tại sao vĩnh cửu xanh màu lá cây?". "Tình nhỏ làm sao quên" được dựng thành phim và người ta nhớ nhiều đến bộ phim hơn. Điều này không biết nên buồn hay nên vui, rằng người ta ít nhớ những câu chuyện của ông Biền, mà người ta nhớ cái không khí, nhớ cái "e" văn mà dù có dứt cái tên ra khỏi tựa truyện vẫn không bị trộn lẫn.

Rất nhiều người trẻ tuổi được ông Biền coi như những đứa em khi bắt đầu bước vào con đường viết lách. Gần hai chục năm ông cặm cụi với tuyển tập "Áo trắng", một tuyển tập chuyên in những sáng tác đầu tay của các bạn học sinh, sinh viên. Suốt thập niên chín mươi của thế kỷ hai mươi, "Áo trắng" là nơi xuất hiện rầm rộ của dàn cây bút trẻ sung sức và nó thực sự tạo nên diễn đàn văn thơ tươi xanh cho bạn đọc, bạn viết trên cả nước.

Hệ thống gia đình "Áo trắng" của ông Biền đã lên tới vài ngàn thành viên trải khắp ba miền. Và ông đã đến những miền xa như Lạng Sơn, như Cà Mau... gặp gỡ và động viên những người trẻ tuổi sáng tác. Văn chương không tựa nhờ những phong trào, nhưng với những người mới cầm bút, có bạn viết để sẻ chia, có một tờ báo để xuất hiện là một động lực to lớn để họ có đủ sự tự tin bước tiếp. Nhưng sự xuất hiện, hưng thịnh và đi vào sự lụi tàn của "Áo trắng" trong khoảng một thập kỷ cũng vừa đủ hình thành một thế hệ những người cầm bút trẻ.--PageBreak--

"Áo trắng" đã hoàn thành sứ mệnh với thế hệ ấy để rồi đi vào sự khó khăn chung của văn hóa đọc, không còn nhiều người muốn mua một tuyển tập thơ văn trong khi những tờ báo in màu đưa tin về ca nhạc, thời trang và các đồ chơi thời thượng luôn hấp dẫn và bắt mắt hơn rất nhiều. Trong sự tàn lụi của "Áo trắng", có nỗi buồn riêng của ông Biền. Vì là cha đẻ, là người dưỡng nuôi nó, nhưng ông đã buộc phải đối mặt với một thực tại không mấy vui, rằng nó buộc phải dừng lại sau nhiều lần tạm nghỉ rồi lại nhúc nhắc xuất hiện rồi lại nghỉ.

Không ai không lý giải được điều đó, chính ông, người đã từng chinh chiến trong lĩnh vực xuất bản mấy chục năm, là người hiểu rất rõ điều đó. Nhưng trong một chút nghĩ suy cực đoan đáng yêu của một người cha thương con, ông vẫn muốn "Áo trắng" phải là nơi bắt đầu cho những ngòi bút mới. Điều đó là một lực cản đối với sự tồn tại của "Áo trắng". Với những người viết thân quen của tuyển tập ấy, đó cũng là một sự mất mát.

Người ta truyền tin cho nhau và bằng một cách nào đó, họ động viên ông trong những lúc ông rơi vào sự tiếc nuối đến tột cùng. Ngày tôi vào lại Sài Gòn, ông gọi đi nhậu, báo một tin vui, tờ  "Áo trắng" sẽ lại phát hành sau World Cup, ông và nhà văn Nguyễn Đông Thức cùng thực hiện. Và ông sẽ tiếp tục giới thiệu những người viết mới, những người đến sau lứa chúng tôi, nhưng văn chương còn bề thế hơn chúng tôi. Ông cười, đó là sự lạ lùng của những con chữ, tưởng như đã nằm sâu đâu đó, bất chợt sống dậy trong một thế hệ sau, tươi non, thông minh và tinh sạch hơn.

Nói về lứa chúng tôi, những người viết tuổi hai mươi, nhiều người nhờ sự nhiệt tình, vô tư đến khó hiểu của ông mà có được những cuốn sách đầu tay. Ông thường xuyên bỏ tiền ra in sách cho những cái tên mới, có khi chỉ là 500 cuốn, nhưng đó là những cuốn sách được biên tập tử tế và ông đã lo cho nó sinh hạ đàng hoàng. Khi ông làm việc ấy, nhiều người nghĩ ông đang kinh doanh trên sáng tác của những người trẻ tuổi. Sự thực thì ít ai biết, sau khi gửi tiền nhuận bút cho các tác giả, rất nhiều lần ông phải lõm túi.

Hỏi ông về cảm giác những khi ấy, ông thường cười. Một chút buồn vì sách văn học không dễ bán, văn học trẻ thì càng khó chào mời. Nhưng nhiều phần hy vọng, vì biết đâu rằng, mỗi cuốn sách sẽ có một số phận và người viết tựa lòng vào những cuốn sách ấy để tiếp tục viết, tiếp tục tạo ra những tác phẩm hay hơn những tác phẩm đầu tiên. Tuy vậy, không phải những cuốn sách của ông Biền làm là triền miên lỗ. Ông làm sách cho người trẻ, vài tủ sách của các NXB, cũng đã có những cuốn lọt vào TOP 5 cuốn bán chạy nhất trong tháng và có được sự phản hồi tốt nơi độc giả. Ông thường bảo, đó là những quả ngọt đầu mùa.

Một người bạn nói đùa, một nửa Sài Gòn là bạn của Đoàn Thạch Biền, nửa còn lại biết đến tên ông. Ông Biền có bạn thuộc mọi thành phần, từ giang hồ hảo hán cho đến trí thức văn chương. Ai ông cũng thấy một điểm lành lặn và tốt đẹp để bạn bầy. Nhưng dường như ít người biết về đời riêng của ông cũng như những khó nhọc ông phải gánh trên suốt hành trình gần sáu chục năm làm người.

Ông gửi cho tôi một cái lý lịch cực kỳ ngắn gọn: Quê Nam Định, học tiểu học ở Hội An, trung học ở Đà Nẵng, làm nông dân ở Bảo Lộc, làm công nhân tại Sài Gòn và hiện thời là nhà văn, biên tập viên tờ Người lao động TP Hồ Chí Minh. Sau giải phóng miền Nam 1975, Đoàn Thạch Biền bắt đầu cuộc sống từ một công nhân nhà máy dệt. Nhưng cuộc sống người thợ quá khó khăn, ông dắt vợ con lên Bảo Lộc mua đất trồng cà phê.

Làm rẫy để kiếm sống, nhưng cũng không yên ổn vì Fulro đêm đến thường quậy phá và sợ những đứa con dính cảnh tên rơi đạn lạc, được vài năm ông lại dắt díu gia đình về thành phố và bắt đầu lại bằng xưởng dệt gia đình. Và rồi, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ với những trang viết, ông bắt đầu đi vào trường văn, trận báo, tạo dựng một Đoàn Thạch Biền của hôm nay, một Đoàn Thạch Biền có thể già dặn theo những bài báo nhưng luôn không đổi thay đôi mắt nhìn cuộc sống từ tác phẩm văn học đầu tay năm 25 tuổi cho đến tác phẩm gần nhất năm 55 tuổi.

Có nhiều giai thoại vui về ông Biền và những cuộc nhậu. Nhưng những thông tin về cuộc sống của ông thì lại luôn mơ hồ, giống như những trang viết. Nhiều người bảo cứ cuối tuần là ông lặng lẽ đến một khu vườn yên tĩnh để thiền. Người khác lại cho ông có những "nàng thơ" và cuối tuần ông tranh thủ đi giải trí. Nhưng người đàn ông có thể gặp bạn bè 5 buổi chiều một tuần tại quán nhậu ấy đã luôn giữ lời hứa với ba cô con gái, ông tắt máy vào ngày nghỉ cuối tuần để ở nhà, chia sẻ cuộc sống với các thành viên còn lại của gia đình.

Hai ngày cuối tuần cũng là lúc ông đọc sách và viết văn, miệt mài không ngưng nghỉ. Ông có một niềm vui với những cuốn sách và không chán nản với những gương mặt mới. Đọc họ, ông như được nhấm nháp những hạt cốm thơm chỉ đến mỗi dịp đầu mùa. Ông không lạ lùng với gương mặt nào và ông luôn có con mắt xanh với những tài năng dù sự xuất hiện đầu tiên vẫn nhiều vụng dại.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn bảo, gia tài lớn nhất mà ông Biền để lại cho bạn đọc, đó là hai nhân vật kỳ lạ của văn học Việt Nam, đó là "ông" và "em" và những mối tình lãng mạn không khoảng cách. Ở đó, những cô gái mới lớn và những người đàn ông trưởng thành như một thứ duyên trời, đến với nhau, mơ hồ yêu và mơ hồ nhớ, để rồi những lầm lẫn trong đời sống khiến họ phải chia tay.

Nỗi buồn đó trong veo. Nó khiến tâm hồn người đọc được tinh lọc. Bởi khi hiểu được giá trị của nỗi buồn, những người trẻ tuổi ngỡ ngàng buổi ấy thấy mình đã lớn lên...

.
.
.