Ngành xuất bản thất thu vì COVID-19

Thứ Sáu, 10/04/2020, 07:51
Bị thiệt hại nặng nề do COVID-19, ngành xuất bản vừa chính thức đề xuất hàng loạt giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực, vượt qua khó khăn trong hiện tại và tiếp tục phát triển sau khi dịch bệnh kết thúc.


Theo Cục Xuất bản, In và phát hành, đến cuối tháng 3-2020, hoạt động xuất bản, đặc biệt là thị trường phát hành sách truyền thống, dựa chủ yếu vào hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh, nhất là ở 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Các đơn vị phát hành sách lớn như FAHASA, Phương Nam, Nhân văn, Tiền phong, Tân Việt, Công ty Đường sách Nguyễn Văn Bình..., các công ty sách, nhà sách tham gia liên kết xuất bản như Anfabook, Thái Hà book, Nhã Nam, Đinh Tị, Đông A... doanh thu giảm khoảng 30-40%  và dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4-2020.

Các cửa hàng sách tạm dừng hoạt động, thị trường phát hành truyền thống “đóng băng”.

Do COVID 19, Hội sách mùa xuân TP.Hồ Chí Minh và nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm khác dự kiến diễn ra trong dịp Ngày sách Việt Nam 21-4 bị hủy làm các nhà xuất bản, các công ty sách, nhà sách, các đơn vị phát hành mất nguồn thu lớn.

Mặt khác, việc Trung Quốc, châu Âu, Mỹ đối phó với đại dịch, buộc nhiều công ty phải đóng cửa, hủy hợp đồng đã tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền của nhiều đơn vị trong nước, ảnh hưởng nguồn cung cấp bản thảo. Các hoạt động liên quan nhập khẩu nguyên liệu in xuất bản phẩm gặp khó khăn.

Chi phí thuê lao động, thuê mặt bằng của các đơn vị phát hành, công ty sách trở thành gánh nặng lớn... Thống kê 3 tháng đầu năm cho thấy, lượng nộp lưu chiểu giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, do COVID-19, việc nhiều bạn đọc tìm lựa chọn mua sách qua mạng giúp kênh phát hành sách online tăng trưởng đột biến. Ghi nhận của Tiki, đơn vị lớn nhất trong bán sách online hiện nay thì hai tháng đầu năm, mặt hàng sách tăng trưởng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, thị trường sách điện tử cũng tăng mạnh.

Theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), trong tháng 2, doanh thu tăng khoảng 20-30%. Cuối tháng 2, lượng truy cập vượt trên 15.000, trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể. Số thư viện mua account tăng. Việc huy động kinh phí để tổ chức xuất bản sách in truyền thống sau khi xuất bản phiên bản điện tử và thí điểm bán lưu niệm, các vật phẩm văn hóa khác qua fan club có nhiều thuận lợi, mở ra nguồn doanh thu mới.

Mặc dù ngành xuất bản vẫn có những cơ hội nhất định song về cơ bản, trong thời gian tới, toàn ngành sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Nguyễn Nguyên.

Theo ông Nguyên, ảnh hưởng trước mắt là thị trường bán sách truyền thống bị thu hẹp, về lâu dài sức mua giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp, hệ lụy từ việc mất việc làm của một bộ phận người lao động sẽ làm doanh nghiệp phát hành, nhà sách có nguy cơ dừng hoạt động.

Sự tăng trưởng mạnh của thị trường phát hành sách online chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống do phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp.

Để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức do COVID-19, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã đề xuất nhiều giải pháp lên Bộ Thông tin và Truyền thông. Giải pháp trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa đọc nhân sự kiện Ngày sách Việt Nam 21-4; triển khai hiệu quả Hội sách online trong khoảng 1 tháng, kêu gọi các cơ quan truyền thông cùng vào cuộc, thực hiện chủ trương “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, chiến thắng đại dịch COVID 19”; duy trì phát triển sàn giao dịch điện tử, nghiên cứu đề xuất giảm thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị hoạt động xuất bản, phát hành, giảm giá thuê nhà, hỗ trợ vốn vay để sản xuất và trả lương người lao động.

N.Nguyễn
.
.
.