Ngân vang đàn đá Tây Nguyên

Thứ Năm, 10/05/2007, 10:09
Về chất liệu, đàn đá được làm bằng hai loại đá chính là đá thạch và đá sừng. Đây là hai loại đá có nguồn gốc từ hiện tượng núi lửa vốn là đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Và, Tây Nguyên chính là quê hương của những bộ đàn đá tự cổ xưa.

Trai gái M'Nông vẫn thường hát đối đáp giao duyên với nhau rằng: "Anh muốn cùng em tỉa bắp/anh muốn cùng em ở chung nhà…". Cô gái trả lời: "Em rất thích nghe đàn đá?anh biết đánh không?/em sẽ theo anh về…".

Ngân vang từ trong huyền thoại

Chưa ai có thể xác định cụ thể thời điểm ra đời của những câu hát ấy, nhưng có một điều chắc chắn là đàn đá đã từng xuất hiện từ rất lâu trong đời sống văn hóa của cư dân bản địa các dân tộc Tây Nguyên. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà loại nhạc cụ độc đáo này đã biến mất trong một thời gian khá dài.

Thậm chí, cho đến khi phát hiện ra một số bộ đàn đá rải rác tại các vùng Khánh Sơn, Tuy An, Bác Ái… thì vẫn còn rất nhiều ý kiến hoài nghi: Liệu có thực một loại nhạc cụ như thế? Sở dĩ có những nghi vấn ấy là do những bộ đàn đá ấy mới chỉ là những thanh đá riêng lẻ và các nhà chuyên môn chưa xác định được âm thanh của chúng thuộc hàng âm nào, gồm những nốt nhạc nào.

Và một ngày, tại các buôn làng người M'Nông ở Đắk Rlấp - Đắk Nông xuất hiện một câu chuyện kể mang đầy màu sắc huyền thoại. Đồng bào kể với nhau rằng: Có một người đàn ông tình cờ phát hiện có 3 thanh đá nằm giữa lòng suối Đắk Kar (Đắk Rlấp), khi đem lên gõ thì nghe phát ra những âm điệu rất hay và có thể đánh được theo bài. Ông bèn mang về nhà và đánh trong lúc uống rượu cùng với các nghệ nhân khác.

Trục vớt đàn đá giữa lòng suối Đắk Kar.

Không ngờ, đêm hôm ấy trời mưa rất to và kéo dài liên tục mấy ngày gây lũ lụt. Lo sợ mình đã chạm đến báu vật của các Yàng khiến Yàng nổi giận, ông liền đem những thanh đá đó vứt trả lại cho các thần linh! Đó là vào khoảng thời gian những năm 1995, 1996.

Báu vật của núi rừng!

Lần theo câu chuyện kể, đoàn công tác của Sở VH-TT Đắk Lắk đã tìm lại được những thanh đá đó. Điều thú vị là khi xác định tần số âm thanh của bộ đàn đá thì thấy nó tương ứng với 3 nốt pha, son, la trong khuông nhạc. Và thật bất ngờ, một số nghệ nhân M'Nông vẫn còn khả năng diễn tấu một cách thành thạo loại nhạc cụ này.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, người có nhiều năm nghiên cứu về đàn đá cho biết: Đàn đá Đắk Kar có 2 loại bài diễn tấu chính, đó là Pen pách và Pách pen. Theo quan niệm của người M'Nông thì bài Pen pách là bài thường, đánh lúc nào cũng được, còn bài Pách pen thì chỉ khi cúng mới đánh. Lối đánh đàn đá khác với đánh chiêng, không như cách nghĩ của một số người là hễ biết đánh chiêng thì cũng biết chơi đàn đá!

Những nghiên cứu ban đầu cũng cho thấy: về chất liệu, đàn đá được làm bằng hai loại đá chính đó là đá thạch và đá sừng. Đây là hai loại đá có nguồn gốc từ hiện tượng núi lửa vốn là đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Và không còn nghi ngờ gì nữa, Tây Nguyên chính là quê hương của những bộ đàn đá tự cổ xưa.

Những hiện vật còn lại đủ cho chúng ta thấy: Có một thời, đàn đá đã tồn tại bên cạnh rất nhiều nhạc cụ độc đáo của người dân Tây Nguyên. Những nỗ lực tìm kiếm cộng thêm chút may mắn đã giúp đàn đá trở về với buôn làng. Thế nhưng, điều quan trọng là làm sao để đàn đá trở lại một cách phổ biến trong đời sống văn hóa của đồng bào trong điều kiện mới?

Hiện tại, ngoài bộ đàn đá đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nhân học (Pháp) thì những bộ còn lại phát hiện sau này cũng đang nằm trong bảo tàng chứ chưa được trả về cho những chủ nhân của nó.

Trong lễ mừng kỷ niệm 30 năm giải phóng Buôn Ma Thuột, đàn đá được một dịp xuất hiện trước công chúng, xong rồi lại mang cất. Hy vọng, trong nay mai, với những chính sách tích cực của các cấp, các ngành, đàn đá sẽ lại ngân vang trong các ngày lễ hội của buôn làng Tây Nguyên

Tuấn Thiện
.
.
.