Góc nhìn văn hóa:

Ngăn chặn xu hướng bạo lực trong lễ hội

Thứ Năm, 26/02/2015, 10:14
Giá trị văn hóa của mỗi lễ hội đã được khẳng định và truyền nối qua nhiều đời, ở đó người dân vừa có dịp bày tỏ lòng tri ân công đức của tiền nhân, vừa gửi gắm khát vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, vì thế không thể để nảy sinh yếu tố bạo lực bắt nguồn từ một phong tục đẹp như ban lộc trong ngày hội.

Tháng Giêng là mùa lễ hội. Nhiều vùng quê có lễ hội truyền thống lâu đời, mang bản sắc riêng, vì thế người dân ở đó luôn háo hức chờ đón và có sự chuẩn bị rất kỹ cho ngày trọng đại này.

Lễ hội diễn ra thường để tưởng nhớ các vị Thành hoàng làng, những người có công với vùng đất đó hoặc với lịch sử dân tộc. Vì thế ngày hội trở thành ngày linh thiêng với cả dân làng. Nhà nhà làm bánh, làm cỗ thờ cúng trong ngày làng có hội, tổ chức dâng vật phẩm tế lễ lên các ngài và cầu mong được may mắn.

Ở một số lễ hội, ngoài phần rước linh kiệu, tế lễ tương đối giống nhau, thì phần hội truyền thống mỗi nơi có mầu sắc riêng và quan niệm trong ngày hội ai giành được vật phẩm ngài ban cho thì được may mắn cả năm. Ví như Rằm Bông trong lễ hội làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội); quả Phết trong hội đánh Phết ở Hiền Quan, Phú Thọ; lộc lá trầu, quả cau và Giò hoa tre ở lễ hội Phù Đổng…Vì thế đã xảy ra việc tranh giành quyết liệt giữa thanh niên với nhau. Thậm chí thanh niên thôn này hợp sức nhau đấu với thanh niên làng kia, tạo nên không khí rất căng thẳng.

Người viết bài này từng chứng kiến cuộc tranh cướp Rằm Bông của hội làng Sơn Đồng, vì quan niệm rằng ai cướp được Rằm Bông sẽ sinh được con trai, thế là trong cái giá rét ra Giêng, cả đám thanh niên sau mấy tiếng giữ nhau trên bờ không xong, cuối cùng dìm nhau xuống cả ao làng, mà vẫn không phân thắng bại. Quyết liệt như thế nên không có năm nào không xảy ra xích mích, đánh nhau, mất an ninh trật tự.  Hay hội đánh Phết ở Phú Thọ, lúc đầu hội thì vui, đến phần cướp Phết thì hỗn loạn, thanh niên trai tráng xông vào tranh giành nhau, có năm cuộc tranh cướp diễn ra quần nát cả ruộng mầu, ruộng lúa người dân mới trồng, mới cấy; rồi xích mích đánh nhau gây thù hằn giữa người làng nọ, thôn kia.

Giá trị văn hóa của mỗi lễ hội đã được khẳng định và truyền nối qua nhiều đời, ở đó người dân vừa có dịp bày tỏ lòng tri ân công đức của tiền nhân, vừa gửi gắm khát vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, vì thế không thể để nảy sinh yếu tố bạo lực bắt nguồn từ một phong tục đẹp như ban lộc trong ngày hội. Bởi một lễ hội chỉ có ý nghĩa khi nó thỏa khát vọng của con người và diễn ra trong niềm vui, an toàn.

Hà Văn Thể
.
.
.