Nga ra mắt cuốn sách “Việt Nam ngày nay”

Thứ Ba, 25/08/2015, 20:58
Nhân kỉ niệm 70 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015), Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN) sẽ ra mắt ấn phẩm khoa học chuyên sâu mới: “Việt Nam ngày nay”.
“Việt Nam ngày nay” do những chuyên gia hàng đầu ở Nga chuyên nghiên cứu về Việt Nam đến từ nhiều trung tâm, tổ chức khoa học thực tiễn khác nhau ở Moskva, St.Peterburg, Vladiovostok biên soạn, không chỉ phản ánh những tư liệu mới về Việt Nam, mà mỗi chủ đề còn được tổng quát và bổ sung thêm các công trình nghiên cứu mới nhất về các thành tựu cũng như các vấn đề đang diễn ra ở Việt Nam. Tập thể biên tập cũng khái quát quá trình lịch sử Việt Nam, đặc biệt là những sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử cận đại.

Phần chính trong cuốn sách là bối cảnh đất nước Việt Nam ở thế kỉ XXI, bắt đầu với chương Hệ thống chính trị và xã hội, trong đó nêu rõ vai trò của Đảng Cộng sản trong xã hội Việt Nam ngày nay và quá trình hiện đại hóa cơ sở pháp luật tương ứng với nhiệm vụ mới. Những chương sau phân tích phương hướng chính, cơ chế và kết quả xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, sự phát triển của những ngành chủ chốt, quan hệ kinh tế đối ngoại và hệ thống tài chính, cũng như các hệ lụy của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và những biện pháp mà nhà nước tiến hành để đảm bảo sự ổn định xã hội, quá trình nhân khẩu học và di cư, tình trạng của nguồn lao động hiện nay.

Đặc biệt, trong cuốn sách, các tác giả cũng phân tích tình hình, đường lối đối ngoại hiện nay của Việt Nam, vốn tiếp tục đóng vai trò quan trọng là chất xúc tác cho quá trình cải cách và hội nhập của đất nước vào cộng đồng quốc tế. Cuốn sách cũng chỉ ra những thành tựu to lớn trong chính sách đối ngoại đa phương, cởi mở, cho phép Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn có thể thiết lập quan hệ bình thường, đôi bên cùng có lợi với tất cả các cường quốc trên thế giới, trước hết là Mỹ, Trung Quốc, cũng như với những nền kinh tế lớn, các trung tâm chính trị- kinh tế chính như ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt đến năm 2015 là với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU). Một phần quan trọng trong cuốn sách phản ánh những thách thức mới, trước hết là gắn liền với những gia tăng căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ khu vực biển Đông, đồng thời cũng đề cập đến triển vọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt Nam. Ngoài ra, lần đầu tiên, cuốn sách đề cập cụ thể những thành tựu văn hóa, cũng như văn học nghệ thuật của Việt Nam.

“Việt Nam ngày nay” là một công trình khoa học thực tiễn, đóng vai trò cơ sở khoa học và làm thỏa mãn những độc giả quan tâm đến đất nước Việt Nam đương đại.

PV
.
.
.