Nên chiếu lại các bộ phim hay về Hà Nội

Thứ Sáu, 15/10/2010, 09:20
Chỉ tính riêng từ năm 1945 đến nay, hầu như những thời khắc lịch sử quan trọng của Hà Nội đều được phản ánh trong phim với những tác phẩm tiêu biểu như: Sao Tháng tám, Em Bé Hà Nội, Hà Nội mùa đông 1946 và Hà Nội 12 ngày đêm...

Đạo diễn Trần Đắc, từ năm 1976, nghĩa là khi đất nước vừa mới thống nhất, hòa bình đã dành tâm huyết để làm một bộ phim có giá trị lâu dài như Sao Tháng tám. Bối cảnh lịch sử trong phim là từ tháng 2 đến tháng 8/1945 tại Hà Nội. Với sự đan cài khéo léo các tuyến nhân vật, các chi tiết, bộ phim hoàn chỉnh và đến nay vẫn còn rất hấp dẫn.

Người xem thấy ở đó nhiều loại nhân vật, từ người nông dân đến trí thức, từ người cách mạng đến những kẻ đang tâm câu kết với kẻ thù. Sự chuyển động của các tuyến truyện nhuần nhuyễn, có cao trào. Và đáng nói nhất là cảnh các tầng lớp nhân dân ta đồng loạt nổi dậy chiếm phủ Khâm Sai. Kẻ thù rúm ró kinh sợ. Nông dân, thợ thuyền, trí thức và thậm chí cả binh lính cũng quăng súng nhập vào dòng người cách mạng đứng lên giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Việt Minh. Cảnh lá cờ của quân cướp nước bị vứt xuống từ cột cờ trong dinh lũy cuối cùng của kẻ thù và thay vào đó là lá Cờ đỏ sao vàng phấp phới, đánh dấu sự chấm hết của thời kỳ thuộc địa phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Đó là một giờ phút trọng đại vào bậc nhất trong lịch sử của Hà Nội và cũng là của dân tộc.

Giờ phút đó, thiêng liêng và vinh quang đã khắc vào phim như một dấu ấn vĩ đại và bất tử. Đã hơn ba mươi năm, đến nay vẫn chưa có bộ phim nào sâu sắc, xúc động, hấp dẫn, và nhất là phản ánh tập trung vào chuyển động lịch sử những ngày Tháng tám năm 1945 lịch sử như trong bộ phim này.

Sau sự kiện giành chính quyền, bộ phim "Hà Nội mùa đông 1946" lại chú trọng vào một thời khắc quan trọng khác trong lịch sử Hà Nội. Cuộc đàm phán trong Hội nghị Phông-ten-nơ-blô tại Pháp thất bại, Hồ Chủ tịch ký tạm ước với Pháp để tranh thủ thời gian chuẩn bị đối phó với tình hình. Cả mùa đông năm 1946 là một mùa đông vô cùng căng thẳng, khi "chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết cướp nước ta một lần nữa".

Nội dung phim tập trung vào những hoạt động đối nội và đối ngoại đầy trí tuệ của Bác Hồ và các nhà lãnh đạo chính quyền cách mạng, cảnh Bác Hồ lặng lẽ suy nghĩ cân nhắc tình thế cách mạng, cảnh cuộc họp chính phủ Bác Hồ hỏi vị tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang: "Có thể giữ Hà Nội được bao lâu?". Và cuối phim, cảnh Bác Hồ và Trung ương, Chính phủ rời Hà Nội trở lại Việt Bắc lần thứ hai trong cái đêm Hà Nội bắt đầu nổ súng mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc 19 tháng 12 năm 1946. Phía sau lưng Bác, cả một Hà Nội bốc cháy, bom đạn. Đó là một cảnh bi hùng, cái giờ khắc người lãnh tụ vĩ đại mỗi bước mỗi rời xa Hà Nội, trong tâm hồn Bác đầy xúc động, đầy quyết tâm. Bác ra đi là để trở về.

Một cảnh trong phim "Em bé Hà Nội".

Mùa đông năm 1946, cái giờ phút ngặt nghèo bi tráng 19 tháng 12 năm 1946 đã vào phim. Đó là một khoảnh khắc đã từng đi vào thi ca, nhạc họa, đã in hằn trong sử sách, và nó còn là cảm hứng sáng tạo của các nhà làm phim không chỉ hôm nay, mà cả về sau.

Gần ba mươi năm sau sự kiện 19 tháng 12 năm 1946, Hà Nội lại phải đối mặt với một trong những thách thức vô cùng khủng khiếp, đó là đợt tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ hòng gây tổn thất lớn cho ta, bẻ gãy ý chí gang thép của dân tộc ta, lật ngược tình thế trên bàn đàm phán Hội nghị Paris. Nhưng Hà Nội đã tấn công lại B52 bằng tất cả tinh thần yêu nước và quyết thắng, với tinh thần cách mạng tiến công, và với trí tuệ và trình độ chiến đấu cao làm cho kẻ thù thất bại hoàn toàn sau 12 ngày đêm từ 18 đến 30 tháng 12 năm 1972. Riêng sự kiện trọng đại này, đã có hai bộ phim truyện nhựa của hai đạo diễn phim truyện hàng đầu là Hải Ninh và Bùi Đình Hạc.

"Em bé Hà Nội" của đạo diễn Hải Ninh, Hãng phim Hà Nội sản xuất năm 1974 là một tác phẩm thành công và để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí người xem. Tác giả nhìn chiến tranh qua thân phận của một em bé Ngọc Hà mới mười hai tuổi. Sau Giáng sinh và đợt giội bom B52 của quân đội Mỹ, Ngọc Hà phải kiếm bố mẹ và đứa em gái bị mất tích trong sự hoang tàn của thành phố. Cô bé chứng kiến cảnh những con phố thân quen, những ngôi nhà, những hàng cây, cảnh vật và con người bị tàn hủy trong nỗi đau đớn tận cùng. Qua những bước đi của em bé, qua tâm tư và cảnh ngộ của em, tác giả gieo vào lòng người ấn tượng đau thương của chiến tranh. Cuối cùng cô bé đã được những người lính tốt bụng giúp đỡ và dần dần được hội ngộ em gái của mình.

Bộ phim được sản xuất ngay những ngày đất nước còn trong chiến tranh, trong chia cắt và chỉ ngay sau khi trận giội bom khủng khiếp 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ không xa. Với chất liệu phim đen trắng, với cảnh vật như thật, diễn xuất như thật, sống động, đến tận bây giờ xem lại những thước phim này, chúng ta như có cảm giác được trở về với những ngày lịch sử đau thương mà hào hùng ấy. Chiến thắng của quân và dân Hà Nội đối với B52 là chiến thắng duy nhất, tất cả các nước như Iraq hay Nam Tư và một số nước khác không thể nào chống trả lại những cuộc tập kích khủng khiếp như thế này.

Vì tầm vóc vĩ đại của chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" mà sau ba mươi năm, 2002 đạo diễn danh tiếng Bùi Đình Hạc đã trở lại đề tài này vói bộ phim sử thi hoành tráng "Hà Nội 12 ngày đêm". Bùi Đình Hạc không có thuận lợi như Hải Ninh khi làm phim trong chiến tranh với những ký ức còn nguyên vẹn, bối cảnh có thể tận dụng và cảm xúc của các nhà làm phim đang sục sôi. Nhưng ông có một số thuận lợi khi làm phim khi có một độ lùi đáng kể về thời gian, với những suy tư, chiêm nghiệm, với nhiều điều kiện để áp dụng kỹ thuật hiện đại và đưa ra những cái nhìn mới.

Đáng nói ở tác phẩm này là được sản xuất với chất liệu phim màu, và lần đầu tiên, sử dụng đến kỹ xảo vi tính tái hiện một cuộc chiến tranh trên không. Hầu hết bối cảnh phim Việt Nam trước đây đều là dưới đất, thì ở đây, bối cảnh phim đã được mở rộng lên bầu trời với những khốc liệt, cam go và dữ dội của cuộc đối địch bằng không quân. Bộ phim cũng phản ánh sự chiến đấu dũng cảm của những chiến sỹ tên lửa, chiến sỹ chiến đấu bằng không quân cùng với các lực lượng khác. Mối tình của tiểu đoàn trưởng tên lửa Đặng Nhân và cô giáo Hiền với những đau thương và mất mát để lại nhiều xúc động cho người xem.

Có thể nói, lịch sử Thăng Long - Hà Nội là một đề tài vô cùng phong phú cho điện ảnh và đến nay vẫn chỉ khai thác bước đầu. Riêng lịch sử Hà Nội tính từ Cách mạng Tháng tám 1945 cũng là đề tài vô cùng phong phú và không bao giờ vơi cạn đối với các nhà làm phim. Dù sao, nhìn lại những bộ phim truyện về Hà Nội mấy chục năm qua, dấu ấn lịch sử đã đi vào phim như những ký ức không phai mờ. Điện ảnh, hơn bất kỳ một nghệ thuật nào, có thể lưu giữ cho đời sau những hình ảnh sống động, có thể đưa những thế hệ sau ngược thời gian về với những tháng ngày đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ.

Hà Nội ngàn năm, những bộ phim này góp một phần ý nghĩa trong Đại lễ. Người dân Thủ đô và nhân dân cả nước cần được xem lại, nên xem lại. Sẽ giàu thêm cảm xúc, sẽ giàu thêm ký ức, sẽ giàu thêm hiểu biết về Thủ đô, về lịch sử, về cha ông mình và về đất nước

Thiên Sơn
.
.
.