NSƯT Trúc Linh: Đau đáu một tình yêu

Thứ Tư, 16/03/2005, 07:52
NSƯT Trúc Linh giờ đã ở tuổi ngũ tuần, rời bỏ ánh đèn sân khấu chị trở về với gia đình, làm vợ làm mẹ như bao người phụ nữ khác nhưng kỷ niệm về những năm tháng tham gia đoàn văn công quân đội hát nơi chiến trường, kỷ niệm về một tình yêu không hẹn ngày trở lại vẫn vẹn nguyên và đau đáu trong tim chị.

Sau nhiều lần “năn nỉ” và được NSƯT Trọng Khiêm - chồng chị khích lệ, chị đã kể cho tôi nghe chuyện của mình trong một buổi chiều chớm Xuân Ất Dậu ở thành phố Cần Thơ. Có thể, những nỗi niềm đau đáu ấy đã tạo nên ánh mắt, trái tim nghệ thuật có sức cuốn hút hồn người của chị? Tôi không dám chắc, nhưng rõ ràng tôi đọc thấy trong ánh mắt chị, dù đã qua tuổi ngũ tuần, dù đã có cháu ngoại và một mái ấm gia đình đủ đầy, hạnh phúc, dù đã thành danh trên con đường nghệ thuật,  nhưng vẫn đầy lãng mạn như tuổi mười tám...

Ngồi đối diện với chị, tôi đặc biệt có ấn tượng về ánh mắt. Trong đôi mắt ấy chứa đựng cả một bầu tâm trạng, vừa thơ ngây trong sáng lại vừa già dặn, từng trải, vừa vui sướng mãn nguyện lại vừa tiếc nuối khổ đau, vừa da diết lắng sâu lại vừa mạnh mẽ quyết liệt…

Chiến trường - hát và yêu

Trúc Linh tên thật là Nguyễn Thị Bế, sinh năm 1951 tại Châu Thành, Tiền Giang. Tuổi thơ của Trúc Linh là một quãng đời đầy cơ cực. Nhà nghèo, không được học hành, phải đi ở kiếm sống. Là một cô gái nhí nhảnh, yêu đời, hay hát,  Bế thường tự mình cất lên tiếng hát để mua vui, để quên đi những cơn đói bụng, vơi đi nỗi vất vả mệt nhọc của kiếp người ở đợ. Bế hát mọi lúc, mọi nơi. Nghe người ta hát rồi bắt chước, câu được câu chăng.

Buổi trưa một ngày đầu năm 1963, trên đường đi chăn vịt thuê cho chủ ngoài đồng trở về, Bế lại hát. Và thời khắc ấy đã trở thành bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời chị. Lúc đó nhà văn, nghệ sĩ Trúc Chi  đang trên đường đi tuyển người cho Đoàn văn công Cục Chính trị quân Giải phóng miền Nam. Nghe tiếng hát của cô bé chăn vịt, ông như nhặt được vàng. “Cháu có giọng hát rất tuyệt. Cháu đi theo bác làm văn công phục vụ cách mạng nhé”. Nghe nói đến văn công, Bế mê ngay. Nhà văn Trúc Chi về nhà xin phép gia đình cho Bế đi theo. Cả nhà Bế đều lắc đầu: “Nó không biết chữ thì làm văn công sao được. Vả lại nó còn con nít, ra nơi chiến trường chịu sao nổi?”. Nhà văn Trúc Chi hứa vào đơn vị sẽ cho Bế đi học văn hóa. Còn Bế thì bảo: “Con không sợ khổ, không sợ thằng Mỹ đâu”. Cuối cùng thì gia đình Bế đồng ý cho cô bé đi làm văn công.

Nhà văn Trúc Chi nhận Bế làm con nuôi và đặt tên cho cô là Trúc Linh. Hai bố con vượt màn đêm, cắt kênh rạch lội bộ để tránh tai mắt của bọn mật thám, chỉ điểm. Đi bộ hơn một tuần mới đến nơi đóng quân của đoàn ở Phước Long. Trúc Linh được biên chế vào tổ văn nghệ thiếu nhi gồm 3 người. Vào đoàn là tập hát ngay. Do không biết chữ nên Trúc Linh chỉ hát theo lời người xướng tập.

Sau một thời gian, đoàn tổ chức cho các diễn viên mới biểu diễn ra mắt Bộ Tư lệnh Miền. Nghe các diễn viên nhí hát xong, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Nguyễn Thị Định hết sức xúc động, lần lượt bế từng đứa lên hôn vào má, động viên, khen ngợi. Trúc Linh và các bạn vui sướng đến quên cả ăn, náo nức đón chờ giây phút được vào chiến trường hát cho các chú bộ đội nghe. Tính khốc liệt của chiến tranh và hình ảnh, tình cảm của các chú bộ đội nơi tuyến đầu khói lửa đã hun đúc cho cô bé những cảm xúc mãnh liệt trong tâm hồn và một bản lĩnh gan dạ, quyết tâm. Vừa làm văn công, Trúc Linh vừa được đoàn tạo điều kiện học văn hóa.

Những năm tháng lăn lộn đem tiếng hát ra chiến trường qua nhanh. Thấm thoắt cô bé Bế ngày nào đã trở thành một thiếu nữ, một diễn viên xinh đẹp tựa bông hoa ở chiến trường. Trúc Linh hát phục vụ bộ đội trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Khi không bò vào tận giao thông hào thì hát qua vô tuyến điện. Và rồi cô đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của một chiến sĩ tên là Nam. Lần nào đến hát, Trúc Linh cũng được Nam tặng một bông hoa. Đó là những cánh hoa dại nở trên chiến hào. Một lần không hiểu Nam tìm đâu ra một nhánh phong lan tuyệt đẹp. Trao nhành phong lan cho Trúc Linh, Nam nói:

- Nhành phong lan chỉ có một bông. Đây là bông hoa cô đơn nhưng Trúc Linh thì không cô đơn và anh cũng thế. Chiến tranh chưa biết đến bao giờ mới kết thúc, ước gì…

Nam bỏ lửng câu nói. Tối đến, cô đem chuyện này kể cho nhạc sĩ Xuân Hồng (người phụ trách đội văn nghệ xung kích) nghe. Xuân Hồng lấy ngón tay gí vào trán Trúc Linh mà rằng: “Như thế nghĩa là yêu đấy, hiểu chưa”. Hai má Trúc Linh đỏ ửng. Một cảm giác rất lạ bùng lên trong cô. Nhưng cũng từ đó hai người bặt tin nhau. Đơn vị Nam chuyển sang chiến đấu ở một chiến trường khác. Đóa phong lan, câu nói bỏ lửng và hình ảnh của Nam ngày càng dâng đầy trong trái tim cô theo lời hát. Hằng đêm, Trúc Linh lại đặt tay lên ngực cầu cho mình một điều ước,  được gặp lại Nam, dẫu chỉ là trong giấc mơ…

Xuân 1969, Trúc Linh cùng một số nghệ sĩ trẻ được điều về Bệnh viện K170 miền Đông hát phục vụ thương binh. Một cảm giác buồn và hụt hẫng dậy lên trong cô. Hát ở đâu thì cũng là nhiệm vụ, cũng là phục vụ cách mạng nhưng cô mê hát ở chiến trường hơn. Không chỉ vì cô đã quen với không khí ác liệt, nóng bỏng ở đó mà còn bởi hy vọng sẽ gặp lại Nam. Giờ được điều về tuyến sau thì hết hy vọng. Nhưng rồi định mệnh đã sắp đặt. Trúc Linh đã gặp lại Nam. --PageBreak--

Ngày đầu tiên khi đi đến từng giường bệnh để hát cho thương binh thì Nam hiện ra trước mắt cô. Nam nằm đó, dải băng trắng quấn kín hai mắt, khuôn mặt và cơ thể anh đầy những vết thương còn rỉ máu. Lời hát cất lên chưa trọn câu, Trúc Linh đã nhận ra người yêu qua nụ cười yếu ớt trên môi. Trái đất như đổ sụp dưới chân cô. Trúc Linh quị xuống. Tiếng hát tắt giữa chừng. Chợt nhận ra đây là nơi cứu chữa thương binh, không cho phép sự  yếu ớt, ủy mị nảy sinh, Trúc Linh nén cảm xúc cho nước mắt chảy vào trong, cố ghìm không cho tiếng nấc bật ra khỏi cổ họng. Dù không nhìn thấy gì nữa nhưng như có một linh cảm nào đó, Nam đã nhận ra sự có mặt của Trúc Linh. Anh gắng nói nhỏ, đứt quãng:

- Trúc Linh. Can đảm lên nào… Hãy hát cho anh nghe đi… Anh mong chờ giây phút gặp lại em… đã… lâu lắm rồi…

Gắng hết sức, Trúc Linh mới cất lên tiếng hát. Lời hát chảy theo nước mắt. Hát xong thì cô bị ngất đi do xúc động mạnh. Thế là thay vì phải chăm sóc thương binh, các bác sĩ lại phải lo cấp cứu cho cô. Những ngày sau đó, khi đã lấy lại sự thăng bằng trong tâm lý, Trúc Linh đã hát cho Nam nghe thật nhiều. Cô thường xuyên ở gần anh, song vì nguyên tắc của bệnh viện và vì sức khỏe Nam quá yếu nên các bác sĩ không cho phép Nam nói chuyện nên Trúc Linh chỉ biết biểu lộ tình cảm với người yêu bằng lời hát và cử chỉ mà thôi. Chỉ được một thời gian ngắn gần gũi, sau đó do vết thương của Nam quá nặng nên anh được chuyển sang điều trị trong chế độ đặc biệt. Còn Trúc Linh lại tiếp tục nhận nhiệm vụ trở lại chiến trường.

Chắp nối những lời kể rời rạc của Nam và thông qua các bác sĩ, Trúc Linh biết được hoàn cảnh bị thương của Nam. Trong một trận chiến đấu ở chiến trường miền Đông cuối năm 1968, anh bị pháo địch làm mù cả hai mắt, bị thương nhiều bộ phận khác trên cơ thể và bị lạc đơn vị. Sau nhiều ngày mò mẫm trong rừng, các vết thương bị nhiễm trùng, dòi bọ xâm nhập. Nam đã phải chống chọi với cái chết bằng cách ăn cả những con dòi đang đục trên cơ thể mình. Khi được đồng đội phát hiện đưa về tuyến sau, các bác sĩ đã phẫu thuật bỏ hai mắt và cắt những phần đã thối rữa trên cơ thể anh. Các bác sĩ còn cho Trúc Linh biết rằng trong balô của Nam có nhiều những bông hoa dại và cánh phong lan đã khô…

Năm 1973, Trúc Linh trở lại Bệnh viện K170 thì được biết, Nam đã được đưa đi nước ngoài, hình như là để làm nhân chứng tố cáo tội ác chiến tranh do đế quốc Mỹ gây nên. Nhưng đi nước nào thì cô không được phép biết và cũng không được phép hỏi. Đó là nguyên tắc.

Mơ về xa xăm...

Sau năm 1975, Trúc Linh lặn lội đi tìm và nhắn tìm Nam khắp nơi nhưng tất cả chỉ là bóng chim tăm cá vì thông tin về anh quá ít ỏi. Ngay cả cái tên Nam, cô nghĩ cũng chưa hẳn đã là tên thật của anh. Trúc Linh xây dựng gia đình với nghệ sĩ biên đạo múa Trọng Khiêm (anh cũng được phong tặng danh hiệu NSƯT, sau này làm Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu 9) và được phân công về Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9, được cử đi đào tạo bài bản về nghệ thuật sân khấu và đạo diễn. Chị nhanh chóng khẳng định vị trí là con chim đầu đàn về nghệ thuật cải lương của quân khu và khu vực ĐBSCL.

Vào cái thời hưng thịnh của cải lương, tên tuổi Trúc Linh nổi lên như cánh diều no gió. Giọng ca và phong cách biểu diễn của chị đã làm mê đắm hàng triệu trái tim khán, thính giả; từ những ông cụ, bà cụ cho đến trẻ em. Mỗi lần đoàn đi diễn ở đâu là sân bãi chật kín người, rạp hát không còn chỗ trống. Vừa biểu diễn, Trúc Linh vừa sáng tác và làm đạo diễn. Những bản, vở cải lương của chị thường đi sâu vào khai thác chất liệu trữ tình của người lính và ký ức chiến tranh. Lời ca dội vào tâm thức người nghe sự bay bổng, lãng mạn, niềm đau đáu nhớ thương… nó như là sự giãi bày những ký ức tươi rói, những kỷ niệm thẳm sâu trong chính cuộc đời và tình yêu của chị vậy. Với những cống hiến xuất sắc cho cách mạng và nghệ thuật cải lương, chị trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên của ĐBSCL được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

Thế rồi nghệ thuật cải lương theo năm tháng cứ mờ dần, vắng dần, tắt dần trước cơn lốc của nhạc trẻ, nhạc rock, nhạc rap. Thời váy ngắn, áo cổ rộng, tóc nâu, môi trầm lên ngôi, người ta không còn mặn mà với món “rau đắng nấu canh” của áo bà ba, nón lá cùng những âm thanh vọng cổ. Các nhà hát cải lương nối đuôi nhau đóng cửa. Nhiều đoàn  nghệ thuật cải lương danh tiếng một thời rã đám. Nghệ sĩ phải đi buôn, làm vườn kiếm sống.

Hoạt động trong một đoàn nghệ thuật Quân đội, Trúc Linh có thuận lợi hơn bội phần các nghệ sĩ cải lương bên ngoài, song cũng đã có lúc anh chị phải đi nhặt trái dừa khô, nuôi heo kiếm tiền cho con ăn học. Chị nghỉ hưu năm 2003 với quân hàm Thượng tá khi nghề nghiệp đã vào độ chín muồi. Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc. Chị vẫn hát, vẫn xuất hiện đều đều trên các sân khấu và trên các sóng phát thanh, truyền hình

Phan Tùng Sơn
.
.
.