NSƯT Rơ Chăm Piang: Mong đào tạo nhiều tài năng nghệ thuật người dân tộc thiểu số

Chủ Nhật, 10/04/2011, 12:48
Được phân công về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội, nay là ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, NSƯT Rơ Chăm Piang đã truyền lại cho các thế hệ sinh viên với một niềm say mê và đầy nhiệt huyết. Chị có một ước nguyện thật giản đơn nhưng thấm đậm nghĩa tình là sẽ lại được tuyển các em dân tộc thiểu số về trường học trước khi chị nghỉ hưu.

Nếu như chỉ thấy chị ngồi đánh đàn, làm mẫu âm luyện thanh và hướng dẫn học trò của mình học, ít ai có thể nhận ra chị là người Gia Lai của Tây Nguyên.

Sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, nơi có những rừng bạt ngàn cao su, những triền xà nu vươn lên đầy sức sống, nơi có dòng thác Iagrang lúc êm đềm lúc cuồn cuộn chảy quanh buôn làng, mỗi sớm mai có tiếng chim poongkơle trong veo thánh thót đón chào ngày mới. Đây chính là mảnh đất lành nuôi dưỡng tâm hồn và tài năng của NSƯT Rơ Chăm Piang, người được trời phú cho giọng hát thật đẹp, thật trong sáng, như rừng, như suối, như loài chim ấy.

Chị nghĩ rằng mình sinh ra là một diễn viên, được mang tiếng hát của mình bay cao, bay xa mà không phải là một giáo viên, nhưng có lẽ cũng vì duyên nợ, chị đã trở thành giảng viên của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và suốt đời gắn bó, cống hiến cho bộ môn thanh nhạc.

NSƯT Rơ Chăm Piang.

Năm 1993 Rơ Chăm Piang được Đoàn Nghệ thuật Quân khu 5 cử đi học tại Nhạc viện Hà Nội. Trong quá trình học, chị luôn phấn đấu đạt được kết quả cao và chính vì những cố gắng, nỗ lực đó chị được nhà trường lựa chọn cử đi làm nghiên cứu sinh ở Nhạc viện Trai-cốp-xki (Liên xô).

Với tài năng thiên bẩm của mình, một giọng hát trong như pha lê, cộng với niềm say mê được cống hiến, chị đã đạt được nhiều thành tích đáng kính nể trong làng nghệ thuật: Huy chương vàng toàn quốc năm 1980; đoạt giải nhất giọng hát hay toàn quốc năm 1981 với bài hát "Chim họa mi" (tác phẩm Nga); giải 3 với tác phẩm "Hoa cẩm chướng đỏ" trong cuộc thi 27 nước tại Sô chi (Nga) năm 1983. Sau khi được phong danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú, chị tham gia dự thi và đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát Bình Nhưỡng - Triều Tiên với 2 tác phẩm cổ điển Bình Nhưỡng và ca khúc "Bóng cây kơ nia". Tiếp theo là giải nhất thính phòng ASEAN với tác phẩm ARIA Nữ hoàng Đêm tối, giải hát Vàng cuộc thi thính phòng lần I tại TP HCM.…

Khi trở về nước, nghệ sỹ Rơ Chăm Piang công tác tại Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và được phân công về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội, nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Bằng kiến thức đã học ở trong và ngoài nước, với bề dày kinh nghiệm của mình, chị đã truyền lại cho các thế hệ sinh viên với một niềm say mê và đầy nhiệt huyết.

Tâm sự về công việc và chuyện dạy học ở trường, NSƯT Rơ Chăm Piang nói: "Học sinh của tôi đa số là các em người dân tộc thiểu số. Các em ấy có rất nhiều ưu điểm như thể lực tốt hơn so với các em ở miền xuôi, nên hát rất khỏe, nhưng bên cạnh đó cũng có những khó khăn vì lần đầu tiên được tiếp xúc với âm nhạc, phát âm chưa được chuẩn. Để chuẩn bị tốt cho hành trình lao động nghệ thuật của các em, ngay từ đầu tôi phải chú ý dạy các em phát âm như thế nào cho chuẩn, cách mở khẩu hình, kiểm soát hơi thở, vị trí đặt âm thanh, cao độ, trường độ ra sao? Các em ở thành phố cũng bắt đầu học như vậy nhưng thuận lợi hơn, học nhanh hơn và tự tin hơn. Bên cạnh đó tôi còn phải lắng nghe kỹ giọng của từng học sinh xem giọng của ai hợp với tác phẩm nào? Ngoài những tác phẩm của Việt Nam, các em còn phải học các tác phẩm tiêu biểu của nước ngoài như Aria, Romans… phải giúp các em hiểu được cái hồn của tác phẩm, có hiểu các em hát mới hay được…".

Như một duyên nợ với nghề, ngoài công việc bộn bề trên giảng đường, NSƯT Rơ Chăm Piang còn tham gia khá nhiều hoạt động nghệ thuật. Chị cho biết: "Tôi tham gia diễn cho hội nhạc sỹ, các chương trình đại hội các dân tộc Việt Nam… nhiều lắm! Nhưng bây giờ việc dạy học của tôi dường như đã gắn liền với tôi rồi".

Khi hỏi chuyện gia đình, chị chia sẻ: "Tôi rất may mắn khi có một gia đình thật hạnh phúc. Chồng tôi làm bác sỹ ở Bệnh viện Xanh Pôn. Anh ấy là người hiểu tôi và luôn giúp đỡ tôi trong công việc. Tôi có một con trai năm nay học lớp 12".

Về dự định trong tương lai, NSƯT Rơ Chăm Piang đang làm một album những bài hát về Tây Nguyên, đan xen với những tác phẩm dân ca. Chị cũng có một ước nguyện thật giản đơn nhưng thấm đậm nghĩa tình: "Công việc của tôi hiện nay rất thuận lợi. Các thầy cô trong trường luôn tôn trọng và giúp đỡ tôi. Ở trường tôi được coi là cô giáo như mẹ hiền vậy. Trước đây, khi thầy An Thuyên còn làm Hiệu trưởng, thầy rất quan tâm tới các em dân tộc thiểu số. Tôi nhớ là năm 2008, thầy đã tạo điều kiện cho tôi đi công tác tuyển các em người dân tộc thiểu số có năng khiếu âm nhạc về trường học. Khi đó tôi thấy vui lắm vì các thầy, cô luôn quan tâm đến đồng bào dân tộc của chúng tôi. Tôi cũng rất mong muốn sẽ được một lần nữa vào tuyển các em ấy trước khi tôi nghỉ hưu".

Nhìn chị bên chiếc đàn piano và xung quanh là các học trò thân yêu, tập từng câu hát, từng cách lấy hơi… cần mẫn với từng bước đi đầu tiên của các em, người ta cảm nhận được những chồi non nghệ thuật kia đang thấm từng giọt sương để ngày mai tỏa sáng

PV
.
.
.