NSƯT Lê Vân: Tin thì tin, không tin thì thôi

Chủ Nhật, 29/10/2006, 08:05

Công bố cuốn tự truyện Yêu và sống, Lê Vân như bày tỏ, sám hối, nhìn lại cả cuộc đời nhiều cay đắng, nhiều chịu đựng và cả những yêu đương thầm lén... Chị muốn trải lòng ra trang giấy để mọi người, theo cách một câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo: "Tin thì tin, không tin thì thôi".

Người đàn bà này như một ngọn gió đam mê, cứ trở đi trở lại, sống cùng với bản năng yêu mãnh liệt và khao khát một mái ấm gia đình. Nhưng cũng chính bởi bản năng yêu ấy đã kéo chị đi rất xa, đến mức cả đời người, đã hai lần làm vợ mà chưa biết cảm giác mặc chiếc áo cô dâu. Đời nghệ sỹ bầm dập bao khổ ải, thị phi, tai tiếng. Những cuộc tình mang đến cho chị bao niềm hứng khởi, nhưng cũng kéo rút của chị biết bao sinh lực của cuộc sống ngày thường. Cả một đời, Lê Vân không khao khát gì lớn hơn là được làm một người đàn bà đúng nghĩa, không phải lo những... chuyện đàn ông.

Lê Vân bảo, 5 người trong gia đình chị là 5 thế giới, không chia sẻ được với nhau, để đến mức chị thấy trong người mình như có một khối độc tố. Trong cuốn tự truyện "Lê Vân - yêu và sống", chị kể rằng, ngay từ nhỏ chị đã là người khép kín, không thể sẻ chia với ai, ngay cả với hai cô em gái.

Người nghệ sỹ thường mong manh, nhu cầu được sẻ chia thật lớn. Vậy mà từ nhỏ, từ khi bị ấn vào trường múa học ballet với cái đói dại cả người và những đêm nằm nhớ mẹ da diết, Lê Vân đã âm thầm chịu đựng, không chia sẻ với ai. Chị gói mọi nỗi buồn đau vào trong lòng. Và cả những nỗi buồn bị "đánh bật" ra khỏi vòng tay bố mẹ khi họ viết đơn ly dị, không ai nhận nuôi Vân.

Âm thầm nén vào trong. Để rồi cuốn tự truyện như một lần bày tỏ, như một lần được sám hối, một lần nhìn lại cả cuộc đời nhiều cay đắng, nhiều chịu đựng và cả những yêu đương thầm lén... Chị muốn tãi tất cả lòng mình ra trang giấy qua ngòi bút (phải công nhận rằng rất chân thành và tài hoa của nữ nhà thơ Bùi Mai Hạnh) để mọi người, nói theo cách một câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo: "Tin thì tin, không tin thì thôi".

Buổi gặp gỡ giới thiệu cuốn tự truyện của Lê Vân tại cà phê Đông Tây đông nghẹt nhà báo. Chị không phải người đầu tiên trong giới nghệ sỹ viết tự truyện, hồi ký. Nhưng chị lại là người đặc biệt, chị tìm đến với bạn đọc như một sự giãi bày, không phủ định ai, không dạy dỗ ai, chỉ là tâm sự, thế thôi. Cũng không mong chờ cuốn sách sẽ gây kinh ngạc cho ai, không vì thế mà tên tuổi sáng lên. Chị không hề có ý định trở lại màn bạc.

Dứt tình với nghệ thuật, chị giờ làm mẹ của hai đứa con, hàng ngày lo việc nội trợ và chờ chồng về sau những chuyến công tác dài của một tổ chức thuộc Liên hợp quốc. Chị cho ra tập hồi ký như để giải thoát chính mình khỏi sự bề bộn của tâm hồn, sau bao nhiêu năm phải chất chứa một ký ức nặng nhọc.

Lê Vân nói mình là một người thẳng thắn. Chị không thể nào xã giao được, không thể cười nói giả bộ thân thiện với ai nếu chị không quan tâm, không yêu quý, dù đó có là người ruột thịt. Chị giận bố chị. Vì ông không khi nào quan tâm tới gia đình, không lo được cho những đứa con của mình. Ông đào hoa và đã quen sống bao năm với sự ban phát tình yêu thương của cuộc đời. Đến khi Vân lớn lên, khi chị trở dạ đứa con thứ hai, ông đứng nhìn mà không mảy may có ý định giúp con gái đi bệnh viện.

Lê Vân trong buổi họp báo ra mắt cuốn tự truyện "Lê Vân - Yêu và sống".
Đã có người phản ứng chị khi công bố những chi tiết ấy. Phải chăng chị ghét bố đến thế? Lê Vân bảo, chị thực lòng yêu cha mình và ông là một trong hai người đàn ông có ảnh hưởng rõ rệt đến cuộc đời chị. Nhưng ở ông là sự ảnh hưởng tiêu cực. Ông làm cho thời gian đầu đến với cuộc đời chị không tin vào đàn ông. Nhưng chị giận bố vì ông sống thờ ơ quá, thờ ơ với mọi chuyện, ông vui cười tếu táo mọi nơi nhưng lại không làm nổi gia đình mình một ngày ấm áp.

Có người hỏi, chị đã tính đến chuyện đối diện với những người trong gia đình chưa? Vì những chuyện trong nhà thì chín bỏ làm mười, chứ đưa lên giấy trắng mực đen có khi lại thành tầy trời, khó lòng tha thứ. Lê Vân điềm tĩnh, chị sẽ đối diện với mọi chuyện vì chị đã đi qua đủ mọi cung bậc của hỉ, nộ, ái, ố... trong đời sống, không có điều gì khiến chị hoảng sợ nữa. Chị sẽ nói chuyện với tất cả mọi người. Người ta nói, một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa của sự thật thì đã không còn là sự thật nữa. Khi chị viết là chị có nhu cầu sám hối, chị muốn như một cách để thanh tẩy tâm hồn mình.

Trong cuộc sống, Lê Vân không có bạn. Trong tình yêu, Vân tự nhận "tôi là người có tội". Vì chị yêu ba người đàn ông trong đời thì đó lại chính là ba người đàn ông đã có gia đình và những đứa con. Chị bảo rằng chị cảm thấy mình có tội vì chị tự nhận mình là người theo hướng truyền thống, chị không thoát được cách nhìn truyền thống, không thể đóng phim có cảnh khỏa thân và cũng không bao giờ có ý nghĩ sẽ phá vỡ hạnh phúc của người khác. Nhưng chị lại luôn yêu theo bản năng, luôn làm cho hạnh phúc gia đình của những người khác bị đe dọa. Và chị cho rằng mình làm thế mới là sống đúng như tiếng của trái tim mách bảo(?).

Mối tình đầu của chị đến ngay sau khi chị rời Trường Múa về Nhà hát ballet. Người đàn ông ấy có một gia đình hạnh phúc, với vợ và những đứa con ngoan. Họ sống trong một môi trường khá lý tưởng và sung túc. Vân thì mặt xanh mét và lúc nào cũng ngơ ngác. Nhưng người đàn ông ấy có sức ảnh hưởng mạnh đến nhân sinh quan của cô gái trẻ. Những điều anh nói gần như ngược lại với những gì Vân được dạy, nó phong phú và mang ý nghĩa như một lần "phát hoang" tâm trí của Vân. Chị chìm vào cơn mê ấy, tình yêu ngọt ngào và cay đắng, tình yêu vội vã và vụng trộm. Vậy mà chị đã mê sảng trong tình yêu ấy chẵn chục năm. Họ, cả hai người, cùng yêu nhau thành thật, tha thiết sống trong tình yêu ấy, dù nó phải thầm lén.

Đọc những dòng nhật ký Vân viết khi chờ đợi người yêu đi công tác xa mới thấy tình yêu trong cô gái trẻ ấy mãnh liệt đến thế nào. Tình yêu như một con đường dài và nhiều ngả rẽ, để rồi chị cứ đi trên con đường ấy, đến đoạn cuối mới biết cả hai chẳng thể thuộc về nhau theo kết cục truyền thống là một cuộc hôn nhân.

Nói Lê Vân yêu bản năng bởi dường như chị không có nhiều toan tính trong những cuộc tình (tất nhiên, có không ít người nghĩ khác). Trong tự truyện, chị hiện lên như một phụ nữ hồn nhiên để trái tim bộc lộ tình yêu. Có một lần chị toan tính, không phải trong tình yêu mà trong hôn nhân. Trong cơn tuyệt vọng, chị nghĩ có thể... cưới cho yên chuyện. Và cưới một người yêu chị mê mải nhưng lại không khiến chị một chút bâng khuâng.

"Thời đó, người ta không cấp nhà cho người độc thân. Đúng lúc ấy, tôi đang chán đời nên bảo anh: "Thôi được, nếu như anh nói, để tạo điều kiện cho người ta phân phối nhà cho anh, em với anh sẽ đi đăng ký kết hôn, nhưng anh đừng bao giờ nghĩ cái tờ giấy đăng ký kết hôn ấy ràng buộc được em. Em làm chỉ để cho anh đi xin nhà thôi"... Chị những nghĩ cuộc hôn nhân đó có thể cứu chị thoát ra khỏi mối tình đầu oan nghiệt. Nhưng rồi chính chị tự phản tỉnh. Chị gọi "chồng chưa cưới" xuống phố Phan Đình Phùng giữa ngày mùng 4 Tết. Thế là họ chia tay nhau. Chị lại nhấn sâu vào tình yêu không đường thoát ấy...--PageBreak--

Trước khi chia tay tình yêu đầu, Vân có một chuyến lưu diễn tại Sài Gòn. Và ở đó, chị đã gặp một Việt kiều, đó là tình yêu thứ hai và là cuộc hôn nhân đầu tiên đúng nghĩa. Họ quen với người đàn ông này qua vợ chồng nhà thiết kế Minh Hạnh. Lê Vân kể câu chuyện tình yêu này như một bộ phim tình cảm lãng mạn. Đọc từng đoạn của cuộc tình ấy thấy nó diễn ra đúng với từng tâm trạng của một người đàn bà đang yêu và hết yêu. Người đàn ông thứ hai thực sự thích hợp cho những cuộc tình lãng mạn. Một người tâm lý, thích những cảm giác bồng bềnh và hướng ngoại. Một người có thể lo được nhiều chuyện nhưng cuối cùng lại không lo làm sao giữ được tổ ấm của mình, không biết cách để giữ người đàn bà của mình trong tình yêu.

Nhưng đó là một người đàn ông lụy tình. Ngay cả khi chị nói rằng chị không còn yêu anh, khi chị có con với người đàn ông khác, khi họ đã ra tòa chia tay... và ngay cả đến bây giờ, người đàn ông đó vẫn chờ đợi chị trong một phố phường nào đó của Hà Nội. Đôi lần gặp chị, anh vẫn nói rằng, bao giờ em ra đi, để anh trở về với Hội An? Anh đã xây nhà ở Hội An nhưng rồi vì nhớ chị mà vòng lại Hà Nội. Ngày chị sinh con trai Avi, con của người chồng hiện thời, anh vẫn vào bệnh viện thăm khiến các bác sỹ ngỡ ngàng. Vì có tới hai người đàn ông đều nhận là chồng chị, đến thăm con mới sinh. Nhưng chị đã không còn yêu người đàn ông này, chỉ bởi sống cùng anh, chị phải lo mọi việc trong nhà như một người đàn ông. Mà chị chỉ thích làm một người phụ nữ.

Mối tình thứ ba và cũng là người chồng hiện thời của chị, Abraham, người đàn ông Hà Lan đã theo đuổi chị ngay cả khi chị đang có gia đình. Chị không mặn lòng với người ngoại quốc và đến giờ chị vẫn nghĩ rằng điều thiệt thòi trong cuộc hôn nhân này là chồng chị không thể đi sâu vào những tâm sự sâu kín trong con người chị vì sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Thế nhưng, tình yêu đã vượt cả ngôn ngữ. Họ yêu nhau bằng tất cả những gì mình có. Và có với nhau hai đứa con trai... Và Vân thú nhận, chị hạnh phúc và thanh thản với cuộc sống hiện thời, vì ở đó chị đang sống cuộc sống của một người phụ nữ, người vợ và người mẹ...

Chị bỏ lại sự nghiệp khi nó đang ở buổi vàng son, với loạt vai diễn đáng nhớ như chị Dậu trong tác phẩm cùng tên, như cô Duyên trong "Bao giờ cho đến tháng 10", như "Đặng Thị Huệ" trong "Đêm hội Long Trì"; với loạt vở ballet ấn tượng. Một người sinh ra trong gia đình nghệ thuật, gắn bó với nó cả một cuộc đời. Nghệ thuật cũng cho chị nhiều thứ, như danh tiếng chẳng hạn. Nhưng khi chị nói chị không quay lại với nó nữa cũng là khi chị nhận ra mình đã đi xong cuộc đời của một nghệ sỹ, đi qua những đỉnh cao và thấy chẳng nên làm những cái bóng mờ của chính mình...

Ân Nam
.
.
.