NSND Thanh Hoa "khi không còn là người tình"

Thứ Hai, 07/07/2008, 15:47
Thanh Hoa nói rằng, nếu được lựa chọn một lần nữa trong đời thì chị vẫn sẽ chọn là mình, chọn cái cuộc đời mình đã trải. Không có mất mát, đớn đau không thể làm nên được Thanh Hoa hát như cháy hết mình.

Đã qua tuổi ngũ tuần, người đàn bà hát này dường như bất chấp thời gian, bất chấp tuổi tác, bất chấp sự khắc nghiệt của năm tháng. Như một cây xương rồng xanh mọc giữa sỏi đá, như một con thuyền giữa biển lớn đầy sóng, chị là một người đàn bà chưa bao giờ thỏa những ham muốn và ước vọng trong đời. Bởi thế mà gặp Thanh Hoa lúc nào cũng thấy chị bận rộn, thấy sự thay đổi, dịch chuyển.

Cuộc sống của người nghệ sỹ vốn không khi nào bình yên, nhưng cảm giác như ngay cả những khoảnh khắc bình yên hiếm hoi thì Thanh Hoa cũng không bình yên được. Chị tự làm phức tạp cái tâm hồn rối rắm, đa mang, đa đoan và đa tình. Chị tự làm phức tạp bởi những ham ước vượt ra khỏi đời sống thường nhật. Đó chính là hình mẫu của người đàn bà đầy tham vọng luôn muốn vượt khỏi chính mình.

1. Bây giờ tìm Thanh Hoa phải xuống phố Lạc Trung. Chị vừa chuyển Công ty Tổ chức nghệ thuật biễu diễn Thanh Hoa đến địa chỉ mới. Công ty chị đặt trên cùng của tầng áp mái tòa nhà chung cư ở 27 Lạc Trung. Văn phòng mới ngổn ngang của sự dịch chuyển và sắp đặt. Tất cả lại là bắt đầu, chị tất bật và rối tung bởi đống công việc không tên.

Đã lâu lắm rồi tôi mới gặp lại Thanh Hoa kể từ sau bài tôi viết về chị.  Mới đó mà thời gian như một chớp mắt. Người đàn bà hát năm xưa vốn đã bận rộn bởi cuộc mưu sinh nhưng nặng lòng với âm nhạc không thay đổi là bao. Vẫn những dự định lớn lao, những khao khát cháy bỏng đối với dòng nhạc cách mạng, và vì tình yêu đối với dòng nhạc truyền thống. Sau khi nghỉ hưu, Thanh Hoa thành lập Công ty tổ chức nghệ thuật biểu diễn Thanh Hoa. Mục đích lớn nhất của việc thành lập công ty để chị mãi mãi đồng hành với dòng âm nhạc truyền thống, ngay cả khi chị không còn là nhân tình của khán giả ở dòng nhạc này nữa.

Giờ đây, công việc chính thống của công ty là phát hiện, đào tạo bồi dưỡng và lăng xê những ca sỹ trẻ có triển vọng đối với dòng âm nhạc cách mạng. Giúp họ trưởng thành trong nghề hát và đưa họ tới với công chúng. Ngoài ra, một mình đi theo một con đường âm nhạc riêng, khát vọng lớn nhất của NSND Thanh Hoa là tổ chức dàn dựng biểu diễn những chương trình nghệ thuật âm nhạc lớn trong và ngoài nước.

May mắn lớn nhất của Thanh Hoa là đưa dòng nhạc truyền thống cách mạng đi ra nước ngoài biểu diễn nhiều nơi trên thế giới và luôn đón nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của kiều bào ta.

Những thành công bước đầu đã giúp NSND Thanh Hoa vững tin hơn với những dự định và khát vọng mới. Công ty của chị vừa ra một CD Hát cho tình yêu. Tới đây, sẽ tiếp tục ra mắt khán giả một CD mới gồm 10 bài hát về mùa thu hay nhất từ trước đến nay.

Thanh Hoa nói rằng, sắp tới, công ty của chị sẽ sản xuất và phát hành băng đĩa. Niềm tin mãnh liệt về vị trí độc tôn và thiêng liêng của dòng nhạc truyền thống cách mạng trong mỗi một người dân nước Việt đã giúp Thanh Hoa thực hiện dự định này. Chị còn mong ước sẽ kéo lớp trẻ về với dòng âm nhạc truyền thống cách mạng để dạy chúng biết yêu nhiều hơn con người và đất nước mình.

2.Tôi hỏi NSND Thanh Hoa về cuốn tự truyện "Người đàn bà hát". Chị cười xa xăm. Chị lắc đầu và nói, chị xếp nó vào một ngăn nào đấy của ký ức rồi, không còn quan tâm, không nhớ nữa. Chị quá bận rộn, quá nhiều việc, vì vậy chị đành phải lãng quên một số thứ mà chị thấy không còn cần thiết nữa.

Thật ra, lãng quên ký ức, lãng quên quá khứ là điều mà khó ai có thể làm được. Có chăng, chỉ là khi ta cất giấu nó lặn sâu trong tâm hồn, lặn sâu dưới những lớp lớp của đời sống mà ta đang sống. Hơn 40 năm ca hát, người đàn bà hát Thanh Hoa từng trải qua một cuộc đời không hề bình yên, không dễ dàng. Cuộc đời của chị có quá nhiều những thăng trầm, và mỗi một chặng đường, mỗi một ca khúc đều được cất giấu bởi những nỗi niềm riêng.

Không thể nói rằng người đàn bà hát Thanh Hoa không từng một mình bước đi trong con đường đời với một tâm thế nhiều khi lặng câm trong đau khổ. Người đàn bà hát ấy đã sống xả thân, đã sống hết mình, đã đi trong đêm tối, trong tuyệt vọng, đã bước tới đỉnh vinh quang, gặt hái những thành công được trả giá bằng nước mắt, bằng những kỷ niệm đôi khi nghiệt ngã nhất trong đời.

Tự truyện chỉ là những kỷ niệm đáng nhớ nhất, những sự thật hiển nhiên, được chưng cất lên từ cuộc đời nhiều thăng trầm ấy. Đơn giản, Thanh Hoa muốn tặng cho tất cả những khán giả từng, đã và đang yêu giọng hát của chị cuộc đời đích thực của một người đàn bà hát. Một cuộc đời không tô vẽ, không dối trá cho dù có thể ai đó đọc sẽ giật mình thốt lên: "À, ra thế!".

Nhưng, Thanh Hoa đã cất cuốn tự truyện ấy vào một ngăn của ký ức, không phải là chị không định phát hành nó mà chưa đến lúc, chưa phải là thời điểm của chị, và đó cũng không phải là ám ảnh duy nhất, điểm mấu chốt trong sự nghiệp hay là dự định lớn trong cuộc đời chị. Mơ ước lớn nhất của người nghệ sỹ là được nhân dân yêu mến và được Nhà nước công nhận. NSND Thanh Hoa đã có cả hai thứ đó, với chị vậy là viên mãn.

Chỉ cần có một vài ai đó nghĩ rằng chị ra tự truyện để đánh bóng tên tuổi, để tạo xìcăngđan đã là một sự tổn thương đối với chị. Cuộc sống như hiện tại, chị không còn mơ ước gì hơn.

3. Nhưng tôi thấy có một người đàn bà khác biệt trong người đàn bà hát là chị. Người đàn bà ấy luôn song hành với hạnh phúc gần như là đủ đầy của mình trong một nỗi cô đơn hoang mang đến lạ. Người đàn bà ấy bước ra từ con người nhiều mơ ước, lắm tham vọng là Thanh Hoa, trở thành cái bóng của chị những lúc chị cảm thấy buồn nhất, cô đơn nhất.

Người đàn bà ấy thích gặm nhấm nỗi cô đơn như là một sự thưởng thức. Và người đàn bà ấy luôn cất tiếng trong con người chị rằng: Nếu người không biết tới nỗi cô đơn, không gặm nhấm cô đơn và thưởng thức nó thì người sẽ không bao giờ cảm nhận được hạnh phúc tột cùng. Phải biết chịu đựng để lớn lên trong nỗi cô đơn, trưởng thành từ nỗi cô đơn, người sẽ vững chãi hơn trong cuộc đời mình. Biết sống cùng với nỗi cô đơn, người mới cảm nhận được vẻ đẹp quý giá và đáng trân trọng của hạnh phúc.

Và người đàn bà ấy cũng vang lên trong trái tim chị, đấu tranh trong bản thể chị những đòi hỏi sâu thẳm. Người sẽ chưa và không bao giờ được sống một cuộc sống mờ nhạt, một tâm trạng mờ nhạt.

Ở trạng thái xúc cảm nào, người đàn bà trong chị cũng đòi hỏi đi đến tận cùng, không thỏa hiệp, không nửa vời. Có lẽ thế mà Thanh Hoa hát bằng cả trái tim, bằng nỗi cô đơn, và những đau đớn đã trải. Những lúc trở về với chính mình, người đàn bà ấy đã bước ra từ nội tâm của chị để viết những câu thơ trong nỗi cô đơn tận cùng ấy. "Ta đã gặp nhau vào mùa thu mùa rụng lá/ Kỷ niệm xa xưa có điều gì kỳ lạ/ Ùa vào trong tôi nỗi nhớ mùa thu/ Thu xưa ở chiến trường nhặt chiếc lá gói thân thương kỷ niệm/ Cũng là thu mà bao nhiêu khát vọng/ Thu ta hát cho nhau/ Hôm nay thu, thu có khác gì đâu/ Vất vả kiếm miếng ăn lo bữa sáng bữa chiều/ Tiếng hát thành công cụ/ Còn thời gian đâu mà nâng niu ngọn gió/ Nắng mùa thu cũng nhợt nhạt mất rồi/ Mây mùa thu cứ lững thững trôi/ Mang đến cho tôi nỗi buồn vô nghĩa/ Tôi chợt nhận ra tôi không yêu mùa thu mọi thứ bình thường/ Tôi yêu nắng mùa hạ chói chang, yêu cái rét mùa đông lạnh giá/ Với tôi thà không có mà có là tất cả/ Tôi và anh ai chịu nửa vời/ Cái thuở xa xưa cánh buồm nâu đi đâu về đâu đã xa rồi/ Tôi và anh cùng đi giữa nắng quái chiều hôm rát mặt". (Bài thơ viết khi còn bán nước ở 51 Trần Hưng Đạo, Thanh Hoa gặp lại một người cũ quen nhau thuở đi hát phục vụ chiến trường).

"Tôi tự trách mình tại sao yêu biển/ Để cuộc đời tôi mãi lênh đênh/ Mơ làm thủy thủ để biết nhiều bến lạ/ Biết đến bao giờ có bến dừng chân/ Đùa với sóng, sóng bạc đầu hay ta bạc tóc/ Giỡn với trăng, trăng khi khuyết khi đầy/ Kiếp du ca phiêu bạt đó đây/ Một chút gió cũng gom thành bão/ Một chút gì trong mắt anh mách bảo/ Cuộc tình đã ra đi không hẹn ngày về/ Không một chiếc hôn, không một lời tạm biệt/ Giá như có lúc nào tôi biết/ Cái không thể trong anh và không thể trong tôi".

Người đàn bà khác trong NSND Thanh Hoa nói rằng, những câu thơ viết trong im lặng, trong sự giằng xé, trong cảm giác lãng mạn bay bổng ấy mới đích thực là chị. Sự bứt phá, lãng tử ấy mới đích thực là Thanh Hoa, mới đưa chị về với nguyên bản đàn bà với những mơ hồ lãng đãng, với những cảm xúc dâng trào. "Nỗi nhớ theo chuyến tàu đêm/ Lầm lũi đi vào bóng tối/ Nỗi khát thèm trào lên dữ dội/ Lắc lư nhịp con tàu đi đâu về đâu/ Ta nợ nhau từ bao giờ/ Nửa đời chợt gặp nhau để trả/ Tưởng như yêu/ Tưởng như thương/ Tưởng như rất gần thế nhưng xa lạ/ Tất cả quện vào nhau mơ hồ lơ lửng trong đêm". Hay như bài Nước mắt đàn ông: "Nước mắt đàn ông lăn tròn lạnh giá/ Rơi vào tim tôi tim hóa đá/ Rơi vào tiếng hát tôi âm thanh run rẩy nghẹn ngào/ Tôi biết anh thương tôi kiếp ve sầu tháng hạ/ Anh mang đến cho tôi giọt nước mắt đàn ông/ Ảo ảnh cuối cùng tàn tạ/ Tôi vẫn ngỡ ngàng để sống trong mơ/ Có lẽ nào giọt nước mắt vu vơ/ Cũng xao xuyến tâm hồn tôi đến thế/ Anh thương tôi, thương ai mà mùa đông dài hơn thế kỷ/ Anh yêu tôi hay yêu ai mà ngơ ngác nụ cười/ Nếu tôi chỉ là nhịp cầu nối những bờ vui/ Anh nhìn vào mắt tôi sẽ thấy mình rất rõ/ Tấm chăn hạnh phúc mỏng manh bé nhỏ/ Khẽ tay thôi anh kẻo có tiếc cũng rách rồi/ Giọt nước mắt đàn ông lẫn vào đá sỏi cuộc đời/ Tôi sẽ là thời gian không gì thay đổi được".

Thanh Hoa nói rằng, nếu được lựa chọn một lần nữa trong đời thì chị vẫn sẽ chọn là mình, chọn cái cuộc đời mình đã trải. Không có mất mát, đớn đau không thể làm nên được Thanh Hoa hát như cháy hết mình.

Chị nói: "Tôi may mắn vì có hai người chồng. Tôi được hưởng tất cả những cái đẹp đẽ nhất của cả hai người đàn ông. Cả hai người đàn ông ấy đều tiếp sức cho tôi, và giúp tôi tồn tại trong cuộc đời. Tôi tựa vào họ để vượt qua những thăng trầm trong đời một người đàn bà hát. Tôi hạnh phúc bởi có họ. Người nghệ sỹ luôn là nhân tình của khán giả, giờ đây khi tôi không còn là người tình ấy nữa, hạnh phúc lớn nhất là được trở về với con cháu, với chồng, với gia đình lớn của mình. Trong cái hạnh phúc có thật và bộn bề ấy, tôi còn một thứ hạnh phúc khác, đó là hạnh phúc bởi biết sống và hạnh phúc trong nỗi cô đơn của riêng mình"

.
.
.