NSND Song Kim: Cuộc đời với 30 vai kịch

Thứ Ba, 25/11/2008, 10:33
Một điều rất đáng khâm phục đối với NSND Song Kim mà những người làm nghề và công chúng yêu sân khấu khi nghĩ tới bà và mong muốn các thế hệ mai sau gắng học hỏi từ bà đó là lòng say mê sáng tạo và phương pháp sáng tạo các vai diễn của bà. Cả cuộc đời, bà đã đóng trên 30 vai kịch lớn nhỏ nhưng mỗi vai mỗi khác và trong mỗi vai kịch đều thấy rõ sự làm việc kỳ công và chi chút.

4h30' sáng 23/11, lại một cây đại thụ trong làng sân khấu từ biệt chúng ta: NSND Song Kim.

Chúng ta nhớ về bà với một tình cảm kính trọng và khâm phục một tài năng lớn đáng để cho các thế hệ mai sau lấy đó làm tấm gương mẫu mực của người nghệ sĩ chân chính.

Cả cuộc đời bà, từ lúc còn xanh mái tóc cho đến khi nhiều hình tượng những vai diễn người mẹ của bà trên sân khấu không cần hoá trang, không cần đổi màu tóc bạc làm cho già đi… thì lúc nào chúng ta cũng thấy một Song Kim "trẻ trung", háo hức và đầy nhiệt huyết với thánh đường sân khấu.

Từ thuở ấu thơ, Song Kim đã đam mê sân khấu đến lạ lùng mặc cho thân phụ của bà luôn dạy rằng: "Con gái không được đi xem Tuồng Chèo nhiều" nên bà hoàn toàn phải đi xem lén hoặc nghe các anh chị trong nhà đi xem về kể lại các tích tuồng và thế là đã bao lần, cô bé Phạm Thị Nghĩa (tên thật của Nghệ sĩ Song Kim) đành phải ngậm ngùi, cắn răng để mà luyến tiếc, để mà mong có ngày được lớn lên, được đi xem, được đến gần với sân khấu.

Trong hồi ký của bà, khi nói tới thời kỳ này, bà đã từng viết: Thế rồi gánh tuồng lên đường, tôi đứng ở cổng làng nhìn theo bốn chiếc hòm sơn màu đen… Tôi nhận ra người này đóng Tiết Đinh Sơn, người kia đóng quân, đóng lính… Nhìn theo bước họ đi, nghe tiếng đòn gánh kẽo kẹt khuất trên con đường lất phất mưa xuân mà nước mắt tôi trào ra như mất một vật gì yêu quý.

Với những định kiến của gia đình và xã hội ngày đó, Song Kim chỉ dám đến với sân khấu bằng cách nhận việc đi bán vé cho những buổi trình diễn kịch từ thiện chỉ cốt để sao đến gần được với sân khấu.

Nhưng rồi có lẽ để đáp lại lòng yêu sân khấu của bà, "Ông trời" đã không phụ lòng bà để khiến sau bao lần "lỡ duyên" với sân khấu, vào một buổi tối, cái buổi tối mà cho đến cuối đời Song Kim không bao giờ quên được. Đó là buổi tối nhà dàn cảnh (đạo diễn), nhà thơ Thế Lữ cho người từ Hải Phòng lên Hà Nội để mời bà xuống đóng một vai kịch, đó là vai cô Mão trong vở "Gái không chồng" của Đoàn Phú Tứ.

Có một chi tiết cũng khá thú vị là trên chuyến xe đón bà từ Hà Nội xuống Hải Phòng, để giấu tên thật của mình, trong một phút cảm hứng chợt nghĩ ra, bà đã đề nghị tác giả Đoàn Phú Tứ ghi tên bà trên các tờ quảng cáo đêm kịch với nghệ danh "Song Kim" và cũng từ đó cái tên đi suốt cuộc đời nghệ thuật của bà và cũng từ đó, cái danh Song Kim đã dần dần trở thành quen thuộc và mến mộ của biết bao nhiêu người yêu kịch của đất nước này… Và cũng từ đó, một loạt các vai diễn với nhiều tính cách, nhiều màu sắc khác nhau đã được nghệ sĩ Song Kim thể hiện rất sinh động, gây ấn tượng rất sâu đậm trong lòng công chúng.

Một điều rất đáng khâm phục đối với NSND Song Kim mà những người làm nghề và công chúng yêu sân khấu khi nghĩ tới bà và mong muốn các thế hệ mai sau gắng học hỏi từ bà đó là lòng say mê sáng tạo và phương pháp sáng tạo các vai diễn của bà. Cả cuộc đời, bà đã đóng trên 30 vai kịch lớn nhỏ nhưng mỗi vai mỗi khác và trong mỗi vai kịch đều thấy rõ sự làm việc kỳ công và chi chút.

Các vai kịch bà tham gia thể hiện đều rất khác biệt về đời sống, thân phận và tính cách. Đó là cô Mão trong vở “Gái không chồng” của Đoàn Phú Tứ, Cụ Phán Bà trong vở “Ông Kí Cóp” của Vi Huyền Đắc, Loan trong vở “Đoạn tuyệt” của Khái Hưng, nữ tu sĩ trong vở “Cụ Đạo sư ông”, cô Natachi trong vở “Hàng ngũ hòa bình” của tác giả Liên xô A.Phuskin, mẹ Nguyên trong vở “Quê hương” của Xuân Trình…

Ta hãy cùng nhau xem lại một vài hình tượng mà NSND Song Kim thể hiện để hiểu thêm về bà hơn và tôi muốn nhắc tới hai vai diễn đã khiến công chúng nhớ mãi. Đó là vai Vú nhè trong vở “Cái lọ vàng” do Mai Phương phóng tác theo tác phẩm “Lão hà tiện” của Moliere do Thế Lữ đạo diễn và vai Cụ Đại Lợi, hài kịch của Lộng Chương do Trần Hoạt đạo diễn.

Để thể hiện vai Vú nhè, bà đã phải luyện tập rất kỳ công đài từ suốt bao ngày trời nhưng nói thế nào thì nó vẫn cứ ra người tỉnh thành. Cuối cùng thì bà đã nghĩ tới người vú ở gia đình năm xưa là người kẻ Phùng và thế là bà quyết định đề nghị đạo diễn cho phép chữa lý lịch nhân vật thành kẻ Phùng và dùng tiếng nói của Vú nhè quê ở Sơn Tây để diễn tả nhân vật và đạo diễn chấp nhận cho bà thử.

Quả nhiên, khi ra trình diễn, mỗi lần Vú nhè xuất hiện là một lần khán giả lại rộ lên những tiếng cười sảng khoái và khâm phục tài nghệ của Song Kim. Ví dụ đoạn khi có khách đến chơi nhà thì vú mời khách:  Iem mới các bác lền nhá chời! Thật tuyệt vời!

Bên cạnh những người mẹ, những cô gái với nhiều dạng khác nhau của xã hội: Khi thì là bà mế vùng cao, lúc là bà mẹ vùng địch hậu, lúc thì lại là bà mẹ Nga đôn hậu… Song Kim lại còn làm công chúng cũng như giới sân khấu ngỡ ngàng và khâm phục trước vai diễn Cụ Đại Lợi trong vở “Quẫn” của Lộng Chương do Trần Hoạt đạo diễn.

Về hình tượng bên ngoài, bà đã tạo cho nhân vật một dáng vẻ to béo phục phịch với những khối bông độn rất lớn khiến "Cụ Đại Lợi" ục ịch, đi lại khó khăn, hai má chảy xệ, xoa phơn phớt một lớp phấn trắng bệch, tóc bạc, tay cầm dù tay cầm tráp và nơi ngón tay út lúc nào cũng có chuỗi tràng hạt để "Tụng kinh, niệm Phật"(!). Đi lại lúc nào cũng lừ lừ như sắp ăn thịt ai đó…

Về giọng nói thì bà đã luyện để cho nhân vật nói tiếng luôn rít qua kẽ răng, ngọt nhạt nhưng riết róng, chì chiết với một đôi mắt thì cụp xuống nhưng khi cần quan sát ai thì lại long lên sòng sọc…

Đã bao đêm, bạn nghề sống cùng bà đã chứng kiến bà ngồi khâu từng chiếc độn mông, độn ngực. Đã bao ngày bà bắt nhân viên âm thanh phải thu phát tiếng nói của bà để bà thay đổi ngữ điệu cho hay, cho chính xác với nhân vật trong từng câu chữ để nhân vật được hoàn chỉnh từ bên ngoài tới bên trong. Chính vì vậy nên trên sàn diễn của đêm hài kịch “Quẫn”, người xem thấy nhân vật của Song Kim thể hiện hay tới từng chi tiết và đã đóng góp không nhỏ tới thành công của vở diễn “Quẫn” với hàng ngàn đêm diễn, một con số mà đến nay các nhà hát, các đoàn diễn nằm mơ cũng khó thấy!

Đó chỉ là hai ví dụ nhỏ trong rất nhiều sáng tạo của NSND Song Kim đáng để chúng ta suy ngẫm và học tập bởi vì suốt cuộc đời nghệ thuật của bà, lúc nào tôi cũng thấy một Song Kim trước sau như một với một niềm đam mê sân khấu đến cháy bỏng.

Tôi còn nhớ, ngày Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức để chia tay bà về nghỉ hưu, bà nghẹn ngào đọc cho chúng tôi hai câu thơ và hai câu thơ đó mãi mãi đi vào lòng chúng tôi, những thế hệ sau của bà: Kiếp sau nếu được làm người/ Tôi xin trở lại cuộc đời diễn viên.

Nghĩ về bà, thay cho lời kết, tôi xin phép được trích ra nguyên văn những câu cuối cùng trong cuốn Hồi ký “Những chặng đường Sân khấu” của bà để chúng ta cùng nhớ bà, cùng suy ngẫm về một tấm gương của một nghệ sĩ lớn:

…Tôi nhớ biết bao những hàng ghế khán giả, nhớ sàn diễn, phông màn, ngọn đèn sáng rực. Mỗi đêm, tấm màn sân khấu mở ra những cuộc đời kỳ diệu trước mắt hàng vạn con người.

Cuộc đời mỗi chúng ta dẫu có tắt đi vẫn sẽ bừng sáng ở cuộc đời những con người mới.

Bởi vậy, những gì chúng tôi chưa làm được các bạn sẽ làm với niềm tin rằng: Cùng với đà tiến lên của đất nước, Văn học Việt Nam sẽ là những bông hoa thắm tươi hương sắc hơn nhiều, nhưng điều cần thiết là phải bao hàm sắc thái, tâm hồn Việt Nam mà ông cha ta từ ngàn xưa đã xây nền, đắp móng…

Hy vọng rằng: Mỗi chúng ta đều suy ngẫm những gì mà NSND Song Kim đã mong muốn, đã gửi gắm lại cho đời sau…

Đêm 23/11/2008
.
.
.