NSND Quý Dương: Giọng ca vời vợi cảm xúc

Thứ Ba, 28/11/2006, 13:45

Trong ấn tượng của nhiều người, NSND Quý Dương là người hát thành công nhất những ca khúc như: “Tình ca”, “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”... Giọng hát của ông nhẹ nhàng, thảnh thơi, không cầu kỳ, phô diễn kỹ thuật nhưng vời vợi cảm xúc.

Cách đây 5 năm, khi đã bước vào tuổi 65, NSND Quý Dương vẫn là một trong những nghệ sĩ được Hãng phim Trẻ chọn để ra CD “Tình em”, tập hợp những bài hát ông từng thể hiện rất thành công. Người yêu nhạc khi ấy được gặp lại “giọng đơn nam số một của Việt Nam” qua những ca khúc cách mạng nổi tiếng như: “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa ”, “Tình em”, “Bài ca bên cánh võng”... Dường như không có dấu vết của thời gian và tuổi tác, giọng hát của ông vẫn thanh xuân và rạo rực tình yêu cuộc sống.

Sinh ra tại làng Thượng Cát, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, ngay từ khi là học sinh Trường Chu Văn An, Quý Dương thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của nhà trường. Tròn 17 tuổi, khi chứng kiến hình ảnh đoàn quân chiến thắng vào giải phóng thủ đô, cũng là lúc chàng thanh niên Quý Dương cùng các bạn của mình thành lập dàn nhạc Tuổi xanh đi hát phục vụ đồng bào. Từ đó, người yêu nhạc biết tới giọng hát trầm ấm, sang trọng của nghệ sĩ Quý Dương gắn liền với những ca khúc cách mạng, những bài hát về quê hương, đất nước.

Trong ấn tượng của nhiều người, ông là người hát thành công nhất những ca khúc như: “Tình ca”, “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”... Giọng hát của ông nhẹ nhàng, thảnh thơi, không cầu kỳ, phô diễn kỹ thuật nhưng vời vợi cảm xúc.

Cùng các con, các cháu.

Trong những ngày giặc Mỹ ném bom Hà Nội, NSND Quý Dương là người thường xuyên túc trực tại Đài Tiếng nói Việt Nam, thậm chí ngay tại trận địa pháo hát phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Mỗi khi tiếng bom vừa ngớt, tiếng hát lại vang lên như minh chứng sinh động nhất về sức sống của người Hà Nội.

Cùng với nhiều nghệ sĩ khác, NSND Quý Dương đã mang tiếng hát của mình đến với các chiến trường. Giọng hát ấy đã làm ấm lòng bao chiến sĩ, nung nấu tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm và kêu gọi ngụy quân buông súng, trở về với đất nước.

Ông nhớ, có lần các chiến sĩ nhờ ông dạy hát. Dạy được nửa bài thì đêm đã khuya, hẹn ngày mai học tiếp nhưng rồi ngay hôm sau, đồng đội đã khiêng xác các anh về mà chưa kịp học nốt bài hát còn dang dở. Những sự hy sinh như thế, khiến người nghệ sĩ trong ông luôn cảm thấy mình mắc nợ nhân dân và được hát phục vụ nhân dân là hạnh phúc vô bờ.

Chính tâm trạng day dứt ấy đã khiến ông khi là giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vẫn thường xuyên tổ chức những buổi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Tôi được xem nhiều tấm ảnh chụp NSND Quý Dương hát say sưa trên bãi cỏ giữa núi rừng Tây Bắc. Ông bảo, điều nguy hiểm nhất là khi người nghệ sĩ không hiểu nhân dân, không biết nhân dân cần gì.

Tốt nghiệp THPT, Quý Dương là một trong những học sinh khoá đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Nhạc viện Quốc gia Hà Nội. Cùng khoá với ông khi ấy có các nghệ sĩ tên tuổi như: nhạc sĩ Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Hồng Đăng, NSND Trần Hiếu... Sau đó, ông được giữ lại trường, trở thành giảng viên Khoa Hát đầu tiên. Khi chuyển công tác sang Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam ông cũng là lớp diễn viên đầu tiên. Và trong lịch sử nghệ thuật  opera của Việt Nam, ông là nghệ sĩ đầu tiên hát được thể loại nhạc này với vai chính trong vở “Eugeni Onegin” của Tchaikovski cùng nghệ sĩ Ngọc Dậu.

Cùng với các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSND Quý Dương đã dồn hết tâm sức để thúc đẩy sự phát triển của thể loại âm nhạc này bằng việc ra mắt một loạt các vở diễn như “Cô Sao”, “Người tạc tượng” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Bên bờ Krôngpa” của Nhật Lai... Ông có đóng góp rất lớn trong việc đưa tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao tới công chúng.

Năm 1987, sau gần 30 năm những sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ tài năng ấy ra đời, NSND Quý Dương đã tổ chức thành công đêm nhạc Văn Cao. Trong đêm diễn ấy, khán giả được thưởng thức giọng hát trữ tình của NSND Quý Dương qua ca khúc “Đàn chim Việt” và “Thăng Long hành khúc ca” của nghệ sĩ Kim Ngọc qua: “Trương Chi”, “Thiên Thai”...

NSND Quý Dương còn là người thầy của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ tên tuổi như: Trung Đức, Thùy Mỵ, Bích Việt... Đến nay, căn nhà của ông vẫn là điểm đến của rất nhiều nghệ sĩ trẻ. Điều mà ông thường nhắn nhủ các học trò của mình là làm nghệ thuật phải hết mình và trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ được tư cách của người nghệ sĩ.

Nghệ thuật chân chính là biết truyền cho người thưởng thức thông điệp về tình yêu, lòng nhân ái, sự cao thượng... Và ông đã truyền được lòng đam mê, thái độ nghiêm túc với nghệ thuật tới bốn người con của mình.

Con trai của NSND Quý Dương, NSƯT Chí Trung vẫn thường xuyên tham khảo ý kiến của cha trước mỗi vai diễn mới. Giờ đây, khi tuổi đã cao, ông vẫn tham gia cố vấn cho các hội diễn văn nghệ, là thành viên giám khảo các cuộc thi ca nhạc...

Danh hiệu NSND ông được tặng năm 1993 là sự ghi nhận những cống hiến của ông cho nền âm nhạc nước nhà. Nhưng có lẽ, điều hạnh phúc hơn cả là ông có một đại gia đình nghệ sĩ luôn đầy ắp tiếng cười. Và với các đồng nghiệp, các thế hệ học trò, ông luôn là một tấm gương sáng về tài năng và nhân cách của người nghệ sĩ

Thanh Hà
.
.
.