NSND Quách Thị Hồ: Giọng hát ca trù đẹp nhất trời Nam

Thứ Ba, 01/07/2008, 10:55

Một người mê ca trù từng nói: “Giọng Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, trời cho đã đành, nhưng còn nhờ thâm niên và khổ luyện. Đó là giọng hát đẹp, quý hiếm, “bắt tròn, bắt chợt, buông chữ, nhả chữ”, tiếng nào cũng đầy nhạc cảm, đầy dư âm...”.

Tôi thường gặp bà ở nhà anh trai tôi, nhà thơ Ngô Linh Ngọc, ở 58 Lý Thường Kiệt từ những năm chống Mỹ.

Anh Ngô Linh Ngọc cũng là người mê ca trù, là một người đánh trống chầu có tiếng trong giới thưởng thức ca trù... Ở nhà anh tôi, những bậc gảy đàn đáy nổi tiếng như ông Ban, ông Kỳ, các bậc nghệ sĩ hát ca trù lừng tiếng như bà Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Phó Thị Kim Đức thường hay đến... Dạo ấy, tuy ca trù đã được chú ý, nhưng không được phổ biến rộng như những năm sau này. Vả lại, trong chiến tranh, nhà chật, xung quanh còn là cả một khu tập thể, nên những “tài tử giai nhân” còn sót lại của tiếng đàn, câu ca, nhịp phách thuở hát ả đào lừng danh của Hà Nội thường chỉ họp nhau, hồi ức những kỷ niệm xưa...

Cũng có một ngày xuân, đông đủ mọi người, anh tôi cầm trống chầu, bà Hồ hát “Thiên thai” và ông Ban thì chơi đàn đáy... Khi nhìn ra cửa thì người xem đã vòng trong, vòng ngoài.

Bà Quách Thị Hồ từng nổi tiếng là một danh ca xưa. Trong một hồi ký in trên tạp chí Văn, số 36, ra ngày 15/6/1965 ở Sài Gòn, Hoài Điệp Thứ Lang (một bút danh khác của Đinh Hùng) nhắc lại cái đêm nhóm Tự Lực Văn Đoàn, trước năm 1945, xuống nhà hát của danh ca nổi tiếng ở Ngã Tư Sở là Bạch Liên, Nguyễn Tuân bữa đó cũng có mặt, đã tụ họp được cả 4 danh ca ở mấy xóm cô đầu nổi tiếng đất Hà thành xưa (Khâm Thiên, Vạn Thái, Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở...) là: “Hai chị em Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm (hai giọng ca đệ nhất thời danh), dì Trương Bẩy (một đào hát đã nhiều tuổi mà giọng hát vẫn còn độc đáo), Bích Thạch Hồn (một danh kỹ hát rất khuôn và có nghệ thuật pha trà tuyệt hảo), Hồ Vạn Thái giỏi chữ nho, nổi tiếng với những bài "Tương Tiến Tửu" và "Tiền, hậu Xích Bích Phú...”.

Hồ Vạn Thái được nhắc ở đây chính là nghệ sĩ Quách Thị Hồ, vì hồi đó bà có nhà hát ả đào ở xóm Vạn Thái...

Nhà nghiên cứu Văn Tâm nhắc lại đêm hát ca trù ở Văn Miếu, bà Quách Thị Hồ, từng hát ca trù cho Bác Hồ nghe. Ông viết: “Hai danh ca Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc, trong một chương trình ca nhạc chung, từng có dịp hát ca trù cho Bác Hồ nghe tại Văn Miếu, Hà Nội. Đó là chiều mồng Một tết Nguyên đán năm Nhâm Dần (5/2/1962).

Ba hôm sau, một cán bộ Bộ Văn hóa tìm gặp nhà thơ Chu Hà (người trong Ban tổ chức) tỏ ý lo ngại: “Hôm mồng Một tết ấy, sao “dám” hát ả đào?”. Chu Hà cho vị cán bộ văn hóa mẫn cán nhưng trình độ nghiệp vụ còn “hạn chế” đó biết, suốt hơn 2 giờ, Bác Hồ “chăm chú xem các tiết mục” (trong đó tất nhiên có ca trù) với vẻ tâm đắc hiếm có” (dẫn theo Nguyễn Đức Mậu, trong “Ca trù nhìn từ nhiều phía”, Nhà xuất bản VHTT - 2003, trang 549).

Là người mê ca trù, nghiên cứu ca trù nhiều năm, nhà thơ Ngô Linh Ngọc, nhắc đến Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ với những lời mến mộ tài năng, đầy kính nể:

Ca trường mai nhất phẩm(1)
Gom tài tình chi lắm,
chị Hồ ơi!
Giọng Kiều ngân hồn Đỗ(2),
bướm chơi vơi,
Phách ngọc gõ, suối đào,
ca réo rắt
Đã vượt Thiện Tài
riêng cốt cách
Lại thừa Phong Nhã,
chất hào hoa

(Giao thừa xuân mới (1): ... mai hàng đầu trong ca trường; (2): Đỗ Mục, nhà thơ lớn đời Đường rất mê ca hát).

Ông còn viết thêm trong một dịp khác: “Hát ca trù chính là hát lên những bài thơ, với yêu cầu diễn cảm ý thơ, tình thơ, cao nhất. Vì vậy, đào nương phải học “nhả chữ” cho thật giỏi. Lão nghệ sĩ Quách Thị Hồ thường dạy các học trò: Khi hát “cái lộc bình nó rơi” thì hình như nó đang rơi thật trước mặt người đang nghe hát. Muốn đạt đến trình độ ấy, phải học “luyến” chữ cho thật khéo. Nghe bà Hồ luyến từng chữ của "Tỳ Bà Hành", thì cứ như mỗi chữ là một cái hình tròn, tiếng hát công phu uốn theo đủ hết các vành tròn của chữ, không để hở một ly nào trong lời thơ...

(Tuyển tập thơ ca trù)

Về phách của bà Quách Thị Hồ, vẫn trong sách đã dẫn trên, ông Ngô Linh Ngọc viết: “Người đào nương học hát đã khó, trong khi hát phải gõ phách, giữ nhịp cho tiếng hát”.

Các ký giả Pháp xem bà Hồ gõ phách ở Văn Miếu, đã trầm trồ thán phục cỗ phách kỳ diệu “cùng hát với tiếng người”.

Thật là tri ân, tri kỷ...

Bà Quách Thị Hồ, mặc dù trong thời bao cấp, sống rất vất vả, tuổi đã cao, song vẫn rất đẹp, phong thái rất Hà Nội. Những ngày chống Mỹ cứu nước, bà thường hay mặc áo lụa ngắn, quần đen, chít khăn vòng dây. Ngồi bên bàn trà hay bên mâm cơm, dáng thường khoan thai, thư thái, thân mật mà vẫn nghiêm trang. Nhưng khi trò chuyện, nhất là với những người thân, chỉ nghe giọng nói, ngữ điệu tự nhiên của bà đã ấm áp, nồng hậu lắm rồi!

Những năm ấy, bà Hồ thường tham gia những buổi phát thanh văn nghệ, buổi “giành cho đồng bào xa Tổ quốc”. Bà hát ca trù, ngâm thơ.

Cũng ở nhà anh Ngọc tôi, sau này, tôi còn được nghe bà hát "Thiên Thai", "Hương Sơn phong cảnh"; "Đào Hồng", "Đào Tuyết" và nhất là bài "Tỳ Bà Hành"...

Bài nào bà hát cũng có cốt cách riêng, những khúc nhấn, luyến riêng, không thể trộn lẫn được. Vẫn phong độ hát ấy, nhưng người nghe đắm đuối khi bà hát, mà sau bài hát là những dư âm, những ảnh hình đọng lại vẫn còn những nét khó quên... Hát "Thiên Thai", đĩnh đạc đàng hoàng... Hát "Hương Sơn phong cảnh" thì núi non như hiện ra trước mắt; còn "Tỳ Bà Hành", đoạn chốt, đoạn cuối câu hát vẫn trong mà cũng nghẹn ngào chia sẻ với cô kỹ nữ bến Tầm Dương và chàng Tư Mã đất Giang Châu...

Một người mê ca trù từng nói: “Giọng Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, trời cho đã đành, nhưng còn nhờ thâm niên và khổ luyện. Đó là giọng hát đẹp, quý hiếm, “bắt tròn, bắt chợt, buông chữ, nhả chữ”, tiếng nào cũng đầy nhạc cảm, đầy dư âm...”.

Lên 6 tuổi, bà đã theo mẹ đi hát. Bà được mẹ vỗ lòng và truyền nghề cho. Mẹ bà từng đoạt giải nhì (Á Nguyên) tại cuộc thi hát ở Hải Dương.

Còn bà, nổi tiếng từ những năm 30 của thế kỷ XX. Nhiều người còn kể, khoảng năm 1939-1941, có chầu hát ở nhà bà, quan viên đi hát đã phải chi tới 4 chỉ vàng (100 đồng tiền Đông Dương cũ).

Liên hoan âm nhạc quốc tế năm 1976, bà đoạt giải nhất, được nhận bằng khen ở Iran. Tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế 1978 ở Mông Cổ, bà chiếm tới hai giải: giải nhất và giải Hàn Lâm. Bà còn đoạt giải thưởng cao về âm nhạc do UNESCO tổ chức ở Bình Nhưỡng... Bà được phong Nghệ sĩ Nhân dân năm 1988. Nhiều nhà nghiên cứu đương thời như Trần Văn Khê, Ngô Linh Ngọc, Lý Khắc Cung... và nhiều nhà báo đã viết về bà...

Những năm cuối đời, tuổi đã ngoại 80, bà giành thời gian để truyền nghề cho lớp nghệ sĩ thế hệ sau như: Thúy Đạt, Thanh Hoài, Vũ Kim Dung, Ngọc Huyền, Thúy Hòa v.v...

Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cũng tìm đến ngôi nhà chật hẹp ở ngõ Văn Chương thăm bà. Họ đến từ Mỹ, Pháp, Australia... nhiều Việt kiều về nước từng nghe bà hát và ngâm thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng đến thăm với tấm lòng đầy ngưỡng mộ.

Bà mất tháng giêng năm 2001, khiến bao nhiêu người tiếc nuối, vì mất một nghệ sĩ ca trù hàng đầu ở nước ta.

Nhà viết kịch Tào Mạt, tác giả vở chèo bộ ba “Bài ca giữ nước”, sinh thời làm thơ và viết thư pháp, tặng Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ:

TRANG TẶNG QUÁCH THỊ HỒ NGHỆ SĨ

Bắc cách, nam phong,
cung dữ thương(1)
Hà Mô/ lục tuế/ trại
Thu Nương(2)
Ca trường/ nhạc hội/
mai tiên phẩm
Thất bát hồ cầm hựu
nhất chương

Nghĩa là:

Trân trọng tặng nghệ sĩ Quách Thị Hồ:

Bắc cách, nam phong,
cung với thương
Hà Mô, sáu tuổi, sách
Thu Nương
Sàn ca, hội nhạc,
hương mai ngát
Bảy tám hồ cầm lại
một chương...

Trên Đài Tiếng nói Việt Nam, thỉnh thoảng phát lại giọng hát điêu luyện của bà trong các bài "Hương Sơn phong cảnh", "Tỳ Bà Hành"... về đêm khuya, nghe như thấy núi, thấy mây, thấy tiếng suối tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh!

Ngô Văn Phú
.
.
.