NSND Doãn Hoàng Giang: Tôi cả tin, yếu lòng và nhát gan

Thứ Ba, 20/12/2005, 09:05

“Tôi cả tin, nếu là phụ nữ thật chắc sẽ… chửa hoang mất. Hai là tôi hay yếu lòng và cả nể, nhiều người bảo cái vẻ tung hoàng ngang dọc chỉ là vỏ, còn lõi của Giang thì yếu đuối lắm. Ba là tôi nhát gan, nhiều đêm nằm một mình thấy cứ gai hết cả người, giống như đi qua bãi tha ma vậy…”

Lúc nào Doãn Hoàng Giang cũng bận. Điện thoại trung bình 5 phút một cuộc, đầu óc sắp đặt công việc như máy tính điện tử. Ông bảo ông có quyền kiêu hãnh vì sự bận rộn ấy. Ông đang phải dựng 4 vở cho các đoàn, vở nào cũng phải xong trước Tết, kể cả vở lớn như "Đặng Thùy Trâm" (kịch Quân đội) cho đến chùm hài kịch của Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Cuộc trò chuyện này được thực hiện giữa những lúc chuyển cảnh, thay đổi phục trang diễn viên tại rạp Chuông Vàng. Những lúc thế này ông nói về sân khấu say mê, như phù thuỷ say mê nói về các phép màu của mình trên sàn gỗ. Ông có vẻ vui khi vở "Người đàn bà uống rượu" do ông dựng cho Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh sẽ được phát sóng trực tiếp trong chương trình "Nhà hát truyền hình" trên VTV1 vào đêm 17/12.

- Nhiều người đánh giá, đây cũng là một trong những thành công của tôi trong những năm gần đây. Đây cũng là vở thành công của Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh với gần 200 đêm diễn trên toàn quốc. Phải nói, đây là một trong những vở duyên dáng nhất của Hữu Ước. Cái bi kịch của cô Duyên ấy ám ảnh tôi trong một thời gian khá dài. Và khi bắt tay vào dựng vở, tôi càng thấm thía một điều, chúng ta đã phong tặng huy chương cho những anh hùng, nhưng còn những người anh hùng âm thầm chịu đựng, âm thầm sống thì dường như chẳng mấy ai hay biết…

- Theo tôi, một tác phẩm kịch có thành công hay không, phải xem nó tác động đến đâu tới công chúng. Mà kịch Việt Nam, ngoại trừ các kỳ hội diễn, còn thì cứ im lìm. Rất buồn nhưng phải nói thật, ít nhất một phần ba trong số ấy lại là anh đạo diễn…

- Vở diễn không người xem thì không thành sân khấu. Khi làm vở đạo diễn phải đặt công chúng ngay trước mặt mình. Còn nếu đạo diễn nào nói vở của tôi kén chọn khán giả là nói bậy. Đã có thời gian, tôi được mệnh danh là người nắm khán giả giỏi nhất Việt Nam, có suất diễn từ 11h đến 1 giờ đêm mà đông khách kinh khủng. Nhưng cũng cần hiểu rằng, sân khấu đang khó khăn và đừng đổ hết lỗi cho chúng tôi.

- Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi nói, ông chỉ dựng vở khi có một kịch bản mình thích, một Nhà hát ưng ý và một khán giả ông thích. Còn anh dựng vở khi nào?

- Đưa 3 điều ấy ra trước khi dựng vở là không đúng vì đạo diễn không chọn được tác giả kịch bản. Đạo diễn là nghề của trăm nghề, phải hoà nhập với các phong cách khác nhau của các tác giả. Người đạo diễn phải làm khỏe những kịch bản còn yếu, cái ý tư tưởng trong vở diễn chưa sáng rõ thì đạo diễn phải làm cho nó lấp lánh lên. Đạo diễn như trạng sư, phải là chỗ che đỡ cho thân chủ của mình. Đạo diễn phải tự mình tạo ra khán giả chứ không thể ngồi chờ.

- Tôi từng nghe anh phát biểu rằng, mình không nhận giải thưởng Hồ Chí Minh vì giải đó dành cho những người lớn tuổi, còn anh thì sợ già. Anh sợ già hay là cáo chê nho vẫn còn xanh?

- Doãn Hoàng Giang đâu đến nỗi mà không với được chùm nho? Tôi không thích thật, vì tôi nằm trong hội đồng thẩm định nên dễ mang tiếng. Sắp tới, anh sẽ thấy rằng tôi không nói ngoa, giải thưởng Nhà nước đợt này nhiều người còn xa mới với được đến tôi. Chỉ cần tôi kể những "Đêm trắng", "Nhân danh công lý', "Chiếc bóng oan khiên", "Hà My của tôi"… thì đủ hiểu tôi có xứng đáng hay không. Những tác phẩm đó đánh dấu một giai đoạn nào đó của sân khấu. Nhiều vở cực kỳ trang trọng, sao người ta không giao cho các đạo diễn đạo mạo mà vẫn giao cho thằng đạo diễn bụi đời là tôi? Nhưng tôi không muốn nhận vì giải thưởng Hồ Chí Minh thường tặng cho những người sắp… về rồi, nên tự dưng mình nhận cái giải như thế cũng thấy hơi… ghê.

- "Ngọn cỏ tìm bạn bè dưới đất, cái cây tìm nỗi cô đơn trên trời. Càng vươn lên cao, càng vươn về nỗi cô đơn". Tagor viết thế và Doãn Hoàng Giang cũng thích thế. Nỗi cô đơn đó kiêu hãnh quá, giống như một thứ tùng bách đứng một mình trên đỉnh trời mà chẳng có ai vươn lên để làm bầu bạn…

- Tự nhận thế thì bảo tôi kiêu căng quá. Cô đơn nhiều khi cũng là niềm vui và hạnh phúc của người nghệ sỹ. Anh càng vươn cao khỏi đồng loại thì càng vươn về nỗi cô đơn thôi. Trong nghệ thuật không bao giờ diệt trừ được sự ghen tỵ, trâu buộc ghét trâu ăn. Người làm việc nhiều có thể bị nhìn bằng con mắt tức tối và mình phải chấp nhận "sống chung với lũ". Nhưng điều đó an ủi mình rằng, mình vẫn đang tồn tại và đang có gì hay ho lắm.

- Anh bảo cuộc đời mình là sân khấu. Nhưng đó là nơi để người ta diễn với nhau. Suốt đời phải diễn thế, có khi nào anh thấy lòng tan hoang, nhất là khi "tuổi già nó đến cho lòng thất kinh" thế này?

- Chả ai hiểu tôi đến tận cùng, dù tôi có rất nhiều bạn thân. Mỗi khi đêm về một mình trong căn buồng lạnh, thì đó là khoảng rỗng của đời tôi. Nhưng tôi có ưu điểm là sáng hôm sau vứt hết những buồn đau đêm trước.Tôi dành trọn cuộc sống cho hai cái sân: sân cỏ và sân khấu.

- Trông anh ngang tàng, khẩu khí như núi lửa, thấy phụ nữ đẹp luôn dại khờ, thế mà có ông nhà văn nói sẽ viết về những tính nữ trong con người anh. Theo anh, bài viết của ông ấy có thành công không?

- Ông ấy hoàn toàn có thể thành công. Một là tôi cả tin, nếu là phụ nữ thật chắc sẽ… chửa hoang mất. Hai là tôi hay yếu lòng và cả nể, nhiều người bảo cái vẻ tung hoàng ngang dọc chỉ là vỏ, còn lõi của Giang thì yếu đuối lắm. Ba là tôi nhát gan, nhiều đêm nằm một mình thấy cứ gai hết cả người, giống như đi qua bãi tha ma vậy. Lúc đó thì phải hát to lên một bài. Ban đầu thì ông con tưởng bố ngủ mê, sau thì nó biết bố sợ ma…

- Anh sẵn sàng đuổi một diễn viên tài năng mà lạnh lẽo để đổi lấy một diễn viên kém tài hơn nhưng nồng nàn với vai diễn. Vậy khi đạo diễn lạnh lẽo như những thợ dựng thì phải làm thế nào?

- Tôi là một đạo diễn nồng nàn, nên tôi rất ghét những đạo diễn phân tích lạnh lùng, xem xong thấy đúng hết, nhưng sân khấu giống như cái nhà hoang vậy, nó lạnh lẽo đến đáng sợ. Đó là sai lầm của đạo diễn. Phải lăn xả, phải phả tâm hồn mình lên đó để sân khấu giống như lửa cháy.  Đạo diễn là người chỉ huy cảm xúc chứ không phải thủ pháp. Trong nghệ thuật, cười quá cũng được, khóc quá cũng không sao, nhưng không được có tiếng ngáp. Giải pháp trong trường hợp này là dựng lại với… một đạo diễn khác.

- Tôi biết, tiền với anh không phải là tất cả, nhưng nó thể hiện cái "giá" của anh. Giá vở đầu tiên của anh có 2.000 đồng, còn giá bây giờ của Doãn Hoàng Giang?

- Vô giá. Có khi 80 triệu/ vở nhưng có khi là không đồng nào.

- Xin anh tĩnh tâm một phút, anh đang đứng ở đâu trên sân khấu Việt Nam đương đại?

- Tôi đang đứng đầu về mặt công việc. Và tôi là đạo diễn hấp dẫn với công chúng

Toàn Nguyễn
.
.
.