NSND Đoàn Dũng: Tôi là người ưa chuyển dịch

Chủ Nhật, 24/01/2010, 11:05
"Tính tôi là người ưa chuyển dịch, thích khám phá một vùng đất mới. Nửa đời trên đất Bắc, tôi muốn nửa đời còn lại sẽ sống ở miền Nam để có cái mà nhớ, mà hoài niệm", NSND Đoàn Dũng chia sẻ.

NSND Đoàn Dũng sinh năm 1939 tại Hà Nội. Ông từng được biết đến với hàng chục vai kịch trong các vở: "Người cha thô bạo", "Khúc thứ 3 bi tráng", "Vụ án người đốt đền", "Lịch sử và nhân chứng", "Đêm giông tố", "Hoa pháo", "Bài ca Điện Biên"... cũng như các vai diễn điện ảnh như Đại đội trưởng trong phim "Biển lửa" (Đạo diễn Phạm Kỳ Nam), vai Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp phim "Bức tường không xây" (đạo diễn Khắc Lợi), Vệ trong phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (Đạo diễn Hải Ninh), vai Đề Thám trong phim "Thủ lĩnh áo nâu"… Ông từng giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh.

- Thưa NSND Đoàn Dũng, đã lâu mới lại gặp ông trở ra Hà Nội, trở về "quê cha đất tổ" vào những ngày giáp Tết, ông có xúc cảm gì đặc biệt không?

- Nói thật lòng thì chưa bao giờ tôi nguôi quên Hà Nội trong trái tim mình. 30 năm rời xa Hà Nội, tôi chưa bao giờ trở lại Hà Nội để đón Tết nhưng trong lòng tôi luôn nhớ đến cái lạnh run người, nhớ hoa đào, nhớ hoa tầm xuân, nhớ quất chín mọng… Tôi nhớ cháy lòng đến cả những con phố nhỏ dầm dề mưa phùn vào những ngày 30, mồng 1 Tết, vậy mà lũ trẻ con chúng tôi vẫn đội mưa chơi bóng đá trong niềm say sưa, hứng khởi. Cái gì ở tuổi thơ thì luôn còn mãi mà, cho nên có dịp ra Hà Nội, đặc biệt trong những ngày giáp Tết, tôi thấy lòng mình phấn chấn lắm, cứ như thể, sau một năm ròng xa quê hương, mình tìm về chính bản ngã của mình, được gặp lại bao bạn bè thuở nối khố, gặp lại người thân, gặp lại từng con phố quen thuộc ghi dấu ấn cả tuổi nhỏ của mình, thân thương lắm.

- Nhân chuyện cũ hỏi lại, ngày xưa, đang yên phận ở Hà Nội với chức danh Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cùng với vốn liếng tiếng tăm nổi như cồn, tại sao ông lại khăn gói đưa vợ con vào TP HCM sinh sống và lập nghiệp?

- Câu này đã nhiều người thắc mắc hỏi tôi, ngay cả bạn bè thân cũng vô cùng ngạc nhiên về sự chuyển dịch này. Vì khi quyết chí ra đi, có nghĩa là tôi bỏ hết tất cả công danh, địa vị, nhà cửa, họ hàng để đến một nơi không có một thứ gì trong số những thứ vừa kể trên, để bắt đầu từ số không mà đi lên. Nói là không có lý do là không đúng, thậm chí có hàng chục lý do mà giờ nói ra vừa không tiện, vừa chẳng giải quyết được việc gì, vì cái gì đến nó đã đến rồi. Nhưng, nói sơ bộ thì một phần là vì tính tôi là người ưa chuyển dịch, thích khám phá một vùng đất mới. Nửa đời trên đất Bắc, tôi muốn nửa đời còn lại sẽ sống ở miền Nam để có cái mà nhớ, mà hoài niệm.

Tôi rất thích bài thơ "Thế sự" của nhà thơ Hữu Ước: "Nợ tình nợ chữ ta còn trả/ Nợ số phận ta - Cái nợ đời!/ Nhân tình thế thái quay cuồng cả/ Mòn mỏi vai gầy ai với ta/ "Nhân gian" hai chữ sao mà nặng/ Ta gánh sao đây hở đất trời?". Xét cho cùng, con người ta sống trong nhân gian đều vì một cái "nợ" nào đó, và bằng cách nào đó, ta sống để trả, miễn là sống có ý nghĩa, còn những vùng đất cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Tất nhiên, hiện nay, mọi thứ của tôi đều ổn, gia đình vẹn tròn, con cái trưởng thành, lương hưu đủ sống… có nghĩa là, quyết định của tôi đã đúng.

- Liệu hồi đó, chức Hiệu trưởng Trường Sân khấu - Điện ảnh TP HCM có phải là một trong những lý do khiến ông ra đi?

- Hoàn toàn không, thậm chí hồi đó, vào đó tôi và các anh chị ở trường đã phải khai phá một mảnh đất còn hoang sơ, gánh vác một nhiệm vụ nặng nề trên vai mà nếu không vì yêu nghề thì chẳng ai dốc tâm để làm. Công việc đào tạo thế hệ diễn viên kế cận quả là nhọc nhằn hơn những gì ban đầu tôi tưởng. Năm 1988 vào đó, ban đầu tôi cũng chỉ làm giảng viên. Đến năm 1995, Trường Sân khấu 2 và Điện ảnh được sáp nhập làm một thành Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM thì tôi mới nắm giữ chức hiệu trưởng, từ năm 1996, đến 2000 thì về hưu. Nhưng thật ấm lòng là rất nhiều thế hệ học trò của tôi nay đã thành danh, họ đã là những nghệ sĩ ngôi sao trong làng giải trí Việt như Lý Hùng, Ngọc Hiệp, Quyền Linh, Thanh Mai, Thiệu Ánh Dương...

Nghĩ đi nghĩ lại tôi vẫn thấy rằng, bởi vì nghiệp diễn đã ngấm vào máu nên làm nghề dạy học được truyền đạt cho học trò những gì cả đời mình đã tích lũy được, thì đó cũng là việc đáng làm nhất. Nhìn các thế hệ học trò giờ đã là các nghệ sĩ trẻ thành đạt, thậm chí nổi danh hơn thầy, vì các em có một thời cơ thuận lợi để phát triển nghề nghiệp, thì có nghĩa là sự ra đi của mình, niềm tâm huyết của mình đã được đặt đúng chỗ. Tôi vẫn thường nói với các thế hệ học trò của tôi rằng: "Nghệ thuật mãi mãi là thánh đường. Để hội nhập với thế giới thì sân khấu cũng như điện ảnh phải trên đường chấn hưng và phát triển. Trình độ khán giả hôm nay ngày càng cao chỉ chấp nhận những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ về nội dung tư tưởng và nghệ thuật".

- Vậy mà thuở xưa, nghe nói, sém chút nữa thì nền sân khấu, điện ảnh Việt Nam sẽ thiếu một NSND Đoàn Dũng vì ông suýt thành một sĩ quan chuyên nghiệp?

- Đúng thế. Năm 1958, sau khi tốt nghiệp trung học, tôi hăm hở thi vào Đại học Tổng hợp khoa Văn nhưng không đỗ, nên tôi tình nguyện vào bộ đội pháo binh thuộc Trung đoàn 208. Hết thời gian tại ngũ, tôi đứng trước hai lựa chọn: hoặc tiếp tục học sĩ quan pháo binh, hoặc thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh, vì tôi đã có máu văn nghệ, ca hát rồi diễn tuồng trong đoàn kịch Thanh niên của Thành Đoàn Hà Nội hồi trước, nên trong người đã ước mơ theo học sân khấu điện ảnh, dù đã là anh bộ đội xông pha chiến trường. Sau khi quyết định theo nghệ thuật, tôi đã miệt mài ôn luyện bài vở quyết chí thi vào khóa đầu tiên của Trường Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam và tôi đã đỗ vào học chung lớp với NSND Thế Anh, NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Doãn Hoàng Giang... Và, tốt nghiệp khóa I, tôi đã đỗ thủ khoa, từ đó tôi nghĩ, con người tôi, thuộc về những vai diễn.

- Giờ đây, ở tuổi thất thập nhìn lại, ông nghiệm thấy con đường nghệ thuật đã qua của mình thế nào?

- Tôi đã được sống và cống hiến hết mình vì nghệ thuật. Tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi đến với cái môn nghệ thuật thứ 7 này, để tôi được trải nghiệm chính mình trên nhiều cuộc đời, nhiều số phận, được khóc cười, sướng khổ cùng nhân vật. Thời chúng tôi, làm nghệ thuật nghiêm túc lắm. Tôi nhớ, khi về Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi đã diễn những vai mà hằng trăm suất diễn cả tháng trời, khán giả vẫn đến kín rạp. Có nhiều người xem đi xem lại vài lần vẫn không chán. Hồi đó, chúng tôi thường phải chịu trách nhiệm về vai diễn của mình không chỉ trên sân khấu, mà cả ngoài cuộc đời. Tôi thì thường vào đủ các loại vai, vai chính diện thì được khán giả yêu quý, mà vào vai phản diện thì bị khán giả… chửi ngay cả khi ra ngoài cuộc đời, như trong các vở "Người cha thô bạo", "Người đốt đền"... Như vậy, là vai diễn của mình đã thành công.

- Trên sân khấu kịch ông có nhiều vai diễn đáng nhớ, còn với điện ảnh thì sao, ông có tâm đắc với vai diễn nào không?

- Tôi nhớ, hồi đóng phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", cả đoàn đang đi thì bỗng dưng trời nổi giông, có hẳn cả một "tường mây" trên nền trời. Đạo diễn Hải Ninh lệnh đoàn đứng lại để quay. Ông bảo Trà Giang xuống bế con chạy dưới trời mây để lấy được cảnh bầu trời hiếm hoi này. Nhưng hồi ấy, Trà Giang yếu lắm nên không chạy được. Vậy là tôi nhảy vào đóng thế. Cảnh này quay xa tít nên chỉ cần thấy có dáng người ôm con chạy trong giông tố chứ không quay cận cảnh nên đoạn phim đã thành công.

Làm nghệ thuật thời ấy còn thô sơ chứ không phải cái gì cũng tiện nghi, hiện đại như bây giờ đâu, lại trong thời kỳ chiến tranh, nên đôi khi, diễn viên phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Không dưới vài ba lần, tôi đi đóng phim mà may mắn thoát chết, nhìn mảnh đạn xoẹt qua đầu mình xé rách cả thân cây ngay bên cạnh. Hồi làm phim "Biển lửa" (Đạo diễn Phạm Kỳ Nam), xe của đoàn chúng tôi đi sau và nhìn thấy xe đi trước cách mình cỡ hơn chục mét bị ném bom cháy trụi. Cũng có những người trong đoàn làm phim gặp tai nạn vì chiến tranh khói lửa… ngẫm mà xót xa. Cũng chính vì thế, chúng tôi diễn bằng chính nước mắt, bằng xương máu của thực tế chứ không phải bằng những lý thuyết suông. Hay như hồi đi làm phim "Độ dốc" của Lê Đăng Thực, có cảnh tôi phải cởi trần lội xuống suối trong trời rét căm căm, diễn xong, chạy lên đứng trước đèn mấy nghìn oát mà hơi từ cơ thể mình bốc lên ngùn ngụt.

Ngược lại, trong quá trình làm phim, tôi cũng đã nhận được những hạnh phúc rất lớn. Chẳng hạn, khi đóng vai Đề Thám, tôi đã vào vai đạt đến nỗi, cả làng của ông, khi tôi ra đường, thay vì gọi tên tôi, họ gọi tôi là ông Đề. Có kỷ niệm vui hồi diễn vai Đề Thám mà đến giờ thỉnh thoảng gặp bạn bè tôi vẫn nhắc lại. Hồi ấy, khi diễn xong đi ăn cơm trưa thì tôi tháo phục trang ra để không bị vướng, đến giờ diễn, tìm lại thì thiếu mất một bên ria mép, cả đoàn thay nhau đi tìm vì không có ria để thay thế, may mà cuối cùng cũng tìm ra. Vậy là từ hôm ấy, tôi không tháo phục trang ra nữa, cứ để vậy cho an toàn…

Cách đây vài tuần, nhân việc Đài Truyền hình làm phim chân dung về tôi, tôi có về lại làng Đề Thám để quay vài cảnh ở đó, thật ngạc nhiên là ở làng nhiều người vẫn nhớ và gọi tôi là "ông Đề Thám", họ coi tôi như người nhà đi xa lâu ngày về lại. Vậy đấy, cái được của người diễn viên ưa hoài cổ như tôi, đôi khi, nó giản dị vậy mà ấm lòng cả tuổi già.

- Là một người đã có nhiều năm trong nghề diễn cũng như đào tạo diễn viên, ông có thể lý giải vì sao, hiện nay, những diễn viên trẻ có nhiều cơ hội thuận lợi cả về khách quan lẫn chủ quan để trưởng thành, nhưng dường như danh tiếng của họ lên bổng xuống trầm rất phập phù?

- Đấy là một trong những điều khiến tôi trăn trở nhiều lắm. Tôi trăn trở chẳng vì điều gì lớn lao, chỉ vì một người tâm huyết với một nền sân khấu, điện ảnh và cả đời sống cho nó. Theo tôi, có 2 lý do khiến thế hệ trẻ ngày nay không đi đường dài với con đường nghệ thuật.

Thứ nhất, từ khâu đào tạo, các em đã bị hổng rồi, do giáo trình cũ, cách giảng dạy cũ, không đi từ những cái cơ bản, mà lại không được cập nhật những thay đổi để phù hợp với xu thế mới. Giáo trình từ thời chúng tôi được học không thể áp dụng cho các em bây giờ được. Bởi vì khoảng cách thế hệ đòi hỏi nó phải khác.

Thứ hai, tự thân các diễn viên trẻ không tự trau dồi cho mình một vốn sống, vốn kiến thức để làm nền tảng cho mai sau. Thời của công nghệ thông tin, các em dễ nổi, dễ trở thành ngôi sao trong sự ảo tưởng phù phiếm quá nên các em bị những hư danh làm mất đi lòng kiên nhẫn để trau dồi nghề nghiệp. Các em không biết rằng, danh tiếng của một vài bộ phim ăn may sẽ tiêu tan trong chốc lát nếu không biết cách điểm tô cho nó những cái lõi để rắn chắc hơn để được mài giũa qua thời gian. Tôi nghĩ, chính thời gian sẽ sàng lọc lại bớt những ngôi sao xấu để thế hệ trẻ sẽ thực sự có những ngôi sao tỏa sáng để làm nên một diện mạo mới cho nền sân khấu, điện ảnh nước nhà!

- Vâng, xin trân trọng cảm ơn NSND Đoàn Dũng!

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.