NSND Đào Trọng Khánh: “Thân bút hợp bích”

Thứ Năm, 25/08/2005, 08:30

Đó là một người đàn ông cao lớn, thường đội mũ phớt trắng, dáng đi hơi cúi đầu. Ông sinh ra ở đất Cảng, nổi tiếng từ xưa với bút danh Đào Nguyễn. Tuy nhiên, nghiệp thơ không dài bằng nghiệp phim - những bộ phim tài liệu làm nên một NSND Đào Trọng Khánh sau này.

Điều tôi phục nhất ở ông lại là sự linh hoạt trong từng câu chữ. Trong truyện chưởng, để khen ai dụng kiếm giỏi, người ta dùng câu: “Thân kiếm hợp bích” nghĩa là kiếm và thân là một, khi đó cao thủ đã đạt đến độ thượng thừa, vi diệu của kiếm pháp, thu phát tùy ý. Với Đào Trọng Khánh, có thể nói là “thân bút hợp bích” - nghĩa là, nói thế nào, viết thế ấy.

1. Lợi khẩu thì hẳn rồi, hầu như bữa tiệc nào, người ta cũng tìm cách lôi ông vào bàn. Vì kiểu nói bông đùa của ông đố ai bắt chước được. Đầy chất “u mua” (hài hước) nhưng cũng rất ngạo đời - mà người ta gọi là ngoa ngôn. Ông có tài dùng chữ nghĩa, cảm giác chữ ông dùng cứ nhẹ như không. Ông bảo: “Chữ nghĩa nó rủ nhau tới, chữ mẹ đẻ chữ con. Chỉ cần một tiếng gọi ví như “nghé ngọ” là con chữ ào ào chạy đến”.

Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Ông là người tài hoa: làm thơ hay, viết lời bình, đạo diễn phim mang bản sắc riêng. Mảng  đề tài lịch sử, các phim ông làm là “Việt Nam Hồ Chí Minh”, “Truyền kỳ sự thật”, “Nửa thế kỷ một ngày”; mảng nhân vật có “Một thế kỷ một đời người” (đại tướng Võ Nguyên Giáp), “Đồng chí Phạm Văn Đồng” ; mảng văn hóa có “Một phần 50 giây cuộc đời”, “Phụ nữ Trà Kiệu”, “Lửa thiêng”…

Đào Trọng Khánh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2000.

Trong một chiều nắng nhạt ở quán bia Hoàng Hoa Thám - đối diện ngõ nhà ông, khi nhìn nồi lẩu gầu bưng ra, Đào Trọng Khánh bảo: “Trên thế gian này đầy rẫy những kẻ cưỡi trên muôi thìa, lướt trên nồi lẩu mà cứ ngỡ mình đang cưỡi một con tàu lướt sóng ra đại dương. Họ nhìn bọt bia trong cốc mà cứ ngỡ đại dương đang sôi!”. Để rồi, ông bỗng hạ giọng: Còn chúng ta, đời chúng ta ai chả mơ ước một con tàu thực sự.

Ông có máu lãng du vì thế tôi đồ rằng sự tự do đến mức gần như tuyệt đối là điều Đào Trọng Khánh mơ ước mà không thể thực hiện nổi. Vì ông không sống một mình. Mà ngay cả một mình, liệu ông có đủ  dũng khí và can đảm để “đi trọn một thời đắm say”.

Sáng mùa đông ở bãi bia Ngọc Hà, ông lại thuyết giảng cho tôi về hình tượng Trung Quỳ của Tàu cầm chiếc quạt đánh tan mọi yêu ma với con bướm đậu trên góc quạt, để nói rằng: con người ta có thể đánh đông dẹp bắc, nhưng nhiều khi không thể vượt qua được cái ngay bên mình, cái tưởng như nhỏ nhất.

Tôi nhìn thấy trong câu nói ấy là tâm sự của chính ông, hay đúng hơn là màu xám ảm đạm trong bức tranh cuộc đời ông...

Nhận xét về sự dừng lại của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Đào Trọng Khánh đưa ra một câu sắc lẹm: văn Thiệp như kẻng báo động thời chiến, nó đắc dụng nhưng chỉ một thời, còn hòa bình, nó hóa vô dụng, lắm khi trẻ con đi qua đáp vào một tiếng chỉ khiến người ta giật mình!

Trong những cuộc hội thảo, hội họp khi Đào Trọng Khánh đứng lên là nhiều người im lặng. Bởi họ sẽ được nghe những lời nói mạnh mẽ, quyết liệt lắm khi đến nghiệt ngã, nhưng bóc tách lớp vỏ ra là những góc thật tâm huyết, chân thành.

2. Đào Trọng Khánh uống khỏe, ăn khỏe và làm việc càng dẻo dai. Nhìn con người đó lắm lúc tôi tự hỏi: ông lấy đâu ra năng lượng để bền bỉ “cày” như vậy?

Khi đó, câu trả lời của ông thật “đanh thép”: Phải làm việc như bố già: hãy làm hãy quên. Bản năng sẽ lôi chúng ta đi.

Nhưng cũng bao lần ông thở dài: Nhọc lắm! “Nhọc” là chữ dùng của Thái Bá Vân đấy, nó đúng quá. Còn chán thì không, bởi làm gì có thời gian mà chán. Ngày xưa thì thèm, thèm từ bát phở thèm đi!

3. Nhà Đào Trọng Khánh có treo ảnh một con đười ươi cười để lắm khi đang ngồi viết, gặp lúc bí, ông lại  nhìn nó mà tự hỏi: trong bụng con bú dù kia có chuyện gì đáng buồn cười.

Nhưng sự bí trong ông không nhiều bởi Đào Trọng Khánh nổi tiếng nhớ nhiều, đọc nhiều và vận dụng nhanh. Ngày trẻ, ông từng ghi lên tường câu khẩu hiệu: “Một ngày không đọc, một ngày không học, một ngày không ăn”. Và chàng thanh niên hồi đó gầy như xác ve. Để rồi thời gian và bia rượu, cùng nỗi chán chường thường trực bên trong đã tạo ra một Đào Trọng Khánh đường bệ nhưng  nói năng thì vẫn cực kỳ dí dỏm và ngòi bút vẫn hoạt.--PageBreak--

Nhà ông bừa bộn, cái bừa bộn thường thấy của một nghệ sĩ. Nhưng bừa bộn trong một trật tự - trật tự của riêng ông. Bằng cớ là định đi tìm bất cứ một cuốn sách nào, một tài liệu nào ông vẫn lôi ra từ một xó xỉnh không ai có thể ngờ được.

Đào Trọng Khánh coi sách như tính mạng. Đã bao lần ông chặc lưỡi tiếc nuối vì lần đó không dám bỏ một đống tiền ra mua bộ sách quý. “Sách lạ lắm, nhiều khi chỉ cần nhìn thấy nó trong nhà mình là đã thấy thay đổi cuộc đời”. Tôi đồ rằng mỗi khi đi ngủ Đào Trọng Khánh gối đầu lên sách và khi đó bao phiền muộn tan nhanh trong giấc mộng đêm trường.

Ông say mê đạo Phật và đắm mình trong nó - nhưng sự liên kết bằng tình thương với mọi người xung quanh để tìm kiếm sự an lạc thì dường như đường vẫn còn xa.

4. Với Đào Trọng Khánh, đời sống là một cuốn phim bất tận hàm chứa bao câu chuyện lý thú với những cái kết bất ngờ không ai có thể đoán định trước được.

Ông tài ở câu chữ, nhưng dường như ông cũng bị mắc vào vòng xoáy của những ngôn từ mà lắm khi ông không thoát ra được. Đào Trọng Khánh bày việc cho người thì tài mà dắt mình đi lại khó. Bày nhưng là bày đại cương, còn đi vào cụ thể, ông lại lúng túng. Sự lúng túng đó thể hiện ở chỗ lắm khi ông ngơ ngác giữa những ứng xử xảo trá của con người mà ai cũng nghĩ ông đủ tinh ranh để nhận ra. Và có những lúc sự quyết đoán trong ông trỗi dậy thì định mệnh đã an bài hoặc kết cục đã đoán trước.

…Lần uống say ở quán 25 phố Phan Đình Phùng, ngồi sau xe tôi ông bảo: “Đời mình lắm chuyện buồn mà mình vẫn cười được, ôi cuộc đời thật là hài hước”. Rồi ông cười, điệu cười chua chát, không cần giấu đi những đắng cay, nghiệt ngã của cuộc đời, tưởng như không thể hơn mà số phận dành cho ông. Tôi hình dung ra, những lần Đào Trọng Khánh đối ẩm với pho tượng nhỏ (lấy ở một đền thờ) trong căn nhà nhỏ trên gác của ông là những cuộc đối thoại dữ dội trong nội tâm nhưng cũng hàm chứa sự thi vị và lãng mạn

Việt Văn
.
.
.