NSND Đặng Thái Sơn: “Phải giao lưu với bên ngoài nhiều mới thấy rõ mình hơn”

Thứ Sáu, 25/11/2005, 08:30

“Chúng ta phải giao lưu thật nhiều với nước ngoài để biết người biết ta và thấy mở mang hơn. Phải học hỏi thực sự, phải xem người ta học, người ta dạy như thế nào, chả phải đi đâu xa mà ngay ở các quốc gia gần đây thôi”, NSND Đặng Thái Sơn nói.

Chúng tôi "chộp" nghệ sĩ Đặng Thái Sơn tại Nhạc viện Hà Nội, nơi anh đến dự một buổi trình diễn của các thí sinh trẻ để chọn ra một tài năng đưa sang Nhật Bản bồi dưỡng cho festival âm nhạc được tổ chức vào năm sau. Lịch làm việc cho những ngày ở Việt Nam của người nghệ sĩ xa xứ thực sự dày đặc, và dường như đã quá mệt mỏi với các câu hỏi nhưng không lúc nào anh thoát được sự săn đón của báo giới!

Đêm 23/11, tại Nhà hát lớn thành phố, NSND Đặng Thái Sơn đã trình bày rất thành công bản Concerto viết cho Piano số 1, cung la thứ, Op. 16 của nhà soạn nhạc trữ tình người Na Uy E.H.Grieg trong đêm nhạc kịch Budapest. Đây được coi là điểm nhấn của đêm Opera bao gồm cả nhạc cổ điển, múa và hát. Chuỗi trình diễn Toyota 2005 của đoàn nhạc kịch Budapest kéo dài gần nửa tháng qua 8 nước Đông Nam Á.

- Cuộc sống của anh bên kia như thế nào? Báo chí châu Á cho biết anh đang sống rất hạnh phúc với mẹ, NSND Thái Thị Liên?

- Mẹ Sơn vẫn còn khỏe lắm. Cụ vẫn còn quát Sơn to lắm nhé! (cười). Gần 90 rồi mà ngày nào cũng chơi đàn. Sơn hy vọng sang năm là kỷ niệm 50 năm thành lập Nhạc viện Hà Nội thì cụ sẽ về và "ra tay" (cười).

- Xem ra anh rất gắn bó với mẹ, và có thể đó là một hình ảnh hiếm hoi trong cuộc sống của một người nghệ sĩ tại một quốc gia phương Tây. Nhưng những lớp nghệ sĩ đi trước cho biết cha anh mới là người có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với anh?

- Sự gần gũi đối với bố của Sơn tương đối hạn chế. Hồi còn nhỏ thì đi sơ tán, đến khi Sơn lớn lên thì lại sang du học ở Liên Xô, nên ít khi được gặp bố. Nhưng cái hay ở chỗ không phải là lượng thời gian tiếp xúc, mà thi thoảng vài lần gặp gỡ cụ đã cho mình những luồng ánh sáng, như ở mình vẫn gọi là kim chỉ nam ấy! Từ đó mình ngẫm ra và tìm ra được những triết lý của cụ. Cụ cho tôi chữ Nhân và sự giản dị. Nhiều khi cái thế cho phép Sơn được sống một cách kiểu cách như những nghệ sĩ nước ngoài nổi tiếng khác, kiểu cách và làm bộ làm phách. Nhưng nhiều người vẫn nói Sơn là người sống giản dị, vì mình sống với chính những gì tự nhiên nhất của mình. Đó là cái gốc bố đã truyền lại cho Sơn, biết cách sống nhưng phải giản dị. Có thể nói cái hướng đi trong cuộc đời Sơn là tất cả những ý đồ của bố!

- Chúng tôi tin vào sự đánh giá khách quan của một nghệ sĩ có sự trải nghiệm trên phạm vi toàn thế giới như anh! Xin nghệ sĩ cho biết cảm nhận của mình về vị trí của Việt Nam trên bản đồ nhạc cổ điển thế giới?

- Hiện nay, trên mặt bằng châu Âu cũng như Mỹ, có thể nói thể loại nhạc thính phòng đang dừng lại, thậm chí không muốn nói là xuống dốc. Bởi lẽ hiện nay có rất nhiều loại hình nghệ thuật khác đang chiếm bớt thính giả. Nhưng dòng nhạc này ở châu Á lại phát triển rực rỡ, Sơn nói dựa trên con số thực tế chứ không phải một cách cảm quan. Trong Concour Chopin vừa qua, hơn một nửa trong 300 thí sinh là người châu Á, vào đến chung kết có 9/12 thí sinh là châu Á, đoạt giải thì người châu Á chiếm 5/6 giải. Nhật Bản là quốc gia đi đầu ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, họ đã thành hình, có một căn bản rất vững, một hệ thống đào tạo cơ bản từ sơ cấp đến trung cấp rất đầy đủ, Mỹ và châu Âu thậm chí không thể so sánh được. Tiếp theo là Hàn Quốc và Đài Loan cũng rất mạnh. Và bây giờ tương lai là ở Trung Quốc. Cách đây 5 năm Sơn sang hỏi thì họ nói Trung Quốc có tới 5 triệu người chơi piano. Cách đây 2 năm Sơn qua hỏi con số đó đã là 8 triệu. Nhưng tất nhiên là họ cần có thời gian để ngấm lại những tinh tuý của âm nhạc cổ điển.

Việt Nam hiện nay không thể so sánh được với các nước đó. Và ngay cả đối với những quốc gia mà trước đây thực sự không có gì đáng kể về âm nhạc thính phòng, bây giờ chúng ta cũng phải nhìn họ một cách nghiêm túc. Cách đây 20 năm, Sơn có chơi với dàn nhạc Bangkok thì đúng là phải dùng từ kinh khủng. 1/2 bộ kèn của dàn nhạc là lấy các nhạc công từ các căn cứ quân sự của Mỹ vì thiếu người, bộ dây khi gặp những nốt nhạc khó còn loạn hết cả lên... Thế mà chỉ trong vòng 5 năm gần đây, Thái Lan đã có những đầu tư "khủng khiếp" cho các trường âm nhạc. Họ liên tiếp mời những giáo sư nổi tiếng trên thế giới về thỉnh giảng... Chúng ta phải giao lưu thật nhiều với nước ngoài để biết người biết ta và thấy mở mang hơn. Phải học hỏi thực sự, phải xem người ta học, người ta dạy như thế nào, chả phải đi đâu xa mà ngay ở các quốc gia gần đây thôi.

Có nước Á Đông nào có một Nhà hát lớn tới gần một thế kỷ như mình đâu, nhưng nếu không biết cách duy trì, nếu cứ ỷ lại cái nọ cái kia thì chúng ta sẽ tụt hậu. Ngay cả những nguồn tham khảo thì bây giờ băng đĩa Trung Quốc đầy ra. Phần cứng như thế là quá tốt rồi. Chỉ còn phần mềm thôi. Sơn không biết được ở cấp nhỏ như thế nào, nhưng hình như càng lớn thì càng rơi rụng, ngay ở lứa Đại học này Sơn cũng chỉ thấy lèo tèo có vài em. Bề rộng đã thế rồi thì làm sao nói đến bề cao. Như Sơn hiện nay về Việt Nam dạy có mấy buổi là hết học trò rồi (cười). Đây là hậu quả của cả một thế hệ bị hỏng từ những năm đầu thập niên 90. Đấy là chưa kể đến một nguyên nhân quan trọng khác là người chơi nhạc thính phòng bây giờ ở châu Âu không sống được bằng nghề.

- Đó luôn là một nỗi đau đầu muôn thuở trong toàn bộ các hoạt động nghệ thuật của chúng ta khi luôn hoàn toàn trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước. Nhưng để nhạc cổ điển tự sống được không đơn thuần là từ phía Nhà nước, trong khi đại đa số dân chúng còn thờ ơ với nhạc cổ điển?

- Ngay như ở các nước khác như Âu - Mỹ, nếu nói nhạc cổ điển tự nuôi nhạc cổ điển thì cũng không thể sống được. Nhạc cổ điển phải dựa vào sự nâng đỡ của các doanh nghiệp, các tập đoàn chứ không đơn thuần là Nhà nước. Phải có sự hỗ trợ từ hai phía thì sẽ thực tế hơn là cứ 100% Nhà nước. Phải nghiêm túc nghĩ làm sao để cho nhạc cổ điển tồn tại. Nhà nước cũng cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp mạnh dạn hỗ trợ những loại hình hoạt động nghệ thuật. Ngày xưa thì còn lác đác xuất hiện vài gương mặt Việt Nam trong các concour rơi rớt lại từ thời Học viện Tchaikovski, chứ bây giờ là vắng bóng hoàn toàn rồi.

- Trong con mắt mọi người, anh luôn hiện lên như một người được thần may mắn luôn mỉm cười! Cuộc sống của anh thực sự có phải là như vậy?

- Mọi người chắc cũng biết là cũng như trong lĩnh vực làm ăn ấy, ở trường quốc tế sự cạnh tranh là rất quyết liệt, không thể ngồi một chỗ mà chờ người ta đến mời đâu. Thực tế là từ khi Sơn sang Canada, cách đánh và ý thức tự nguyện đã thay đổi đi rất nhiều. Khác hẳn lúc ở bên Nga hay bên Nhật thì mọi thứ có cũng dễ dàng hơn nhiều. Lúc đầu cũng hơi bị khủng hoảng, nhưng sau quen dần. Thông thường những ai được giải concour thì chỉ ăn theo giải được vài năm thôi. Cái chính là phải tự mình mày mò. Sơn nghĩ là 25 năm đã trụ được thì bây giờ cũng sẽ vẫn trụ được thôi. Đến bây giờ vẫn nói được là mình vẫn còn tồn tại được! (cười).

Và Sơn cũng vui là mình đang từ một "người rừng", từ chỗ chưa biết gì, mình vốn hổng từ cả cái thời trẻ mà, sang đến Moskva năm 19 tuổi mới được coi là bắt đầu từ đầu... mà tồn tại được. Lúc bắt đầu sang đến bên kia gần như mình mới là con số không. 3 năm sau đã đi thi Concour Chopin, và trong vòng 3 năm ấy mình đã giải quyết được toàn bộ những vấn đề mang tính chuyên nghiệp. Cách đánh của Sơn từ thời concour so với bây giờ đã khác rất nhiều rồi. Ngày xưa mình hoàn toàn chơi theo cảm tính, bây giờ mình có thể sử dụng được nghệ thuật điêu luyện để phục vụ những ý tưởng của mình! Mình đã chơi bằng đầu óc rồi!

- Có khi nào mông lung trong anh ý thức của một ngày trở về quê hương?

- Trong tâm Sơn đã thấy rồi, cái quan trọng là lúc nào mà thôi. Mỗi người có một thế mạnh riêng, và Sơn đang mạnh trên khía cạnh quốc tế. Hiện nay Sơn đang làm tốt điều đó, từ ở xa. Ngay bây giờ khi Sơn dạy ở Đại học Montreal đã có một nửa lớp là các em Việt Nam rồi, là các em từ trong nước qua. Hàng năm vẫn dành một suất học bổng cho 1 em để dự những trại hè trong vài tuần để học hỏi. Và hàng năm những bạn bè của Sơn bên Nhật vẫn giúp đỡ trang thiết bị cho Nhạc viện Hà Nội

Việt Đông
.
.
.