NSND Đàm Liên – người “làm giàu” cho nghệ thuật sân khấu Tuồng

Chủ Nhật, 26/04/2020, 18:47
Ngày 25/4, NSND Đàm Liên đã về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 77 tuổi. Trong giới nghệ thuật sân khấu truyền thống, nữ nghệ sĩ nổi tiếng là “Bà chúa của nghệ thuật Tuồng” bởi rất nhiều vai diễn để đời và những cống hiến sáng tạo không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật. 

Những câu chuyện về nữ nghệ sĩ qua ký ức của NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ít nhiều giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nữ nghệ sĩ đặc biệt của nghệ thuật Tuồng nói riêng, sân khấu truyền thống nói chung:

Tôi thuộc thế hệ đàn em của của NSND Đàm Liên nhưng có nhiều chục năm gắn bó với chị trong hoạt động nghề nghiệp. Khi ấy, tôi và chị đều là diễn viên trong đoàn nghệ thuật của Nhà hát Tuồng Việt Nam, từng “có duyên” được kết hợp với nhau trong một số vở diễn. Ấn tượng về chị không chỉ là những hình tượng nhân vật rất sâu đậm trên sân khấu mà còn là một nghệ sĩ rất có trách nhiệm với nghề, am hiểu sâu sắc về nghề, có nhiều cống hiến để sân khấu truyền thống sinh động, hấp dẫn hơn.

NSND Đàm Liên lúc sinh thời

NSND Đàm Liên là diễn viên “con nhà nòi”, sinh ra trên mảnh đất có truyền thống về nghệ thuật sân khấu, được đào tạo rất nhiều của những người nghệ sĩ tài năng của nghệ thuật Tuồng Liên khu 5. Mãi sau này, chị mới ra ngoài Hà Nội. Không còn gắn bó với Nhà hát Tuồng Đào Tấn mà là Nhà hát Tuồng Việt Nam nên chị cũng buộc phải chuyển sang biểu diễn theo phong cách Tuồng Bắc. Tuồng Bắc có nét khác so với Tuồng miền Trung vì hát phải cao, tiết tấu biểu diễn nhanh, múa phóng khoáng hơn. 

Chị nói giọng miền Trung, đã quen diễn phong cách Tuồng Trung. Khi chuyển sang phong cách khác, chị đã không còn trẻ. Nhưng bằng sự khổ luyện, bằng khát khao sáng tạo, chị tiếp cận phong cách diễn mới nhanh, có nhiều vai diễn để đời như Loan Dung trong vở Lý Phụng Đình, nữ tướng Đào Tam Xuân, Hàn Tố Mai… Tuy nhiên, vai diễn để đời của chị phải kể đến “Ông già cõng vợ đi xem hội”.

Trong “Ông già cõng vợ đi xem hội”, vai của NSND Đàm Liên đòi hỏi những động tác giải phóng cơ thể rất khó. Khi mới phân vai, chị ngồi khóc, tự ái, cho rằng mấy nghệ sĩ của đoàn Tuồng chơi xấu mình. Vì lúc ấy chị đã không còn trẻ. Chồng chị, nhạc sĩ Văn An cũng hơn chị nhiều tuổi. Thực ra, chị được giao vai này vì đơn vị biết chị giỏi nghề. Hơn nữa, chị có khuôn mặt rất đẹp và nhìn vẫn rất trẻ trung. 

Ánh mắt luôn hút hồn bạn diễn cùng thời. Trong nghệ thuật sân khấu truyền thống, NSND Đàm Liên là hoa khôi của giới nghệ sĩ Tuồng, Chèo, Cải lương. Sau khi lãnh đạo đơn vị thuyết phục rằng vai diễn là thử thách lớn của nghệ sĩ, nếu thành công, chị có thể có vai diễn để đời, nữ nghệ sĩ đã nhiệt tình tập luyện đến mức đầu gối trầy da. 

Nhân vật một ông già còng lưng, vừa diễn vừa lom khom cõng hình nộm. Kỹ thuật diễn của vai này rất khó, đòi hỏi diễn viên phải giải phóng được cơ thể, có khi chùn kết cả chân. Nhưng chị đã thành công. “Ông già cõng vợ đi xem hội” lập kỷ lục với khoảng 2.000 suất diễn, trở thành một trong những vai diễn xuất sắc nhất của NSND Đàm Liên, của sân khấu Tuồng.

Không chỉ luôn luôn khẳng định mình, khẳng định nghề, NSND Đàm Liên còn làm giàu cho nghề, làm giàu cho vai diễn. Chị không chịu bó mình trong khuôn mẫu truyền thống mà phá vỡ nhiều những phong cách cũ, tạo phong cách mới cho nghệ thuật biểu diễn. Đây là đức tính rất quý với nghệ sĩ. Những người thầy ở phía Bắc như cụ Đắc Nhã, cụ Bạch Trà rất quý NSND Đàm Liên.

Vì yêu sân khấu, khát khao sáng tạo, chị truyền ngọn lửa đam mê sang lớp kế cận, sang bạn diễn. Bằng kỹ thuật biểu diễn điêu luyện, nghệ sĩ Đàm Liên tạo chất xúc tác, thúc đẩy sáng tạo cho bạn diễn ngay trên sân khấu, đưa nghệ thuât biểu diễn thăng hoa. Nhiều vở diễn, có những tình tiết, động tác, điệu cười, câu hát không có trong quá trình tập luyện nhưng đến lúc lên trên sân khấu, có khán giả, nghệ sĩ tự dưng bật lên khiến vai diễn, vở diễn thêm hấp dẫn. 

Đợt đưa vở “Lý Phụng Đình” tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 là một trong những kỷ niệm khó quên của tôi với NSND Đàm Liên. Khi ấy, tôi vào vai Lý Phụng Đình, NSND Đàm Liên vào vai Loan Dung. Hội diễn diễn ra ở Hải Phòng. Thời điểm này, tôi đang đi học ở trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), vừa đi dựng vở cho 1 số đoàn nên chúng chỉ chia nhau tập luyện chỗ này, chỗ khác chị diễn thế này, tôi diễn thế này hay thế khác… 

Thế nhưng, lúc phối hợp diễn là “ăn săm” ngay. Theo vở diễn, có một con yêu cá rất mê Loan Dung. Nghe chuyện cha nàng có người con nuôi tên Lý Phụng Đình, con yêu liền biến thành chàng, vào khuê phòng của Loan Dung trêu ghẹo. 

Nghệ sĩ Đàm Liên trong vai Loan Dung cầm kiếm xông ra, quát hỏi: A, mày tên là gì mà dám nhảy vào phòng của bà đây? Lý Phụng Đình khi ấy lẽ ra chỉ nói: Ta là Lý Phụng Đình! Nhưng vì bà diễn dữ quá, ông chợt nảy sáng kiến đổi thành: Ta là Lý Phụng Chùa! Chùa với Đình gần với nhau, hợp với tâm lý của nhân vật. Trong kịch bản không có câu này. Không ngờ, nghệ sĩ Đàm Liên cũng ứng biến rất nhanh, phì cười hỏi: Lý Phụng Chùa? Cả đám tỳ nữ cũng cười theo. Khán giả cũng được trận cười nghiêng ngả. 

Ngay sau đó, nữ nghệ sĩ nghiêm mặt, sấn sổ múa kiếm, quát, theo đúng mạch diễn của vở. Thậm chí, có lúc, khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt tình quá, theo quy định, lẽ ra, tôi chỉ múa 1 vòng trên sân khấu thì hào hứng múa thêm một vòng nữa. NSND Đàm Liên phải ra sân khấu chậm hơn một nhịp, thắc mắc không hiểu vì sao bạn diễn lại như thế nhưng vẫn diễn rất khớp. Vở diễn thành công, vào hậu trường, mọi người cũng được thêm một trận cười sảng khoái.

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, NSND Đàm Liên luôn mong muốn tạo ra nhiều ngôn ngữ cho sân khấu. Chị đã “đốt cháy” những trình thức của Tuồng, khiến nghệ thuật sân khấu truyền thống sinh động hơn. Đặc biệt, nữ nghệ sĩ sáng tạo, áp dụng những điệu cười rất thành công trong nhiều vở diễn. Cười trong Tuồng được áp dụng nhiều nhưng khó, không phải ai cũng làm được. Nghệ sĩ phải lấy hơi như thế nào để tiếng cười bật ra đặc trưng của nhân vật. 

Qua tiếng cười, khán giả hiểu ngay được đây là nhân vật dâm loạn, là nhân vật nịnh thần, thấy được trạng thái của nhân vật lúc ấy. Khi vào vai bà Huyện trong “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”, chị muốn phá cách khuôn phép cũ. Các cụ xưa đóng vai bà Huyện không cười. Nhưng chị cười, điệu cười rít lên, cái cười kìm nén vì ghen, mang màu sắc của… Hoạn Thư trong truyện Kiều. Các vai diễn vào tay nữ nghệ sĩ thường trở lên “giàu” hơn vì thế. Chắc chắn, phải là những người thật sự am hiểu, có duyên và đắm đuối với nghệ thuật sân khấu Tuồng như NSND Đàm Liên mới làm được như thế.

NSND Đàm Liên tên thật là Đàm Thị Liên, sinh năm 1943 tại xã Xuân Long, Đồng Xuân, Phú Yên. Bà sinh ra trong một gia đình có nghề tuồng, ông ngoại là chủ gánh hát Bầu Leo, mẹ cũng là một nghệ sĩ tuồng với nghệ danh đào Cúc. Bà học Tuồng từ năm 14 tuổi, từng vinh dự diễn vai Trưng Trắc cho Bác Hồ, được Bác khen nên được nhiều người gọi vui là "cô Trưng Trắc của Bác Hồ".

Năm 1970, bà về công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, trau dồi thêm phong cách nghệ thuật tuồng Bắc và trở thành nghệ sỹ nổi tiếng, được công chúng mến mộ với nhiều vai diễn xuất sắc như: vai Đào Tam Xuân trong vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân," Ái Nương trong vở "Trần Bình Trọng," Loan Dung trong vở "Lý Phụng Đình," Liễu Nguyệt Tiêm trong vở "Đào Phi Phụng," Bà Huyện trong vở "Nghêu sò ốc hến," Hồ Nguyệt Cô trong vở “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo,"… Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả là vai diễn trong “Ông già cõng vợ đi xem hội,".

Nữ nghệ sĩ từng biểu diễn ở nước như: Nga, Bulgaria, Ba Lan, Ý, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ai Cập, Thái Lan, Ấn Độ... Bà đã giành được 5 huy chương vàng, 3 huy chương bạc các Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Bà còn giành được huy chương vàng "Tiếng cười đầu tiên" và Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Năm 1993, bà vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân… 

Do tuổi cao, bệnh nặng, nữ nghệ sĩ đã trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội vào ngày 25-4. Lễ viếng diễn ra vào 9h ngày 28-4 tại nhà tang lễ Cầu Giấy, Hà Nội. Lễ truy điệu diễn ra vào 10h cùng ngày. Bà được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.

N.Hoa (ghi)
.
.
.