“Mỹ nhân kế” - nghịch lý của phim Việt

Thứ Năm, 07/02/2013, 21:45
Một trắc nghiệm tâm lý đưa ra tờ giấy trắng có vết mực đen, hỏi người xem thấy gì. Người này đáp “Thấy vết mực”. Nhà tâm lý trả lời “Tôi lại thấy đây là một tờ giấy trắng, có điểm vết mực”. Nhiều người cứ chăm chăm vào điểm đen nổi bật mà quên mất cái lớn hơn là cả tờ giấy trắng. Xem một bộ phim, hay nhìn một con người, nếu tìm khuyết điểm để chê thì rất vô cùng. Nhưng người khôn ngoan là người biết nhìn ra bức tranh nền rộng lớn chứ không phải tìm những vết mực để chứng tỏ mình tinh mắt hơn ai.

Vừa ra rạp 5 ngày đầu, “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Dũng Khùng đã lập kỷ lục, thu về hơn 15 tỉ, tạm thời vượt xa con số 11 tỉ (trong nửa tuần đầu) của bộ phim Việt ăn khách nhất cho đến nay là “Long Ruồi”. Nhưng nghịch lý là, trong khi khán giả nô nức xếp hàng mua vé xem phim thì nhiều nhà phê bình lại đồng loạt chê “Mỹ nhân kế”là “đẹp nhưng kém duyên”, “nhạt”, “chưa xứng tầm bom tấn”... “Mỹ nhân kế” có gì khiến giới phê bình “nhức mắt” mà khán giả lại hồ hởi như vậy?

Cái “tội” thứ nhất đó là đạo diễn bộ phim là người có tên tuổi, dàn diễn viên là sao lộng lẫy, cảnh đẹp mê hồn. Giá như đạo diễn không phải thuộc “bộ tứ quyền lực” của phim rạp như Dũng Khùng, diễn viên đừng là các ngôi sao hạng A như Tăng Thanh Hà, Thanh Hằng, Ngọc Quyên…, cảnh quay đừng ở resort Ngọc Sương núi kề biển thơ mộng, thì chẳng có gì đáng nói.

Giá những hình ảnh hậu trường, trailer, các bài PR trước khi bộ phim ra mắt lem nhem đi một tí… Giá “Mỹ nhân kế” cũng giống như nhiều phim giải trí “mì ăn liền” khác, làm cấp tốc cho kịp mùa chiếu Tết, chứ đừng cầu kỳ, ngâm nga suốt 2 năm rưỡi với kinh phí vượt gấp 4 lần dự kiến ban đầu…

Có rất nhiều thứ như thế cộng lại, khiến “Mỹ nhân kế” gợi nên một kỳ vọng lớn trong lòng người hâm mộ, chẳng khác nào mấy ông bố bà mẹ thấy con mình khôn sớm quá, tin chắc nó phải thành vĩ nhân.

Nhưng “Mỹ nhân kế” không phải là một “vĩ nhân” điện ảnh mà chỉ là một nhan sắc đẹp. Làm mỹ nhân ở đời có lẽ khó hơn vĩ nhân ở chỗ: không ai chê vĩ nhân xấu, nhưng mỹ nhân đã đẹp rồi người ta vẫn đòi hỏi phải thông minh, nếu không sẽ lập tức bị chê “chân dài não ngắn”!

Đạo diễn Dũng Khùng nói về phim của mình: “Tôi không dám mong có thể mang đến cho khán giả một câu chuyện có sức ám ảnh. Một câu chuyện sâu sắc. Tôi chỉ làm những gì tôi có khả năng làm tốt nhất. Đó là đưa đến cho khán giả một bộ phim giải trí, khi xem người ta thấy thoải mái, vui vẻ, chẳng phải nghĩ ngợi gì”. Cho dù đạo diễn đã dặn trước là “đừng nghĩ” nhưng nhiều người vẫn thích nghĩ.

Một bộ phim được kỳ vọng đến thế mà lại không sâu sắc và ám ảnh ư? Khán giả có thể giải trí và hỉ hả ra về sau 90 phút mãn nhãn, chứ còn nhà phê bình mà xem phim lại “chẳng nghĩ ngợi gì” thì rất khó, nhất là nếu đã quen xem phim bằng cái đầu, chứ không phải vì nhu cầu thư giãn.

Hình ảnh trong phim “Mỹ nhân kế”.

Cái “tội” thứ 2 đó là đã dám làm phim 3D với 17 tỉ. Như “Avatar”, bộ phim 3D thế hệ mới đầu tiên làm cả thế giới xôn xao có kinh phí 237 triệu đô (gần 5000 tỉ đồng). Để chuẩn bị cho “Avatar 2”, đạo diễn lừng danh James Cameron đã bỏ ra 10 triệu đô la (gần 210 tỉ đồng) đóng tàu ngầm, lặn xuống đáy sâu đại dương chỉ để làm 8 phút phim 3D quay thử. Thế mà ở Việt Nam, Dũng Khùng thật là “khùng” khi dám làm 90 phút phim 3D chỉ với kinh phí 17 tỉ đồng, mà lại với thể loại “hóc” nhất là hành động, cổ trang.

Với phim 3D, các hình ảnh nổi rõ nên những cảnh võ thuật không thể “ăn gian” góc máy mà phải đánh thật, diễn viên  phải khổ luyện và “ăn đòn” đến bầm dập cả người. Chưa kể ở các cảnh quay góc rộng hay diễn viên phi thân, phải có một hệ thống cáp riêng để di chuyển cỗ máy quay 3D nặng gấp 4 lần máy thường.

Các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài đã khuyến cáo, với dạng phim 3D phải hạn chế các cảnh cần xóa dây, vì làm phim 2D chỉ xóa 1 lần nhưng với 3D thì phải xóa dây 2 lần, một lần cho mắt phải và một lần cho mắt trái, sau đó phải chồng lại với nhau sao cho hình ảnh thật trùng khớp. Thế nhưng “Mỹ nhân kế” có tới 365 cảnh phải xóa dây, đòi hỏi tới 40 nhân viên hậu kỳ thực hiện…

Công bằng mà nói, nếu so với “Bóng ma học đường”, bộ phim 3D đầu tiên của Việt Nam thì Mỹ nhân kế với nhiều cảnh quay phức tạp, tuyệt đẹp đã là một bước tiến rất dài về kỹ thuật và hình ảnh. Thế nhưng một khi người xem sành điệu so sánh chất lượng 3D của Avatar (kinh phí 237 triệu đô) hay gần đây là “Cuộc đời của Pi” (tốn kém sơ sơ 100 triệu đô) thì thấy ngay “Mỹ nhân kế” còn lắm sạn.

Để làm lại Titanic phiên bản 3D, chỉ vì phát hiện ra vị trí các ngôi sao trên bầu trời 3D sắp xếp không đúng theo thiên văn, James Cameron đã cho quay lại toàn bộ cảnh này.

Lẽ ra đạo diễn Việt Nam cũng phải học tập kiểu làm phim Hollywood đó, nếu không tính đến thực tế rằng, số tiền làm cảnh quay mà James Cameron quẳng đi ấy, đã dư cho Dũng Khùng làm cả phim này. Nếu đợi điện ảnh Việt đủ tiềm lực để làm 3D xứng tầm thế giới, chưa nói đến nhân tài, chỉ nghĩ tới con số 5000 tỉ đầu tư cho 1 bộ phim, có lẽ người xem sẽ chỉ… nằm mơ thấy phim 3D Việt. 

Một trắc nghiệm tâm lý đưa ra tờ giấy trắng có vết mực đen, hỏi người xem thấy gì. Người này đáp “Thấy vết mực”. Nhà tâm lý trả lời “Tôi lại thấy đây là một tờ giấy trắng, có điểm vết mực”. Nhiều người cứ chăm chăm vào điểm đen nổi bật mà quên mất cái lớn hơn là cả tờ giấy trắng. Xem một bộ phim, hay nhìn một con người, nếu tìm khuyết điểm để chê thì rất vô cùng. Nhưng người khôn ngoan là người biết nhìn ra bức tranh nền rộng lớn chứ không phải tìm những vết mực để chứng tỏ mình tinh mắt hơn ai.

Giá như Dũng Khùng biết “an phận” với phim 2D thì “Mỹ nhân kế” chắc chắn ít tốn kém hơn và an toàn hơn. Rạp Tết năm nay có 3 phim Việt thì tất cả đều là phim hài 2D, nếu Dũng Khùng cũng đi trên con đường bằng phẳng đó, khán giả Việt sẽ thiệt thòi như đi dự bữa tiệc có 4 đĩa nhưng đều là salad, dễ ăn lắm song chẳng có gì khác để đổi vị.

Một người đẹp, nếu tài sắc song toàn thì quá tuyệt, nhưng bản thân nhan sắc đã là một giá trị không thể phủ nhận. Bước chân vào Đường Sơn Quán đẹp mê li với câu chuyện đầy nhân ái và bi tráng, được chiêm ngưỡng hình ảnh 3D sống động như thật của những ngọc nữ Việt Nam vút đôi chân dài đánh võ, đá cầu mây, được nghe Uyên Linh hát “Chờ người nơi ấy” đầy cảm xúc… như thế chẳng phải đã đủ vui cho một ngày Xuân?

Dễ hiểu vì sao mà dư luận ồn ào khen chê, nhưng khán giả Việt vẫn xếp hàng nô nức vào xem “Mỹ nhân kế”, và cũng nhờ thế mà khích lệ cho nền điện ảnh nước nhà phát triển đa dạng hơn

PV
.
.
.