Muốn đóng con ma, phải sống cho ra con người

Thứ Hai, 27/10/2008, 15:31
"Người xem luôn nhớ đến Bình qua những nhân vật chuyên lừa lọc, dối trá. Bạn bè ngoài đời chỉ thương Bình vất vả mưu sinh một cách chính đáng. Bình đã có phần thành công trong các vai phản diện bằng cái tâm chính diện của mình… ", nhà thơ Nguyễn Thụy Kha từng nhận xét về NSƯT Bùi Bài Bình như vậy.

Trong số các diễn viên nam khóa II của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh như Bùi Cường, Hữu Mười, Vũ Đình Thân, Đặng Việt Bảo, Đào Bá Sơn… không hiểu vì lý do gì, tôi lại thân thiết nhất với Bùi Bài Bình. Có được kịch bản phim truyện nào vừa mới hoàn thành, là tôi lập tức mang đến khoe với anh ngay. Nếu được Bùi Bài Bình gật đầu chấp thuận và góp ý, tôi thực sự thấy sung sướng và yên tâm trong lòng. Nhận xét của anh thường rất tinh tế, chính xác và cũng rất Cinêma.

Đã nhiều lần tôi thầm nghĩ, có lẽ Bùi Bài Bình sinh ra để mà làm điện ảnh và ngoài điện ảnh anh chẳng làm được điều gì khác cũng nên. May ra thì anh có thể làm được ca sĩ, vì giọng hát của Bình khá hay và truyền cảm - nhưng làm gì có ca sĩ nào suốt bao nhiêu năm chỉ hát đi hát lại có hai bài tủ là "Bản thánh ca buồn" và "Ai lên xứ hoa đào" nhỉ?.

Cũng chính vì vậy, có một thời gian khá dài tự dưng anh nhảy sang lĩnh vực kinh doanh làm bạn bè và đồng nghiệp sợ xanh cả mắt. Tôi cũng chả biết anh kinh doanh cái gì, tiếp thị khách hàng ra sao, đàm phán giá cả thế nào… chỉ thấy anh ôm chiếc cặp đen bước vào một ngôi nhà cao tầng, rồi biến mất sau chiếc thang máy với dáng vẻ đầy bí hiểm. Nhưng như tôi đã tiên đoán, cuối cùng thì anh cũng đã quay trở lại với chính trái tim mình - trái tim của một người nghệ sĩ chân chính luôn khao khát đi tìm những "lãi suất của tâm hồn".

Tôi còn nhớ đó là một ngày đẹp trời, cũng từ chiếc thang máy kinh doanh bí hiểm đó, anh bước ra với hai bàn tay không cùng với một tiếng thở dài não ruột: "Mất toi cả thời gian mấy năm trời! Lâu lâu không đóng phim, nhớ màn ảnh quá! Có vai nào hay hay gọi ngay cho Bình nhé!".

May mắn cho tôi là đã đáp ứng ngay được yêu cầu đẹp đẽ của anh - không chỉ một vai mà là những hai vai và cả hai vai đều được anh vui vẻ nhận lời. Đó là vai thầy giáo Hoán trong phim "Mưa dầm ngõ nhỏ" và vai kỹ sư Bách trong phim "Hoa Trạng Nguyên". Cả hai vai này, Bùi Bài Bình đã diễn thật hay và cũng thật xúc động. Người xem đều chảy nước mắt trước hình ảnh trong màn mưa dày đặc, thày giáo Hoán toàn thân lấm bê bết bùn đất, kiên nhẫn kê từng hòn gạch trong ngõ nhỏ làm đường cho người yêu bước lên xe ôtô đi thi hoa hậu và để rồi không bao giờ cô ta quay trở lại cái làng dệt lụa thân yêu của mình nữa.

Không chỉ cẩn thận trong từng động tác diễn xuất, với khâu phục trang và đạo cụ, Bùi Bài Bình cũng tỏ ra chu đáo một cách kỳ lạ. ấy là hôm quay cảnh kỹ sư Bách mắc bệnh tâm thần chạy trên đường phố, máy quay đã sẵn sàng, mấy chục diễn viên phụ cũng đã vào vị trí, riêng Bùi Bài Bình cứ loay hoay buộc đi buộc lại hai sợi dây giày màu tím mãi mà không xong. Sốt ruột quá, tôi bèn gắt lên với anh: "Khổ quá! Đây là đại cảnh, có ai trông thấy hai sợi dây giày màu tím của ông đâu mà thắt kỹ thế! Hâm à?". Bùi Bài Bình ngẩng phắt đầu lên, cãi lại: "Không trông thấy nhưng tôi vẫn phải thắt, có hai sợi dây giày màu tím này, khi diễn tôi mới thêm tin là mình bị tâm thần chứ!".

Có lẽ đúng là như vậy chăng? Hình như ở nước ngoài, có một diễn viên đóng vai tỉ phú cứ khăng khăng đòi nhét đầy tiền vào trong chiếc va ly chứ không chịu xách chiếc va ly không, dù rằng trong cảnh quay đó chiếc va ly không hề phải mở ra. Nếu mà diễn xuất phải công phu như thế, thì đúng là tôi hâm chứ không phải Bùi Bài Bình hâm rồi. Mà nếu anh có hâm, rồi nhiều diễn viên khác cũng hâm theo anh như thế - tôi tin là màn ảnh của chúng ta cũng sẽ nâng cao sức thuyết phục và sự hấp dẫn lên rất nhiều lần đấy!

Cứ lặng lẽ từng bước, từng bước cố gắng - cuối cùng thì Bùi Bài Bình cũng đi đến thành công, một thành công chắc chắn và xứng đáng. Anh đã thực sự tỏa sáng trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XIII với vai ông Hòa trong bộ phim "Mùa ổi" của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bằng kinh nghiệm và sự từng trải trong cuộc đời, Bùi Bài Bình đã hoàn thành xuất sắc một vai diễn thể hiện sự ngây ngô đến đáng thương của một người đàn ông hơn năm mươi tuổi nhưng vẫn mang trong đầu trí não của một đứa trẻ tuổi mười ba. Những trường đoạn chỉ có anh diễn xuất cùng với mấy quả ổi  chính là những phút xuất thần của người diễn viên. Nhiều khi sự sáng tạo chỉ vụt đến một lần trong đời và Bùi Bài Bình bằng tài năng của mình đã kịp thời bắt lấy cơ hội đó, không để lỡ.

Với dáng người dong dỏng, khuôn mặt hiền lành pha chút ngơ ngác, Bùi Bài Bình vào các vai người tốt bụng, người tử tế, người đau khổ hay người chịu thiệt thòi trong đời sống cứ nhẹ như không. Chính bản thân tôi cũng cảm thấy lo ngại thay cho anh - sợ rằng Bùi Bài Bình khó mà thoát ra khỏi cái khung "khờ khờ dại dại" đã định sẵn cho mình. Thêm nữa hương thơm của "Mùa ổi" tuy dịu dàng nhưng rất quyến rũ, nếu thiếu bản lĩnh cũng khó mà thoát ra được.

Với rất nhiều băn khoăn như vậy, tôi lại tìm đến nhà Bình cũng là quán cà phê ở số 40 phố Đoàn Trần Nghiệp. Bao giờ cũng vậy, vừa thấy bóng tôi xuất hiện ở cửa là Bùi Bài Bình lại hào hứng đọc to lên hai câu thơ do chính anh cải biên: "Hò hẹn mãi cuối cùng anh cũng đến/ Chỉ tiếc Ngọc Thu vừa mới đi rồi".

Ngọc Thu là bà xã và cũng là bạn học cùng lớp diễn viên khóa II với anh. Nhà Ngọc Thu ở phố Bạch Mai, còn nhà Bùi Bài Bình ở phố Tô Hiến Thành. Ngày ấy phương tiện hữu hiệu nhất để đưa "đôi bạn chân tình" tới trường Sân khấu và Điện ảnh chính là chiếc tàu điện. Bao nhiêu năm trôi qua rồi, nhưng tiếng chuông tàu điện trên con đường từ nhà tới lớp, từ tình bạn đến tình yêu của họ, hình như vẫn còn kêu leng keng cho tới tận bây giờ.

Ngọc Thu được nhiều người yêu mến điện ảnh biết tới nhất với vai chị Út Tịch trong bộ phim "Mẹ vắng nhà" hay vai nữ tu sĩ trong bộ phim "Sơn ca trong thành phố" của đạo diễn Khánh Dư. Cơ hội các vai diễn đến với Ngọc Thu không nhiều bằng Bùi Bài Bình, nhưng đúng như nhà văn Hòa Vang đã quả quyết khẳng định: "Chừng nào điện ảnh dân tộc vẫn cần một thiếu phụ thật Việt Nam, giản dị, nhân hậu và đôi chút mơ màng thì chừng đó vẫn còn lý do để chờ đợi và gặp được tiềm năng diễn xuất của Ngọc Thu".

Cả Bình và Thu đều giống nhau ở lối sống lặng lẽ và giản dị, nhưng giống nhau nhiều nhất vẫn là quan điểm và sự nghiêm túc với nghề nghiệp. Đúng là cả Bình và Thu khá cầu toàn trong chuyện nhận vai, vai nào hay và thật sự có đất diễn thì họ mới dám nhận lời.

Cho đến nay, Bùi Bài Bình và Ngọc Thu mới được đóng chung với nhau trong hai phim. Cách đây hơn mười năm trong bộ phim "Dòng sông vàng", Bùi Bài Bình đóng vai đại ca Năm Sứt, còn Ngọc Thu vào vai một chiến sĩ công an. Còn lúc này đây, "bộ phim" thứ ba ở giữa đời thường mà họ đóng chung với nhau, có tên là "Hạnh phúc mỉm cười" chỉ có hai nhân vật chính là chồng và vợ do Bình và Thu đảm nhận. Chủ đề của "bộ phim" này thật giản dị nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng, đúng như Bùi Bài Bình đã tâm sự: "Chúng tôi chẳng ham hố gì nhiều, miễn là con cái học hành tử tế, nhà đủ ăn là được. Danh vọng tiền tài ai chả ham nhưng phải biết bằng lòng với những gì mình đã có!".

Tinh thần chung là như vậy, nhưng trong thẳm sâu con người nghệ sĩ của Bùi Bài Bình, hình như anh chưa bằng lòng phải dừng lại hay bị đóng khung vào một loạt các vai thật thà, tốt bụng hay ngây ngô hoặc gàn dở. Cũng chính vì chưa bằng lòng như thế, nên sau khi nhận lời mời với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần để góp mặt trong bộ phim "Ma làng", Bùi Bài Bình đã bỏ ra sáu tháng trời để tìm hiểu và nghiền ngẫm vai Tòng, một mẫu người lưu manh, đểu cáng theo kiểu ít học ở những vùng quê xa xôi nghèo khó. Đây là một vai hoàn toàn "trái chất" đối với Bùi Bài Bình từ trước tới nay.

Vừa đọc kịch bản, vừa hình dung và khắc họa hình tượng nhân vật từ ánh mắt gian giảo đến một cái nhếch mép hiểm ác - để cuối cùng "con ma" Tòng ra đời trong sự căm ghét tột cùng của người xem. Lắm bà, lắm chị còn mong cho "con ma" Tòng sẽ bị sét đánh cho cháy thui ở trên phim thì họ mới hả dạ. Vậy là Bùi Bài Bình đã lại thành công rồi!

Phát huy khí thế và để được bà con "căm ghét" thêm, Bùi Bài Bình lại vừa tiếp tục vào một vai phản diện mới có tên là Khuếnh ở trong phim "Gió làng Kình", cũng của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Ở vai phản diện này, ngoài phần diễn xuất linh hoạt và sôi động, để làm mới nhân vật, Bùi Bài Bình đã "đầu tư cho ngoại hình" bằng cách để râu và tóc chải ngôi giữa, mặc quần áo cọc cạch nửa tây nửa ta. Đúng như nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã nhận xét về anh: "Người xem luôn nhớ đến Bình qua những nhân vật chuyên lừa lọc, dối trá. Bạn bè ngoài đời chỉ thương Bình vất vả mưu sinh một cách chính đáng. Bình đã có phần thành công trong các vai phản diện bằng cái tâm chính diện của mình… Phải trong sáng lắm, phải đủ bản lĩnh nhìn soi xóc vào từng khía cạnh của những tật xấu mới dám hoá thân vào những vai diễn không dễ gì có những mức độ thành công như thế".

Còn tôi, tôi chỉ muốn khép lại bài viết tri âm này bằng một câu nói thật ngắn gọn mà bạn đọc đã biết: Muốn đóng "con ma" - phải sống cho ra con người - Một con người nghệ sĩ chân chính. Rất mừng là Bùi Bài Bình đã và đang làm được như thế!

.
.
.