Mua vui có được một vài trống canh?

Chủ Nhật, 04/10/2009, 10:25
Rất dài, đối với những sân khấu xã hội hóa tại TP HCM, bởi sau 5 năm họ có tới khoảng trên dưới 30 vở diễn để lựa chọn tham gia vào kỳ hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc. Và dường như có vẻ quá ngắn, để các đoàn Nhà nước tìm được một vở diễn tốt, khi mà mỗi năm họ dựng tối đa là hai vở diễn, mà vở nào cũng có lý do phải lồng ghép vào những ý tứ trong các kỳ cuộc kỷ niệm. Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 diễn ra trong bối cảnh như vậy.

Và chất lượng của các vở diễn, đến lúc này, vẫn chưa thực sự làm yên lòng những người yêu sân khấu. Kịch nói dường như đang mất dần vẻ đẹp cổ điển của mình, mà nhiều đạo diễn chưa thực sự nhận ra để đổi thay…

Mảng đề tài lịch sử, vốn không phải là ưu tiên số một của kịch nói, xuất hiện trong hội diễn lần này khá nhiều, như "Mỹ nhân và anh hùng" (Nhà hát kịch Việt Nam), "Nỏ thần" (sân khấu kịch Phú Nhuận), "Ngàn năm tình sử" (sân khấu Idecaf), "Kiều Loan" (Nhà hát Tuổi trẻ)…

Đây được coi là ba vở diễn chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thế nên, tất cả các vấn đề mà vở diễn đặt ra đều liên quan tới mốc dấu quan trọng này. Nếu so sánh, sẽ thấy được một vấn đề khá quan trọng. Sân khấu kịch Idecaf và Phú Nhuận, với kinh phí dưới 500 triệu, vẫn dựng kịch lịch sử, như một "sự dấn thân". Và họ đã gói ghém được trong đó rất nhiều điều.

Với kinh phí lớn hơn rất nhiều, Nhà hát kịch Việt Nam dựng "Mỹ nhân và anh hùng" với sự lộng lẫy và hào nhoáng, nhưng chất lượng vở diễn thì chưa thực sự vượt trội. Câu chuyện còn lại: cách chi tiền để dựng một vở diễn ra sao. Các sân khấu kịch xã hội hóa phải thắt chặt hầu bao, tính lỗ lãi chi ly để tối giản những chi tiết xuất hiện trên sân khấu.

Cảnh trong vở “Mỹ nhân và anh hùng” Nhà hát kịch Việt Nam.

So với sự rườm rà đến thừa thãi của những bệ, bục của "Mỹ nhân và anh hùng", thì sự tối giản của "Nỏ thần" và đặc biệt là "Ngàn năm tình sử" tỏ ra hiệu quả hơn, và cảm giác đó là không gian của một sân khấu hiện đại hơn. Kịch lịch sử, như bản dựng "Nỏ thần" cho thấy sự nỗ lực của đạo diễn, nhưng đây không phải là một bản dựng quá xuất sắc, không có vai diễn nào nổi trội. "Kiều Loan" cho thấy sự chỉn chu, nhưng quá nặng nề. "Ngàn năm tình sử" có vẻ như hơi ôm đồm trong cách dàn dựng, nhưng đây là vở diễn ấn tượng, dù sự tranh cãi về hình tượng Lý Thường Kiệt có thể sẽ còn tiếp diễn sau hội diễn này.

"Mỹ nhân và anh hùng" bị rơi vào sự rối bời của chi tiết, mà thông điệp bị mơ hồ. Có những chi tiết kịch làm hỏng cả nhân vật, ví dụ, chi tiết Lý Chiêu Hoàng bối rối lựa chọn tư thế ngồi với ngai vàng khi đã đi qua mọi bể dâu của đời người, đó là chi tiết không hợp lý. Lúc đó Lý Chiêu Hoàng phải cao hơn nhiều, nhìn vào cao xanh nhiều hơn là những toan tính nhật thường triều chính. Đoạn kết với màn "tổng kết lịch sử" của Lý Chiêu Hoàng là một đoạn kết mệt mỏi, gây thất vọng.

Mảng đề tài chiến tranh và hậu chiến vẫn còn khá đậm. Kịch Quân đội mang sở trường của mình đi thi, "Rừng quả đắng" là một vở diễn kỳ công. Đạo diễn dựng nên một đoàn tàu trên sân khấu và thay đổi bối cảnh nhiều. Nhưng rồi, chính kịch Quân đội đã bộc lộ sở đoản từ sở trường ấy, đó là sự cũ kỹ. Cũ kỹ về cách xử lý sân khấu, cũ kỹ về dàn dựng, cũ kỹ về cách lập ý trong việc đưa ra thông điệp của vở diễn.

Nếu xem "Người đàn bà mộng du" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, hay đọc truyện của nhà văn Nguyễn Minh Châu, thì khán giả sẽ phải ngậm ngùi lắc đầu trước bản dựng của đạo diễn Quốc Trị.

Ngay cả "Bản hùng ca linh thiêng" cũng vậy. Quá cũ trong cách thể hiện, khiến cho đề tài vốn dĩ rất khó làm mới, trở nên xa xưa hơn. Không có điều gì mới lạ, cũng chẳng có gì để trông đợi cả.

"Biển" của sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần là vở diễn khá hơn cả trong mảng đề tài này. Cũng không thiếu những đại ngôn hay những câu thoại nhạt, nhưng về tổng thể, đây là bản dựng tốt và các diễn viên khá đều tay.

Mảng đời sống hiện đại vẫn chiếm ưu thế với rất nhiều vở đi vào đề tài gai góc, trong việc nhận định lại những giá trị sống trong giai đoạn mọi sự đổi thay nhanh chóng. "Hợp đồng mãnh thú" của sân khấu kịch Idecaf nhận được hai chiều dư luận. Rất nhiều người thích vở diễn này. Nhưng những người coi sân khấu là một thánh đường để giãi bày những chuyện lớn lao, thì có vẻ thấy tiếc cho sự "over" trong sử dụng chi tiết hơi tục của các diễn viên.

"Mẹ và người tình" của sân khấu kịch Phú Nhuận được coi là vở diễn nhẹ nhàng, nhưng đặt được vấn đề ý nghĩa trong đời sống hiện đại.

"Mắt phố" khá cổ điển trong cách dựng có phần nghiêm cẩn của NSND Phạm Thị Thành, nhưng thông điệp ấn tượng, không sa đà vào triết lý vụn vặt. Tuy nhiên, cũng có lẽ vì sự "nghiêm cẩn" của người dựng, mà cảm giác không khí vở diễn chưa thực sự mới…

"Cánh đồng bất tận" của đạo diễn Minh Nguyệt được coi là một hy vọng của hội diễn lần này, vì đây là vở diễn được đầu tư nghiêm túc, cả về kinh phí lẫn tâm thế của những người làm nghề…

Cảnh trong vở “Cánh đồng bất tận” của sân khấu 5B Võ Văn Tần.

Có thể sẽ có những bất ngờ về giải thưởng tại hội diễn lần này và còn phải chờ tới đêm 7/10. Tuy nhiên, đi gần hết chặng đường cho thấy, thực sự sân khấu kịch nói vẫn chưa tìm lại được sức hấp dẫn nóng bỏng của mình. Mà đâu đó, sự lặp lại, đơn điệu đang giết dần những cảm xúc của người xem.

Sân khấu của năm 2009 có lẽ cần phải khác trước rất nhiều, cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Khán giả và giá trị nghệ thuật để lại phải là mấu chốt của một vở diễn, chứ không phải giải thưởng. Giải thưởng chỉ là một yếu tố cộng thêm mà thôi…

NSND Doãn Hoàng Giang.

NSND Doãn Hoàng Giang (Trưởng ban giám khảo): Không thể nói điều gì khi mọi chuyện chưa kết thúc, đó là nguyên tắc của ban giám khảo. Tôi tuyệt đối không cho phép giám khảo nào phát biểu khen chê trên báo chí, để đảm bảo sự công bằng cho các vở diễn. Tôi chỉ muốn nói, có rất nhiều điều cần phải bàn từ hội diễn này và tôi sẽ nói sau đêm bế mạc. Chúng tôi đang làm việc và làm việc rất nghiêm túc. Đừng lo, những giá trị thực sự của sân khấu sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Đạo diễn Vũ Minh (sân khấu Idecaf): Thứ nhất, kịch miền Nam được công nhận một cách xứng đáng so với những thập niên trước đây. Hay nói cách khác là cái nhìn chung của giới sân khấu phải có cái nhìn, đánh giá trung thực và công nhận thành quả đạt được của kịch miền Nam trong những năm gần đây. Nhất là thành quả của cả tập thể các đoàn kịch xã hội hóa đã góp phần không nhỏ trong ngành sân khấu cả nước.

Thứ hai, thành công của một vở diễn là thành quả lao động nghệ thuật trực tiếp của cả một ê kíp thực hiện vở diễn và tập thể đơn vị nghệ thuật đó. Tất cả là của chung. Chứ một mình tôi không thể nào đem đến được cái thành công đó. Đặc biệt, khán giả là người quyết định và chọn lựa chính xác nhất. Cho nên nếu như vở "Hợp đồng mãnh thú" may mắn có giải thì đó cũng là thành quả chung của cả một tập thể. Bản thân tôi chỉ dám nhận một chút xíu của thành quả đó mà thôi.

Tiến sỹ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi đã xem tất cả các vở diễn và tôi nhận thấy luôn có hai dòng chính của sân khấu Nhà nước và sân khấu xã hội hóa, và đôi khi hai dòng đó sẽ không nhập lại được cùng nhau. Các sân khấu phía Nam chú trọng tới tính hấp dẫn của sân khấu nhiều hơn. Các sân khấu phía Bắc lựa chọn đề tài cầu kỳ hơn. Sân khấu kịch nói năm 2009 vẫn chưa có nhiều điều mới…

Hoài Phố - Phước Hải
.
.
.