Múa minh họa cho sân khấu ca nhạc: "Ông chẳng bà chuộc"

Thứ Hai, 27/08/2007, 16:35
Khi ánh đèn sân khấu bật lên cũng là lúc khán giả bị choáng ngợp bởi trang phục của vũ công. Màu thì đa dạng mà kiểu dáng thì còn gây sốc hơn: cắt trên, xẻ dưới, lai đông và tây, một sự pha tạp không theo gu nào hết, miễn sao bắt mắt và có lẽ là để tiện lợi trong việc nhảy múa.

Ngày nay khi nói tới âm nhạc thì khán giả không chỉ có nhu cầu về "nghe hát" mà còn có nhu cầu về xem ca nhạc. Theo dõi sân khấu ca nhạc trong nước, đặc biệt là ở các live show của Mỹ Tâm, Thanh Thảo, Đan Trường..., có thể thấy sự xuất hiện của các vũ đoàn, các nhóm nhảy là một yếu tố cần thiết.

Tuy nhiên do sự xuất hiện quá nhiều, quá ồ ạt mà việc nhảy múa phụ họa đã gây nhiều phản cảm cho khán giả, ảnh hưởng tới thẩm mỹ của người xem.

Những năm gần đây khán giả yêu âm nhạc đã rất quen thuộc với các show diễn ca nhạc mà trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các vũ đoàn, có thể nói hầu như chương trình nào cũng đều có sự tham gia của họ.

Một tiết mục có màn múa minh họa của ca sĩ Thanh Thảo.

Nhảy múa phụ họa đã trở thành một yếu tố không thể thiếu của sân khấu ca nhạc hiện đại, nhất là trong thời đại bùng nổ của Intenet, với sự thống trị của các dòng nhạc Hip-hop và nhạc Dance.

Việc ca sĩ xuất hiện cùng một vũ đoàn đã không còn quá xa lạ với khán giả nữa. Nếu bạn là một người yêu nhạc tuổi teen hẳn những hình ảnh của Britney Spears, Christina Aguilera, Mandy Moore, Jennifer Lopez... hát cùng với những vũ công tài năng đã trở thành quá quen thuộc.

Hoặc bạn là một fan ruột của dòng nhạc Hip-hop thì hãy thử tưởng tượng xem một video clip của Akon, Jayz, 50 cent, Ja Rule... mà không có phần vũ đạo sôi động và đẹp mắt thì bạn sẽ cảm thấy sao, chắc chắn hiệu quả sẽ giảm đi một nửa.

Người xem đã phải chứng kiến nhiều cảnh "ông chẳng bà chuộc". Khi ánh đèn sân khấu bật lên cũng là lúc khán giả bị choáng ngợp bởi màu sắc của các trang phục mà các vũ công mặc. Màu thì đa dạng mà kiểu dáng thì còn gây sốc hơn: cắt trên, xẻ dưới, lai đông và tây, một sự pha tạp không theo gu hay phom nào hết, miễn sao bắt mắt và có lẽ là tiện lợi trong việc nhảy múa là được.

Mỗi chương trình có bao nhiêu bài hát thì có bấy nhiêu bài múa có phụ họa, chính vì vậy các điệu múa minh họa này như được sao chép lại, có vũ điệu còn chẳng ăn nhập gì với nội dung bài hát mà các vũ đoàn vẫn cứ nhảy múa nhiệt tình.

Có trường hợp ca sĩ thì hát nhạc của Thái, mà phần vũ đạo thì sử dụng những động tác múa của Ấn Độ, đó là còn chưa kể tới phần âm nhạc như được copy từ nhạc của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đặc biệt là những bài hát theo dòng nhạc Dance thì sự tuỳ tiện còn lớn hơn: Các vũ đoàn như truyền nhau một kiểu nhảy bài này cũng từng đó động tác, bài kia cũng vậy như một mô tuýp có khác chăng chỉ là trang phục và sân khấu mà thôi.

Chuyện không riêng biên đạo múa và vũ đoàn...

Có bài hát ca sĩ đang hát rất say sưa thì một "đôi" nam nữ xuất hiện, dơ chân, dơ tay có lúc lại quằn quại trên sâu khấu, khán giả thì được phen trố mắt, lắc đầu vì không hiểu ca sĩ muốn minh họa gì cho bài hát của mình.

Có người đi xem về sau khi đã được "chán tai, no mắt" vì nghe và nhìn đã phải thốt lên: "Phải chăng ca sĩ hát dở quá nên phải dùng tới chiêu này để cho chân tay đỡ mồm miệng". Các chương trình ca nhạc để có thể ra mắt khán giả thì phải qua khâu kiểm duyệt của các tổng đạo diễn, các biên đạo, không hiểu khâu này có được làm kỹ càng không mà người xem vẫn toàn thấy sạn.

Nhảy múa phụ họa cho ca sĩ là một yếu tố cần thiết cho một sân khấu ca nhạc hiện đại, tuy nhiên người ca sĩ cần phải nghiêm khắc hơn với các biên đạo múa và các vũ đoàn. Tránh những trường hợp đáng tiếc như trên có lẽ người ca sĩ cần phải có sự rèn luyện thường xuyên về giọng hát và hình thể cũng như tự trang bị cho mình vốn kiến thức về vũ đạo.

Khán giả ngày nay rất khó tính, để chinh phục được các thượng đế này đòi hỏi sự nhạy cảm rất lớn của các nghệ sĩ trong đó đặc biệt là các biên đạo múa và các ca sĩ. Hy vọng sân khấu ca nhạc không phải thấy nhiều hạt sạn như trên

Theo Bạch Mỹ Trinh (Điện ảnh kịch trường)
.
.
.