Mùa hè cuối cùng của Lưu Quang Vũ

Chủ Nhật, 13/07/2008, 18:30
29/8/1998, ngày tang tóc của gia đình Lưu Quang Vũ cũng là ngày những người yêu sân khấu chung nỗi đau thương tiếc nuối một tài năng đã sớm ra đi.

Đám tang gia đình nhỏ của Anh đã làm rơi không biết bao nước mắt của những người hâm mộ. Sân khấu Việt Nam đã mất đi một tài năng đích thực, một người lính xung kích chiến đấu không biết mệt mỏi vì một xã hội tốt đẹp hơn.

29/8/1988... Một buổi trưa yên bình như nhiều buổi trưa đã trôi qua trên thành phố Cảng.

Những cánh phượng vĩ còn sót lại của mùa hè lác đác đỏ giữa tàng lá xanh; và văng vẳng đâu đấy tiếng ve cuối mùa, thỉnh thoảng rộ lên rồi tắt ngấm.

Có tiếng gõ cửa phòng. Tôi đưa mắt nhìn đồng hồ: đang giữa trưa một ngày nghỉ! Một diễn viên của Đoàn đặt vào tay tôi tập kịch bản: "Anh Lưu Quang Vũ gửi Hội đồng Nghệ thuật của Đoàn".

Tôi chạy ào ra ban công. Dưới đường, mọi người đang chuẩn bị lên ôtô về Hà Nội sau khi dừng chân nghỉ ở một quán nước ngay trước cổng trụ sở và khu tập thể của Đoàn Kịch Hải Phòng.

Mọi người vừa từ Đồ Sơn trở về. Lưu Quang Vũ ra đấy theo lời mời của Đoàn Kịch để hoàn tất kịch bản "Vụ án 2.000 ngày".

Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, vợ chồng Doãn Châu - Bích Thu và 2 đứa trẻ của 2 gia đình: Mí (Quỳnh Thơ) và cu Vinh.

Tôi cúi xuống vẫy gọi mọi người. Lưu Quang Vũ và Doãn Châu còn ngoái đầu ra khỏi xe commăngca đang rồ máy, giơ tay tạm biệt!

Đấy là một ngày định mệnh! Ai biết được rằng đấy là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Anh!

Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, Hoài Thu, nữ diễn viên của Đoàn chạy đến báo tin trong tiếng nức nở: "Xe ôtô chở anh Vũ gặp tai nạn ở Hải Dương rồi!".

Tôi hốt hoảng theo chân Hoài Thu xuống dưới đường, leo lên ôtô của Đoàn đang chờ sẵn, đi Hải Dương, hy vọng sẽ gặp được mọi người đang được sơ cứu ở bệnh viện.

Đến Bệnh viện Hải Dương, không còn gặp một ai. Được biết, các nạn nhân đã được đưa về Hà Nội ngay sau đó...

Thật bàng hoàng không thể tin nổi, gia đình Doãn Châu - Bích Thu, bạn học của tôi, đã may mắn tai qua nạn khỏi. Nhưng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và cháu Mí đã vĩnh viễn ra đi...

Chớp mắt hai mươi năm đã trôi qua... Đời người giấc mộng! Vẫn như còn thấy đâu đây, bước chân vội vã của Vũ mỗi lần xuống Hải Phòng vai khoác chiếc túi vải căng phồng, áo chemise lúc nào cũng bỏ ngoài quần, và nụ cười thật hồn nhiên, đôn hậu, cởi mở...

Tôi gặp Lưu Quang Vũ lần đầu tiên năm 1976, vào lúc anh đã có tiếng trên thi đàn với tập "Hương cây" và "Bếp lửa" (1968) in chung với Bằng Việt, với những bài thơ tình đằm thắm in rải rác trên các báo. Tôi ít đọc thơ nên láng máng biết về Lưu Quang Vũ có vậy...

Hôm ấy, trước giờ chuẩn bị tập "Trận đấu trong làng" ở rạp Tháng Tám (Hải Phòng), Lê Chức gọi tôi bảo: "Lưu Quang Vũ tìm chị đấy. Lát nữa "hắn" sẽ gặp, lấy tư liệu để viết bài về chị".

Ít phút sau, chúng tôi gặp nhau giữa những dãy ghế của khán phòng nhà hát. Sau những lời chào hỏi ban đầu, Anh đã rất nhanh đi ngay vào công việc. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Anh là một người giản dị, chân thành và dễ mến.

Sau đó, tôi đã có dịp tiếp xúc với Lưu Quang Vũ nhiều hơn qua những lần anh cộng tác với Hải Phòng trong vai trò tác giả.

Tôi vốn từ Hà Nội xuống nhận công tác ở Hải Phòng nên thường được giao nhiệm vụ về Hà Nội giao dịch với những người cộng tác.

Những năm 70, 80, 90 của thế kỷ trước, Đoàn Kịch Hải Phòng là một địa chỉ đáng tin cậy của nhiều tác giả trong nước. Đó là những năm tháng vàng son của Đoàn Kịch thành phố Cảng.

Nhiều kịch bản đã đến với Đoàn Kịch Hải Phòng đầu tiên trước khi trở thành bản diễn của các đơn vị bạn - "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Tôi và chúng ta", cả "Rừng trúc" và "Nhân danh công lý". Thật tiếc, vì nhiều lý do, Hải Phòng đã không đưa được những kịch bản xuất sắc, trong đó có cả những tác phẩm của Lưu Quang Vũ, vào trong chương trình dàn dựng của mình sớm hơn.

Mãi đến những năm 80, "Ông không phải bố tôi" và "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" sau rất nhiều trăn trở từ khâu phê duyệt, mới được ra đời trên sàn diễn Hải Phòng và như rất nhiều tác phẩm trước đó của Lưu Quang Vũ ở khắp nơi trong cả nước, khán giả Hải Phòng đã đón nhận những tác phẩm của Anh, với một sự đồng cảm, hả hê và yêu mến.

Kịch bản của Lưu Quang Vũ được người xem hồ hởi tán thưởng bởi đã nói lên được khát vọng của quần chúng. Anh đã không ngần ngại phê phán những thói hư tật xấu tồn tại trong xã hội, phê phán những con người hãnh tiến, cá nhân, hèn nhát, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và ca ngợi sự đổi mới trong cuộc sống, trong mỗi con người!

Thời gian ấy, các vở diễn của Lưu Quang Vũ như một hiện tượng đột phá của Sân khấu Việt Nam. Trước đó, chưa từng có và sau mấy thập niên đến nay cũng vậy. Sân khấu cả nước, chèo, cải lương, kịch nói liên tục sáng đèn với tác phẩm của Anh.

Dĩ nhiên lúc ấy, để có trong tay kịch bản mới nhất của Lưu Quang Vũ, các đoàn nghệ thuật phải mở một cuộc "chạy đua" ngầm.

Không muốn mất lòng ai, Anh luôn phải hứa sẽ đáp ứng yêu cầu của tất cả mọi người, dù biết rằng đó là điều rất khó thực hiện!

Có những lần Lưu Quang Vũ phải "trốn". Anh lánh đi một nơi nào đó ngồi viết và để lại một tờ giấy dán trên cánh cửa: "Vũ đi vắng, xin cáo lỗi các bạn".

Không chỉ một lần, sau khi vất vả leo lên mấy chục bậc cầu thang tối của khu nhà "Lục Quốc" phố Huế, người viết bài này lại phải tay không quay xuống, buồn bã vì không hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

...Lần đầu tiên tôi đến thăm vợ chồng Anh trên căn gác nhỏ chót vót tầng cao của khu nhà "Lục Quốc". Đây vốn là một khách sạn và sòng bạc của người Trung Hoa, được khánh thành không bao lâu thì giải phóng Hà Nội - Lúc ấy Vũ còn nghèo...

Căn phòng của Anh chỉ có sách, rất nhiều sách! Quanh tường có những bức tranh của Mí và nhiều tờ program của các đoàn đã dựng vở của Anh, được đặt rải rác một cách cố ý.

Lưu Quang Vũ hãnh diện khoe với tôi những bức tranh được giải thưởng trong nước và quốc tế của con trai. Những bức tranh hứa hẹn một tài năng. Lúc đó Mí còn nhỏ lắm.

Trong tổ ấm rộng chừng trên dưới 10m2 (Hình như có một cái gác xép nhỏ), chủ và khách ngồi bệt xuống sàn. Anh nói vui: "Chật chội như thế này lại hóa hay. Vũ ngồi đây, với tay phải lấy được phích nước sôi pha trà mời khách, quơ tay trái là vớ đuợc cái điếu cày, làm một hơi xả láng".

Nói xong, quay sang, xin lỗi khách, Anh làm một mồi thuốc lào, giòn tanh tách, thở khói cẩn thận và cười hồn hậu như quá hài lòng với hoàn cảnh hiện tại của mình.

Xuân Quỳnh lúc này đang lúi húi bên bếp dầu đặt ngoài cửa. Chị đang rán khoai tây! Khoai tây thái sợi nhỏ đang được đảo qua với một ít mỡ trên chảo.

Quỳnh ngó vào trong nhà tiếp chuyện khách và bật mí: "Khoai tây rán kiểu này vừa giòn, vừa không tốn mỡ, xong xuôi rắc qua tí muối tiêu thành món mặn, ăn với cơm, đã đời! Bác về thử làm thế mà xem!".

Quỳnh cười tít, nheo nheo đuôi con mắt hóm hỉnh!

Như có người đã nhận xét, sau nhiều thăng trầm, Quỳnh và Vũ như hai con thuyền lạc bến đã gặp được nhau và neo đậu yên bình bên bến bờ hạnh phúc. Từ khi có Quỳnh Thơ, tình yêu của Quỳnh và Thơ đã làm cuộc đời Anh ấm lại.

29/8/1998, ngày tang tóc của gia đình Lưu Quang Vũ cũng là ngày những người yêu sân khấu chung nỗi đau thương tiếc nuối một tài năng đã sớm ra đi.

Đám tang gia đình nhỏ của Anh đã làm rơi không biết bao nước mắt của những người hâm mộ. Sân khấu Việt Nam đã mất đi một tài năng đích thực, một người lính xung kích chiến đấu không biết mệt mỏi vì một xã hội tốt đẹp hơn.

Sau khi Lưu Quang Vũ ra đi, vở diễn của Anh đã được các đoàn sân khấu liên tục dàn dựng hoặc khôi phục lại.

Đoàn Kịch Hải Phòng cũng nhanh chóng đưa lên sàn tập "Vụ án 2.000 ngày" kịch bản cuối cùng của Lưu Quang Vũ.

Vở diễn với những cuốn hút về tình tiết, nội dung và ý nghĩa xã hội đã ngay lập tức được khán giả đón nhận. Mọi người đến nhà hát để nhận từ đấy thông điệp cuối cùng của nhà viết kịch tài ba, những trăn trở, những khắc khoải và những hoài bão...

Sau khi biểu diễn thành công ở Hải Phòng, "Vụ án 2.000 ngày" lên đường về Hà Nội. Ở đó, người yêu sân khấu Thủ đô cũng đang nóng lòng chờ đợi kịch bản cuối cùng của con người bạc mệnh.

Xe ôtô của đoàn dừng lại ở chân cầu Phú Lương, nơi đã xảy ra tai nạn giao thông thảm khốc trong buổi chiều 29/8 định mệnh. Ven đường, một nấm mộ tượng trưng đã được người dân quanh đó lập nên để tỏ lòng thương tiếc những người đã khuất. Hương khói lan tỏa trong không gian một buổi chiều ảm đạm. Rất nhiều hoa. Chúng tôi đặt ở đó một bó cúc vàng, loài hoa sinh thời Anh ưa thích và thầm nói với Anh:

"Vũ ơi! Bọn mình đem "Vụ án 2.000 ngày" về Hà Nội diễn đây! Vũ phù hộ cho Đoàn, cho vở diễn nhé".

Khói hương cuộn tròn lan tỏa trong gió từ bờ sông Kinh Thầy thổi về như linh hồn Vũ đang hiện hữu...

"Vụ án 2.000 ngày" được khán giả Hà Nội nhiệt tình đón nhận. Diễn ròng rã gần một tháng trời, có ngày hai, ba suất diễn, diễn ở hầu hết các sân khấu Thủ đô. Vé đến tay người xem bằng hình thức phân phối, chỉ một số lượng rất nhỏ còn lại được bán ở ghi sê nhà hát. Và cũng hết veo trong chốc lát. Mỗi diễn viên cũng chỉ được mua 2 vé! Những hạn chế đáng tự hào! Đời sống diễn viên được nâng lên rõ rệt qua từng đêm diễn. Có phải tác giả Lưu Quang Vũ đã khôn thiêng phù hộ cho những người tái tạo vở diễn của Anh trên sân khấu?

Vở diễn cuối cùng của Anh còn đưa Đoàn Kịch Hải Phòng đi lưu diễn khắp nơi. Trên sân khấu Nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh, "Vụ án 2.000 ngày" cũng gặt hái những thành công tốt đẹp. Vở diễn thu hút nhiều lượt người xem đến nhà hát, đến để nhớ về Lưu Quang Vũ, đến để thương tiếc Anh và đồng cảm xót xa với nỗi oan khuất của nhân vật trong kịch và cuối cùng, để vỡ òa trong một cảm xúc vui sướng trào nước mắt khi nỗi oan sau 2.000 ngày đã được công lý làm sáng tỏ.

Khép lại những vở diễn mới của Lưu Quang Vũ khi Anh đã đi xa, rất xa và lời hứa của Anh với bạn bè đã không thể trở thành sự thực: "Vũ hứa, sẽ có một vai xứng đáng cho Ngọc Hiền trong một kịch bản khác, kịch bản sắp tới của mình"...

NSƯT Ngọc Hiền
.
.
.