Múa bồng – nét văn hóa làng Triều Khúc

Thứ Ba, 10/05/2011, 11:00
"Con đĩ đánh bồng" hay còn được gọi là múa bồng, là một tiết mục diễn xướng trong những hình thức nghệ thuật dân gian được lưu truyền và có những bản sắc riêng. Điệu múa này chỉ phục vụ cho việc tế lễ Thánh làng Triều Khúc (tức Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương) mỗi năm hai lần là tháng Giêng và tháng tám âm lịch...

Làng Triều Khúc (Thanh Trì - Hà Nội) không chỉ nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt mà ở đây còn lưu giữ được loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo là điệu múa "Con đĩ đánh bồng".

Lẳng lơ như "đĩ đánh bồng"

Theo các bậc cao niên trong làng Triều Khúc thì điệu múa "Con đĩ đánh bồng" đến giờ vẫn không xác định được chính xác là có từ bao giờ nhưng cũng không dưới 1000 năm và được xem là một trong những điệu múa cổ nhất của Thủ đô. Trong truyền thuyết thì Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng sau khi thắng giặc Đường ở thành Tống Bình (làng Triều Khúc bây giờ) đã nghĩ ra và sai nam giả nữ múa nhằm khích lệ và động viên quân sĩ, đến bây giờ là "Con đĩ đánh bồng".

"Con đĩ đánh bồng" hay còn được gọi là múa bồng, là một tiết mục diễn xướng trong những hình thức nghệ thuật dân gian được lưu truyền và có những bản sắc riêng. Không giống như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, điệu múa này chỉ nhằm mục đích phục vụ cho việc tế lễ Thánh làng Triều Khúc (tức Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương) mỗi năm hai lần là tháng Giêng và tháng tám âm lịch. Vì vậy, nó rất cầu kỳ và phức tạp. 

Do gắn liền với tế lễ ở đình làng, chốn linh thiêng nên đội múa cũng được lựa chọn rất đặc biệt, chỉ có nam chứ con gái thì không được tham gia. Trong các cuộc lễ hội của làng Triều Khúc thường có rước kiệu. Người Triều Khúc cho khoảng 8 - 12 người con trai là nam thanh niên khoẻ mạnh đóng giả làm đàn bà con gái đi theo "ve vãn" chung quanh những người khiêng kiệu và nhảy múa vào trong đình.

Một buổi biểu diễn “Con đĩ đánh bồng” ở đình làng Triều Khúc. Ảnh Nguyễn Sáng

Tất cả nam thanh niên đều được mặc váy yếm đào, trang điểm khăn mỏ quạ y như những người con gái thôn quê. Phía trước bụng mỗi người đeo một cái trống dài gọi là trống bồng. Từ khi ra đời, trống bồng đã gắn liền với những giá trị đặc sắc của người Champa cổ. Lúc biểu diễn, nam diễn viên vừa dùng hai tay đánh trống "bung bung" vào hai bên trống và nhảy múa uốn éo, lẳng lơ, bông đùa nhằm gây tiếng cười thoải mái, tạo sự chú ý cho người khác. Chính vì vậy mới có câu dân gian: "Lẳng lơ như đĩ đánh bồng!" mà ngày nay người Hà Nội hay nói đến.

Không những thế, những nghệ nhân làng Triều Khúc còn cho biết: Điệu múa phải kết hợp làm sao cho nhuần nhuyễn giữa trống lệnh và tế lễ. Khi bên trong dâng tiễn rượu thì bên ngoài múa bồng, cứ ba tuần rượu là ba lần múa. Tuy nhiên, đã là nam giả nữ thì cũng phải có tính nữ, vì thế múa bồng là múa lẳng lơ. Đây chính là nét độc đáo mà không một loại hình nghệ thuật nào trên đất nước ta có được.

Những người "giữ lửa" đặc sản

Làng Triều Khúc là một trong số ít những địa phương còn lưu giữ nguyên vẹn được đầy đủ loại hình nghệ thuật múa bồng độc đáo. Trong làng, có không ít gia đình cả nhà có mấy anh em đều đã từng ở trong đội múa như gia đình cụ Bùi Văn Lục (79 tuổi) có 3 anh em. Theo học điệu múa này từ nhỏ và đến năm 15 tuổi, cụ Lục đã được công nhận là nghệ nhân. Cụ cũng là nghệ nhân đầu tiên đứng lớp dạy điệu múa này cho con cháu.

Anh Trần Mạnh Quỳnh, 28 tuổi, một diễn viên trong đội múa bồng của làng Triều Khúc cho biết: "Cách đây 16 năm tôi đã bắt đầu tập luyện. Điệu múa bồng khó thì khó thật, nhất là với những ai mới chập chững bước vào nghề nhưng nếu có tâm huyết và đam mê thì nhất định sẽ thành công".

Theo ông Triệu Đình Hồng, 66 tuổi, nghệ nhân múa "Con đĩ đánh bồng" ở Triều Khúc thì có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dần mai một hoặc đã bị cải biến nhưng điệu múa "Con đĩ đánh bồng" thì vẫn còn giữ được nét nguyên sơ vốn có ban đầu! Hiện tại, ông cũng là người trực tiếp đứng lớp dạy điệu múa bồng cho lớp kế cận. Đến giờ ông đã có thâm niên trên 40 năm làm thầy dạy múa không công. Tám khóa đào tạo (mỗi khóa 2 người) được ông "truyền lửa" và có thể múa thành thục.

Đến nay, đội múa bồng của làng có tất cả 18 người, trong đó người trẻ nhất là 21 và người cao tuổi nhất là 66. Ông Hồng phân trần: "Đây là việc làng, việc nước nên tôi dạy không thù lao. Tôi rất vui vì thế hệ trẻ bây giờ của làng cũng đã hiểu được những tinh hoa truyền thống để tiếp bước cha ông giữ gìn loại hình múa độc đáo này". Nhưng niềm vui cũng chỉ dừng lại ở đó thôi vì bao năm trong nghề là bấy nhiêu năm ông Hồng luôn trăn trở vì còn chưa có nhiều người biết đến loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Từ xa xưa, trong lễ hội của làng Triều Khúc đã xuất hiện "Con đĩ đánh bồng", nhưng trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, đến nay, số người biết về loại hình nghệ thuật này không nhiều. Huống chi để mọi người có thể hiểu đây là "đặc sản" của riêng Hà Nội thể hiện trí tuệ nhí nhảnh của người Thăng Long xưa?

Trong đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010, nhiều công trình, giá trị văn hóa của mảnh đất Kinh kỳ đã được chỉnh trang và khôi phục, chẳng lẽ một "đặc sản" đời sống tinh thần ngàn đời lại chỉ mang dáng dấp của một làng quê? Thiết nghĩ, các cấp chính quyền và nhà nước cần có sự quan tâm thích đáng để điệu múa "Con đĩ đánh bồng" mãi là giá trị nghệ thuật tinh thần vô giá mang đậm đặc sắc không chỉ riêng Thăng Long - Hà Nội ngàn năm mà còn là của cả nước!

Cụ Lục tâm sự: "Những ngày đầu học múa thì thẹn lắm vì con gái trong làng cứ hay tập trung xem, mà đã thẹn thì học lâu nhưng rồi cứ nghĩ đến việc được là một trong số những người bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống của làng nên tôi cùng anh em đồng trang lứa đã vượt qua được cái thẹn ấy". Tuy đã cập kề tuổi 80 nhưng cụ vẫn thường không bỏ một buổi biểu diễn múa bồng nào. Đến đình, sau khi xem con cháu biểu diễn, cụ luôn uốn nắn và góp ý để mọi người nhanh tiến bộ.

Duy Ngợi
.
.
.