Múa Việt: Không một tiếng vang!

Chủ Nhật, 03/06/2007, 22:15
Quá nhiều ý kiến hay chỉ đạo từ nhiều hướng sẽ làm nghệ sĩ nhiễu loạn sáng tác, đồng thời làm tác phẩm bị biến dạng. Bản thân người biên đạo cũng tặc lưỡi: làm cho xong, rồi thêm cái này, bỏ cái kia khiến tác phẩm thành “lẩu”.

Hội thi tác phẩm múa ít người toàn quốc vừa kết thúc tại Hà Nội, NSND Nguyễn Công Nhạc - GĐ Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, có cuộc trao đổi với phóng viên về hiện trạng múa VN hiện nay.

Với tư cách một biên đạo múa gạo cội, ông đánh giá hiện trạng nghệ thuật múa của Việt Nam hiện nay như thế nào?

- Trong xu thế toàn cầu hóa, không chỉ riêng VN mà nhiều nước trên thế giới đều có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ bản sắc văn hóa riêng của dân mình.

Nói riêng trong lĩnh vực múa, chúng ta có một kho tàng múa dân gian khá phong phú, đã được lưu truyền và khẳng định qua nhiều thế hệ, tiêu biểu là múa dân gian trong các lễ hội.

Bên cạnh đó, múa trong nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo .. cũng là những kho tàng văn hóa quý nằm trong hệ thống múa chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, tất cả sự chuyên nghiệp đó dừng lại ở ca kịch chứ không phải nghệ thuật múa chuyên nghiệp riêng.

Múa VN được hiểu là những điệu múa dân gian VN, có đặc điểm luật động học chung là “vuốt, guộn, đuổi”. Những yếu tố này tạo nên bản sắc riêng có tính thuần Việt trong múa dân gian.

Nhưng khi xã hội và yếu tố chuyên nghiệp đòi hòi nhiều hơn, người biên đạo phải sáng tạo, tiếp thu thêm nhiều động tác mới, đan cài các động tác quay, nhảy hiện đại từ ballet, vì ballet là nền tảng của nghệ thuật múa chuyên nghiệp đỉnh cao. Không chỉ Việt Nam mà các nước đều cần và áp dụng. Mỗi nước tiếp thu và “địa phương hóa” ballet theo một kiểu.

Tuy nhiên, phải công nhận rằng hiện trạng múa Việt Nam hiện nay hơi buồn. Sự nhiệt tình của khán giả dành cho múa không được như trước. Các nghệ sĩ múa không có được sự tiếp sức từ khán giả nên sự nhiệt tình bị giảm sút.

Hơn nữa họ còn bị chi phối bởi sự mưu sinh, mải mê với những chương trình ca nhạc mang tính đại chúng, phụ họa nên sự sáng tạo của họ cũng bị dễ dãi đi dần. Không kể múa trong nhạc nhẹ còn bị ảnh hưởng bởi những hip-hop, breakdance.. khiến cho cái gọi là múa VN bị phân hóa.

Có cảm giác rằng, không chỉ dừng lại ở mức tiếp thu, hình như nhiều tiết mục múa của ta hiện nay giống như một tổ hợp lắp ghép động tác cơ bản vay mượn của ballet sang. Như vậy hóa ra vai trò của biên đạo múa thành quá đơn giản?

- Trên thực tế, kỹ thuật bê vác, quay nhảy đều là kỹ thuật cơ bản của ballet. Tôi thấy cái “cảm giác” trên cũng không sai.

NSND Công Nhạc.

Dù là sự tiếp thu nào cũng cần được thể nghiệm nhiều ở những tác phẩm chuyên nghiệp. Mỗi môn nghệ thuật đều có lối nói riêng qua từng thời điểm. Tôi cho rằng việc phải “ballet hóa” dân tộc là việc cần thiết.

Tất nhiên, bước đầu tiên của việc đan cài này là “lắp ghép tổ hợp”. Múa VN đang ở trong giai đoạn này. Thậm chí có thể dùng từ “vay mượn” cũng đúng.

Nhưng nhìn một cách công bằng, múa chuyên nghiệp VN đã làm được hơn thế nhiều rồi. Chỉ có điều khán giả chưa được tiếp cận với những sáng tạo đó. Những tác phẩm múa chuyên nghiệp xuất sắc hiện nay mới chỉ dừng lại trong sân chơi của người trong nghề.

Những tiết mục múa mà khán giả vẫn thấy hiện nay thường là những màn phụ họa ca nhạc, chào mừng kỷ niệm, lễ hội...  Tác phẩm được sáng tạo theo chủ đề và “gu” nhất định kiểu như nói về Bác Hồ thì hình tượng bông sen, về mùa xuân thì hoa đào.. dần dần sự sáng tạo trở nên cùn mòn và nhàm chán.

Trong một lần duyệt chương trình Bộ trưởng VHTT Phạm Quang Nghị đã phải “dặn trước” chương trình không được có động tác “đá chân thắng, lao từ góc sân khấu này bay sang góc kia” (bước Pas Balance jete – nhảy lớn trong ballet) vì ông “phát ốm” với động tác này: hễ cứ có hoạt cảnh cần sự khỏe mạnh hay chiến đấu là các biên đạo lại cho diễn viên “bay”. Hầu như xem chương trình kỷ niệm nào cũng thấy động tác này. Đấy là một hiện trạng của múa VN hiện nay.

Nhưng không chỉ trong múa phụ họa lễ hội, hình như múa dân gian của chúng ta cũng đang bị “hội nhập” kỹ thuật múa đương đại?

- Đúng, có thể nói đó là sự “vay mượn” kỹ thuật múa hiện đại. Như múa đôi của người Mèo nguyên bản không có các cảnh cõng, vác, bế nhau như trong nhiều tiết mục hiện nay.

Các kỹ thuật đó đều được “bê” từ ballet và múa hiện đại. Theo tôi có thể nói đó là sự lạm dụng. Khi nghệ sĩ không tìm được ý tưởng sáng tạo nào thì họ sử dụng những cái có sẵn. Cái đó là căn bệnh tùy tiện.

Cuộc thi tác phẩm múa ít người lần thứ hai do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày 28 - 30/5.

Đối tượng dự thi là tất cả các biên đạo múa chuyên nghiệp có tác phẩm dự thi thuộc hình thức múa ít người mới được sáng tác.

Đã có 46 tác phẩm của các biên đạo từ toàn quốc được thể hiện trong hội thi. Lễ tổng kết và trao giải đã diễn ra tối 30/5. Không có giải nhất, 3 giải nhì được trao cho tác phẩm Chân Tâm của biên đạo Nguyễn Quỳnh Lan, Tôi là ai? Ai là tôi của biên đạo Trần Thị Bích Lan, Kẹp ba lá của Lữ Kiều Lê.

Tóm lại, hiện nay những tác phẩm múa có sự sáng tạo nghiêm túc thì khán giả chưa được tiếp cận, còn cái đang diễn ra nhiều trên SK thật ra là một dạng “lẩu” nghệ thuật?

- Đúng, những tác phẩm múa đang diễn ra trên sân khấu ca nhạc đại chúng hiện nay không phải là nghệ thuật múa chuyên nghiệp đích thực. mà lỗi ở đây phụ thuộc rất lớn vào những người chỉ đạo chương trình, định hướng nghệ thuật cho từng chương trình.

Và khi đã định hướng và đã “chọn mặt gửi vàng” rồi, những người tổ chức và chỉ đạo nên tôn trọng sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Quá nhiều ý kiến hay chỉ đạo từ nhiều hướng sẽ làm nghệ sĩ nhiễu loạn sáng tác, đồng thời làm tác phẩm bị biến dạng. Bản thân người biên đạo cũng tặc lưỡi: làm cho xong, rồi thêm cái này, bỏ cái kia khiến tác phẩm thành “lẩu” là vì thế.

Hơn nữa, nghành múa hiện nay cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nói đơn giản ngay khi Đài truyền hình cũng chưa bao giờ bố trí cho những tác phẩm múa đỉnh cao một buổi truyền hình trực tiếp. Thậm chí một vở múa đầy tâm huyết khi lên sóng cũng bị “ngắt” ra phát sóng trong hai buổi. Trong muôn vàn sự chắp vá ấy làm cho hiện trạng của nghệ thuật múa bị méo mó đi.

Thêm vào đó, phải thừa nhận rằng ngành múa đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Các nghệ sĩ múa cũng góp phần tự đánh mất mình và đánh mất khán giả.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hoàng Hường (Vietnamnet)
.
.
.