Một tập chuyên khảo công phu

Thứ Bảy, 20/06/2015, 08:47
“Tình báo là một trong những nghề cổ xưa nhất trong lịch sử loài người. Hoạt động tình báo xuất hiện cùng với sự ra đời của Nhà nước”. “Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, giữa các quốc gia với nhau dù thể chế chính trị khác nhau, hầu như không còn có bất kỳ rào cản ngăn cách nào thì hoạt đồng tình báo ngày càng gia tăng và phát triển”.

Trên đây là một trong những nhận thức có tính chất điểm tựa để chỉ trong một thời gian không nhiều, Nhà xuất bản Công an nhân dân đã tập trung nguồn lực biên tập, thẩm định và cho ấn hành tập chuyên khảo “Tình báo điện tử không gian” của tác giả Phạm Bình, kịp góp phần kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Cấu trúc nội dung chính của cuốn “Tình báo điện tử không gian” gồm có bài Tổng quan và 5 chương.

Sau phần Tổng quan, tác giả viết rất khái lược để dẫn dắt đến 5 chương chính. Trong chương một, chương “Tình báo điện tử truyền thống”, tác giả viết một cách dễ hiểu, với hình vẽ mô tả đơn giản kết hợp với một vài mẩu chuyện cũ, những câu chuyện tình báo kinh điển.

Ở chương hai, chương “Tình báo vô tuyến điện tử”, tác giả dần đi sâu hơn về một lĩnh vực không mới nhưng vẫn cần luận bàn và suy ngẫm. Mặc dù, nhiều tác phẩm thế giới và trong nước cũng đã viết, cũng đã đề cập nhưng tác giả đã viết “Tình báo vô tuyến điện tử” bằng 39 năm trải nghiệm của mình. Gần cuối chương này có một câu chuyện nói về “Đội 17” của lực lượng An ninh lần đầu tiên xuất hiện trên mặt sách báo với tình tiết khá thú vị.

Vào chương ba, chương “Tình báo mạng”, đây là chương tác giả đã dành tới trên 200 trang viết. Ý như tác giả muốn nhấn mạnh một phương thức Tình báo mới trong một thế giới bùng nổ internet đã sắp tiệm cận 6 tỷ người dùng, với cả những điều thú vị mà internet đã ban tặng cũng như những ưu phiền mà nó đã gây ra cho loài người.

Chương bốn, chương viết về phương thức tình báo mới trên không gian mà tác giả chọn tên chương này làm tên cuốn sách “Tình báo điện tử không gian”. Trong chương này tác giả đã đề cập đến những cách thức mà các nước lớn tận dụng lợi thế riêng có của không gian và sự phát triển của khoa học không gian để thu thập thông tin tình báo, do thám, tranh giành ảnh hưởng và chống lại nhau với những chiêu kỹ thuật “ăn miếng trả miếng”. Trong chương này, tác giả đã mô tả phương pháp sử dụng các phương tiện bay trong không gian để trinh sát, để do thám, để thu thập thông tin tình báo. Đặc biệt, tác giả đã có ý cảnh báo việc các cường quốc công nghệ đã sử dụng máy bay không người lái để thực hiện phương thức tình báo tiếp cận mục tiêu trinh sát từ không gian.

Là tác giả, là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tổ hợp máy bay trinh sát điện tử không người lái phục vụ an ninh quốc gia” với sự am hiểu về lĩnh vực này, tác giả đã đưa ra dự báo về những nguy cơ chiến tranh và tình báo công nghệ cao trong tương lai.

Chương cuối, chương năm viết về “Mật mã trong hoạt động tình báo”, một lĩnh vực nhạy cảm mà khó khăn nhưng thật sự quyết định đến thành công của một cuộc chiến đối đầu của các lực lượng Tình báo nhà nghề. Hơn thế nữa, nó có thể rút ngắn được cả một cuộc chiến tranh như tác giả đã viết về nhà Tình báo khoa học/nhà Mật mã học Alan Turing - người Anh trong câu chuyện “Lời xin lỗi muộn mằn”. Thật đáng thương, một nhà khoa học tình báo đã góp phần cứu giúp loài người khỏi họa phát xít và cũng thật đáng trách, Chính phủ của một đất nước giữa châu Âu văn minh lại vô cảm với một vị cứu tinh như vậy.

Đọc tập chuyên khảo khoa học về ngành Tình báo điện tử không gian này, bạn đọc được cuốn hút bởi sự li kì của một lĩnh vực công tác đặc biệt mà nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Việt Nam đã nhanh chóng làm chủ được, và nhờ thế, có những đóng góp to lớn, xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Không những vậy, bạn đọc còn được say mê và xúc động với nhiều mẩu chuyện mà bây giờ mới được biết, chẳng hạn, tác giả Phạm Bình kể:

“Không phải nhiều người Việt Nam đã biết được rằng sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đến những ngày trở về lãnh đạo Việt Minh tại Pác Bó – Cao Bằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quay lại Côn Minh - Trung Quốc. Ngày ấy, người làm cách mạng và cả dân chúng vẫn biết Côn Minh là đất hiểm, sự canh phòng của Nhật ở biên giới Việt - Trung là cực kỳ gắt gao, nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn quyết định đi Côn Minh để kết nối với tổ chức tình báo Hoa Kỳ OSS (Offical of Strategic Services). Ngay trong lần đầu tiên, nhà cách mạng bẩm sinh Hồ Chí Minh đã thoả thuận về nguyên tắc hợp tác giữa Việt Minh và OSS; theo đó OSS đồng ý cử một đội tình báo đặc biệt đến Việt Nam, với mục đích hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin tình báo với Việt Minh. Liền sau đó, OSS đã thành lập đội tình báo có phiên hiệu là Con Nai (Deer Team) với 10 thành viên do Thiếu tá Allison B.Thomas lãnh đạo, hoạt động bên cạnh Hồ Chí Minh”.

“Ngày 29 tháng 3 năm 1945, tại Côn Minh, Hồ Chí Minh đã gặp gỡ vị Tướng tình báo “huyền thoại” Mỹ Claire Chennault, cùng bàn đến một chương trình hợp tác lớn hơn, để người Mỹ giúp Việt Minh. Đó cũng là lý do mà Mỹ là quân đội Đồng Minh duy nhất có mặt trong lễ Tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội”.

Và trong phần kết luận, tác giả đã để lại cho người đọc cả sự vui mừng, hy vọng và lo lắng. Là người được đọc bản thảo của tác giả và những trang viết vừa mới in loạt đầu, chúng tôi muốn thưa với bạn đọc rằng đây là một cuốn sách thú vị đối với những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu khoa học, như tác giả đã viết trong phần kết luận: “Dù rằng những điều viết trong cuốn sách chưa được viết cụ thể và bàn luận sâu vì nhiều lý do nhạy cảm nhưng hy vọng cuốn sách sẽ là tiền đề để những ai quan tâm sẽ cùng nghiên cứu và viết tiếp”.

Nguyễn Công Khanh
.
.
.