Một tài hoa Kinh Bắc

Chủ Nhật, 03/01/2010, 12:40
Bầu không khí trầm mặc bao phủ cả căn phòng, tấm vải đỏ được kéo xuống. Một dáng người dần lộ ra, tất thảy đều ồ lên sửng sốt, trầm trồ khen ngợi. Bỗng dưng một tiếng khóc xé tan sự im lặng: Em ơi! đã mấy mươi năm rồi em bỏ chị mà đi… Hình người vẫn "án binh bất động", cả căn phòng ai nấy đều rơi lệ...

Nghệ nhân 12 tuổi… cưới vợ

Người đàn ông đang vật lộn với đống bùn đất, thoáng thấy bóng khách, liền bỏ dở công việc, đon đả mời vào nhà. Căn nhà rộng, sắp đầy những bức tượng đủ loại lớn nho,ã trông như hàng gốm sứ đầu chợ. Biết ý định của chúng tôi muốn viết bài về ông, nhấp chén trà, ông đưa chúng tôi về miền kí ức của một con người đa tài, đa đoan. Ông chính là nghệ nhân nặn tượng nổi tiếng đất Kinh Bắc Vũ Văn Bảy.

12 tuổi, cái tuổi ăn tuổi chơi, đang đánh đáo cùng đám bạn gần nhà thì bị lôi xềnh xệch về bắt tắm rửa, vận áo xếp khăn the đi... đón vợ. Bố bảo: "Nếu đồng ý cưới vợ, tao cho một chiếc xe đạp mà đi học". "Sướng quá, tưởng gì chứ cưới vợ thì dễ quá, cưới thì cưới có gì đâu" - nghệ nhân Bảy kể lại.

Sáng mùng một Tết, cậu bé Bảy cùng gia đình sắm sửa đi đón dâu. Ông còn nhớ như in "đêm tân hôn", tối đó hai vợ chồng nhí nhố đánh tam cúc, ăn hết quân của vợ thấy sướng rơn, còn vợ thì ngồi khóc tu tu suốt đêm. 15 tuổi, vợ sinh con thứ nhất, đến năm 19 tuổi đôi vợ chồng trẻ đã có với nhau 3 mặt con.

Đông người, lũ con nheo nhóc, cuộc sống chật vật tưởng chừng không qua nổi. Cũng từ ngày đó, cuộc đời ông bước vào một trang mới đầy gian truân. Không chịu đựng được cảnh sống cùng quẫn, vợ ông bỏ mặc cho ông 3 đứa con đang còn tấm bé mà đi. Một mình một nách ba đứa con, khổ đến tận cùng khổ. Ngồi kể lại mà mắt ông ngân ngấn lệ.

Nghệ nhân Vũ Văn Bảy với tác phẩm đầu tay tượng Hoàng Hoa Thám.

Cảnh gà trống nuôi con, giờ ông mới ngấm: "Sáng đi làm Nhà máy Xay Đáp Cầu, một tay lái xe, một tay bế đứa con út, lên đến nơi tìm một nơi vắng vẻ trong khuôn viên nhà máy. Lấy dây cột thằng út vào gốc cây để nó không đi lung tung, rồi vào ca sản xuất". Trong dòng hồi tưởng của ông, tôi ngồi nghe mà như thấy được hiển hiện trước mắt mình những vất vả gian truân. Ông khẳng định, trên đời không có việc gì kiếm ra tiền một cách chính đáng mà ông không làm.

Từng làm thợ rèn, đánh giậm tôm cá, làm xe bò chở vôi, chở cát thuê. Đánh đá núi về cung cấp cho các lò vôi, làm gốm sứ, tiện bát. Nếu thợ tiện bát hạng A ngày làm được 700 chiếc thì ông tiện được 1.500 chiếc. Làm công nhân bốc vác, người ta vác 1 bao, ông hai tay vác hai bao. Nhận khoán ép dầu cám, định mức một ngày 15 cân dầu thì được hưởng 2 đồng 2, ông ép gấp đôi, hưởng tiền gấp đôi. Không đủ tiền mua gạo cho con, ông đổi nghề sang làm tài xế xe tải chuyên chạy tuyến Lào - Điện Biên.

Ngày rỗi làm tương ớt bán cho hàng phở. Khối công việc khổng lồ cuốn anh thanh niên lực điền vào vòng xoáy của cơm cáo, gạo tiền nuôi bốn miệng ăn của cả nhà, ba suất học của ba đứa con.

Cuộc sống gia đình dưới bàn tay chăm chỉ của ông dần vơi bớt những khó khăn. Năm 36 tuổi, ông cưới vợ hai kém mình đúng 18 tuổi. Nhắc đến chuyện tình duyên, bà e thẹn nhìn ông rồi nói không hiểu sao bà lại chọn ông.

Đang tuổi xuân thì, vây quanh bà bao nhiêu trai tân cùng tuổi, nhưng tuyệt nhiên bà chỉ dành tình cảm cho ông, xin cha mẹ được về làm vợ ông. Bà biết ông một nách 3 con, nhưng hình ảnh ông tất bật với đàn con nhỏ đã làm bà cảm động rồi quyết cùng ông sẻ chia những vất vả nhọc nhằn.

Thổi hồn người vào tranh

Cuộc sống gia đình dần ổn định, ông bắt tay vào làm nghệ thuật, lĩnh vực ông vốn đam mê từ nhỏ. Sau 2 năm chuyên vẽ truyền thần ông cho ra đời hàng trăm bức họa, mỗi bức họa đều gắn với những kỉ niệm khó quên của ông. Điều ông sung sướng nhất là mỗi khi khách hàng đến nhận tranh đều thốt lên sửng sốt: "Sao mà giống thế!".

Không ít thân nhân liệt sỹ thấy khuôn mặt người thân mình hiện lên sau nét vẽ tài hoa của ông mà không cầm được nước mắt. Ông bật mí, để đạt đến tay nghề hạng "thượng thừa" làm thổn thức trái tim người xem, ông đã phải trải qua biết bao nhọc nhằn.

Nhắc đến chuyện học vẽ truyền thần, ông nhớ lại, tình cờ trong một lần đi qua khu phố cổ Hà Nội, ông gặp một nghệ nhân đang ngồi vẽ tranh cho khách. Mỗi khi có khách, người họa sĩ nhận việc và hẹn khách 2 tiếng sau quay lại, thực tình thời gian họa sĩ vẽ chỉ mất… 15 phút. Ông quan sát mà sửng sốt thốt lên làm nghề này kiếm tiền dễ quá.

Ngay lập tức, ông đạp xe về nhà ở Bắc Ninh, lấy hai bức ảnh của bố mẹ sang nhờ họa sĩ vẽ. Mục đích là để được ngồi… học lỏm nghề.

Sau bữa đó, ông bắt đầu luyện vẽ truyền thần. Đưa hai bức tranh vừa thuê họa sỹ vẽ ra khoe mọi người, ai cũng khen đẹp, giống y như chụp. Khi mọi người hỏi về tác giả thì ông vờ bảo là mình vẽ. Tuyệt nhiên không ai tin, cho là lão Bảy nói bịa, thậm chí có người chạy về nhà lấy ảnh ra bắt ông Bảy vẽ thử cho rõ thực hư.

Đúng sau 15 phút, ông Bảy vẽ xong, ai cũng trầm trồ khen giống. Ông mừng rơn, tuyên bố nhận vẽ miễn phí để rèn tay nghề. Tiếng lành đồn xa, người đổ về thuê vẽ ngày một đông.

Nói đến kỉ niệm nghề vẽ truyền thần, ông nhớ như in Tết năm 1972. Nhà ở gần Trường Công binh, nghe tiếng họa sĩ Bảy vẽ truyền thần giống như chụp, không ít chiến sĩ cũng đến nhờ ông vẽ ảnh của bố, mẹ, người thân đã mất, trong đó có anh lính người Nghệ Tĩnh, khi bức họa hoàn thành, người lính đem về quê, ai xem tranh đều khâm phục tài hoa của họa sỹ.

Hết phép, anh lính nọ mang đến hơn 40 bức là ảnh liệt sĩ, người thân của xóm giềng nhờ ông Bảy vẽ và hẹn ngày giáp Tết trước khi về quê sẽ đến nhận ảnh. Do phải vẽ quá nhiều, phần do chủ quan nên ông quên béng đi mất. Đến chiều 30 Tết, người lính nọ trên đường ra bến xe về quê, ghé qua nhà ông để lấy ảnh. Đến lúc đó ông mới tá hoả, còn người lính thì nhất định không dám về quê nếu như không có tranh truyền thần mang về. Không còn cách nào khác, ông Bảy phải cầm bút để hoàn thành "hợp đồng".

Nghệ nhân Vũ Văn Bảy với tác phẩm "Phút bình yên của mẹ" đoạt giải của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2002.

Khoác chăn bông, đốt đèn măng sông, ông ngồi vẽ một mạch từ chiều 30 Tết qua giao thừa, đến 4 giờ sáng mồng một Tết mới hoàn thành 40 bức. Vẽ xong, ông bảo vợ chuẩn bị bánh chưng, thịt lợn, rồi lọc cọc đạp xe gần 40 cây số từ Bắc Ninh qua Hà Nội, chở người lính ra bến xe.

Làm "sống lại" người chết

Không chỉ tài hoa trong nghề vẽ truyền thần, nghệ nhân Bảy còn nổi tiếng với nghề nặn tượng. Từ đống đất sét nham nhở vô hồn, qua bàn tay người nghệ nhân tài hoa đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có tầm cỡ. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng biết bao trăn trở, suy tư. Mỗi một đường nét, dáng vẻ đều mang những tầng lớp ý nghĩa, triết lý nhân sinh sâu sắc, dồn nén bao tâm huyết của người nghệ nhân yêu nghề.

Để có bức tượng đúng theo tâm nguyện, có chiều sâu nội tâm, có hồn buộc nghệ nhân phải nắm bắt được nội dung cần chuyển tải. Phân loại nhân vật, dựa trên kiến thức về nhân tướng học để định hình cho nhân vật từ cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, vóc dáng cho đến trang phục. Khi đã nắm bắt được các tố chất trên mới đến công đoạn thực hiện tác phẩm - nặn tượng.

Mấy chục năm gắn bó với nghề, nặn ra hàng vạn bức tượng, nhưng ông vẫn nhớ như in những vóc dáng, chủ đề của chúng. Trong số đó có những "đứa con cưng" mà ông cùng con cháu của mình đều là những nghệ nhân có tiếng dành nhiều công sức, thời gian nhất. Trong bộ sưu tập của mình, ông tự hào về những đứa con cưng như "Cào cào giã gạo", "Phút bình yên của mẹ", tượng "Đề Thám", tượng cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Cừ.

Bức tượng "Phút bình yên của mẹ", là tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, sáng tác về đề tài "Mẹ Việt Nam anh hùng" năm 2002. Tác phẩm là hình ảnh một bà mẹ già ngồi trầm tư suy nghĩ, khăn vắt vai, một tay bế chú mèo con đang lim đim ngủ, tay kia cầm miếng trầu vừa têm.

Người mẹ già bao năm vất vả đồng áng, chăm chồng, chăm con. Giờ nghỉ trưa nhưng mẹ vẫn ngồi trầm tư với bao lo toan. Miếng trầu mẹ vừa têm chưa kịp ăn thì chú mèo con nhảy vào lòng mẹ lim dim ngủ. Sợ trở tay sẽ làm mèo con thức giấc nên miếng trầu mẹ vẫn cầm chưa ăn.

Bức tượng "Đề Thám" là tác phẩm đầu tay của ông… Tuy chưa thật mĩ mãn nhưng ông cũng có được niềm khích lệ. Số là sau khi biết ở trong nước có người tạc tượng cha mình giống như đúc, bà Hoàng Thị Thế sống ở Pháp trong một lần về nước, tìm đến nhà ông và chiêm ngưỡng bức tượng. Khi nhìn thấy bức tượng, bà đã không kiềm chế được cảm xúc và thốt lên: "Sao mà giống thế! Ôi! Bố tôi đây rồi!".

Vừa nói, bà chạy đến ôm chầm lấy bức tượng, rồi khóc. Lần ông tạc tượng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cũng là lần đặc biệt. Ngày đó đích thân đồng chí Hoàng Quốc Việt được Bộ Chính trị giao trách nhiệm giám sát thi công tạc tượng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Quá mĩ mãn với kết quả đạt được, đồng chí Hoàng Quốc Việt đến và vỗ vai ông Bảy và bảo: "Ở đời, xã hội phân công mỗi người một việc, chúng tôi làm chính trị, làm cách mạng, còn bác theo tôi nên lấy nghề tạc tượng chuyên tâm mà làm rồi sẽ gặt hái được thành công".

Từ lời khuyên ấy, ông không những chuyên tâm theo nghề mà còn dẫn dắt con cháu vào nghề. Giờ đây, nhà ông có 3 thế hệ cùng tạc tượng, những người con và cháu của ông cũng ngày càng toả sáng trên con đường nghệ thuật.

Cũng trong lần đó, ông đã có kỉ niệm nhớ đời. Ngày khánh thành tượng, hàng chục quan khách, đồng chí, đồng đội, thân nhân của cố Tổng Bí thư có mặt. Không khí trầm mặc bao phủ cả căn phòng, tấm vải đỏ dần được kéo xuống. Một dáng người dần lộ ra, tất thảy ai nấy đều ồ lên sửng sốt, trầm trồ khen ngợi. Bỗng dưng một người đàn bà chạy đến, quỳ bên bức tượng, cất tiếng khóc xé tan bầu không khí im ắng: "Em ơi, là em ơi! Đã mấy mươi năm rồi em bỏ chị mà đi!".

Lúc sau, ông mới biết đó là chị gái của cố Tổng bí thư, nhìn bức tượng không cầm được mình oà lên khóc. Bất ngờ chưa dừng lại đó, sau buổi lễ chị gái cố Tổng Bí thư đòi gặp bằng được ông. Gặp ông, bà kể cho ông một câu chuyện làm ông đến tận giờ vẫn còn nguyên cảm giác bàng hoàng. Bà kể, ngày đó bà mới sinh đứa con đầu lòng, đang ngồi chăm con ở võng, bà nghe ngoài cửa có tiếng hỏi vào: "Cháu có khoẻ không chị?". Đưa mắt nhìn ra cửa thì thấy em trai mình (cố TBT Nguyễn Văn Cừ) đứng ở đó.

Hình dáng cố Tổng Bí thư lúc đó y hệt với bức tượng mà ông Bảy thể hiện. Cũng dáng đứng ấy, cũng mặc chiếc áo không cài cúc ở cổ… Sau lần gặp gỡ đó, em bà đã ra đi không trở lại.

Bà khẳng định đó là lần cuối cùng bà được nhìn mặt cậu em trai của mình, giờ đây bà lại được nhìn lại lần thứ 2, nên khi nhìn thấy bức tượng bà đã sững sờ rồi oà khóc. Bà không thể lý giải nổi sự trùng hợp đến kỳ lạ này

Quốc Quốc
.
.
.