Một số kỷ lục của Phật giáo Việt Nam

Thứ Sáu, 21/12/2007, 18:27
Chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần 6 ngày 12/12/2007, tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP HCM, Trung tâm Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã chính thức công bố 12 kỷ lục Phật giáo Việt Nam lần III. Xin giới thiệu với bạn đọc 8 kỷ lục Phật giáo độc đáo...

Bản kinh viết bằng thư pháp do nhiều người tham gia nhất 

Bản kinh Vu Lan và Báo ân cha mẹ viết bằng chữ quốc ngữ, được làm bằng chất liệu giấy xuyến chỉ và lụa tơ tằm Việt Nam do 108 họa sĩ và nhà thư pháp thực hiện nhân mùa Vu Lan báo hiếu năm 2007 tại TP HCM.

Bản kinh được phụng bút sao chép dựa trên bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Quang, dịch giả được tôn kính vào bậc nhất về dịch giải Hán ngữ trong Phật giáo, với mục đích hướng về cội nguồn tổ tiên để tri ân nhân lễ Vu Lan - Báo hiếu.

Bản kinh được viết trên 108 trang giấy xuyến chỉ, mỗi trang có kích thước 90 x 160cm. Đây là một công trình văn hóa quy tụ nhiều giới tham gia: tu sĩ, họa sĩ, thi sĩ, nhà thư pháp, trí thức, sinh viên...

Tác phẩm được hoàn tất sau 4 tháng, người khởi xướng là Đại đức Thích Chỉnh Tuệ và nhà thơ - nhà thư pháp Song Nguyên cùng các thành viên của CLB Thư pháp Giác Ngộ. Tác phẩm đã được trưng bày và triển lãm tại Nhà Trưng bày và Triển lãm thuộc Bảo tàng TP HCM từ ngày 19/8 đến 29/8/2007.

Ngôi chùa có nhiều bình gốm nhất

Đó là chùa Pháp Hoa tại quận Phú Nhuận TP HCM. Chùa do Hòa thượng Đạo Thanh, sinh quán tại Quảng Nam, khai sáng năm Mậu Thìn (1928). Hòa thượng Thích Như Niệm kế vị trụ trì đã trùng tu lần thứ hai vào năm 1965.

Hòa thượng Thích Như Niệm năm nay hơn 70 tuổi, từ nhỏ ông đã thích sưu tập, lưu giữ các loại bình cắm hoa, vì kiểu dáng, màu sắc, chất men của từng loại bình rất đẹp, thanh tao, những họa tiết trên bình như là một câu chuyện.

Hòa Thượng đã lưu giữ các loại bình gốm và những cổ vật bằng gốm, mỗi ngày một ít gom góp sau bao nhiêu năm.

Hiện nay, chùa lưu giữ một bộ sưu tập đồ sộ với hơn 1.000 chiếc bình bằng gốm các loại, đủ màu sắc, hoa văn, kích thước, niên đại... Có 4 chiếc bình có kích thước cao nhất là 2,17m và 4 chiếc có chiều cao là 1,7m đặt trong Chánh điện.

Tại Chánh điện của chùa có trên 50 chiếc bình lớn nhỏ, phòng khách có 505 chiếc bình các loại, phòng lưu niệm có trên 140 cái, ngoài ra, bình còn để rất nhiều trong các phòng như: phòng giảng đường, nhà tổ... 

Ngôi chùa có bao lam “Bách Điểu” lớn nhất 

Chùa Giác Viên tọa lạc ở số 161/35/20 đường Lạc Long Quân, quận 11, TP HCM. Chùa có 58 bao lam lớn nhỏ, trong đó phải kể đến bao lam “Bách Điểu”. Bao lam này có chiều cao 2,48m, chiều ngang 2,25m và chiều rộng nhất 67cm (từ mép cạnh đến họa tiết giữa bao lam).

Điểm đặc sắc của bao lam này là nghệ nhân không chỉ khắc họa những loài chim thường gặp trong các đình chùa như: loan, phụng, công, trĩ... mà khi quan sát bao lam này, người xem được thấy một thế giới loài chim sống động.

Đó là những loài chim quen thuộc trong sân vườn, đồng ruộng của miền Nam, như: cò, chim sẻ, chào mào, họa mi, chích chòe, bói cá, le le... Chúng được tạo hình, khắc họa trong nhiều tư thế sinh động: con bay, con đậu, con đang tranh mồi, đang nô đùa, có những con đang tỏ tình âu yếm...

Chính giữa bao lam khắc hình một con dơi - có ý nghĩa đem lại điều phúc đến mọi người.

Ngôi chùa có tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng tóc lớn nhất 

Chùa Tây Tạng nguyên là một ngôi chùa của phái Bửu Sơn Kỳ Hương xây dựng vào khoảng năm 1930.

Thiền sư Minh Tịnh sau khi xuất dương chiêm bái Phật tích Ấn Độ và Tây Tạng, đã trụ trì chùa vào năm 1938. Ngài đã đổi tên chùa Bửu Hương thành chùa Tây Tạng, đánh dấu chuyến đi hành hương Tây Tạng của mình.

Bên trong chùa tôn trí nhiều tượng Phật, Bồ Tát và tượng Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma - đệ tử đời thứ 28 của Đức Phật Thích Ca. Đây là hình tướng Sư Tổ đang trên đường nhập thế từ Ấn Độ sang Trung Quốc và trở thành Pháp chủ Thiếu Lâm tự.

Hình tướng của Sư Tổ được tôn tạo một cách sinh động. Ngài bước đi, trên vai là một đòn gánh, đầu gánh bên tay phải của Sư Tổ là túi Càn khôn và đầu bên trái là hòm kinh Lăng già. Trên đầu gánh có treo một chiếc nón lá đậm chất Việt Nam.

Ông Nguyễn Khắc Bửu cùng với các ông Nguyễn Chí Cơ và Tôn Ngọc An đã tôn tạo bức tượng trong 2 năm 1982-1983.

Tượng gồm 3 phần rời nhau, được gắn lại bằng keo dán. Chỉ trừ phần khung được làm bằng sắt còn chất liệu mà các ông sử dụng chủ yếu bằng tóc, mật rỉ đường và vôi vữa mà trong đó tóc chiếm một phần quan trọng. Tóc được thu nhận từ các phật tử.

Tượng có chiều cao 2,32m, chiều ngang tính từ túi Càn khôn đến kinh Lăng già là 1,74m.

Ngôi chùa có tháp bằng gốm sứ cao nhất

Chùa Viên Giác tọa lạc tại 193 Bùi Thị Xuân, phường 1, quận Tân Bình, TP HCM. Trong khuôn viên chùa xây dựng tháp Đẳng Quan khởi công vào năm 1996 và khánh thành vào tháng 4/1999.

Tháp gồm 4 tầng, có chiều cao 22m từ nền tới đỉnh hình bát giác 3 tầng 7 mái. Tầng nền có họa tiết hoa sen cách điệu trên nền men trắng.

Tầng 1, bên ngoài khắc hình thập bát La Hán, mỗi vị La Hán trên một miếng gạch sứ. 4 cửa chung quanh chạm 8 vị thần Kim Cang trên nền gỗ; bên trong, chính giữa tôn tượng cố Thượng tọa Thích Minh Phát. Trang trí hoa văn và đắp nổi những bức tranh mang chủ đề Phật giáo.

Tầng 2, bên ngoài theo dạng hoa sen cách điệu màu vàng, cẩn các vị Bồ Tát trên từng viên gạch. 4 mặt có 4 ô cửa nhỏ khắc các chữ Lưu Ly Bảo Tháp. Mái làm theo hình cá chép hóa rồng. Bên trong thờ xá lợi Phật.

Tầng 3, đế là hình hoa sen vàng cách điệu, chung quanh khắc hình Phật Thích Ca, Dược Sư, Đa Bảo. 4 ô cửa sổ chạm 4 chữ A Di Đà Phật. Bên trong treo 1 quả đại hồng chung nặng 750kg, thờ tượng Địa Tạng, Bồ Tát và khắc bài kệ Kiến Tánh trong kinh Lăng Nghiêm.

Đỉnh tháp là 3 tầng mái có hình bát úp trên hoa sen phía trên là 7 tầng nhỏ tượng trưng 7 cõi trời. Riêng tầng hầm của tháp phụng thờ tro cốt và vật lưu niệm của các vị trụ trì trước đây.

Nét độc đáo và đặc biệt của ngôi tháp này là sử dụng hoàn toàn bằng gốm sứ Việt Nam do các cơ sở trong hệ thống gốm sứ Minh Long và Bát Tràng sản xuất.

Ý tưởng xây dựng tháp do Thượng tọa Thích Lệ Trang, Đại đức Thích Đồng Văn, thể hiện bản vẽ kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Thiện, thực hiện các mẫu phù điêu tạo hình cho gốm điêu khắc gia Bàng Nghiêu Dân. Các phật tử chùa thi công trong 3 năm.

Ngôi chùa có vườn tượng Phật Dược Sư lớn nhất Việt Nam  

Chùa Hải Sơn với tên thường gọi là chùa Hang được xây dựng vào những thập niên đầu của thế kỷ XVIII. Năm 1989, Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận chùa Hải Sơn - chùa Hang là điểm di tích lịch sử và tham quan thắng cảnh.

Trong năm 2005, nhà chùa xây dựng vườn tượng Phật Dược Sư. Công trình khởi công vào tháng 1/2005 và hoàn thành ngày 28/12/2005. Do vườn tượng có đến 49 tượng Phật Dược Sư nên được gọi là Bộ tượng Thất Châu Thất Đàn Dược Sư, do ông Lê Văn Lai tạo tác.

Ngôi chùa tạo tác bằng mảnh sành nhiều nhất 

Chùa An Phú được xây dựng vào những năm đầu thời Vua Tự Đức (1848 - 1883), vốn là một nơi tôn nghiêm nhưng trải qua bao biến thiên của lịch sử, đến năm 1960, ngôi cổ tự này trở nên tiêu điều, hoang phế.

Đứng trước cảnh điêu tàn đó, các vị trụ trì, tăng ni và phật tử của chùa cùng với ông Lê Văn Rớt - một nhà thiết kế mỹ thuật - đã tìm cách vận động thu lượm các loại chén đĩa kiểu đã bị nứt, sứt mẻ tại các chợ An Đông, Bình Tây, Phú Nhuận, Bà Chiểu... và dùng những đồ sành sứ bị nứt nẻ, vứt bỏ này đập bể, cắt theo các góc cạnh, sau đó gắn vào các cột, các chi tiết kiến trúc theo hình họa, đường nét mỹ thuật tạo hình do ông Rớt thiết kế.

Công việc kéo dài từ năm 1961 đến năm 2004. Trong suốt hơn 40 năm, ngôi cổ tự An Phú trở nên tráng lệ với muôn ngàn mảnh sành đủ màu, đủ kiểu, đủ góc cạnh.

Để có kết quả như ngày hôm nay, các vị trụ trì, các tăng ni, phật tử đã sử dụng 30 tấn sành sứ các loại, với  trên 20.000 ngày công lao động.

Diện tích mảnh sành 3.886m2 được gắn theo các thời kỳ: từ năm 1960 đến 1975: 1.078m2; từ năm 1976 đến 1993: 1.869m2; từ năm 1994 đến năm 2004: 939m2.

Phân bố trên các kiến trúc sau: hệ thống mái chính và Bách đài: 276m2; hệ thống dầm mặt dựng mái: 875m2; hệ thống đà - kèo - kèo huyết: 206m2; hệ thống mặt dựng sàn lửng: 208m2; mặt dựng sàn lầu: 316m2; hệ thống tháp, miếu và thờ phụng quanh chùa: 837m2; hệ thống da quy tháp và chung quanh chánh điện: 364m2; toàn bộ mặt cẩn phù điêu như cột trụ chất trang trí và tứ linh và hoa, cột theo phong cách triều đình, viễn trụ và lăng tẩm Huế: 804m2.

Ngôi chùa có số lượng đĩa kiểu trang trí nhiều nhất 

Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất TP HCM. Chùa tọa lạc ở số 118 đường Lạc Long Quân, phường 23, quận Tân Bình. Chùa vốn ở trên gò Cẩm Sơn, còn gọi là Cẩm Đệm và Sơn Can, do ông Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền của xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744), đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Năm 1772, Hòa thượng Viên Quang thuộc dòng Lâm Tế tới trụ trì, từ đó mới đổi tên là Giác Lâm. Ngày 16/11/1988, chùa Giác Lâm được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia theo Quyết định số 1288 VH/QĐ.

Đặc biệt, chùa sử dụng một số lượng 7.454 đĩa kiểu trang trí dọc theo hai mặt tường của Tây đường, Chánh điện, Tháp tổ... Trong số này, số đĩa kiểu trang trí nơi Tháp tổ Hồng Hưng là 1.120.

Loại đĩa kiểu trang trí này được làm ra tại các cơ sở gốm ở Lái Thiêu (Bình Dương), ngoài ra, một số có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản. Những đĩa kiểu trang trí được gắn trong khuôn viên chùa vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX

Thuận Nguyên (theo Vietkings) - ANTG số 715
.
.
.