Một số hiện tượng văn nghệ năm 2005: Ồn ào nhưng không mới mẻ

Thứ Ba, 03/01/2006, 09:30

Năm 2005 được đánh dấu bằng những hiện tượng thoạt tiên được ngộ nhận là mới mẻ. Trong hành trình hết tốc lực của cuộc đua đến sự nổi tiếng cũng như giành thị phần văn nghệ, chính những người trong cuộc đã khuếch đại mọi chuyện ồn ào tới mức tối đa.

Từ đầu năm đến cuối năm, từ chuyện thuế thu nhập cao cho đến scandal sex, từ bản quyền cho đến hậu trường sàn diễn… Nhìn lại những chuyện đó mới thấy, ca sỹ không dành mấy thì giờ cho việc hát. Lười biếng và thiếu cá tính. Lười biếng trong cách suy nghĩ, cách hát và cách sống. Lười khai phá bài mới, lười tập với ban nhạc, lười hát live và muốn nổi tiếng sớm. Và họ giống nhau một cách kỳ lạ. Một ca sỹ nhận nhiều show, giờ giấc thất thường đã đành. Có ca sỹ cả tháng chỉ có 1 show diễn cũng phải 11h trưa mới dậy và đi chơi thâu đêm suốt sáng.

Thiếu cá tính là bởi các ca sỹ chỉ biết chạy theo trào lưu như những con rối. Trên các kệ đĩa bây giờ, nữ ca sỹ thì thịnh hành hình tượng các diva dòng nhạc Latin với các dây đeo và váy khổ rộng, nam ca sỹ thì thịnh hành hình tượng các ngôi sao Hàn Quốc. Các hình ảnh trong album giống nhau, cách chọn nhạc cũng giống nhau và ai cũng cho rằng mình độc đáo.

Thử ví dụ, nếu nhìn vào bìa đĩa của Đăng Khôi (album "Từ Bắc vào Nam") và Minh Quân (album "Vì đời vẫn thế" chuẩn bị phát hành) thì thấy chúng giống nhau, một hình ảnh hoàng tử vô nhiễm, một vẻ buồn rất phim Hàn… Thậm chí, chúng còn giống nhau trong cách ca sỹ ghi lời cảm ơn những người thân, những người giúp đỡ thực hiện đĩa… Về hình thức đã vậy, các album nhìn chung đều có một số bài về bạn bè, trường lớp, tuổi thơ, một số bài về tình yêu, một số bài tự sáng tác… Trào lưu chọn dòng nhạc tiền chiến cũng đã biến không ít ca sỹ trẻ kiểu như Lê Hiếu, Đức Tuấn… thành những ông cụ non. Lạm dụng Trịnh Công Sơn để làm sang đã biến không ít ca sỹ giống như người “tẩu hỏa nhập ma”, điển hình như trong "Đêm thần thoại" gây quá nhiều tranh cãi.

Liệu nhạc tiền chiến có phù hợp với những ca sĩ măng tơ này không?

Dường như các ca sỹ trẻ không hiểu mình có gì và muốn gì, nhưng lại rất chăm chỉ tiếp thị, nhờ vả các phóng viên văn nghệ để có thể xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Đó cũng là một biểu hiện tất yếu của căn bệnh "ăn xổi ở thì" có trong hầu hết các ca sỹ trẻ muốn nhanh nổi tiếng để kiếm tiền nhưng lại luôn tuyên bố sẽ "cống hiến cho âm nhạc đến giọt máu cuối cùng".

Nhòm qua làng điện ảnh, vài năm qua tư nhân nhào vào cuộc và đã tạo được những hiệu ứng rõ rệt về mặt khán giả, được đánh dấu bằng bộ phim "Gái nhảy". Dường như sự mới mẻ của một "dòng phim khán giả" chỉ là hình thức của những suy nghĩ, cách làm cũ. Phim Việt Nam bây giờ được tổng kết theo công thức: chân dài, tệ nạn, vũ trường, người mẫu, ca sỹ, đồng tính… Đề tài “gái” đã được khai thác tối đa, đến nay sau phim "Những cô gái chân dài", các phim chuẩn bị trình chiếu đều có ít nhiều dính dáng đến đề tài “trai”, nghĩa là đồng tính hoặc giả gái.

"2 trong 1" của Thiên Ngân, "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Phước Sang và "Trai nhảy" của đạo diễn Lê Hoàng… Sau hầu hết các tuyên ngôn làm phim cho giới trẻ, người ta đã đưa ra được những bộ phim do… người trẻ thực hiện về thế hệ mình mà khán giả vẫn không tin. Đó là "39o yêu" với những cảnh quay lãng mạn, những khung cảnh giả dối và một nội dung chắp vá, sến hơn phim Hàn Quốc đã dội quả bom đầu tiên vào khán giả. Đó là "1.735km" với hành trình như bộ phim "Mê Kông ký sự" quay hầu hết các cảnh đẹp của Việt Nam mà nội dung thì không ai hiểu được. Một bộ phim rõ ràng cho giới trẻ nhưng khán giả trẻ lại… không tin.

Hầu hết các đạo diễn đều nói những bộ phim mình làm là đề tài nóng. Nhưng những đề tài kiểu "đẻ mướn", "trai nhảy", "gái nhảy", "đồng tính", "đàn ông mang bầu"… có lẽ chỉ nóng trong suy diễn một cách võ đoán của các đạo diễn mà thôi. Những cách làm phim ấy vẫn tiếp tục được các đạo diễn "nổ" là mới mẻ, là hấp dẫn, là thu hút… nhưng rồi cuối cùng phim vẫn không chịu… hấp dẫn… Sự ồn ào mang tính hình thức ấy đã khiến không khí nhộn nhịp của phim ảnh Việt nhanh chóng bị trầm lắng như một quả bóng bơm chưa kịp căng đã xì hơi.--PageBreak--

Một hiện tượng, được gọi là hiệu ứng truyền thông năm 2005, chính là tập truyện ngắn "Bóng đè" của Đỗ Hoàng Diệu. Người ta thực sự ngạc nhiên vì sự ồn ào xung quanh nó (chứ không phải chính nó).

Đỗ Hoàng Diệu, suy cho đến cùng, cũng là một người khôn khéo khi biết tìm những nhân vật có tiếng tăm làm phương tiện lobby tên tuổi mình. Chỉ tiếc là sự thẳng thắn của công luận đã làm Diệu không im lặng được lâu. Diệu lên diễn đàn, gặp mặt báo chí giới thiệu sách và tìm cách trả lời phỏng vấn thanh minh cho mình. Có nhà phê bình đã chỉ ra sự thật rằng, Nguyễn Huy Thiệp chỉ mất có một câu, còn Đỗ Hoàng Diệu đã phải mất cả một cuốn sách để nói về những điều mình muốn nói, đó là sự lai tạp về văn hóa.

Điều đáng nói nhất về hiện tượng "Bóng đè" không phải là chính nó mà là những người tạo ra hiện tượng đó. Một số người nhân danh nhà phê bình hay có những danh xưng rất kêu lên tiếng ngợi ca "Bóng đè" nhưng lại để nhằm mục đích cá nhân, nói những điều mình ấm ức. Có nhà văn lão thành lại cho rằng, bạn đọc có thể cảm nhận được những suy nghĩ, những cách viết của Diệu. Nhưng là bạn đọc nào kia? Nếu coi bạn đọc thực sự là những người đang ra hiệu và mua những cuốn sách về đọc thì có lẽ nhà văn đã có những dự đoán thiếu căn cứ.

Nhiều người thử đưa ra suy đoán, có thể Đỗ Hoàng Diệu ảnh hưởng dòng văn học linglei của Trung Quốc. Nhưng thực chất, đó là sự so sánh khập khiễng điển hình mà nhiều người thích gán ghép những khái niệm ưa dùng. Dường như trên các diễn đàn trực tuyến, những phân tích của các thành viên lại thấu đáo hơn là trên các phương tiện truyền thông chính thống.

Thành viên "Thổ Phỉ" của diễn đàn "tathy" đã có những phân tích khá kỹ lưỡng về Đỗ Hoàng Diệu: "Đỗ Hoàng Diệu viết về tình dục, trong cái nghĩa thấp kém của từ này. Đừng gán cho nhân vật của Diệu những tính từ to tát như "ám ảnh vì một thứ tội tổ tông", hay "vấn đề của chị lớn hơn rất nhiều số phận đàn bà"… Đỗ Hoàng Diệu đại diện cho một lớp người trẻ lười biếng không mang trong mình một phông văn hóa nào đủ mạnh. Các nhân vật trong truyện ngắn của Diệu nghèo nàn đến lạ về cuộc sống tinh thần. Một lớp người sống lạc hậu và hời hợt cả về vật chất và tinh thần, sẽ bị xã hội ngày nay đẩy ra bên đường"…

Đỗ Hoàng Diệu tưởng như đã tạo ra được một luồng gió mới, nhưng sex thì chưa bao giờ mới, cách cài đặt vụng về như Diệu cũng không có gì mới. Đó là chưa kể đến việc, cách viết dài dòng miên man của Diệu là cách viết quá thịnh hành của lớp nhà văn Sài Gòn trước năm 1975 được di cư sang hải ngoại và được kéo dài trong số đó với những sáng tác được đăng tải trên tạp chí Hợp lưu…

Điểm qua vài chuyện, nhặt lấy vài điều, để thấy rằng những hiện tượng mà chúng ta tưởng đã mới đến tinh khôi thì hóa ra chỉ là hình thức mới của những chuyện cũ mòn. Đừng tưởng đỏ là chín. Và có lẽ chúng ta đã quá vồ vập với cái mới, dù đó chỉ là hình thức mới. Bài viết này không bày tỏ những lo ngại về sự suy thoái, về sự xuống cấp hay sa đọa… Bởi thực ra những trào lưu có vẻ mới như thế, giống như trào lưu performance trong hội họa, khi không được công chúng đón nhận, nó sẽ phải tự triệt tiêu mình mà thôi…

Ngô Ngạn Tổ
.
.
.