Về phố ông đồ xin chữ đầu năm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội):

Một phong tục đẹp cần phát huy và giữ gìn

Thứ Năm, 06/02/2014, 13:20
Từ bao đời nay, cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt ta còn có tục xin và cho chữ vào ngày Tết. Đây là nét văn hóa độc đáo, thể hiện sự coi trọng chữ nghĩa, tri thức và khẩn cầu sự may mắn trong một năm mới.

Thực ra thì từ xa xưa, dân tộc ta đã có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ và xin chữ. Đối với những chữ của vua chúa, được viết trong các sắc phong thì được rước, được thờ. Còn trong nhân dân, người ta đến xin chữ của các ông đồ có uy tín vào những dịp lễ, Tết trong cộng đồng để chơi, để thưởng ngoạn và cầu mong những điều tốt đẹp.

“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Những câu thơ của Vũ Đình Liên đã thành một biểu tượng mỗi khi chúng ta liên tưởng đến hình tượng những ông đồ cho chữ. Họ là những người  khăn đóng mũ, áo dài thâm, quần chúc bầu trắng, chòm râu bạc phất phơ chải chiếu ngồi mài mực trên vỉa hè với những hàng chữ đẹp, uy nghiêm treo trên một dây đỡ sau lưng. Bên nghiên mực, bút lông, ông đồ như dốc hết thần lực của mình vào ngòi bút để rồi từng nét chữ như có thần, chất chứa tâm – tình của bậc Nho gia.

Phố ông đồ ở đường Văn Miếu (Hà Nội) lâu nay đã trở thành một trong những địa điểm được nhiều người đến nhất trong những ngày Tết. Ở đây, ngoài viết chữ bằng mực tàu, giấy đỏ, những “ông đồ” tuổi đời đôi, ba mươi còn đa dạng hóa các hoạt động cho chữ bằng cách vẽ chữ nhiều màu xanh, đỏ để thu hút khách. Giá mỗi bức được dao động từ 100 – 150 nghìn đồng.

Cho chữ, một nét đẹp ngày đầu xuân.

Năm nay do sắp xếp của Ban tổ chức nên đã xuất hiện phố ông đồ “chui” hoạt động rất tấp nập, còn phố ông đồ được tổ chức, cấp phép lại vắng vẻ, thưa thớt hơn nhiều. Cả khuôn viên Hồ Văn, có chưa đầy 30 kiốt được dựng lên nhưng đã có đến 5 kiốt bỏ trống hơ, trống hoác. Những kiốt còn lại, phần đông cũng lèo tèo khách đến thăm quan, xin chữ. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, phần lớn những người ngồi cho chữ ở đây đều là những người cao tuổi, ăn mặc, nói năng, tác phong đều đĩnh đạc, mang dáng dấp của nhà Nho thực thụ.

Tất cả những người đến xin chữ đều có ghế ngồi đàng hoàng. Họ sẽ được các ông đồ đưa cho các mẫu chữ để xem, để chọn. Sau đó, họ còn được nghe các ông đồ từ tốn giải thích chi tiết, cụ thể về ý nghĩa của các chữ đó rồi mới quyết định viết chữ gì. Khi chữ được viết xong và đóng khung cẩn thận, người nhận chữ sẽ tùy tâm mà gửi lại cho ông đồ ít tiền công, tiền giấy, mực, khung gỗ.

Năm nay, các chữ được người dân đến xin cũng tương đối đa dạng. Đối với người trung niên, chữ được xin nhiều nhất vẫn là chữ Phúc, chữ Thọ. Đối với người trưởng thành, chữ Tài, Lộc được xin nhiều hơn cả. Còn các em học sinh, đặc biệt là các em cuối cấp, lại xin các chữ như Tập Khoa, chữ Hiếu,... “Ông đồ giải thích cho em là, em còn nhỏ nên chỉ tập trung vào việc học hành và sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Vì vậy, em đã xin chữ Hiếu này vì em thấy đó là điều quan trọng nhất với em” – Em Thảo, một học sinh lớp 6 ở quận Đống Đa chia sẻ.

Chị Hạnh (nhà ở đường Giảng Võ, quận Đống Đa) xin hai chữ là chữ “Lộc” cho mình và xin chữ “Tài” cho con. Ấy vậy mà khi chữ vừa cầm trên tay, chị rút ra tờ 100 nghìn đồng để gửi ông đồ Nguyễn với hai chữ mà mình vừa xin, ông đồ Nguyễn đã nhất quyết gửi lại chị 50 nghìn đồng trong sự ngạc nhiên của những người chứng kiến. Nếu như cùng 2 chữ ấy mà chị mua ở khu vực phố ông đồ chui ngoài đường Văn Miếu, nó sẽ có giá không dưới 200 nghìn đồng.

“Ai cũng cần tiền để trang trải cho cuộc sống, nhưng lợi dụng kinh doanh quá đáng trên một loại hình văn hóa có truyền thống trang nghiêm như tục xin chữ đầu năm thì tôi và nhiều thầy ở đây không thể làm được như những người khác. Người cho chữ và người xin chữ đều cần một cái tâm và nhận thức đúng đắn. Có chân trọng những chữ mà họ đang cầm trên tay thì cuộc sống của họ mới tốt đẹp như mong muốn được” - ông đồ Nguyễn tâm sự

Cảnh Vũ
.
.
.