“Một người tự xé xác” tái ngộ khán giả Thủ đô

Thứ Sáu, 17/12/2010, 11:43
Đoàn kịch Quảng Ninh sẽ tái ngộ công chúng Thủ đô vở diễn còn đang nồng nàn dư âm sau Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sĩ CAND”: Một người tự xé xác.

Một đoàn kịch xuất thân từ vùng than nhưng lại coi Nhà hát Lớn Hà Nội như Mái nhà ấm cúng của họ. Một đoàn kịch có tới 5.000 đêm diễn, 50 vở kịch dài - trong đó có những vở diễn được đồng nghiệp nể phục, khán giả cả nước lưu danh như Nhân danh công lý, Hà Mi của tôi, Paven Coocsaghin, Lời nguyền biển… Đoàn kịch ấy đang trở lại trong vòng tay yêu thương của khán giả Thủ đô giữa mùa đông ấm áp này với vở diễn còn đang nồng nàn dư âm sau Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sĩ CAND”: Đoàn Kịch nói Quảng Ninh với Một người tự xé xác.

Cảnh trong vở "Một người tự xé xác" của Đoàn Kịch nói Quảng Ninh.

Những ai có dịp theo dõi Liên hoan này đều khẳng định đó là vở diễn xuất sắc nhất trong 19 tác phẩm tham dự. Một người tự xé xác dường như đã cứu rỗi cả một thể loại sân khấu từng một thời lừng danh với Lôi Vũ, Đồng hồ chuông điện Kremlanh, Nila, Những kẻ đốt đền. Các bậc lão làng như Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Doãn Hoàng Giang, Lê Mai hẳn sẽ bớt ngậm ngùi khi chứng kiến khán giả VIP sẵn sàng bỏ ra 1 triệu đồng vào xem một vở chính kịch mà khi tấm màn nhung buông xuống họ vẫn lưu luyến không nỡ vội chia tay. Ma lực nào đã hút hồn khán giả đến thế?.

Tác giả Tôn Ái Nhân đã đưa vào tác phẩm những tình huống gần như có thật về người chiến sĩ CAND phía sau cuộc đấu tranh với bọn tội phạm. Một giám đốc CA tài năng từng có một người vợ hy sinh trong kháng chiến. Họ đã có với nhau một cậu con trai sau này theo nghiệp ông. Mỹ Thương, một cô gái trẻ đẹp từ chối rất nhiều chàng trai theo đuổi đem lòng yêu và trở thành vợ ông. Họ cũng sinh được một cô con gái xinh xắn tên là Diễm Thư. Tình huống kịch xảy ra khi cô vợ trẻ của ông Giám đốc dính vào một vụ án tham nhũng do tên Phan Ổn cầm đầu. Hắn thừa thủ đoạn đối phó vì đã nắm được điểm yếu chết người của vị giám đốc CA. Phan Ổn cài bẫy cho con trai mình lừa yêu con gái giám đốc CA khiến cô này mang thai và định đi tự tử. Vở diễn được đẩy lên cao trào khi giám đốc CA đứng trên vực thẳm chênh vênh giữa 2 con đường chỉ được chọn một. Bảo vệ công lý thì sẽ mất vợ, mất con, mất hết gia đình, chẳng khác nào tự chặt đứt cánh tay của mình. Ở chiều ngược lại, tội ác sẽ thắng nhưng chắc chắn sự nghiệp, danh dự ông sẽ bị chôn vùi.

Khán giả thắt tim chờ đợi vụ đụng độ giữa các thiên thạch, hoặc là các thiên thạch hèn nhát chìm vào hố đen, hoặc là sự va đập tạo nên vụ nổ Bigbang chói lòa vũ trụ. Tất nhiên cái thiện phải thắng, cái ác sẽ bị trừng phạt. Giám đốc CA được coi như đã tự xé xác mình để bảo vệ công lý, giữ vẹn tròn nhân cách cho mình cũng như các đồng nghiệp chân chính. Điều tất yếu đã phải đến khi người vợ chia tay chồng vào nhà giam tự thú trong bối cảnh sân khấu náo động. Tiếng trống ngũ liên thôi thúc như báo động về những bức xúc lớn trong lòng quần chúng hiện nay.

Từ lâu, đề tài về người chiến sỹ CAND trên mặt trận bảo vệ ANTQ đã trở thành đặc sản của Đoàn kịch Quảng Ninh. Mỗi kỳ Hội diễn nghiệp vụ của lực lượng CSGT đường thuỷ toàn quốc, từ một tiểu phẩm dàn dựng do CA tỉnh, Đoàn lại nâng lên thành một vở chuyên nghiệp có chất lượng cao Lời nguyền biển (năm 2000), Sóng nước đời người (năm 2008), năm 2010 là Người tình nguyện. Và cũng chính nhờ thực tế đầy kịch tích này, nhiều nghệ sỹ đã vinh danh sự nghiệp. Cả 5 NSUT của đoàn đều đã từng là nhân vật chính trong vai CA.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội (67 Ngô Sỹ Liên) là con của cặp nghệ sĩ tài danh Lê Tốn và mẹ từng là một tuyệt sắc giai nhân, Bằng Thái (anh trai của ca sĩ Bằng Kiều) từ 3 tuổi đã lon ton theo mẹ lên sàn diễn và gien di truyền đã buộc cái nghiệp nghệ sĩ và thân phận anh.

Học trường Sân khấu điện ảnh cùng thế hệ với Lê Hùng, Trần Bình nhưng Bằng Thái dấn thân vào nghệ thuật theo tính cách riêng, một tính cách xù xì, hết mình, trung thực và đầy nhân bản. Sân khấu với anh không phải là chỗ dạo chơi mà phải cao cả hơn, là nơi lời nguyền nghệ thuật vị nhân sinh phải được thực thi thậm chỉ chấp nhận đánh đổi cả bằng mồ hôi và nước mắt. Vào vai nhân vật Giám đốc CA không chỉ là việc đóng kịch mà là dịp người công dân Bằng Thái có dịp chia sẻ nỗi đau, nỗi bất bình của quần chúng, thắp lên ngọn lửa hy vọng vào cái đẹp sẽ mãi mãi vĩnh hằng. Chỉ tới khi vai diễn của anh đánh thức, đánh trúng tâm can người xem mới có cảnh hàng trăm CBCS CA và khán giả dâng trào cảm xúc, nước mắt nhòa lúc nào không biết. Nhưng cũng là quy luật muôn đời, người tử tế thường hay thua thiệt. Bằng Thái sớm hiểu và thanh thản trước điều đó.

Ở cơ quan với tư cách thủ trưởng anh biết mình lo cho miếng cơm manh áo của anh em, vun trồng cho lớp đàn em mong họ tài giỏi hơn mình. Anh luôn động lòng với trẻ thơ thiệt thòi, với mọi trái ngang thời cuộc. Đêm diễn nào của Đoàn anh cũng trích 5 triệu đồng tặng Quỹ gúp trẻ em nghèo. Về nhà anh thủy chung, tần tảo nuôi  người vợ bị tai biến bao năm trời. Nhân cách nào thì nhân vật ấy. Trước khi tự xé xác mình trong vai diễn, một Bằng Thái đã tự hành xác mình, chấp nhận hy sinh ham muốn đời thường, giảm 8kg trọng lượng để nhập vai một người công minh chính trực. Trong giới nghệ sĩ tên tuổi – đã có ai làm được như thế? Rồi đây trong cuộc hành  trình xuyên Việt thông lệ hàng năm sau tết Nguyên đán, Một người tự xé xác cùng các tiết mục khác của Đoàn kịch Quảng Ninh hy vọng sẽ tạo nên một vệt sao băng trong lòng người hâm mộ.

Được biết cùng với Một người tự xé xác, kịch mục của Đoàn còn có Người tôi yêu (đề tài về doanh nhân), Lời nguyền của biển (đề tài về đấu tranh chống tội phạm) và Lâu đài tuổi thơ (đề tài trẻ em). Bắt đầu từ tháng 3/2011 xuất phát tại Lạng Sơn, các nghệ sỹ vùng than sẽ lưu diễn tại Hải Phòng, TP HCM (đúng dịp 30-4) và dừng chân tại Cà Mau (mỗi nơi 3 đêm).
Gia Bào
.
.
.