Một người Việt là Nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia

Chủ Nhật, 09/04/2006, 08:40

Anh là Lê Phi Phi, con trai nhạc sỹ Hoàng Vân, Nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia và là người Việt duy nhất tại đất nước hơn hai triệu dân này. Thông thạo nhiều ngoại ngữ, làm việc không biên giới, Lê Phi Phi đang là hình mẫu của một công dân thế giới và là niềm tự hào của nhạc giao hưởng Việt Nam.

Có lẽ lúc này, Lê Phi Phi lại đang bận rộn ở một sân bay nào đó trong hành trình chưa ngừng nghỉ của anh - hành trình của những đêm diễn dày đặc vòng quanh trái đất. Cha anh - nhạc sỹ Hoàng Vân - muốn đặt tên anh đẹp như những cánh bay và hôm nay, như cái tên của mình, Lê Phi Phi đã bay lên cùng với âm nhạc.

Anh đã mang một Việt Nam đi xa nhưng trái tim Việt của anh luôn gần gụi. Việt Nam của anh có Hà Nội, có căn gác nhỏ của bố mẹ trên phố Hàng Thùng và những thói quen mà dù xa xứ mấy chục năm chưa một phút nào anh có thể lãng quên.

Cha và con và âm nhạc

Những ngày này, có người nhạc sỹ già tóc bạc mẫn tiệp ngồi đọc nhật báo và ngắm những tàng hoa đại trắng ngần trước thềm nhà. Ông có cái vẻ bình thản của người đi qua cả bom đạn, cả những biến cố gian khó của đời sống và giờ đây yên bình hưởng tuổi già với niềm hạnh phúc của những đứa con thành đạt.

Lê Phi Phi và cha - Nhạc sỹ Hoàng Vân - trong đêm nhạc "Điện Biên Phủ".
Con gái đầu của ông du học bên Pháp, còn cậu con trai út thì đang là "người của công chúng Macedonia". Ông vừa tiễn cậu con trai trở lại nước bạn, sau khi anh về Việt Nam chỉ huy "Đêm nhạc Đức" tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Mỗi năm anh về nhà ít nhất hai lần, về tranh thủ trong những chuyến lưu diễn và về dịp Tết. Còn ông, mỗi năm ông và vợ sang thăm cháu nội một lần. Và đó là những chuyến đi diệu kỳ, bởi ông luôn được là khán giả danh dự của con trai mình khi anh đi lưu diễn, là nhạc trưởng của những dàn nhạc giao hưởng lớn trên thế giới.

Ngồi dưới khán phòng, nhìn cậu con trai "chưa ráo máu đầu" (theo chữ ông dùng) chỉ huy một dàn giao hưởng gồm những giáo sư tóc bạc mà vẫn đĩnh đạc, vị khán giả khó tính thấy tim mình rung lên những nhịp tim mạnh hơn nhịp đàn. Ông biết mình đang hạnh phúc.

Ông già ấy đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn không ngừng sáng tác, ông vừa sáng tác một số ca khúc cho thanh niên. Và năm trước, con trai ông đã về nước, làm chương trình nhạc giao hưởng cho cha tại Nhà hát Lớn Hà Nội, một đêm nhạc giao hưởng "thuần Việt" đầu tiên tại Việt Nam. Hai cha con tranh cãi với nhau rất nhiều về ý tưởng, đó là điều tất yếu trong sự va chạm của hai cái Tôi âm nhạc không giống nhau. Nhưng cuối cùng, cái Tôi chỉ huy của Lê Phi Phi đã lớn hơn, bởi nếu không người chỉ huy dàn nhạc sẽ không thể thành công với đêm diễn.

Nhiều người ra về khi Lê Phi Phi khoát tay khép lại một đêm ấm áp, một đêm của những con đường âm nhạc mà cha anh đã đi qua. Nhưng nhiều niềm cảm phục thì còn ở lại. Trong ánh sáng của tình phụ tử, trong niềm vui của những người bạn đồng hành cùng âm nhạc, cha và con cùng thăng hoa. Cha cho con những nốt nhạc đầu đời và con cho cha niềm vui cùng sự an lòng của người trồng cây đang đón mùa quả ngọt.

Còn giờ này, khi những ngọn gió mùa hè đang đến, ông lại đang chuẩn bị cho kỳ nghỉ cùng con cháu. Ông mong từng ngày để đến kỳ nghỉ hè, để cả gia đình lại có dịp đoàn tụ, để cùng đi nghỉ với con cháu. Nhưng những ngày vui như bóng nắng qua nhanh, nó cho vợ chồng ông cả một trời hy vọng vào một mùa sau. Ông mong chờ và sống trong niềm mong chờ đầy lạc quan ấy.

Năm ngoái, ông phải vào bệnh viện phẫu thuật tim, tưởng như là một biến cố lớn. Nhưng khi ấy, các con ông có mặt, đó như một vùng ánh sáng mạnh đưa ông về lại với cuộc sống, bình thản, khỏe mạnh và say mê.

Lê Phi Phi có những giai đoạn khó khăn trong đời sống. Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, nhiều lời đồn về anh bay về Hà Nội, rằng anh đã vượt biên giới qua Berlin tị nạn. Dòng người đi tị nạn từ Liên Xô khi đó là có thật, những sinh viên cùng khoá với Lê Phi Phi tại Moskva cũng đã có người như thế. Nỗi thất vọng đã bắt đầu lan tỏa. Và chính ông, nhạc sỹ Hoàng Vân, đã phải gọi điện cho con để xác định lại tin tức. Cuối cùng, Giám đốc Nhạc viện Hà Nội khẳng định với sinh viên của trường, Lê Phi Phi không đi đâu cả, anh ở lại học tập và 26 tuổi, anh đã trở thành nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc quốc gia Macedonia. Niềm tin của người cha vào đứa con trai đã không bao giờ bị nguội tắt. --PageBreak--

Một người Việt duy nhất…

Lê Phi Phi là sinh viên người Việt duy nhất được tuyển vào ngành lý luận - sáng tác - chỉ huy của Nhạc viện Traiskovsky. Bắt đầu từ cái nôi đào tạo ấy, anh đã trưởng thành nhanh chóng. Khi anh mới là sinh viên năm thứ ba Nhạc viện, Nhạc trưởng dàn nhạc quốc gia Macedonia đã mời anh về làm tại dàn nhạc này. Những ngày sinh viên của anh thường bộn bề trong gian khó nhưng cũng không hiếm những niềm vui.

Trong những ngày ấy, anh đã quen Lidia, nữ sinh viên Khoa Violon của Nhạc viện. Tình yêu đến nhanh chóng, đến trong những khoảnh khắc bất chợt trên giảng đường, hai ánh mắt chạm vào nhau. Họ yêu nhau, sống trong vòng cương tỏa của tình yêu ấy và vượt qua những trở ngại về địa lý, về ngôn ngữ và màu da một cách dễ dàng. Tình yêu đẹp như những khúc nhạc ban đầu và Lê Phi Phi đã đi theo tiếng gọi màu nhiệm ấy, đi một mạch tàu từ Moskva về tới Macedonia. Họ cùng làm việc trong Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia, anh làm chỉ huy, còn chị là nghệ sỹ biểu diễn, đi diễn cùng nhau, luôn luôn bên nhau và mọi gian khó cả hai cùng chung chịu.

Nhạc giao hưởng ở đâu cũng vậy, không phải ai cũng dũng cảm để theo đuổi đam mê của mình. Tại các nước phương Tây, dù lịch sử âm nhạc vài trăm năm, nhưng những người làm nhạc giao hưởng vẫn vấp phải những khó khăn không nhỏ. Chính vì điều đó mà cả hai người trong gia đình họ phải nỗ lực hơn nhiều. Lịch diễn của anh gần như kín đặc trong năm, trừ những dịp nghỉ lễ. Anh đi vòng quanh thế giới, tham gia giảng dạy tại Viện Âm nhạc…

Tại Macedonia, hai triệu hai trăm năm chục ngàn dân của đất nước này đều quen mặt anh, bởi anh thường xuyên xuất hiện trên truyền hình. Những người cảnh sát trên đường phố, những người phụ nữ bán hàng ngoài chợ và cả những người nông dân trên đồng ruộng đều nhận ra Lê Phi Phi và anh không bị đơn lẻ trong vòng quay của những người da trắng tóc vàng xứ lạnh. Người dân Macedonia thân thiện và đội ngũ những người lãnh đạo đất nước này được trẻ hoá mạnh mẽ và buổi chiều người ta có thể bắt gặp Thủ tướng hay Tổng thống ngồi trên quảng trường uống bia với bạn bè. Sự ổn định của đời sống ở đất nước này khiến cho Lê Phi Phi tạm yên tâm với công việc của mình.

Tình yêu còn lại

Rất nhiều người trong số những nghệ sỹ giao hưởng tại Việt Nam đều biết đến Lidia. Chị là một phụ nữ Tây phương nhưng mang đậm tâm hồn Việt. Lidia yêu Lê Phi Phi và yêu luôn cả những thói quen của anh. Rất ít người châu Á tại Macedonia nên những quán ăn Tàu hay cơm Việt là điều không tưởng. Thế nên, tại đất nước này hàng ngày chỉ có một nồi cơm Việt sôi đều, đó là nồi cơm của Lidia. Chị học cách cuốn nem, làm dưa muối, ăn nước mắm và nấu bún thang cho chồng.

Adam Linh, con trai của anh chị cũng giống mẹ, sinh ra tại Macedonia nhưng cậu đã quá quen thuộc với những món ăn Việt Nam. Tết nào về Việt Nam, chị cũng toát mồ hôi để chọn lá dong, gói bánh chưng và bày mâm ngũ quả. Lidia mê nhất là bánh chưng và sau mỗi kỳ nghỉ Tết, chị lại mang theo những chiếc bánh chưng xanh thơm thảo trên hành trình về lại quê nhà.

Lê Phi Phi tự hào vì anh đã "thuần Việt" được Lidia, nhưng có lẽ chị tự nguyện "thuần Việt" thì đúng hơn. Những chuyến về Việt Nam, trong va li của Lê Phi Phi luôn đầy ắp những gia vị như húng lìu, hạt tiêu, tương ớt và cả nước mắm… Và khi nào hết, con trai anh lại lên mạng và "chat" với ông bà để nhắn ông bà gửi đồ sang. Thế nên, dù là mùa hè hay mùa đông ngập tràn tuyết, căn bếp của Lidia  - Lê Phi Phi vẫn ấm sực những mùi vị thân thuộc của quê nhà.

Tình yêu của hai người bắt đầu từ âm nhạc và có lẽ âm nhạc sẽ đưa họ đi cùng nhau. Lidia về lại Việt Nam như về quê hương thứ hai của chị. Và chị đặc biệt được lòng gia đình nhà chồng. Những ngày Tết, cả gia đình chị cùng hồi hộp chờ giao thừa, đi chùa hái lộc và cũng cầu khấn mọi bình an đến với mình.

Ước mong ngày trở về

Cho dù đi bất cứ nơi nào, chỉ huy dàn nhạc nào thì phần giới thiệu chương trình, Lê Phi Phi vẫn trân trọng ghi mình đến từ Việt Nam. Đó không chỉ là nguồn cội, mà đó là niềm tự hào của riêng anh. Năm 2004, anh là 1 trong 19 Việt kiều được báo Vietnamnet bầu chọn "Vinh danh nước Việt". Anh nghe tin đó thấy hạnh phúc, nhưng lại thấy mình mắc nợ nhiều hơn, vì anh chưa làm được gì nhiều cho Việt Nam. Và trong anh lúc nào cũng thường trực một ngày trở về. Bởi Việt Nam có Hà Nội, nơi anh sinh ra và lớn lên, Hà Nội đã quyến rũ cả phần còn lại của anh bằng những hình ảnh và thói quen thường nhật nhất. Trở về, đó là điều anh đã giữ trong lòng thật chắc. Việt Nam chưa bao giờ là ký ức của Lê Phi Phi...

Dương Bình Nguyên
.
.
.