Một ngày, hai nhạc sĩ ra đi

Thứ Hai, 29/06/2015, 18:53
Trưa 29/6, sau sự ra đi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nền âm nhạc Việt Nam lại phải tiễn đưa một tên tuổi khác là nhạc sĩ Phan Nhân về miền cực lạc.

Nhắc đến các bài hát về Hà Nội, không thể thiếu ca khúc “Hà Nội - niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân, một tác phẩm đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người yêu nhạc và nhất là, trong trái tim những người yêu Hà Nội, với những lời ca đi vào lòng người: “Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng/Của núi sông hôm nay và mai sau…Ôi Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây! Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông..”Ông còn có nhiều tác phẩm được công chúng yêu mến:“Tình ca đất nước”, “Cây đàn ghi-ta của Victor Hara”, “Nhớ về Pắc Bó” … Nhiều ca khúc cho thiếu nhi của ông như “Chú ếch con”, “Hàng cây ơn Bác” từng có mặt ở hầu khắp các ngôi trường và đến nay, vẫn tiếp tục vang ngân trong lòng các em nhỏ.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân.

Nhạc sĩ Phan Nhân (tên đầy đủ là Nguyễn Phan Nhân) sinh ngày 15/5/1930 tại Long Xuyên, An Giang. Ông tham gia kháng chiến từ sớm và tập kết ra Bắcvào năm 1954, rồi lại ra Hà Nội, làm biên tập viên âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Đất nước thống nhất, ông mới trở về Nam sinh sống.

Ông đã xuất bản “Tuyển chọn ca khúc Phan Nhân” (NXB Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam) và album Niềm tin và hy vọng. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn họcnghệ thuật , Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc, cùng nhiều huy chương và giải thưởng khác vv…

* Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam, người được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam" và được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đã ra đi vào sáng 29/6, ở tuổi 91, sau một đêm hôn mê sâu vì bệnh,

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng. Ông sáng tác rất sớm, từ năm 16 tuổi và đến năm 18 tuổi, nhiều ca khúc của ông đã được biết đến như Trầu Cau. Trong kháng chiến chống Pháp, tên tuổi ông gắn với với ca khúc “Đoàn Vệ quốc quân” (tên ban đầu là Đoàn Giải phóng quân) được ông sáng tác năm 1945, nhưng về sau, ông lại được biết đến với hàng loạt ca khúc trữ tình. Nhiều tác phẩm của ông có sức lan tỏa rất lớn, như  “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Thuyền và biển”, “Bóng cây Kơnia”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Anh ở đầu sông em cuối sông” vv… Ông còn có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi: “Đội kèn tí hon”, “Những em bé ngoan”, “Nhớ ơn Bác” vv…

Ông từng đoạt giải Đặc biệt trong cuộc thi sáng tác do NXB Kim Đồng tổ chức với tổ khúc Đồng dao (5 bài), giành Huy chương vàng trong hội diễn ngành giao thông vận tải vv…

Giai điệu trong các nhạc phẩm của Phan Huỳnh Điểu trau chuốt, trữ tình, kể cả trong thể loại hành khúc. Nhiều tác phẩm thơ đã được biết đến nhờ ông phổ nhạc. Các tên tuổi lớn của làng âm nhạc như NSND Quốc Hương, NSƯT Vũ Dậu là những nghệ sĩ thể hiện thành công nhiều tác phẩm của ông. Đóng góp của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cho nền âm nhạc nước nhà là không nhỏ và Giải thưởng Hồ Chí Minh là sự ghi nhận xứng đáng với người nhạc sĩ tài danh.

Năng lực sáng tác của người nhạc sĩ lớn rất đáng kính trọng, khi đã ở tuổi 87, ông vẫn còn sáng tác những ca khúc về tình yêu. Dường như với ông, tình yêu âm nhạc luôn trẻ mãi. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn cho người yêu nhạc, cũng như cho nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng, những tác phẩm của ông vẫn đi cùng năm tháng, tiếp tục dệt lên tình yêu, tinh thần lạc quan cho cuộc đời.

Dạ Miên
.
.
.