Một giờ với huyền thoại sống Điểu Lên

Thứ Sáu, 05/09/2014, 12:56
Ở tuổi ngoài 70 nhưng già làng Điểu Lên-dũng sĩ Stiêng bất khuất ở căn cứ Nửa Lon một thuở, vẫn giữ được sức vóc thanh niên. Nhiều người xem ông là “huyền thoại sống ở sóc Bom Bo” bởi từ năm 15 tuổi, Điểu Lên đã theo bộ đội Bok Hồ chống giặc, và đến ngày đất nước được giải phóng, ông có đến 2 lần được phong danh hiệu anh hùng. Nhưng chuyện về ông-già làng Điểu Lên, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Bình Minh, không chỉ dừng lại ở những trận đánh đi vào huyền thoại!

Ly kỳ chuyện trả lại tên cho làng

Ngôi nhà khang trang của già làng Điểu Lên nằm đối diện Trường Tiểu học Bom Bo, trường tọa lạc trên ngọn đồi thơ mộng mà ở giữa sân nhà của già, nghe rất rõ tiếng trẻ bi bô đánh vần theo lời cô giáo. Không như lần gặp của hơn 5 năm trước, huyền thoại sống ở sóc Bom Bo giờ đây rất vui. Ông vui vì sau một quãng thời gian bị “lạc” tên, Bom Bo lại được là Bom Bo như những tháng ngày xưa cũ.

Chiều muộn, biết có khách ở phố ghé thăm, già làng Điểu Lên (69 tuổi) hân hoan lắm. Chuyện xưa chuyện nay đan xen, qua lời ông chuyện trò, mới rõ đã có một dạo địa danh Bom Bo là nỗi khổ tâm của người dân sóc Bom Bo. Chuyện rằng trước năm 2012, thôn Bom Bo của xã Bình Minh (huyện Bù Đăng) bây giờ là thôn 1. Bị “lạc” tên như thế, người dân Bom Bo nói riêng, các già làng ở xã Bình Minh nói chung không ưng bụng, kiến nghị cấp trên giữ lại tên Bom Bo ngày xưa để giữ gìn bản sắc văn hóa, cũng như giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Cuối cùng, sau gần 10 năm mong đợi, niềm mong mỏi sóc Bom Bo được lại là Bom Bo chứ không phải thôn 1 của người dân Bom Bo đã được mãn nguyện. Cận cuối năm 2012, chính quyền huyện Bù Đăng đã long trọng tổ chức đổi tên thôn 1, xã Bình Minh thành thôn Bom Bo.

Huyền thoại sống Điểu Lên với kho báu ché - tố.

Cách Sài thành hơn 150km, tìm về địa danh Bom Bo ngày nào, trò chuyện với già làng Điểu Lên, tôi được rõ hơn về hành trình đòi lại tên cho sóc cho làng khá ly kỳ ấy. Người dân Bom Bo kể lại rằng mấy hôm trước ngày thôn 1 được trả lại tên Bom Bo, cả làng ai cũng thao thức, nhiều người, nhất là những người già thức suốt đêm vì niềm vui sướng dâng trào, vì Bom Bo được lại là Bom Bo chứ không lẫn vào đâu được. Có già làng kể hôm được trả lại tên, làng mở tiệc linh đình, mọi người cùng uống rượu cần, ăn thịt nướng…. trong tiếng chiêng rộn rã, tươi vui như cái thuở buôn làng ở căn cứ Nửa Lon lúc đẩy lui trận càn của địch.

“Bom trong Bom Bo là bom đạn”

Hầu như những ai yêu thích bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo, yêu mến tấm lòng trong sáng ngày đêm giã gạo nuôi bộ đội dưới ánh đuốc lồ ô của người dân Bom Bo đều tận tường chuyện mong mỏi trả lại tên... ly kỳ ấy. Nhưng cái tên Bom Bo xuất phát từ đâu, ý nghĩa gì thì chẳng mấy ai tường tận. Theo giải thích của chị Điểu Hà Hồng Lý (Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Đăng) thì tên gọi sơ khai của sóc ngày trước có nghĩa tên của một ngôi làng có ống nước lồ ô chảy từ khe suối. Sau này do chiến tranh ác liệt, do bị máy bay địch ngày đêm dội mưa bom nên làng được gọi là Bom Bo. Già làng Điểu Lên giải thích: “Bom ở đây có nghĩa bom đạn”.

Những trang sử hào hùng của sóc Bom Bo một thuở cho biết vào giữa năm 1963, trước sự ruồng bố gắt gao của địch vì không chịu vào ấp chiến lược, hơn 100 đồng bào của sóc Bom Bo đã bí mật băng rừng vào căn cứ Nửa Lon giúp đỡ cách mạng. Năm 1989, 102 hộ đồng bào Stiêng ở Bom Bo di chuyển từ căn cứ Nửa Lon về lại sóc Bom Bo cũ (thôn Bom Bo bây giờ - PV). Bây giờ, thôn Bom Bo có đến 348 hộ với gần 1.700 nhân khẩu, riêng người Stiêng có 159 hộ với 822 khẩu, số khẩu còn lại là các dân tộc Kinh, Cao Lan, Tày, Nùng… đến từ các tỉnh phía Bắc. Già làng Điểu Lên cho biết tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống của người Stiêng ở Bom Bo đổi thay từng ngày. Chuyện đói ăn, đói muối đã lùi xa vào dĩ vãng. Ông nói người Stiêng ở Bom Bo sống hòa hợp với các dân tộc anh em khác, cùng giúp đỡ nhau tiến bộ và luôn đau đáu chuyện làm giàu.

Tiếng thở dài dưới chân đỉnh Yumbra

Hỏi già làng Điểu Lên, giờ đây, điều gì làm ông bận tâm, trăn trở nhất, con người của những huyền thoại thoáng lộ nhiều suy tư. Ông trải lòng rằng theo thời gian, khi cuộc sống thị thành tràn về buôn làng, những bản sắc văn hóa Stiêng thuần chất ít nhiều bị mai một, biến dạng. Dù được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng Khu Bảo tồn văn hóa người Stiêng, dù lòng rất vui nhưng từ những lời ruột gan của ông, mới thấy hàm chứa lắm nỗi ưu tư về những điệu chiêng, những điệu múa chiêng cùng làn điệu dân ca... mai này chỉ còn là chuyện kể. 

Trong nhà huyền thoại sống Điểu Lên, chúng tôi gặp nhiều ché rượu quý từng được người Bom Bo đổi bằng trâu mộng mới có được và từng gắn với tục hỏi vợ của các chàng trai Stiêng. Chúng tôi cũng gặp trong nơi ở của huyền thoại sống một thuở những nhạc cụ cổ truyền của người Stiêng như chiêng, kèn bầu, đàn lồ ô... Chạnh lòng khi biết rằng ở Bom Bo bây giờ, Điểu Lên là người giàu chiêng ché, có nhiều đồ xưa nhất bởi những món đồ đậm dấu ấn Stiêng ấy nhiều gia đình đã thờ ơ, vứt bỏ từ lâu. Bây giờ tìm được người trẻ ở làng biết gõ chiêng, biết hát dân ca, biết thổi kèn bầu... chỉ là chuyện mơ tưởng.  

Với tài nghệ của mình, già làng Điểu Lên thừa khả năng truyền dạy cho lớp con cháu những tinh túy Stiêng. Lòng ông đã rõ, khát vọng truyền lửa trong ông đã tỏ, nhưng tìm được người trẻ có tâm huyết, hết lòng với bản sắc cha ông khó như chuyện xuống đáy bể mò kim... Già làng Điểu Lên sợ rằng mai này ông và lớp người già ở làng về với tổ tiên, ánh lửa Stiêng với những truyền thống, những nét tinh hoa đậm bản sắc của dân tộc mình sẽ lụi tàn theo năm tháng!

N.T.Dũng
.
.
.