Nghệ nhân Liêu Si Nê (Sóc Trăng):

Một đời giữ gìn nghệ thuật Khmer

Chủ Nhật, 01/02/2015, 09:26
Nghệ nhân Liêu Si Nê (còn gọi là Ba Nê, ngụ ấp Bờ Đập, xã Viên An, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) có 40 năm gắn bó với nhạc cụ và âm nhạc truyền thống Khmer. Ông được cộng đồng nơi đây trìu mến gọi là “Báu vật sống” giữa đời thường.

Không chỉ đơn thuần là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống dân tộc Khmer, nghệ nhân Ba Nê (80 tuổi) còn là thầy của bao thế hệ nghệ sĩ dân tộc Khmer ở Sóc Trăng. Đoàn Nghệ thuật quần chúng Chông Prêk của ông trước đây từng nổi tiếng khắp vùng.

Theo nhiều nghệ nhân cao tuổi, hồi đó hễ nghe nhắc tới Ban nhạc Chông Prêk là nhiều người tìm đến thưởng thức ngón nghề của Ba Nê và cũng để xin học nghề. Trong số học trò theo ông Nê học nhạc, hơn nửa số đó bây giờ vẫn còn mưu sinh với nghề, góp phần giữ gìn hồn cốt âm nhạc dân tộc Khmer.

Trò chuyện cùng học trò của ông, chúng tôi cảm nhận được nhiều hình ảnh xúc động, nghe được nhiều lời cảm ơn tự đáy lòng học trò đối với người thầy từng cưu mang, không quản vất vả truyền nghề cho họ. Ðó là những học trò đã theo ông bôn ba khắp nơi từ thuở âm nhạc truyền thống không bao giờ thiếu trong các buổi lễ, đám tiệc của đồng bào Khmer. Tất cả cũng vì lòng cảm phục, biết ơn người đã dìu dắt học nghề để thỏa lòng yêu nghệ thuật và cả cuộc mưu sinh.

Nghệ nhân Ba Nê.

Nhớ lại quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình, nghệ nhân Ba Nê rất biết ơn người vợ từng tảo tần chăm sóc con cái để ông đi biểu diễn. Bà còn nuôi ăn, cho ở cả những học trò nghèo hiếu học lúc bấy giờ.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ông đã bén duyên với âm nhạc dân tộc Khmer từ nhỏ. Ông Ba Nê tìm tòi, học hỏi cách chơi các loại nhạc cụ, như: Cồng Pét-Kuông-Thôn; Rô-Niết-đek cho đến cây đàn Tà-khê, đàn Khưm; đàn thuyền Rô-Niết-ek, Rô-Niết-thung; trống Sakhôsomphô, Sakhô-thôm; kèn Srô-Lây và Srô-Lây-Thung...

Năm 40 tuổi, với niềm say mê, khát khao được đem nghệ thuật sân khấu Dù-kê của người Khmer đến với nhiều người, ông Ba Nê lập đoàn nghệ thuật với thành viên lên đến gần 50 người. Ông Sơn Hoàng Xinh, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Chông Prêk, cho biết: “Đoàn nghệ thuật do chú Ba Nê thành lập thường đi biểu diễn ở các nơi vào các dịp lễ truyền thống của dân tộc Khmer, như: lễ dâng y cà sa, cầu an cho phum, sóc; lễ Đôlta; Ooc-om-boc, Chôl Chnăm Thmây hay lễ cưới hỏi, hạ thủy ghe Ngo... Không chỉ biểu diễn ở địa phương, mà đoàn còn đi biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL”.

Trong gian nhà nhỏ, ông Ba Nê vẫn lưu giữ những bộ nhạc cụ quý giá của mình. Những bộ nhạc cụ đã đi theo ông suốt bao năm tháng, qua nhiều vùng quê, mang tiếng đàn, điệu nhạc đến cho đời. Có thể xem đây là bảo tàng thu nhỏ, là tài sản của gia đình mà hằng ngày ông vẫn rèn dạy cho thế hệ trẻ cách sử dụng, giữ gìn. Có những nhạc cụ đã mòn theo thời gian. Mỗi lần nhớ nghề, ông lại bảo con cháu lôi ra, ngồi chơi lại những giai điệu bay bổng một thời. Ước nguyện của cuộc đời người nghệ sĩ là dù khó khăn, vất vả bao nhiêu thì thế hệ sau này vẫn phải bảo tồn vốn âm nhạc quý giá của dân tộc...

Ông là niềm tự hào, là nguồn động viên để nhiều lớp trẻ hôm nay hướng tới. Tuy đã già, mắt không còn sáng, nhưng ông Ba Nê vẫn giữ kỹ từng loại nhạc cụ từ xưa. Khi chúng hư hỏng, ông tự mày mò sửa lại, tự kiếm vật liệu để làm mới. “Ðối với người chơi nhạc truyền thống, phải có sự cộng hưởng, tất cả mọi người phải cùng một mối tri tâm, có vậy nhạc mới có hồn, mới hòa vào nhau. Lúc đó, âm nhạc mới là cầu nối giữa giá trị văn hóa và con người”, nghệ nhân Ba Nê tâm sự.

Văn Đức
.
.
.