Một công an viên xin hiến thận cho HLV A.Riedl

Thứ Hai, 14/08/2006, 08:03

Ngay sau khi đọc báo CAND về việc HLV A.Riedl bị suy thận, anh  Hoàng Định, một công an viên xã ở Hà Tây, đã viết đơn xin được hiến thận. Trong lá đơn, anh Định còn tái bút: "Nếu ước nguyện của tôi không thực hiện được với ông Riedl, tôi có thể hiến tặng cho một người khác để cứu họ".

Anh tên Định, 34 tuổi, hiện đang là Công an viên của xã. Anh là một fan cuồng nhiệt của bóng đá Việt Nam. Anh sôi nổi, sôi nổi một cách bất ngờ khi nhắc lại những ký ức về SEA Games 18,  SEA Games mà anh lần đầu tiên xem đội tuyển thi đấu qua chiếc tivi đen trắng.

Tôi hỏi: "Có phải vì yêu bóng đá quá mà anh sẵn sàng hiến thận cho HLV trưởng của đội tuyển bóng đá Việt Nam?". Anh bảo: "Đúng vậy, tôi rất mong được nhìn thấy đội tuyển của chúng ta chơi đẹp, càng mong hơn nếu một ngày nào đó chúng ta được tham gia những sân chơi lớn, ví dụ như World Cup. Mới đây, qua Báo CAND tôi biết rằng có 2 cầu thủ Nam Mỹ xin nhập quốc tịch Việt Nam, vậy thì tại sao một người Việt Nam như mình lại không đóng góp cho đội tuyển được chứ?". Thế mới biết người hâm mộ xứ mình cũng yêu bóng đá, và cũng sẵn sàng sống chết với bóng đá lắm.

Anh Hoàng Định (Hà Tây)

Tôi có ý định hiến thận từ rất lâu rồi, nghe thấy ông Afred Riedl (HLV trưởng đội tuyển Việt Nam) bị suy thận, tôi liền gọi điện đến Báo CAND để bày tỏ mong muốn của mình. Nếu như việc này vì một lý do nào đó không thực hiện được thì tôi cũng sẵn sàng hiến thận của mình cho những người khác, chẳng hạn như những bệnh nhân đang chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Phần lớn đều là những người nghèo khổ, họ là đồng bào của tôi, sống cùng đất nước tôi, dân tộc tôi, vậy thì tại sao lại không giúp đỡ họ được chứ?

Nhưng mọi chuyện không chỉ có vậy, trong lá đơn xin được hiến thận, anh Định có viết một dòng tái bút: "Nếu ước nguyện của tôi không thực hiện được với ông Riedl, tôi có thể hiến tặng cho một người khác để cứu họ". Điều này có nghĩa là nghĩa cử cao đẹp của anh đâu chỉ xuất phát từ một tình yêu bóng đá, dường như cao hơn thế và mãnh liệt hơn thế, nó còn là một cái gì đó thuộc về "tình người", "tình đời".

Anh Định tâm sự: "Mẹ tôi là một người theo đạo Phật, từ nhỏ bà đã dạy chúng tôi phải lấy "phúc đẳng hà sa" làm nguyên tắc sống. Bởi thế tôi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để giúp mọi người".

Phút bàng hoàng và một đêm câm lặng…

Bàng hoàng! Anh Định nhấn đi nhấn lại hai chữ "bàng hoàng" để nói về cảm giác của mình khi nghe tin ông Riedl bị suy thận. Anh kể: "Khoảng 4h chiều, đọc Báo CAND, thấy tin này thực sự tôi bàng hoàng quá. Ngay lập tức tôi đã gọi điện tới báo để nhờ quý báo chuyển tới LĐBĐVN và ông Riedl mong muốn của mình…".

"Anh gọi điện mà không hề hỏi ý kiến chị nhà sao?". Anh Định lặng đi một chút, chị Thành vợ anh liền thổ lộ: "Lúc ấy tôi đang nấu cơm chiều, thấy chồng về bảo là đã gọi điện cho báo, bày tỏ nguyện vọng được hiến thận, thực sự tôi vô cùng sửng sốt. Sống với anh ấy đã lâu, tôi hiểu anh là một người nhân hậu, nhưng không thể tưởng tượng nổi anh lại đưa ra quyết định này…". Chính vì cái sự "không tưởng tượng nổi" ấy mà anh chị đã có một đêm không chợp mắt, một đêm mà hai người quay về hai phía để mà ngẫm nghĩ, suy tư…

Đêm ấy, trong lòng chị Thành có một cuộc chiến dữ dội: cuộc chiến giữa sự vui mừng và một nỗi buồn gai cả sống lưng. Vui vì chồng đã có một nghĩa cử nhân hậu. Buồn vì không biết rằng nếu nghĩa cử đó được thực hiện thì "sức khỏe anh có ảnh hưởng gì không?", "Hai vợ chồng liệu có thể tiếp tục sinh cháu được không?"….

Nhưng cho đến sáng hôm sau, khi mà hai vợ chồng ngồi đối diện với nhau để chia sẻ thì chị hoàn toàn ủng hộ anh. Chị cùng ký vào lá đơn xin hiến thận của anh. Và chị cũng sẵn sàng thay anh hiến thận nếu vì một lý do nào đó mà anh không thể thực hiện việc hiến thận cho ông A.Riedl được

Trần Hằng - Trịnh Phan
.
.
.