Một chặng đường thơ Hà Nội

Thứ Ba, 29/09/2009, 14:18
Sau tròn một năm, cuộc thi "Thơ về Hà Nội" hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội do Tuần Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) và Đài PT -TH Hà Nội phối hợp tổ chức, đã có những dấu hiệu đáng mừng. Đó là nhận định của nhà văn Nguyễn Trí Huân, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, đồng Trưởng BTC trong lễ sơ kết nửa chặng đường cuộc thi "Thơ về Hà Nội", ngày 26/9.

Hơn 2.000 tác phẩm từ khắp mọi miền đất nước gửi về tham dự cuộc thi với gần 200 tác phẩm được công bố trên Báo Văn nghệ và Đài PT-TH Hà Nội, đã cho thấy sức hút của cuộc thi với những người cầm bút. Dường như, những người làm thơ, yêu thơ ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài đều luôn ngập tràn tình yêu và nỗi nhớ Hà Nội.

Bao ký ức trong trẻo, bao hoài niệm mong manh chợt dồn thành nỗi nhớ dịu ngọt mà se sắt về Hà Nội thân thương trong những tâm hồn xa xứ: "Đâu xao xác heo may chiều quán nhỏ/Tiếng leng keng tàu điện bến tan tầm/Giọng rao bánh buồn như câu vọng cổ/Lối em về thoang thoảng hương lan" (Nguyễn Huy Hoàng, Liên bang Nga).

Cảm hứng được các tác giả khai thác triệt để là cảm hứng sử thi, cảm hứng lịch sử của vùng đất nghìn năm tuổi, để người đọc bắt gặp những thoáng bâng khuâng trước sương khói Tây hồ hay chỉ âm vang tiếng đập cánh của bầy sâm cầm mênh mang trên mặt nước, hoặc những chiêm nghiệm lắng sâu từ truyền thuyết trả gươm của vua Lê trên hồ Lục Thủy.

Các tác giả được tặng thưởng trong chặng đường đầu của cuộc thi "Thơ về Hà Nội"

Dường như, nỗi hoài niệm nhuốm một chút xót xa, tiếc nuối như còn vương trong nhiều tâm hồn mỗi khi nhớ về Hà Nội, như cảm tác trước Ô Quan Chưởng của nhà thơ Ngô Văn Phú: "Nhà cao ốc mọc quanh đại lộ/Riêng ở đây sót một cổng tò vò/Để ai đó mỗi khi qua phố cổ/Hơn một lần man mác nhớ ngày xưa" vv…

Hơn 2.000 bài thơ viết về Hà Nội là hơn 2.000 ký ức, cảm quan lịch sử của mỗi cá nhân về mảnh đất địa linh nhân kiệt, với cách diễn đạt cũng rất đa dạng, nhưng lại có chung một điểm là tình yêu thiêng liêng với Thủ đô ngàn năm văn hiến, cho thấy sự cộng sinh, hiệu ứng giữa các tác giả với BTC cuộc thi.

Song, dẫu đã có những dấu hiệu tốt đẹp ở nửa chặng đường đầu tiên của cuộc thi đầy ý nghĩa bên thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long -Hà Nội, vẫn phải thừa nhận rằng, có tới hơn 2.000 bài thi cùng gần 200 tác phẩm được công bố, nhưng cuộc thi thu hút rất đông người tham gia này vẫn rất thiếu vắng những bài thơ gây được ấn tượng mạnh trong lòng bạn đọc.

Dường như, những đỉnh cao thơ về Hà Nội đã có của Bà huyện Thanh Quan, của đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, vẫn là những thách thức với các tác giả. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Phó Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, phụ trách Ban sơ khảo, nhận xét: Đề tài về Hà Nội giàu chất sử thi nhưng cách khai thác của số đông các tác giả còn chung chung, dễ dãi. Không ít tác giả nghiêng về cảm hứng ngợi ca mà xem nhẹ sự thăng hoa của tâm hồn, của câu chữ.

Khắc phục được những điểm đó, mới hy vọng, lễ tổng kết cuộc thi sẽ trở thành một trong những hoạt động khởi đầu cho dịp Đại lễ của dân tộc và thơ ca sẽ cất lên tiếng nói sang trọng, linh thiêng và hào hoa, đồng điệu với tâm hồn người Hà Nội trong những ngày hội lớn.

BTC cũng đã trao tặng thưởng cho 15 tác giả tiêu biểu, đại diện cho các lứa tuổi, vùng đất, giọng điệu và khuynh hướng sáng tác, những người đã đóng góp tích cực cho kết quả giai đoạn đầu của cuộc thi

Thanh Hằng
.
.
.