Một chân dung khác của Thành Long

Thứ Ba, 26/04/2005, 08:35

Thành Long, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới không chỉ biết tung ra những cú đấm nảy lửa trên phim mà còn rất có duyên trong lĩnh vực kinh doanh. Với anh, kinh doanh chỉ là “thú tiêu khiển” nhưng cũng đủ làm cho hầu bao của anh ngày càng nặng.

Ngoài khoản thù lao từ phim trường (nhận được mỗi phim trung bình 3-4 triệu USD), Thành Long còn có những khoản thu khác đáng kể ngoài điện ảnh. Hơn cả ngôi sao cựu trào Alain Delon của Pháp và vận động viên chơi golf Arnold Palmer (hai người nổi tiếng dùng tên tuổi mình cho dịch vụ quảng cáo), Thành Long hiện thu hoạch đáng kể từ các sô quảng cáo cho nhiều công ty đa quốc gia như Hitachi, Mitsubishi, Mountain Dew... (nhận được trung bình 1 triệu USD cho 30 giây phim quảng cáo).

Khả năng biết làm ăn của Thành Long có thể ghi nhận từ kế hoạch thâm nhập nước Mỹ của anh. Khi lang thang sang Mỹ làm phim, Thành Long biết rằng ở xứ này ai thèm để ý đến một diễn viên Hồng Công như anh, bởi vậy, Thành Long đã thuê Công ty William Morris tổ chức kế hoạch lăngxê mình. Nhờ đó, hiện tại, tên và hình ảnh Thành Long đã xuất hiện không những trên màn bạc mà còn hiện diện trong truyện tranh và cả trò chơi điện tử, chưa kể quyển tự thuật được phát hành bởi nhà xuất bản Ballantine.

Nhưng không thể nói rằng các “phi vụ” nhỏ nhoi như thế là chuyện làm ăn của Thành Long được. Gặt hái đầu tư của Thành Long nằm ở chỗ khác. Thành Long cùng một số ngôi sao Hồng Công mở một dây chuyền nhà hàng mà nhà hàng đầu tiên đã khai trương ở Quảng Châu (Trung Quốc) hồi tháng 11/1997. Thành Long góp vốn đáng kể vào Thành phố ngôi sao hoàng đế - khu phức hợp văn phòng - giải trí ở Thượng Hải, khai trương hồi năm 2000. Anh cũng là ông chủ của dây chuyền Jackie's Kitchen chuyên cung cấp hàng nấu ăn tại thị trường Nhật. Anh còn hợp tác liên doanh để mở Bobo Tea (nhà hàng), JC RalliArt (quần áo), Media Asia Consumer Products (hàng tiêu dùng)... Triết lý kinh doanh của Thành Long dựa vào nền tảng uy tín và sự tin cậy lẫn nhau.

Trong suốt những năm cộng tác với Hãng Gia Hòa, hai bên chưa từng ký một văn bản hợp đồng nào. Tất cả chỉ thương thảo bằng miệng và bằng sự thành thật. Ở Mỹ, một ngôi sao cần có ít nhất 3 người điều hành (chuyện làm ăn, tài chính và quảng cáo). Nhưng cho đến nay, bên cạnh Thành Long chỉ có hai người bạn thân giúp thực hiện tất cả mọi hoạt động liên quan từ phim trường đến kinh doanh.

Đôi khi, việc hợp tác kinh doanh dựa trên tình bạn đã nảy sinh ngoài sự tính toán. Chẳng hạn, có lần, do bị người ái mộ tấn công dữ dội, Thành Long đành nhảy vào cửa hàng quần áo Lily Simon để trốn tạm. Từ đó, tình bạn giữa Thành Long và Simon nảy nở và kết quả là liên doanh JC RalliArt ra đời.

Thành Long cũng là người đầu tiên kêu gọi các ngôi sao Hồng Công hùn vốn để mở một công viên chủ đề phim ở châu Á. Và chính anh cũng là một trong số 40 ngôi sao thành lập nên dây chuyền nhà hàng mô phỏng theo kiểu của Tập đoàn Planet Hollywood của Mỹ (một ở Quảng Châu và một ở California). Làm ăn là chuyện “tiêu khiển”, như Thành Long từng nói, đóng phim mới là đam mê của anh. Nhờ Hãng William Morris môi giới, Thành Long từng cộng tác lần đầu tiên với một hãng của Mỹ (New Line Cinema) để cho ra đời phim Rush Hour (phần ba phim này dự kiến tung ra năm 2006).

51 tuổi, làm chủ hàng loạt doanh nghiệp, đóng và đạo diễn khoảng 100 phim và nhất là tự diễn những pha cực kỳ nguy hiểm, nên Thành Long có hàng triệu khán giả ái mộ, đặc biệt là giới nữ. Thành Long quả thật không hổ danh là “người hành động”

Anh Vũ (Tổng hợp)
.
.
.