Một Thủ đô tích hợp tâm linh

Chủ Nhật, 01/06/2008, 13:30
Việc mở rộng Hà Nội sang toàn bộ địa giới tự nhiên của tỉnh Hà Tây cũng đồng thời là sự tích hợp các yếu tố văn hóa tâm linh của xứ Đoài vào văn hóa Thăng Long, vì Hà Nội và Hà Tây cùng nằm trên một vùng đất địa linh theo quan niệm phong thủy, cùng có lịch sử phát triển trên nền móng tâm linh là văn hóa Phật giáo, cùng tổ chức không gian xã hội theo hệ thống làng nghề. Như vậy, Hà Nội mở rộng sẽ có thêm một hệ thống chùa chiền nổi tiếng như chùa Thầy, chùa Hương, chùa Tây Phương... cùng hệ văn hóa với các chùa chiền Hà Nội sẽ được đưa vào hệ thống du lịch văn hóa và sinh hoạt tín ngưỡng của Thủ đô.

Bàn về dự án mở rộng Hà Nội, đã có nhiều ý kiến sắc sảo và quyết liệt tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng nổi trội lên vẫn là hướng tiếp cận mang tính bi quan - giải thiêng trên hai lĩnh vực dân chủ và thực dụng, từ chuyện lòng dân tới chuyện nghiên cứu và quản lý, chuyện buôn bán đất đai và mua bán chức quyền. Những người lạc quan, có nhãn quan văn hóa, tin ở những điều thiêng lại thấy đây là một dự án phát triển Thủ đô trên một nền tảng tâm linh thống nhất, mặt khác, là một dự án mang bản chất về nguồn, tích hợp tâm linh.

Thực tế, trong Chiếu dời đô Lý Công Uẩn đã quan tâm nhất tới điều gì?

Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, viết thủ chiếu rằng: Ngày xưa nhà Thương đến Bàn Canh là năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương là ba lần dời đô, há phải là các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng mà tự dời đô bậy đâu, là vì mưu chọn chỗ ở chính giữa làm kế con cháu ức muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo lòng dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi. Bởi thế ngôi truyền dài lâu, phong tục giàu thịnh.

Thế mà nhà Đinh, nhà Lê lại theo lòng riêng, lơ là mệnh trời, không noi theo việc cũ nhà Thương, nhà Chu, yên ở nơi quê quán, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không nên. Trẫm rất xót thương không thể không dời đi nơi khác.

Huống chi đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà đóng đô, các khanh nghĩ thế nào?”.

Đọc Chiếu dời đô, ta thấy tinh thần chính, tư tưởng chính của Lý Công Uẩn không nằm ở câu cuối cùng “Các khanh nghĩ thế nào?” như ông Dương Trung Quốc dẫn ra và phiên dịch theo tinh thần văn hóa phương Tây. Tư tưởng chính của Chiếu dời đô là “mưu chọn chỗ ở chính giữa làm kế con cháu ức muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo lòng dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi. Bởi thế ngôi truyền dài lâu, phong tục giàu thịnh”.

Theo mạch nghĩ này, sự bền vững thịnh vượng và phát triển của con cháu muôn đời là mục đích tối cao của việc dời đô, mục đích ấy muốn đạt được trước hết phải chọn được thế đất chính giữa cho Thủ đô, (tức Địa lợi), sau nữa phải kính mệnh Trời (Thiên thời), kế đến mới là theo lòng dân (Nhân hòa). Ở đây, yếu tố Địa lợi vốn đứng thứ hai trong quan niệm Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa của người xưa đã được Lý Công Uẩn đẩy lên 

hàng đầu, chứng tỏ tư tưởng địa linh là yếu tố quan trọng bậc nhất trong tư duy dời đô của Lý Công Uẩn. Tư tưởng địa linh có màu sắc phong thủy ấy đã thể hiện rất rõ trong Chiếu dời đô khi Lý Công Uẩn nêu rõ những ưu thế về phong thủy của đất Đại La: “Huống chi đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước”.

Vào thế kỷ thứ XI, văn hoá tâm linh có màu sắc vật linh và tam giáo đã thấm đẫm trong xã hội Việt Nam, với tư cách một Hoàng đế - Thiền sư, Lý Công Uẩn phải tắm mình trong văn hóa của thời đại để tư duy về đại sự. Mặc dù ngày nay trong dân gian vẫn lưu giữ hình ảnh Cao Biền như một thầy phù thuỷ có những hành vi trấn yểm để triệt tiêu nhân tài và nguyên khí của Việt Nam, nhưng trong Chiếu dời đô ta thấy Lý Công Uẩn nhắc đến Cao Biền bằng một thái độ trân trọng, gọi là Cao Vương, và coi sự lựa chọn Đại La của Cao Biền như một tham chiếu về phong thuỷ tâm linh quan trọng.

TS Nguyễn Quốc Tuấn trong bài viết “Quy hoạch Tâm linh - tôn giáo của kinh thành Thăng Long” đăng trên tạp chí Nghiên cứu tôn giáo năm 2007 đã phê phán thái độ phi lịch sử của hậu thế hôm nay khi những người nghiên cứu bình luận về Chiếu dời đô hầu như lờ đi không đả động đến thái độ trân trọng của Lý Công Uẩn với Cao Biền.

Theo ông, thái độ trân trọng đó là biểu hiện của việc coi trọng phương diện tâm linh - tôn giáo hơn phương diện chính trị thuần túy: “Với bản thủ chiếu, Lý Thái Tổ đã cho ta một khuôn mẫu định đô với tư cách kế thừa sự lựa chọn của Cao Biền. Nhìn vào sự lựa chọn này, ta có thể gọi vùng đất quanh sông Tô, núi Nùng là "minh đường" tuyệt hảo của đất nước Đại Việt.

Những khảo sát lịch sử và địa lí cho thấy thế minh đường của núi Nùng, sông Tô (và những núi, sông khác có tại đây) là rõ ràng, và vì thế, địa điểm này đã được chọn, chỉ khác nhau ở mục đích lựa chọn giữa Cao Biền và Lý Thái Tổ. Lý Thái Tổ chọn để chấn hưng quốc gia, phát triển quốc gia".

TS Nguyễn Quốc Tuấn cũng cho rằng qua các cung điện, chùa, quán trong khu vực Long Thành nằm trong Kinh thành có thể thấy mặt siêu việt của Kinh thành Thăng Long tức là phương diện Tâm linh - Tôn giáo (Spiritualiste - Religieux) đã có vai trò quan trọng trong kiến tạo mặt bằng tổng thể của Thăng Long.

Như vậy có thể nói, một trong những động cơ thôi thúc Lý Công Uẩn dời đô là động cơ tâm linh, mong tìm kiếm một kinh đô đắc địa theo tiêu chuẩn phong thủy lúc bấy giờ. Nói cách khác, Thăng Long đã ra đời và phát triển như một thủ đô xây dựng trên nền móng tâm linh, hướng tới sự phát triển bền vững cho muôn đời sau.

Một dự án kế thừa và tích hợp tâm linh

Trong bạt ngàn các ý kiến bàn về dự án mở rộng Hà Nội, chỉ có một ý kiến cho rằng dự án cần quan tâm tới yếu tố phong thủy để đảm bảo hạnh phúc của toàn dân vì Thủ đô là của chung cả nước. Có thể nói, với đề xuất mở rộng Thủ đô ôm trùm cả địa giới tự nhiên tỉnh Hà Tây và một số xã, huyện  thuộc các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Dự án mở rộng Thủ đô đã đáp ứng được cả hai yêu cầu: vừa phát triển, vừa tích hợp tâm linh vì Hà Nội mở rộng vẫn sẽ nằm trọn trong thế đất rồng cuộn hổ ngồi mà Lý Công Uẩn đã chọn.

Nhìn  bằng nhãn quan phong thủy, Đại La có địa thế tốt vì đã đạt được một bối cảnh hài hòa và hoành tráng giữa các kiến trúc tọa lạc trên đó với sông núi vây quanh (núi Nùng, sông Tô) và núi chủ trong khu vực (chủ sơn). Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, chủ sơn của Thăng Long - Hà Nội  là Tản Viên làm hậu chẩm và sông Cái bao la làm lưu thủy, Tam Đảo làm tiền án. Theo định nghĩa của môn phong thủy, Long mạch khởi nguồn từ những ngọn núi cao (gọi là Tổ sơn) và còn xuất phát từ những khu vực khác (gọi là Thiếu sơn).

Theo các nhà nghiên cứu về tư tưởng địa linh, có thể thấy được có một Long mạch rất lớn bắt nguồn từ núi Tản Viên và các rặng núi phía Tây, Tây Bắc của Thành Đại La kéo dài qua thành Đại La theo dọc sông Tô Lịch (khí thường đi theo nước), chạy qua khu vực Hồ Tây bây giờ (Hồ Tây trước kia là một khúc của dòng sông Hồng), sau đó sang tới tận địa phận Cổ Loa - Đông Anh và đi tiếp tới dãy Yên Tử rồi tới tận Quảng Ninh. Không phải ngẫu nhiên mà truyền thuyết kể rằng Cao Biền đã thực hiện trấn yểm ở núi Tản Viên và sông Tô Lịch nhằm ngăn Long mạch. 

Núi Ba Vì được coi là núi thiêng của cả nước từ bao đời nay, gắn liền với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ và truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Văn hóa tâm linh của Thăng Long xưa liên quan tới tư tưởng địa linh còn để lại dấu vết ở các đình đền thờ thần Tản Viên và hai anh em Cao Sơn trong các phố cổ Hà Nội như đình Đồng Lạc ở 38 Hàng Đào, đình Đại Lợi ở số 50 Gia Ngư, đình Trang Lâu số 77 Nguyễn Hữu Huân, đình Đông Hà số 46 Hàng Gai...

Việc Thánh Tản viên - một trong Tứ bất tử của Việt Nam - và thần Cao Sơn, con Lạc Long Quân và Âu Cơ là nhân vật truyền thuyết lâu đời, một bộ tướng thân cận của Sơn Tinh được thờ cúng có hệ thống trong các phố cổ Hà Nội là minh chứng cho mối quan hệ tâm linh giữa núi Tản Viên và đất Thăng Long.

Thăng Long - Hà Nội không chỉ là mảnh đất thiêng theo tinh thần tư tưởng địa linh, mà còn là kinh đô ngàn năm văn hiến với một bề dày trầm tích văn hóa tâm linh không mấy Thủ đô trên thế giới sánh kịp.

Trải qua một ngàn năm lịch sử với sự thay thế luân phiên của bao nhiêu quan niệm triết học và xã hội khác nhau, đất Thăng Long - Hà Nội vẫn giữ được một mẫu số chung thiêng liêng của một vùng đất Thánh, đất Phật với sự nảy sinh và trường tồn của bao nhiêu huyền tích, sự tích và giai thoại đậm màu sắc tâm linh - tôn giáo như huyền tích, sự tích, giai thoại, Phật thoại về Hồ Tây, Hồ Gươm, đền Quan Thánh, đền Đồng Cổ, đền Voi Phục, chùa Một Cột, v.v...

Vì thế, bảo tồn Hà Nội rút gọn lại là bảo tồn cái nền móng tâm linh mà người xưa để lại, phát triển trên cái nền móng ấy, tích hợp các yếu tố tâm linh phù hợp để củng cố cái nền móng đã làm nên cái thiêng liêng ngàn đời của đất Thủ đô.

Việc mở rộng Hà Nội sang toàn bộ địa giới tự nhiên của tỉnh Hà Tây cũng đồng thời là sự tích hợp các yếu tố văn hóa tâm linh của xứ Đoài vào văn hóa Thăng Long, vì Hà Nội và Hà Tây cùng nằm trên một vùng đất địa linh theo quan niệm phong thủy, cùng có lịch sử phát triển trên nền móng tâm linh là văn hóa Phật giáo, cùng tổ chức không gian xã hội theo hệ thống làng nghề.

Như vậy, Hà Nội mở rộng không chỉ có thêm những lô đất đắt giá của Hà Tây sẽ được bán theo giá đất Hà Nội như những cách nhìn bất cập về văn hóa tâm linh đã nhấn mạnh, mà còn có thêm một hệ thống chùa chiền nổi tiếng như chùa Thầy, chùa Hương, chùa Tây Phương... cùng hệ văn hóa với các chùa chiền Hà Nội sẽ được đưa vào hệ thống du lịch văn hóa và sinh hoạt tín ngưỡng của Thủ đô.

Học giả Lê Mạnh Thát đã cho rằng, Phật giáo là một vũ khí tư tưởng chống lại một cách thành công mọi âm mưu đồng hóa của thời kỳ Bắc thuộc, hơn thế nữa, chính Phật giáo, với tư tưởng bình đẳng tuyệt đối của nó, đã đem lại cho dân tộc ta một sức mạnh tri thức và tinh thần lớn lao để đứng lên đòi lại nền độc lập từ tay ngoại bang.

Việc tích hợp hệ thống văn hóa Phật giáo của Hà Tây vào Hà Nội là một động thái củng cố nền móng tâm linh văn hóa cho dân tộc. Bên cạnh đó, hệ thống làng nghề nổi tiếng của Hà Tây cũng sẽ được tích hợp vào hệ thống các phố nghề của Hà Nội một cách hài hòa. Những sự tích hợp tâm linh - văn hóa kết hợp được cả bảo tồn và phát triển này sẽ phải được phản ánh trong quy hoạch Thủ đô mở rộng một cách cụ thể và khoa học ở tầm chiến lược.

Nền móng tâm linh của Thăng Long- Hà Nội

Người ta đã đặt cho Hà Nội nhiều cái tên khác xa nhau: Đất Thánh, đất Kinh kỳ, đất Kẻ Chợ, đất Tràng An, đất Thăng Long, Thành phố hòa bình, Thành phố cây xanh, Thành phố ngàn năm tuổi… Mỗi cái tên nói lên một khía cạnh của Thăng Long - Hà Nội, một thủ đô tích hợp những khía cạnh khác xa nhau, vừa linh thiêng vừa trần thế, vừa thanh bình yên ả hào hoa, vừa sôi động tinh thần nghề nghiệp và thương mại.

Nhưng dù 36 phố phường xây dựng trên chân móng các làng nghề truyền thống, dù ở tuổi 1.000, Hà Nội lại hồi xuân trong những bước phát triển hiện đại mang tinh thần thương mại và hội nhập, Hà Nội vẫn mãi mãi là một kiểu Đất Thánh, vì đây là một thủ đô xây dựng trên nền móng tâm linh.

Trong hàng trăm ý kiến bàn về Dự án, chỉ có một vài ý kiến tiếp cận từ góc độ tâm linh và an ninh quốc phòng. Vậy mà dường như ai góp ý kiến đóng góp cho đại sự mở rộng Thủ đô cũng chân thành nghĩ mình đang bảo vệ sự trường tồn của một Thăng Long  linh thiêng do Hoàng đế Lý Công Uẩn khai sinh.

Chẳng thế mà, khi nhà sử học Dương Trung Quốc với một thuật hùng biện vang dội như trống đồng, sắc bén như kiếm lệnh, nhắc lại lời kết của Chiếu dời đô: “Các khanh nghĩ thế nào?”, báo chí đã dành ra cả cột kể lại lời ông làm cho hàng triệu người xúc động, cảm thấy như cụ Lý hiện về lên tiếng đòi quyền dân chủ và bảo vệ Thăng Long.

Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn
.
.
.